| Hotline: 0983.970.780

Ai thiệt, ai lợi?

Thứ Ba 09/09/2008 , 10:49 (GMT+7)

Vì sao con cá tra Việt Nam cứ chao đảo trong một thời gian dài... Ở đây ai có lỗi, nông dân hay DN?

Hiện nay khi giá cá tra đang lên, chúng ta mới bình tâm nhìn lại nguyên nhân vì sao con cá tra Việt Nam cứ chao đảo trong một thời gian dài...Ở đây ai có lỗi, nông dân hay DN? 

DN lỗ hay không?

Vì sao giá cá tra XK trong một thời gian dài xuống thấp? ÔngTrương Đình Hoè, TTK Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) thừa nhận có hiện tượng một số DN cố tình bán giá thấp để giật mối hàng từ khách nước ngoài, nhưng nhìn chung giá thấp là bởi quy luật cung - cầu. Trong nửa năm qua, sản lượng cá tra Việt Nam đã lên tới cả triệu tấn, vượt xa nhu cầu tiêu thụ loại cá này trên thế giới. Khách hàng nước ngoài biết rõ thông tin này nên khi các DN Việt Nam, trước áp lực của lãi suất ngân hàng tăng cao, vốn ít…đua nhau chào bán cá, đã tranh thủ ép giá xuống thấp.

Vậy tại sao là nước gần như độc quyền trong việc XK cá tra, nhưng Việt Nam lại không thể “làm giá” được với đối tác? Ông Hoè lý giải, giá cao hay thấp cũng phải từ quy luật cung - cầu của thị trường. Trong thời gian qua, nguồn cung cá tra quá nhiều, mà loại cá này lại không là mặt hàng thiết yếu như gạo, nên các DN Việt Nam không thể dùng sự độc quyền để ép giá khách hàng nước ngoài. Bởi nếu mình vẫn bán giá cá tra ở mức cao, thì người ta sẽ chuyển ngay sang dùng những loại cá khác.

Tuy giá XK xuống thấp, nhưng ông Hoè cam đoan rằng đến giờ, vẫn chưa có DN nào XK cá tra với mức giá dưới giá thành chế biến. Ông Hoè khẳng định “Chẳng ai dại gì bán dưới giá thành để phải chịu lỗ”. Ngược lại, theo ông Nguyễn Văn Ký, Chủ tịch HĐQT Cty Việt Phú (Mỹ Tho, Tiền Giang), từ đầu năm đến nay, từ người nuôi cá tra đến các nhà cung cấp thức ăn cho cá và DN chế biến XK đều lỗ, chỉ có khách hàng nước ngoài là hưởng lợi.

Người nuôi luôn thiệt

Trong mấy năm qua, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (ĐH Cần Thơ) đã tổ chức điều tra 431 cá nhân, đơn vị thuộc các nhóm tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của con cá tra ở ĐBSCL. Những nhóm này gồm: nhóm người nuôi cá tra; nhóm trại giống; nhóm hỗ trợ như ngân hàng, kỹ thuật, khuyến ngư; nhóm thương lái; nhóm các DN chế biến; nhóm người tiêu dùng.

Theo các kết quả điều tra vừa được công bố mới đây: trong tổng lợi nhuận thu được từ con cá tra, người nuôi chỉ được hưởng 19,4%, các DN chế biến chiếm tới 78,5% tổng lợi nhuận, còn lại thuộc về thương lái. Tuy kết quả nói trên được ghi nhận trong năm 2007 và mấy tháng đầu năm 2008, khi giá cá tra còn mang lại lợi nhuận cho người nuôi, nhưng cũng đủ thấy so với DN chế biến, người nuôi cá tra được hưởng phần quá ít trong cái bánh lợi nhuận.

Còn trong mấy tháng qua, khi giá cá tra luôn ở mức dưới giá thành, người nuôi cá đương nhiên là đã lỗ chổng vó. Bởi thế, ở ĐBSCL, diện tích ao nuôi cá tra bị …treo tăng lên hàng ngày. Hậu quả là hiện nay, các DN bắt đầu lâm vào tình trạng “đói” cá tra nguyên liệu. Theo ước tính của VASEP, nguồn cá tra thiếu hụt sẽ lên tới vài trăm ngàn tấn.

Nâng định mức giá thành?

Vừa qua, 5 DNXK cá tra hàng đầu là Cty Hùng Vương (Tiền Giang), Cty Vĩnh Hoàng (Đồng Tháp), các Cty Nam Việt và Agifish (An Giang), Cty Cafatex (Cần Thơ) đã cùng ngồi lại với nhau, thống nhất cùng đẩy giá XK cá tra lên 5%, để nâng giá thu mua nguyên liệu trong nước. Ở một số thị trường quan trọng, giá cá tra cũng đã bắt đầu nhích lên. Chẳng hạn, ở thị trường Nga, đến thời điểm cuối tháng 8 vừa rồi, giá ca tra đã tăng lên tới 2,5 USD/kg.

Tuy nhiên, để giá XK cá tra luôn ổn định ở mức có lợi cho DN lẫn nông dân Việt Nam, việc xây dựng giá sàn XK là rất cần thiết. Nhưng đây lại là công việc khó thực hiện do định mức giá thành ở mỗi DN rất khác nhau, yêu cầu của từng thị trường đối với các sản phẩm cá tra cũng rất khác nhau. Theo ông Trương Đình Hoè, định mức giá thành chế biến cá tra của Việt Nam hiện nay đang quá thấp, bởi DN chưa tính hết những chi phí khác như phí môi trường, nên muốn nâng giá XK lên cũng khó. Bởi thế, Nhà nước cần phải có những quy định về việc phụ thu trong XK cá tra sẽ giúp DN tính được hết các chi phí sản xuất để nâng cao định mức giá thành và qua đó, nâng cao giá XK lên. Khoản tiền thu được từ các loại phí phụ thu này sẽ được dùng để tái đầu tư cho môi trường ở vùng nuôi cá…

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.