| Hotline: 0983.970.780

HTX nông nghiệp đang ở đâu?

Thứ Năm 05/09/2013 , 09:47 (GMT+7)

“Bế tắc”, “bất lực”, “khó trăm bề”… Đó là những từ cửa miệng của không ít vị chủ nhiệm, những người quản lý hợp tác xã khi nói về hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trong thời buổi hiện nay.

“Bế tắc”, “bất lực”, “khó trăm bề”… Đó là những từ cửa miệng của không ít vị chủ nhiệm, những người quản lý hợp tác xã khi nói về hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) trong thời buổi hiện nay. 

Nhóm phóng viên Báo NNVN đã ghi nhận thực tế tại nhiều địa phương để bạn đọc thấy được cái nhìn tổng quan về vấn đề này. 

Chết lâm sàng (!)

Huyện Ứng Hòa (Hà Nội) có nhiều HTX DVNN hữu danh nhưng vô thực, mặc dù có đầy đủ tư cách pháp nhân, quản lý hàng ngàn xã viên, nhưng lại hoạt động vô cùng èo uột, yếu ớt.

“Tài sản chẳng có gì”

Mặc dù quản lý hơn 1.000 mẫu ruộng với khoảng 2.900 hộ xã viên, thế nhưng Ban Quản trị HTX DVNN Trường Thịnh (xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa) vẫn phải làm việc trong một căn nhà cấp 4 cũ nát rộng chưa đầy 20 m2, nhếch nhác đến thê thảm, trước đây là HTX mua bán được xây dựng từ thời bao cấp.

Trải qua hơn 30 năm nắng dãi mưa dầm, tường vôi tróc lở lõm luếch, ngói dột nát tứ tung, không hề có bảng hiệu ghi tên. Nhìn từ bên ngoài, trông nó giống như một nhà kho chứa đồ phế liệu.

Ngoài xơ xác đã đành, nhưng bên trong cũng lại rỗng tuếch, không có bất cứ thứ gì đáng giá ngoài 1 cái quạt điện cơ, 1 cái đồng hồ, bộ ấm chén và bộ bàn ghế khấp khểnh mòn sơn.

Ông Đoàn Văn Thuận, Chủ nhiệm HTX Trường Thịnh thở dài: “Một HTX to như thế nhưng tài sản chẳng có gì. Thỉnh thoảng đến đây làm việc xong lại chuồn. Cố gắng lắm mới sắm được cái máy tính, nhưng để ở đây thì chết với trộm, phải giao cho cô kế toán mang về nhà quản lý?”.


Tài sản của HTX DVNN Trường Thịnh gần như rỗng tuếch

Ông kể tiếp: “Đợt mưa bão vừa rồi, UBND xã có công điện yêu cầu HTX phải thường trực. Tôi bảo: Vâng, nhưng có điều là chúng tôi thường trực ở đâu? Trụ sở chỗ nào cũng dột hết rồi. Chẳng nhẽ vào hội trường của xã khoanh một chòm để anh em thường trực ở đấy à? Chúng tôi chỉ thường trực ở nhà thôi, có gì thì gọi. Còn thường trực ở những chỗ lang chạ chúng tôi không làm được…

Khách vào có khi còn chẳng biết HTX ở đâu. Mới đây, lãnh đạo huyện về duyệt Đề án xây dựng NTM, một cán bộ Phòng Nông nghiệp- PTNT hỏi trụ sở của HTX nông nghiệp ở chỗ nào? Các anh (lãnh đạo xã - PV) luống ca luống cuống bảo ở nhà trẻ trong kia. Nhưng nhà trẻ trong kia đang trông trẻ, chẳng nhẽ đuổi các cháu đi để cho HTX vào trong đấy à (?!)”.

Về quyền lợi, HTX DVNN được phép kinh doanh nhiều dịch vụ nông nghiệp, nhưng ở HTX Trường Thịnh chỉ phục vụ dịch vụ tưới tiêu nước nội đồng, bảo vệ đồng điền và chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Giải thích về điều này, ông Thuận cho biết: Dịch vụ nào bắt buộc (không làm không được) thì chúng tôi mới làm, còn cung ứng vật tư và làm đất thì rất tốt, nhưng không thể làm được. Bởi, hôm nay anh đầu tư cho nông dân giống má phân gio, ngày mai anh không thu được là anh chết. Anh thuê máy cày, bừa cho người ta nhưng mai dân không trả tiền là anh cũng chết. Mà 2 dịch vụ này là dịch vụ lắm tiền, đầu tư không dưới 100.000đ/sào.

Giả sử bây giờ mà bảo Nhà nước hoặc HTX đầu tư vào để làm những việc này cũng không hiệu quả. Vì người ta bảo: “Ối! vốn là của HTX, của tập thể”, người ta chây ì, không thể đòi được.

Vô cùng bế tắc

Mỗi vụ, HTX Trường Thịnh thu phí dịch vụ 2 kg thóc/sào, trong đó có 1,5 kg chi phí cho công tác thủy lợi nội đồng, 0,2 kg trả công bảo vệ đồng điền và 0,3 kg còn lại để chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Ông Chủ nhiệm HTX Trường Thịnh tiếp tục phân trần: Như vụ xuân vừa rồi, nếu thu được toàn bộ, chúng tôi có khoảng 20 tấn. Nhưng, dân vẫn nợ mất khoảng 10 tấn. Vậy là âm vốn. Ngày xưa, nếu ai không đóng sản phẩm thì chính quyền rút ruộng ra. Nhưng bây giờ trào lưu của nông dân là muốn bỏ ruộng. Các đoàn thể, tổ chức đang phải ra sức vận động nhân dân cày cấy nên nếu HTX rút ruộng ra thì người ta bảo ông cứ rút thoải mái, ông thuê ai cấy thì tùy. Mà không có người cấy, mình phải nộp sản bù thì càng chết…

Theo Luật HTX, chúng tôi phải tự hạch toán kinh doanh. Nhưng ở đây, hỏi có ai đóng góp cổ phần không? Chẳng ai đóng. Các thành viên trong Ban Quản trị do Đại hội xã viên bầu ra, xác định tinh thần phục vụ bà con là chính, chứ không phải chúng tôi tự nguyện hợp tác với nhau, cùng nhau góp vốn để kinh doanh và đặt lợi nhuận lên đầu. Vì thế, chúng tôi vẫn phải thu của xã viên để trả lương cho mình.

Ông Đỗ Văn Thịnh, Phó Chủ nhiệm HTX Trường Thịnh, chia sẻ: Nhiều lúc anh em vẫn tâm sự với nhau, nếu cứ làm cán bộ HTX khoảng 4-5 khóa liên tiếp, đến khi nghỉ việc thì chắc chắn sẽ trở thành hộ nghèo. Bởi vì lương của chúng tôi (trừ Chủ nhiệm HTX được 1.150.000 đ/tháng) đều dưới mức lương tối thiểu.

Cống hiến bao nhiêu năm cũng không được tăng, đến khi nghỉ hưu rồi chẳng được 1 đồng trợ cấp. Với số tiền ấy, trừ chi phí xăng xe, điện thoại… thì không đủ tự nuôi mình chứ đừng nói là chăm sóc cho gia đình.


Trụ sở làm việc của HTX DVNN Trường Thịnh

"Bây giờ, có thể nói là gần như 100% HTX DVNN đang bị suy thoái. Nhà nước đang băn khoăn, không biết giải quyết tình trạng này như thế nào. Bản thân tôi là người trong cuộc, cũng không thể suy nghĩ ra được lối thoát. Tại sao nó lại suy thoái đến mức độ như thế, trong khi doanh nghiệp lại đang được quan tâm hàng đầu? Quả là khó trả lời", ông Thuận tiếp lời.

Chủ yếu hoạt động không hiệu quả

Sự trì trệ, thiếu sinh khí trong hoạt động kinh doanh dịch vụ của HTX DVNN không chỉ tồn tại cá biệt ở xã Trường Thịnh, mà trở thành một hiện trạng phổ biến. Ngay cả phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cũng phải thừa nhận: toàn huyện có 106 HTX DVNN thì gần như toàn bộ là hoạt động không hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Ninh, Chủ tịch UBND xã Vạn Thái cho biết: xã có 2 HTX DVNN quy mô thôn là Thái Bình và Nội Xá. Toàn bộ xã viên là người dân của xã với 2.350 hộ, 10.000 nhân khẩu. Khi bàn về hiệu quả hoạt động của các HTX, nét mặt vị Chủ tịch có chút thoáng buồn: “Cứ nhìn vào đồng lương của các thành viên trong Ban quản trị HTX thì anh sẽ biết hiệu quả hay không: Chủ nhiệm HTX được khoảng “1 phẩy” (1.150.000 đ), Phó Chủ nhiệm, Trưởng ban Kiểm soát được 80% lương chủ nhiệm (920.000 đ). Kế toán còn 60% (690.000 đ) và các Đội trưởng chỉ 40% (460.000 đ). Đến vụ thu được róc (toàn bộ) tiền dịch vụ thì còn có lương, nhưng nếu dân mà nợ thì hàng bao nhiêu vụ, bao nhiêu năm cũng không có lương”.

Trước đây, ngoài nhiệm vụ bảo vệ đồng điền, thủy lợi, làm đất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các HTX còn cung ứng phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật... cho dân, nhưng về sau vì không có vốn nên vụ nào vay được thì làm dịch vụ, vụ không vay được tiền thì nghỉ.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ nhiệm HTX DVNN Thái Bình tâm sự: Hoạt động của HTX chúng tôi thực chất là “thu hộ, chi hộ” (thu được bao nhiêu chi bấy nhiêu). Ví dụ, thu của người dân 50.000 đ/sào khâu làm đất, thì trả tiền thuê máy phay cho tư nhân đúng 50.000 đ/sào. Chỉ trích một phần nhỏ phí dịch vụ bảo vệ đồng điền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, diệt chuột... để trả lương cho các thành viên.

Hôm tôi đến, trên tấm bảng treo trong phòng họp của HTX Thái Bình vẫn ghi dòng chữ: Kế hoạch trong tháng 8/2013: Thành lập đoàn thu hồi sản phẩm, 4 xóm trưởng lên danh sách các hộ; thanh toán lương năm 2012 (cho các thành viên trong HTX) và khâu làm đất cho chủ máy phay trước ngày 21/8/2013. Như vậy, tiền lương của họ đã bị “đắp chiếu” gần 1 năm trời.

“Tài sản của HTX Thái Bình ngoài con người ra thì có lẽ chẳng có gì. Đến phòng họp và bàn ghế cũng phải mượn tạm nhà văn hóa thôn. Mình muốn mua máy cày, máy bừa cũng không mua được. Đến cái máy tính cũng chưa có vì còn phải đi trả nợ những dịch vụ đầu sào khoán cho tư nhân”, ông Sơn nói.

Bây giờ, vốn tập thể của HTX bằng 0 nên không thể cạnh tranh được với các đại lý. Giả sử, cùng với một loại giống cây trồng, HTX bán với giá thấp hơn các đại lý, nhưng vì dân được chịu nên vẫn đổ xô mua bên ngoài. Còn nếu muốn mua giống của HTX, dân phải đăng ký và ứng tiền trước nên chẳng ai đoái hoài.

“Vụ xuân vừa rồi chúng tôi chở lúa giống về lại mang đi. Đối với dịch vụ bảo vệ thực vật, nhiệm vụ của HTX chỉ là thăm đồng, phát hiện dịch bệnh và thông báo lên loa truyền thanh để bà con tự mua thuốc, tự phun hoặc đánh bả chuột”, Phó Chủ nhiệm HTX Thái Bình nói.

Ông Bùi Quang Vinh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết: Toàn huyện có 28 xã, thị trấn với 106 HTX DVNN. Có xã 10 thôn thì có 10 HTX. Dân bây giờ cấy chủ động rồi, giống, vật tư nông nghiệp họ tự lo được. Chỉ còn mỗi thủy lợi nội đồng là phải nhờ đến tổ chức. Nhưng đã có Nhà nước hỗ trợ thủy lợi phí, giao cho xí nghiệp thủy nông đảm trách tốt hơn.

Trong khi đó, cơ cấu nhân sự của một HTX không hề ít, từ ông Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm đến kiểm soát, kế toán, thủ kho, thủ quỹ và các nhân viên… thế nên, nếu duy trì mà hoạt động không hiệu quả thì sẽ gây lãng phí rất lớn.

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024: Giảm tới 730 đồng/lít

Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024 đồng loạt giảm. Trong đó, giá xăng mất khoảng 300 đồng, còn giá dầu giảm tới 730 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

WinCommerce hướng đến mục tiêu 4.000 cửa hàng vào cuối 2024

Ngày 25/4/2024 tại TP.HCM, Công ty CP Tập đoàn Masan và hai công ty thành viên Masan Consumer, Masan MEATLife đồng tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024.

Bình luận mới nhất