| Hotline: 0983.970.780

Vụ thu đông - Được và mất?

Thứ Năm 13/10/2011 , 10:07 (GMT+7)

Diễn biến vụ lúa thu đông (lúa vụ 3) đang là vấn đề thời sự nóng bỏng ở ĐBSCL.

Diễn biến vụ lúa thu đông (lúa vụ 3) đang là vấn đề thời sự nóng bỏng ở ĐBSCL. Ở những diện tích đã cho thu hoạch, nông dân phấn khởi vì thóc lúa đầy bồ, bán được giá cao. Nhưng ở nơi khác, chính quyền và người dân đang phải vất vả giữ đê cứu lúa trước con lũ lớn nhất trong vòng 10 năm qua.

Vậy việc mở rộng, đưa vụ thu đông thành vụ chính sẽ được và mất thế nào?  

Giữ được đê là ăn chắc

Theo Cục Trồng trọt diện tích lúa thu đông (TĐ) năm 2011 ở ĐBSCL tăng lên 611.314 ha, hơn năm 2010 khoảng 100.000 ha. Nếu tính năng suất bình quân đạt 5 tấn/ha, sản lượng lúa TĐ tăng thêm khoảng hơn 3 triệu tấn và lượng gạo XK có thêm hơn 1 triệu tấn. Nếu như năm nay lũ nhỏ như chục năm qua, nông dân sẽ trúng đậm vì lúa được giá.

Mấy ngày nay về huyện Giồng Riềng, nơi sản xuất lúa thu đông chính của tỉnh Kiên Giang, nông dân đang gấp rút thu hoạch lúa để xả lũ vào lấy phù sa. Theo bà con nông dân thì nước lũ đã chạm đỉnh nên vùng nào giữ được đê bao đến nay coi như ăn chắc.

Ông Tống Văn Thuấn, Trưởng phòng NN-PTNT Giồng Riềng cho biết: Lúc đầu thấy lũ lên nhanh tôi lo quá, nhưng bây giờ thì coi như yên tâm rồi. Đến nay, nông dân đã thu hoạch được hơn 23.000/26.000 ha lúa TĐ, diện tích còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm trong khoảng 10 ngày nữa. Về thiệt hại, toàn huyện chỉ bị ngập khoảng 100 và chủ yếu ở giai đoạn đầu nên tổn thất không lớn. Nơi nào thu hoạch xong chúng tôi chỉ đạo xã cho nước vào để lấy phù sa đồng thời giảm áp lực nước lũ cho những vùng còn lại.

 Theo ông Thuấn, qua mùa lũ lớn nông dân mới thấy hết tầm quan trọng của việc làm ăn tập thể, có hệ thống đê bao. Trong những năm tới, để sản xuất lúa TĐ hiệu quả địa phương cần phải gia cố lại hệ thống đê bao, nạo vét các kênh thủy lợi nội đồng. Đồng thời củng cố lại các tổ hợp tác, HTX.

Ông Mai Anh Nhịn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, theo thống kê cho đến thời điểm này tình hình mưa lũ đã gây thiệt hại trên 1.600 ha lúa trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó có gần 1.000 ha bị mất trắng hoàn toàn, chủ yếu tập trung ở vùng Tứ giác Long Xuyên và một phần Tây sông Hậu. Ngoài ra, nước lũ còn gây ngập lụt 529 ha rau màu, vườn cây ăn trái và gần 600 ha nuôi thủy sản. Ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là khoảng 70 tỷ đồng. Phần lớn diện tích bị thiệt hại là do nông dân làm tự phát ở những khu vực chưa có đê bao hoặc đê bao yếu dẫn đến khó bảo vệ khi nước lũ dâng cao.

Theo ông Nhịn, mặc dù lũ năm nay gây thiệt hại lớn đối với lúa TĐ nhưng nhìn chung ở những khu vực nằm trong quy hoạch cơ bản nông dân vẫn thắng lớn. Cụ thể đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch được 45.000/53.000 ha lúa TĐ đã gieo sạ, năng suất từ 4,5-4,7 tấn/ha. Hiện giá lúa đang rất cao nên nông dân rất phấn khởi. Hiện nước lũ trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục lên nhưng với cường độ chậm, dự báo khoảng vài ngày nữa mới đạt đỉnh. Theo nhận định của ông Nhịn thì khả năng diện tích bị thiệt hại sẽ không tăng thêm vì hệ thống đê bao đã được gia cố và lúa đã đến thời kỳ thu hoạch.

Tại vùng Tứ giác Long Xuyên, ông Trần Đại Khai, làm 3 ha lúa TĐ nằm trong đê bao ở xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, vui mừng cho biết: Mặc dù năm nay nước lũ về cao hơn so với mọi năm nhưng nhờ hệ thống đê bao ở đây vững chắc, nông dân chúng tôi chung sức cùng chính quyền bảo vệ đê nên lúa không bị ảnh hưởng. Cách đây 1 tuần gia đình tôi thu hoạch lúa xong, năng suất đạt 30 giạ/công. Sau khi đưa lúa ra ngoài đê bao là có thương lái đậu ghe chờ sẵn thu mua lúa ướt với giá 6.100 đồng/kg. Còn nếu có điều kiện sấy khô giá từ 7.000-7.200 đồng/kg. Tính ra nông dân lãi mỗi công trên 2,5 triệu đồng.

Bà Phan Thị Yến Nhi, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, vụ lúa TĐ năm nay toàn tỉnh xuống giống trên 130.000 ha. Khi thấy lũ lên nhanh tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phải túc trực ở các điểm đê xung yếu, gia cố kịp thời những điểm bị sạt lở. Tuy nhiên, do nước lũ năm nay đổ về quá mạnh, đã làm một số đoạn đê bị vỡ, gây thiệt hại cho 4.400 ha lúa và hoa màu. Ngoài ra, lũ còn gây thiệt hại về nhà cửa, đường giao thông nông thôn…Ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn tỉnh tới thời điểm này là trên 570 tỷ đồng, con số này có thể tăng thêm nữa vì còn một đợt triều cường cuối tháng 10.

Theo ông Liêu Trung Ngươn, tính đến ngày 10/10 toàn tỉnh Long An đã bị hiệt hại về lũ trên 34 tỷ đồng. Còn thuận lợi là nước lũ lớn sẽ cắt đứt nguồn sâu bệnh, rửa phèn và phù sa đổ về nhiều giúp cho ruộng đồng thêm màu mỡ dự báo vụ ĐX tới lúa sẽ tốt hơn.

Tỉnh An Giang hiện nay đang dùng hết các nguồn tiền hỗ trợ của Trung ương để tập trung đầu tư gia cố đê bao nhằm để bảo vệ diện tích lúa và hoa màu còn lại. Theo bà Nhi, nếu không có thêm những sự cố bất ngờ về đê bao thì mùa lũ năm nay An Giang sẽ thu sản lượng lúa TĐ rất lớn, ước tổng doanh thu vao khoảng 1.800 tỷ đồng. Ngoài ra, các nguồn lợi từ nuôi thủy sản và đánh bắt cá trong mùa lũ năm nay ước khoảng trên 1.500 tỷ đồng. Mặc dù tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự ủng hộ từ Trung ương và sự đồng thuận của người dân nên địa phương cơ bản đã khắc phục được các sự cố do lũ gây ra.

"Sản xuất lúa vụ 3 giúp An Giang thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội và góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước. Tuy nhiên, năm nay lũ lớn, sau lũ cần có giải pháp mang tính tổng thể để hoàn thành quy hoạch chung về xây dựng hệ thống đê bao, cơ sở hạ tầng" – bà Nhi nói.

Ở vùng Đồng Tháp Mười (Long An), lũ làm cho 115 ha lúa HT muộn và ĐX sớm nằm ngoài đê bao bị nước lũ nhấn chìm hoàn toàn. Ông Liêu Trung Ngươn, PGĐ Sở NN-PTNT Long An cho biết, 2 huyện đầu nguồn Mộc Hóa và Vĩnh Hưng đang bị đe dọa hơn 2.000 ha lúa TĐ. Hiện tại mực nước ở vùng đầu nguồn Mộc Hóa đã vượt báo động 3 và chỉ còn 5 cm nữa là bằng với đỉnh lũ năm 2000. Chính vì vậy tỉnh đang dồn sức cho việc bảo vệ đê, đảm bảo an toàn cho diện tích lúa TĐ sắp thu hoạch.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất