| Hotline: 0983.970.780

Quan trọng nhất là quản lý thị trường nhưng bị bỏ qua

Thứ Hai 10/05/2010 , 10:16 (GMT+7)

Năng suất và sản lượng lúa đã hoàn thành sứ mệnh của nó rồi, bây giờ phải là chất lượng tốt và giá trị cao...

TS. Lê Đức Thịnh, Viện Chiến lược Chính sách NN-PTNT

Trao đổi với NNVN, TS. Lê Đức Thịnh, Viện Chiến lược Chính sách NN-PTNT cho rằng, năng suất và sản lượng lúa đã hoàn thành sứ mệnh của nó rồi, bây giờ phải là chất lượng tốt và giá trị cao và muốn làm được điều ấy thì không có cách nào khác là phải quản lý thị trường tốt.

>> Nâng cao giá trị lúa gạo VN: Bài toán chưa ai giải
>> Không nhất thiết chạy theo sản lượng
>> Điểm sản xuất lúa tối ưu nằm đâu?

Năng suất, sản lượng đã hoàn thành sứ mệnh

Thưa ông, với tư cách là một nhà nghiên cứu chính sách nông nghiệp, hẳn ông có rất nhiều tâm tư với cây lúa, hạt gạo?

Câu chuyện năng suất, chất lượng, lợi nhuận bây giờ không phải là chỉ có cây lúa đâu, mà các sản phẩm nông nghiệp khác cũng thế. Phải nói rằng, thành tựu nông nghiệp của nước ta có được như ngày nay là nhờ vào nhiều cái, trong đó có tiến bộ KHKT, tiến bộ về giống… Những loại giống cho năng suất cao đã một thời kỳ giải quyết được những vấn đề hết sức quan trọng. Năm 1986 cả nước đạt trên 19 triệu tấn lương thực, nhiều người đã toát mồ hôi, nay đã đạt trên 40 triệu tấn. Kết quả đó là từ giống, từ kỹ thuật sản xuất, từ quản lý nhà nước, không ai phủ nhận. Nếu bây giờ chúng ta bức xúc chuyện chất lượng, giá trị mà đổ tại cho nông dân, nhà khoa học, hay quản lý nhà nước là chạy theo sản lượng thì không đúng lắm vì ở giai đoạn đó, sứ mệnh sản lượng đã hoàn thành xuất sắc.

Vậy điều gì đáng bàn ở đây, sản lượng thì ngày một nhiều mà giá trị thì lại thấp, nông dân vẫn khổ?

Bây giờ phải là lúa chất lượng. Nếu những năm trước đây, đưa lúa chất lượng cao ra thị trường chắc chắn là rất ít người mua vì người dân lúc ấy thu nhập thấp, nhu cầu của người tiêu dùng không có, nhưng bây giờ, nhu cầu ấy đã thay đổi. Người tiêu dùng hiện nay từ nông thôn cho đến thành phố ở trong nước và các quốc gia NK lúa gạo đều có nhu cầu gạo chất lượng, gạo ngon. Có nhu cầu lớn như vậy mà tại sao chất lượng lúa gạo của chúng ta vẫn thấp thế? Chỉ có thể trách các cơ quan dự báo thị trường, dự báo nhu cầu đã không theo được diễn tiến sự thay đổi này.

Nói như vậy, giá trị hạt gạo Việt Nam thấp, nông dân vẫn khổ là do… công tác thị trường?

Lẽ ra chúng ta phải đánh giá được nhu cầu người dân trong nước dùng gạo thơm, gạo ngon, gạo không ngon giai đoạn này là bao nhiêu, tương lai là bao nhiêu; với thị trường thế giới cũng phải đánh giá được nhu cầu sử dụng gạo chất lượng thấp của châu Phi như thế nào, châu Á sử dụng chất lượng cao ra sao? Nhưng chúng ta không làm được. Các DN kinh doanh trong lĩnh vực này không làm; cơ quan quản lý nhà nước, định hướng của nhà nước cũng không làm nên có một thời gian người ta bỏ bẵng thị trường trong nước và đây chính là nguyên nhân để gạo ngon của thế giới, mà cụ thể là Thái Lan và Cam Phu Chia tràn vào nước ta.

Ông có suy nghĩ gì khi mình XK nhiều gạo mà chất lượng thấp, giá trị thấp?

Tính có lợi, chưa chắc đã có lợi. Chúng ta phải trả giá là ô nhiễm môi trường, huỷ hoạt đất, ảnh hưởng sức khoẻ của người dân và bán rẻ tài nguyên nước ngọt. Sản xuất 1kg gạo cần 16-20 lít nước, XK 1kg gạo là XK 16-20 lít nước. Nước ngọt đang hiếm và càng hiếm thế này, đó chưa phải là cách tốt, có lợi nhất.

Đó là một điều khó chấp nhận thưa ông?

Chúng ta đang phải chấp nhận một thực tế là một đất nước nông nghiệp, sản lượng lúa gạo lớn như thế, thừa nhiều để XK như thế mà người dân mỗi năm vẫn dùng trên 1 triệu tấn gạo ngon NK. Nghịch lý ấy xảy ra là vì không có định hướng, chúng ta không “sờ” vào thì nó cứ theo nguyên lý của thị trường là chỗ nào cần gạo ngon thì nó cứ đổ vào thôi. XK được vài triệu tấn gạo nhưng giá trị thấp trong khi lại phải NK trên 1 triệu tấn gạo ngon có giá trị cao là khó chấp nhận. Nhưng lạ kỳ thay, đến nay vẫn chưa có "chiến lược" thay đổi nào. Tôi được biết, phần lớn DN XK gạo của Việt Nam được chăng hay chớ thôi, bán được bao nhiêu thì bán, đấu giá trúng thì bán không trúng thì thôi… Không có những nghiên cứu, đánh giá thì sẽ không biết phải XK theo hướng nào.

Thực tế cho thấy DN XK gạo lợi nhuận vẫn rất cao, nông dân có vụ thì thiệt đơn thiệt kép, còn DN vẫn cười khà khà, tại sao XK được chăng hay chớ kỳ vậy?

Nông dân sản xuất lúa hiện nay không có quyền định giá, với những sản phẩm chất lượng cao càng không có quyền định giá, các sản phẩm nông nghiệp khác cũng vậy, mà người có quyền mặc cả giá với người tiêu dùng là DN. Nông dân đến vụ không bán lúa không có tiền trả nợ, không có kho để chứa, gần như buộc phải bán, còn DN khi đi mua lúa là họ đã biết lãi bao nhiêu rồi. Ở trong cái chuỗi lợi nhuận hiện nay, nếu giá XK xuống thì chỉ có nông dân bị thiệt còn DN và tư thương vẫn “ẵm” hết cái lợi nhuận mà họ đã định trước. Không ai bắt họ không được ẵm cả cái lợi nhuận ấy. Nghĩa là họ luôn luôn có quyền “cắt” lỗ về phía nông dân. 

Điểm mấu chốt là quản lý thị trường 

Với thực tế hiện nay, theo ông, chúng ta cần phải làm gì lúc này?

Muốn có hạt gạo chất lượng cao, giá bán cao, tăng thu nhập cho nông dân, quan trọng nhất là quản lý thị trường. Nhất định phải đầu tư từ khâu này. Ở nước ta hiện nay, cái “nguyên lý quả tranh” nó không làm cho những người sản xuất lúa chất lượng sống được. Nhiều người muốn bứt lên làm ra sản phẩm chất lượng cao nhưng mang ra thị trường bán thì lợi nhuận lại thấp hơn gạo cùng chủng loại bán giá rẻ hơn. Vì vậy nó làm cho những người làm ra sản phẩm tốt phải rút khỏi thị trường hoặc phải quay về làm sản phẩm kém chất lượng, chất lượng đểu. Ở Việt Nam bây giờ điều ấy có ở hầu hết các sản phẩm.

Nếu thế cụ thể phải làm thế nào?

Trước hết phải phân loại, nghiên cứu được thị trường để thấy được trách nhiệm của từng cơ quan, từng người một là cái gì. Các đơn vị nghiên cứu phải tính toán được điều ấy. Ví dụ ở thị trường trong nước, nhu cầu của 3 loại gạo chất lượng cao, trung bình, thấp như thế nào? đặc trưng của từng loại gạo ra sao?... Kết quả ấy phải đến được người sản xuất, DN, nhà thương mại để trên cơ sở đó người sản xuất, DN biết mình sản xuất, kinh doanh loại gạo nào, phục vụ ai.

"Nếu làm tốt quản lý thị trường, vùng nguyên liệu sẽ tự hình thành vì khi đó người dân biết mình sản xuất gạo gì, cho ai, giá thế nào. Tiếp đó nhà nước mới có những chính sách hỗ trợ giống, hỗ trợ kỹ thuật, quy hoạch… chắc chắn hạt gạo sẽ mang lại giá trị cao hơn. Bây giờ quy hoạch mấy trăm ngàn ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL nhưng đã trả lời đầy đủ là bán ở đâu chưa? Phân phối theo kênh nào chưa? Giá như thế nào chưa? Nếu không trả lời được những câu hỏi ấy thì nông dân, DN họ không bao giờ dám làm" – TS Lê Đức Thịnh

Thứ hai là phải xây dựng được các kênh thị trường. Đối với những sản phẩm chất lượng, kênh thị trường quyết định có bán được hay không. Chất lượng càng đặc thù thì tần suất giao dịch càng cao và điều này nó quyết định đến hình thức tổ chức buôn bán. Không thể ở hình thức buôn bán như ngoài chợ và hợp đồng miệng như hiện nay mà phải là hợp đồng chính thức, chặt chẽ. Cái này, nông dân hay DN chả làm được. Nhà nước phải có khung pháp lý để tất cả hệ thống xã hội xắn tay vào, trên cơ sở đó nhà nước hỗ trợ. Còn nếu không có kênh phân phối chất lượng cao như hiện nay, sản xuất gạo ngon mấy cũng lỗ, nông dân, DN không dám làm.

Thứ ba là thanh tra và xử phạt phải làm thật tốt. Bây giờ cơ quan quản lý thị trường có đặt câu hỏi gì đối với sản lượng gạo chất lượng cao và thấp cùng dán mác là gạo chất lượng cao, nhưng giá lại chênh lệch nhau không? Như thế thì thị trường không thể phân loại được.

Nhưng thưa ông, người ta lại nói là tại ruộng đồng của chúng ta manh mún quá, làm lúa hàng hoá khó lắm?

Tính theo số lao động đang làm trên mặt ruộng ở ĐBSCL thì số đất đai/đầu người lao động không ít. Trong khi đó quá trình tích tụ đất đai đang diễn ra khá mạnh đó là những điều kiện để ta sản xuất hàng hoá. Và dù yếu tố manh mún là có thực thì không phải nông dân không bán được lúa theo hợp đồng. Tại sao Trung Quốc họ làm được “sản nghiệp hoá nông nghiệp” - tức là phát triển kinh tế hợp đồng, nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo các DN lớn xây dựng hợp đồng với nông dân và thị trường bên ngoài, tạo ra kênh phân phối sản phẩm? Quan trọng nhất là nhà nước ta có khung pháp lý cho nó hay không thôi. Đó là trách nhiệm của nhà nước, của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương. Không thể phát triển được sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, nâng cao giá trị hạt gạo mà bỏ qua đánh giá, định hướng thị trường, phát triển kênh phân phối được.

Nói điều này không phải cơ quan nhà nước không nghĩ ra đâu, sao ai cũng biết mà không làm, thưa ông?

Ai cũng biết mà không làm là vô cảm với nông nghiệp, nông dân. Tôi nghĩ là nhiều cơ quan quản lý nhà nước biết về quản lý thị trường nó quan trọng như thế nào, nhưng hỏi ra thì họ lại đổ cho "thị trường" cả. 

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.