| Hotline: 0983.970.780

Thực phẩm đội giá do đâu?

Thứ Hai 11/07/2011 , 08:53 (GMT+7)

Suốt mấy tuần qua, giá thực phẩm liên tục tăng chóng mặt khiến người tiêu dùng choáng váng. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do các thương lái gom hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Thực tế có phải như vậy? NNVN đã có mặt tại khu vực cửa khẩu chuyên xuất thực phẩm tươi sống đi Trung Quốc - cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) để tìm lời giải đáp.

* Không hề có lợn xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái 

Tại bến Ka Long chỉ có hàng khô và rau quả
Suốt mấy tuần qua, giá thực phẩm liên tục tăng chóng mặt khiến người tiêu dùng choáng váng. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do các thương lái gom hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Thực tế có phải như vậy? NNVN đã có mặt tại khu vực cửa khẩu chuyên xuất thực phẩm tươi sống đi Trung Quốc - cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) để tìm lời giải đáp. 

Thủy hải sản vắng bóng 

Tại các cửa khẩu ở Móng Cái, Quảng Ninh vào những lúc cao điểm mấy năm trước, đặc biệt là dịp Tết có từng đoàn xe tải container đông lạnh xếp hàng chờ làm thủ tục. Trên bến dưới thuyền lợn to, lợn nhỏ tập kết đầy bãi, chờ vượt sông. 

Thời điểm này, khi chúng tôi có mặt tại cửa khẩu Ka Long, không khí vẫn nhộn nhịp, huyên náo. Phía trên cảng, những chiếc xe ô tô container xếp hàng nối đuôi nhau chờ  cửu vạn đến dỡ hàng. Dưới dòng sông Ka Long hàng trăm chiếc thuyền với mã lực lớn cũng đang chờ “mồi” để vận chuyển hàng sang Trung Quốc. Tuy nhiên, trái ngược với dự đoán của chúng tôi, dịp này gần như vắng bóng thực phẩm tươi sống. Thay vào đó là đồ khô và các sản phẩm trồng trọt như chè khô, hoa quả, rau… 

Vòng quanh khắp khu vực cửa khẩu, rất cố gắng tìm kiếm chúng tôi mới có thể gặp được vài xe tải nhỏ tải trọng 1,5 đến 3,5 tấn đến đổ hàng thực phẩm tươi sống. Một thương lái chạy xe mang biển kiểm soát Quảng Trị cho biết, trước đây cứ mỗi chuyến chở hàng ra cửa khẩu, ô tô của anh lúc nào cũng phải chở hàng chật cứng. Nhưng mấy tháng gần đây, mặt hàng thực phẩm tươi sống như như bò, lợn, tôm, cua biển, cá đều bị chững lại. Thay vì một tuần đi hai chuyến, nay anh chỉ đi có một chuyến mà xe vẫn "lỏng" vì thiếu hàng.  

Theo thương lái này, vì phải giữ mối với khách hàng bên kia biên giới nên anh cố gắng gom khắp nơi để đưa sang cho có. "Hàng không có, giá nhập vào tăng vọt nên chở ra đến đây là hết lãi, chẳng qua làm để giữ quan hệ thôi" - thương lái này nói. 

Những người thường xuyên nhập khẩu các mặt hàng tươi sống ở đây cùng chung một cảnh là thiếu hàng. Họ cho biết, thực tế từ đầu hè đến nay các thương lái ở đây không có hàng để bán. Số lượng xuất khẩu cũng giảm đáng kể so với ba tháng trước. Chị Thu, người thường xuyên xuất khẩu tôm vằn và sò biển chia sẻ: Cách đây hai tháng trở về trước, trung bình mỗi ngày chị nhập khoảng 1 tấn tôm, 2 tấn sò. Đến nay nguồn hàng không hiểu vì sao cực kỳ khan hiếm, ngày may mắn thu gom từ sáng đến đêm cũng chỉ được khoảng 1 tấn tôm, sò.  

Không những thế giá mua vào cũng tăng lên chóng mặt. Dịp trước, bình thường chị mua vào với giá 400 ngàn đồng/kg tôm vằn biển, nay giá tăng lên 450 đến 500 ngàn đồng/kg. Cũng theo chị Thu, trước đây trung bình mỗi ngày có cả chục xe ô tô chở hàng tươi sống qua cảng nhưng nay cả ngày chỉ lác đác vài ba xe gọi là có hàng. 

Không những không có hàng xuất đi Trung Quốc, mà ngay cả thủy hải sản cung cấp cho chính địa bàn này sử dụng còn khan hiếm.  Móng Cái vốn là một vùng đất du lịch, vào mỗi dịp hè khách trong nước và nước ngoài đến rất đông, nhu cầu tiêu thụ hải sản là rất lớn. Tuy nhiên, nhiều thương lái ở đây cho biết các nhà hàng nổi tiếng ở Móng Cái giờ cũng "đói hàng", họ chấp nhận mua lại hàng xuất khẩu của thương lái với giá cao nhưng vẫn không có hàng để lấy. " Dịp này, làm gì có thủy sản mà xuất, chúng tôi chỉ mua gom đổ cho nhà hàng trên địa bàn còn chẳng đủ" - một đầu nậu chuyên gom hàng thủy sản cho hay.  

Bến lợn thành bến... đồ nhựa

Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đã gặp nhiều thương lái và cửu vạn khu vực "bến lợn" Lục Lầm, tuy nhiên tất cả đều khẳng định, không hề có chuyện thương lái thu gom lợn để xuất sang Trung Quốc như người ta đồn đại. "Ở đây, chúng tôi còn không mua được lợn mà bán cho mấy tay giết mổ trên địa bàn, nói gì đưa sang xuất khẩu"- một tiểu thương khẳng định.

Men theo bờ sông Ka Long đi vào cung đường hẻo lánh chừng 7 km sẽ đến bến Lục Lầm - bờ sông ranh giới của hai nước Việt - Trung. Bến Lục Lầm xưa nay còn được người dân nơi đây gọi là “bến lợn” bởi hầu hết lợn muốn xuất qua biên giới đều phải qua bến này. Vào những dịp giáp Tết, nơi đây là đầu mối của XNK gà, lợn lậu lớn nhất nhì khu vực phía Bắc. Nhưng đến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của chúng tôi, tại bến này cũng không hề có lợn tập kết để xuất khẩu sang Trung Quốc, thay vào đó là đồ nhựa, đồ điện tử…       

Theo Chi cục Hải quan Móng Cái, đến thời điểm này tại cửa khẩu Ka Long có rất ít hàng hóa nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, nhất là các mặt hàng tươi sống chủ lực  thường đi qua đây như: lợn, thủy hải sản. Còn lại đa phần hàng nông sản xuất đi chủ yếu là chè, hoa quả, dưa hấu, vải, lạc…  

“Một số thông tin cho rằng giá cả tăng lên là do thương lái gom hàng để xuất khẩu sang Trung Quốc là không đúng với những diễn biến tại cửa khẩu Ka Long. Vì thực tế từ đầu năm đến nay, cửa khẩu mới chỉ xuất được có 83 tấn thịt lợn, còn thủy hải sản tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng số lượng xuất khẩu cũng không nhiều so với các năm trước mà chủ yếu vẫn là đồ khô và hoa quả”, ông Đinh Việt Dũng, Phó Chi cục Hải quan Móng Cái cho biết.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.