| Hotline: 0983.970.780

Ma trận thị trường thuốc BVTV

Thứ Tư 18/09/2013 , 09:58 (GMT+7)

Độ 2 năm nay, các công ty, đại lý kinh doanh thuốc BVTV siêu nhỏ mọc lên như nấm. Thuốc rầm rập đổ về nông thôn, bằng các chiêu trò bán thuốc kỳ lạ, người nông dân rất dễ bị lừa, lợi nhuận kinh doanh rất lớn nhưng chất lượng vô cùng bát nháo.

Lật tẩy các chiêu trò kinh doanh lừa dân

Độ 2 năm nay, các công ty, đại lý kinh doanh thuốc BVTV siêu nhỏ mọc lên như nấm. Thuốc rầm rập đổ về nông thôn, bằng các chiêu trò bán thuốc kỳ lạ, người nông dân rất dễ bị lừa, lợi nhuận kinh doanh rất lớn nhưng chất lượng vô cùng bát nháo. 

Vì lợi nhuận bất chấp chất lượng

Hầu hết các tỉnh trong khu vực ĐBSH đều có trên 1.000 đại lý thuốc BVTV đăng ký và các đại lý trôi nổi. Nhiều nơi còn có tình trạng buôn thúng bán mẹt, thuốc BVTV được bày bán ngoài chợ như bán rau, sáng đưa thuốc ra chợ bán, trưa xách về cả túi tiền lời. Càng những nơi nông dân kém hiểu biết, đại lý càng có cơ hội bán hàng trôi nổi, độc quyền và chỉ cần một 2 vụ bán hàng độc quyền là trở nên giàu có, xây nhà, mua xe, cho con đi du học…

Toàn tỉnh Hải Dương có tới 1.200 đại lý kinh doanh thuốc BVTV đăng ký, số kinh doanh trôi nổi bên ngoài thị trường thì không đếm nổi. Người nông dân gọi số trôi nổi này là các đại lý buôn thúng bán mẹt. Trong thời buổi mà các công ty siêu nhỏ mọc lên như nấm (một tỉnh có tới hàng trăm công ty) thì các đại lý buôn thúng bán mẹt, các cấp 1 tí hon, các đại lý cấp 1 không có thị trường ổn định cũng bước vào thời kỳ hoàng kim.


Thị trường thuốc BVTV đang bát nháo

Ông T, chủ một đại lý kinh doanh thuốc BVTV có tiếng là đàng hoàng ở TP Hải Dương (Hải Dương). Tâm huyết nhưng cũng rất bức xúc với thực trạng bát nháo của thị trường thuốc BVTV hiện nay, vậy mà cũng có thời điểm ông T buộc phải nhập hàng kém chất lượng vào để cạnh tranh với các đại lý siêu nhỏ.

Ông T giãi bày: “Năm ngoái, năm kia mới chỉ có khoảng chục người đi giao hàng cho các công ty siêu nhỏ. Sang năm nay tăng lên ba bốn chục người. Đa số họ đều từng công tác ở các công ty, thấy việc kinh doanh thuốc BVTV lợi nhuận nhiều quá nên tách ra tự làm.

Tự lấy thuốc, tự tìm đến các cấp 1 tí hon, các đại lý cấp 1 không có thị trường ổn định, chi tiền chênh lệch lợi nhuận cao và tạo điều kiện cho các đại lý này đi bán hàng rong, chào mời hàng hóa xuống các đại lý buôn thúng bán mẹt để đánh lừa người dân. Thị trường thuốc BVTV chẳng khác nào ma trận”.

Thị trường thuốc BVTV bị lũng đoạn bởi các công ty siêu nhỏ, những đại lý lớn như ông T rơi vào cảnh kinh doanh cầm chừng. Muốn có lợi nhuận phải chấp nhận bán các mặt hàng kém chất lượng.

Mặc dù hầu hết các sản phẩm thuốc BVTV do các đại lý công ty siêu nhỏ này cung ứng cho người dân đều có trong danh mục thuốc BVTV đã được đăng ký, nhưng những người trong nghề như ông T khẳng định: Chất lượng chỉ như nước lã. Các sản phẩm do các công ty này cung ứng cho các đại lý cấp 1 tí hon, các đại lý bán hàng rong và kiểu “buôn tận gốc bán tận ngọn” thường có giá đầu vào chỉ chưa đến một ngàn đồng, cả bao bì. Nhưng chỉ cần qua một khâu trung gian, khi đến tay người dân bị đội lên 5-7 ngàn đồng như thường.

Ví dụ như sản phẩm phòng trừ bệnh đạo ôn, vàng lá GOLD ONE của Công ty TNHH Thuốc BVTV liên doanh Nhật Mỹ. Hàm lượng Tricyclazole ghi trên bao bì là 75g/kg

Thử tra tên loại thuốc này trong Danh mục thuốc BVTV năm 2013 thì đây là sản phẩm của Cty Cổ phần thuốc BVTV Việt Trung đã được đăng ký. Theo ông T, sau khi thị trường thuốc BVTV bát nháo, Cty Việt Trung thành lập ra 6 công ty con khác để tự cạnh tranh như Cty Việt Thành, Cty Nhật Mỹ…

Năm ngoái, chính ông T đã nhập một số kiện hàng GOLD ONE với giá chỉ 2 ngàn đồng mỗi gói, vậy mà khi tìm hiểu ông vẫn bị người ta chê đắt vì thực tế một số nơi chỉ nhập có 1.800 đồng. Trớ trêu ở chỗ, những sản phẩm này đến tay nông dân dao động ở mức 5-7 ngàn đồng mỗi gói, tức lợi nhuận của các đại lý cấp 1 tí hon, các đại lý buôn thúng bán mẹt hưởng luôn luôn gấp 2-3 lần.


Các sản phẩm na ná nhau tràn lan

“Về giá cả như thế, còn chất lượng thì tôi dám khẳng định là những sản phẩm hàm lượng Tricyclazole 75g/kg không diệt được gì, chẳng qua người dân nhìn vào không biết nên mới mắc lừa thôi”, ông T khẳng định.

Có một điều lạ, chất lượng những sản phẩm mà các đại lý khẳng định “không ra gì” này tại sao lại được đăng ký trong danh mục thuốc BVTV? Bởi quy trình đăng ký hoạt chất, tên sản phẩm phải trải qua quá trình khảo nghiệm, ít nhất là 3 năm mới được đưa ra thị trường theo quy định.

"Thực tế là bây giờ đăng ký các sản phẩm thuốc BVTV không biết người ta có khảo nghiệm không nữa? Mà giả sử có khảo nghiệm thật thì cũng lắm trò. Tôi nghe giới kinh doanh thuốc BVTV kháo nhau phương pháp đánh lừa những người khảo nghiệm là họ chỉ cần mua một ít các sản phẩm có chất lượng về, lấy ruột ra rồi đóng gói vào bao bì trắng gửi đi kiểm nghiệm.

Sau khi có được “lá bùa” này thì tha thồ làm càn, bán sản phẩm rởm. Thành thử trong thị trường thuốc BVTV bây giờ xuất hiện 2 người đàn ông. Một người tên Th ở Hà Nội, chuyên đi mua các tên đăng ký ở Cục BVTV rồi bán lại cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Một người nữa ở Trung Quôc là trùm phân phối, chuyên môi giới đóng gói các mặt hàng thuốc BVTV nhập lậu. Làm kiểu ấy thử hỏi lấy đâu ra chất lượng”. Cả ông T và một cán bộ trong ngành BVTV ở tỉnh Hải Dương đều khẳng định như thế.

Nhìn vào thị trường thuốc BVTV hiện nay, với chỉ một số loại sâu bệnh nhất định nhưng có tới hơn 3.000 loại thuốc BVTV, trong đó có rất nhiều sản phẩm cùng hoạt chất, tên thuốc na ná nhau. Giữa một ma trận tốt xấu lẫn lộn, nông dân thực sự không thể nào phân biệt được đâu là tốt, đâu là xấu.

Đây cũng chính là kẽ hở để các công ty tung ra sản phẩm một cách tràn lan, bán độc quyền mệt nghỉ và các đại lý tha hồ tâng giá kiếm lời trên những thửa ruộng vốn nhiều mồ hôi, công sức nhưng ít lợi nhuận của bà con nông dân. Mặt khác, theo đánh giá của cán bộ ngành BVTV và các đại lý thì mấy năm nay sâu bệnh tương đối ít nên việc đánh giá chất lượng thuốc BVTV ở các địa phương gần như không thể.

Phá giá, độc quyền để thao túng

Được đánh giá là có chất lượng tốt, vậy mà ở thị trường thuốc BVTV các tỉnh ĐBSH, những sản phẩm của các đại gia ngành thuốc BVTV hiện nay như Bayer, Syngenta, ADC, Công ty BVTV 1 Trung ương hoàn toàn lép vế so với các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ.

Nguyên nhân là do các sản phẩm của các công ty lớn này đang bị các công ty siêu nhỏ, các đại lý cấp 1 chuyên bán hàng rong tổ chức dìm hàng bằng rất nhiều thủ đoạn tinh vi. Người dân không thể tiếp cận được các sản phẩm thuốc BVTV có chất lượng và thương hiệu.

 Để có cách nhìn rõ nhất các chiêu trò kinh doanh thuốc BVTV hiện nay, PV NNVN đã vào vai một chủ buôn tiếp cận mua hàng tại đại lý Oanh Đoan, cơ sở kinh doanh thuốc BVTV lớn nhất huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

 Oanh Đoan là đại lý cung ứng thuốc BVTV không chỉ riêng trong địa bàn huyện Thanh Miện và còn phủ sóng sang nhiều vùng khác bằng hình thức độc quyền một số mặt hàng thuốc BVTV của các công ty. Chính vì vậy, thị trường thuốc BVTV ở nhiều nơi bị chủ đại lý này thao túng. Để bán được sản phẩm độc quyền với giá cao, số lượng lớn, chủ đại lý Oanh Đoan đề ra chủ trương dìm hàng, bán phá giá các sản phẩm của các Cty lớn như Bayer, Syngenta, ADC…

Ví dụ như sản phẩm Tilt super trừ bệnh vàng lá, lem lép hạt... Trong khi giá bán hòa vốn của các đại lý cấp 1 thông thường ở mức 8.180 đồng/cốc thì ở đại lý này sẵn sàng bán với giá chỉ có 7.800 đồng. Sản phẩm Anvil là 4.700.đồng/gói trong khi giá bán hòa vốn của đại lý thông thường là 5.000 đồng, các sản phẩm khác như Nativo, Tasodan, Tango, Bassa cũng bị bán phá giá tơi bời…

Mục đích của việc phá giá các sản phẩm uy tín là để kéo nông dân từ các đại lý khác. Họ chấp nhận lỗ hoặc hòa với các sản phẩm của các công ty lớn nhưng bù lại, lợi nhuận của các sản phẩm độc quyền rất khổng lồ.

Đại lý Oanh Đoan chủ yếu cung ứng các sản phẩm độc quyền của công ty Nông Phát và bán với lợi nhuận cao bất thường. Ví dụ gói Hecxawin nếu nhập đại lý sẽ để cho giá 1.800 đồng/gói 20cc và bán lẻ đến tay nông dân có thể được 4.500-5.000 đồng/gói. Đối với mặt hàng trừ sâu đại lý có dòng Emamectin bán ra với giá 2.500-3.000 đồng và bán lẻ ra dân 5.000-5.500 đồng.

Bình thường, đầu vụ, khi sâu bệnh còn ít, những đại lý kiểu này chỉ bán thuốc độc quyền, vì đó là thời điểm không thể đánh giá được chất lượng. Chỉ đến lúc sâu bệnh xuất hiện nhiều, cần đến thuốc tốt thì họ mới bán kèm các sản phẩm chất lượng của các công ty có uy tín. Nông dân không có sự lựa chọn, cứ cộng các loại thuốc bừa vào, loại nào tốt, loại nào không tốt cũng chịu. Không phân biệt được.

Quyền lực trong tay các đại lý kinh doanh ngày càng lớn. Thậm chí, các doanh nghiệp đóng gói sẵn sàng sản xuất bao bì theo đơn đặt hàng của các đại lý. Muốn mẫu mã thế nào cứ gửi đến, cần bao nhiêu cũng có. Chuyện bao bì giống nhau, sau vụ kiện giữa Cty Bayer và Hòa Bình không giải quyết được, các công ty thuốc BVTV mặc sức lộng hành, muốn in mẫu mã nào thì in, giống nhau y hệt cũng chẳng sao.

Chỉ tính riêng các hoạt chất Emamectin, Abamectin, Hecxaconazole, Triciclazole số lượng các sản phẩm đã không thể đếm được. Nếu ai đó có ý định thống kê các sản phẩm có tên thương hiệu na ná nhau của các dòng hoạt chất này thì tốt nhất là nên từ bỏ ý định này ngay bởi ngay cả những đại lý lão làng trong ngành thuốc BVTV cũng không thể thống kê hết. 

 

Nông dân gánh hậu quả

 “Thị trường thuốc BVTV bát nháo, nông dân là người chịu hậu quả. Vừa mất tiền lại không mua được thuốc có chất lượng. Nhái hay không có biết đâu, nhiều người bị nhầm, đại lý lái thế nào thì mua như thế, muốn mua thuốc tốt cũng chưa chắc mua được vì các đại lý giấu hàng đi để bán độc quyền. Giá cả thì trên trời, cạnh tranh, không ai quản lý cả”, một cán bộ Trạm BVTV ở tỉnh Hải Dương ngán ngẩm.

Xem thêm
Xử phạt nhiều công ty, đại lý cung ứng phân bón giả, kém chất lượng

Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện, xử phạt nhiều công ty, đại lý cung ứng, phân phối phân bón giả chất lượng, kém chất lượng... cho bà con nông dân.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.