| Hotline: 0983.970.780

Đất điên đảo giá

Thứ Hai 17/05/2010 , 15:30 (GMT+7)

Nghe phong thanh thành phố có quy hoạch này, quy hoạch nọ; giá đất ở một số khu vực của Thủ đô thay đổi từng giờ, thậm chí từng phút… Người ta tính toán, người ta huy động tối đa những đồng tiền nhàn rỗi ném vào đất để chờ cơ hội.

Nghe phong thanh thành phố có quy hoạch này, quy hoạch nọ; giá đất ở một số khu vực của Thủ đô thay đổi từng giờ, thậm chí từng phút…

Náo động làng quê

Khu vực nội đô được xác định là từ bờ Nam sông Hồng đến vành đai 4. Thủ đô sẽ có năm đô thị vệ tinh là Sóc Sơn, Hoà Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh, Sơn Tây. Trục Thăng Long từ cuối đường Hoàng Quốc Việt chạy thẳng đến Ba Vì, nơi sẽ là Trung tâm hành chính quốc gia trong tương lai. Vùng sông Đáy, sông Nhuệ trở thành vành đai xanh…

Từ những thông tin “chốt” ấy được rút ra từ sau khi xem triển lãm quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cộng thêm với tin đồn về dự án “làm sống lại dòng sông Đáy”, khiến nó lại trở lại là dòng “sông trăng hay sông lụa/ Sóng xanh như mắt trẻ” thuở nào. Tuyến du lịch đường thuỷ trên sông Đáy sẽ được mở giữa một vùng sinh thái tuyệt vời với những vườn cam Canh, bưởi Diễn chín mọng… người ta tính toán, người ta huy động tối đa những đồng tiền nhàn rỗi ném vào đất để chờ cơ hội.  

Người dân xem triển lãm quy hoạch Hà Nội đến năm 2030

Và thế là tại một số xã ở Ba Vì, Sơn Tây như Yên Bài, Cổ Đông… và hàng chục xã của các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, có vị trí nằm kẹp giữa đường cao tốc Láng - Hoà Lạc và trục Thăng Long (chỉ cách nhau 4 km đường chim bay), và cả những xã nằm ven sông Đáy, những mảnh đất làng đang “đắp chiếu” bỗng thức tỉnh, rồi vùn vụt tăng giá từng ngày, từng giờ…

Làng Sơn Hà (xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức) là một trong những làng quê như thế. Làng nằm hoàn toàn ngoài bãi sông Đáy, cách đê tả sông chừng 1 km, là một làng rất yên bình, giá đất hồi trước Tết Canh Dần, tại những vị trí “đắc địa” nhất chỉ cỡ 5-6 triệu đồng mỗi mét vuông, mà vẫn im lìm hầu như chẳng ai hỏi mua. Mấy ngày gần đây, có hai người đàn ông từ Hà Nội về, hỏi chủ nhân miếng đất sát cạnh nhà anh Thu bạn tôi, có diện tích vài trăm mét vuông:

-Bác có bán không?

-Bán đấy.

-Bao nhiêu tiền một mét.

Vốn không có ý định bán, ông chủ đất nói chơi:

-Tám triệu đồng một mét.

Họ bỏ đi, hôm sau, hai người lại quay lại:

-Bác mang giấy bút ra đây làm giao kèo, chúng cháu sẽ đặt cọc.

- Hôm qua tôi nói chơi đấy, giá đất như ở chỗ đất của tôi, đúng 12 triệu một mét vuông cơ.

- Nhưng bác có bán thật không?

Hoảng quá, ông chủ vội tìm cách đánh tháo, vì sợ bán… hớ. Thông tin này chẳng mấy chốc đã bay khắp làng. Mấy ngày sau, thêm mấy chiếc “xế hộp” cáu cạnh chở những ông bà sang trọng về làng, họ đi chỗ này chỗ nọ chỉ chỉ trỏ trỏ, nhìn nhìn ngắm ngắm… Thông tin lại càng nóng thêm. Chỉ mấy hôm, nghe nói từ đường cao tốc Láng - Hoà Lạc theo đê tả sông Đáy vào hơn 3 km, đất ven đê đã vọt lên 20 triệu đồng/mét vuông rồi.

Anh Nguyễn Quang Bình, Trưởng ban văn hoá xã Đắc Sở, có độ hai trăm mét vuông đất ở, cũng được người ta tìm đến, vật nài “anh cố bớt ra cho chúng em năm chục mét, chỉ năm chục mét thôi, để làm cái nhà”. Bình bảo:

 - Tôi không đồng ý. Nông thôn, có vài trăm mét đất ở, mà lại còn bán bớt đi, thì còn ngang với cái hũ nút, nhưng họ dai quá, cứ điện thoại đến liên tục khiến sốt cả ruột, cuối cùng mỗi lần họ gọi đến, tôi lại đưa phắt điện thoại cho vợ tôi nghe.

Cách đây chừng một tháng, vợ chồng nhà báo Vương Hà (Báo Lao động) đến nhà tôi chơi, cứ sướng mê lên vì cái không khí trong lành, tĩnh mịch của làng, anh bảo tôi tìm ngay cho anh một mảnh đất, vì sang năm vợ anh về hưu, rất muốn vui thú điền viên. Sau mấy ngày lặn lội, tôi giới thiệu cho anh một mảnh đất 360 mét vuông ở làng Năm Trại xã Sài Sơn (Quốc Oai).

Đã mặc cả xong với giá 2 tỷ đồng, nhưng khi tôi yêu cầu chủ đất đưa sổ đỏ bản chính cho anh Hà xem để yên tâm trước khi đặt cọc thì vợ chồng chủ đất bỗng nhiên… mâu thuẫn, cô vợ kiên quyết không bán (sổ đỏ mang tên hai vợ chồng), khiến cuộc mua bán không thành. Sau tôi mới biết màn “mâu thuẫn” đó của họ chỉ được dựng lên để đánh tháo, bởi họ đã nghe thông tin là Trục Thăng Long sẽ đi cách làng Năm Trại chỉ chừng vài km.

Bây giờ thì họ lại đang rao bán, và có người đã trả đến 3,6 tỷ nhưng họ vẫn chưa gật. Cũng thời gian đó, nhà văn nữ Y Ban, khi nghe có người mách, một gia đình có một mảnh đất có diện tích 260 mét vuông chỉ cách nhà tôi ở vài trăm thước muốn bán, chị điện ngay bảo tôi xem hộ giá cả thế nào. Khi nghe tôi thông báo giá khoảng 6 triệu đồng mỗi mét vuông, chị kêu váng, bảo cao quá.

Giá bây giờ trở lại, thì tiếng kêu của tác giả Bức thư gửi mẹ Âu Cơ chắc sẽ còn to hơn, vì giá mỗi mét vuông đất đã gần gấp đôi rồi. Tiếp theo, anh cán bộ của Tập đoàn xây dựng Nam Cường cũng tìm về hai lượt. Lần thứ nhất xem một mảnh đất 384 mét vuông, chủ đất đòi đúng 2 tỷ, anh gật đầu, hẹn hai hôm sau mang tiền về đặt cọc. Nhưng đến hôm anh mang tiền về thì chủ đất gạt phắt, bảo đúng ba tỷ tám trăm bốn chục triệu đồng mới bán, lại đành mang tiền về…

Ngày nào cũng có cả chục con “xế hộp” từ Hà Nội về các xã như Vân Côn, Song Phương, Đắc Sở, Cát Quế… của huyện Hoài Đức hay Sài Sơn, Ngọc Liệp…của huyện Quốc Oai để tìm đất, thăm đất. Đất mỗi ngày một hiếm, do người dân thấy giá tăng từng ngày, găm lại chờ giá đến “đỉnh” mới bán cũng có, phần không còn nữa. Những người buôn đất chạy như cờ lông công. Họ có thông tin rất nhanh, rất sớm, bởi ngõ ngách nào, thôn xóm nào họ cũng có “cộng tác viên”. Nhà nào muốn bán đất, chỉ một vài ngày sau họ có mặt ngay.

Mặc cả giá xong, họ chồng đủ tiền luôn cho chủ đất, chẳng cần thủ tục sang tên đổi chủ, chỉ cần chủ đất đưa sổ đỏ bản chính cho họ cầm, và viết cho họ một “Giấy uỷ quyền” có xác nhận của UBND xã, đại khái chủ đất uỷ quyền cho họ được “toàn quyền sử dụng, chuyển nhượng” thửa đất mà mình muốn bán. Chủ đất nào muốn bán đất cũng thích cách mua bán này, bởi khỏi phải đi lại làm giấy tờ, thủ tục lôi thôi, lại tốn kém, mà lâu nhận được tiền. Chỉ một cái giấy viết tay, đưa quyển sổ đỏ là được cầm ngay một lúc mấy tỷ đồng, ai chả khoái? Cầm được sổ đỏ và giấy uỷ quyền trong tay, họ đi chào bán và giá họ chào thường cao hơn giá họ mua đến cả triệu, vài triệu đồng mỗi mét vuông. Chính đội quân những người buôn đất này đã góp phần làm cho cái “không khí đất đai” ở những vùng quê vốn yên lành này ngày một thêm “nóng”, và giá đất ngày một bị đẩy lên cao. (Còn nữa).

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.