| Hotline: 0983.970.780

“Vẫy vùng” Vực Trống!

Thứ Sáu 28/10/2011 , 10:54 (GMT+7)

Năm 2007, con đập này được đầu tư nâng cấp với tổng mức đầu tư 27,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngần ấy tiền đổ vào nhưng Vực Trống vẫn đang… trống nước vì cống không giữ được nước!

Hồ Vực Trống thuộc xã Phú Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh) được xây dựng từ những năm 1960 và nâng cấp vào năm 1972 với trữ lượng đạt trên 13 triệu m3 nước, phục vụ tưới tiêu cho trên 1.000 ha đất 2 lúa và cấp nước sinh hoạt cho gần 2 vạn dân cư trong vùng.  

Do đập đất lâu ngày nên thân đập bị thẩm thấu mạnh, nguy cơ vỡ đập là rất lớn; một số hạng mục khác cũng xuống cấp nghiêm trọng. Vì thế, năm 2007, con đập này được đầu tư nâng cấp với tổng mức đầu tư 27,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngần ấy tiền đổ vào nhưng Vực Trống vẫn đang… trống nước vì cống không giữ được nước!

Từ chứng bệnh “đái tháo đường”

Sau gần 1 năm thi công, đến đầu năm 2009, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Thế nhưng, kể từ khi đưa vào sử dụng đến nay, toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi Vực Trống không thể sử dụng được do hồ không tích được nước (do nước rò qua cống quá mạnh). Có mặt tại hiện trường, nơi chân công trình xảy ra sự cố, nhiều người dân trong vùng cho biết, sau 3 năm đầu tư nâng cấp đến nay công trình hồ chứa nước Vực Trống hoàn toàn vô tác dụng do mắc phải bệnh “đái tháo đường”. Lý do hệ thống cống xả nước chảy tự do triền miên suốt ngày đêm, năm này qua năm khác mà không thể đóng kín được.  

Do thi công không bảo đảm, nhiều hạng mục công trình xuống cấp

Ông Phan Công Sơn, cụm trưởng cụm Vực Trống thuộc Cty TNHH MTV thủy lợi Can Lộc nói: “Không hiểu vì sao toàn bộ hệ thống công trình đều được nâng cấp, riêng hệ thống cống cấp nước là một hạng mục rất quan trọng lại không được thay thế mà vẫn sử dụng cống cũ; từ cánh cống cũ có bề dày 25cm xuống còn 14cm, bánh xe cự theo thiết kế cũ là 27cm khi thi công rút xuống còn 10cm, dẫn đến khi lắp ráp vào rãnh phai, toàn bộ cánh cống bị hở nên nước trong lòng hồ dâng lên bao nhiêu chảy xuôi bấy nhiêu".

 Vì thế, suốt gần 3 năm trời, nước ở Vực Trống không tích được, mùa hạn hán không có nước tưới; mùa mưa bão về, nước chảy tứ tung, gây ngập úng nhiều vùng dân cư. Nhiều người dân sống trong vùng than vãn: 3 năm nay do cống hồ Vực Trống không  ngăn được nước khiến đường sá dân sinh đi lại luôn bị ngập ngụa, đi trên đường như đi giữa ruộng cấy.  Nói về việc thi công thiếu đồng bộ, ông Nguyễn Văn Hải, người dân trong vùng bức xúc: “Lẽ ra xây dựng hệ thống kênh mương chính dẫn nước phải được xây ngay từ cửa cống xả nước trở đi, đằng này họ bỏ cả đoạn dài phía trên để mặc cho nước chảy tứ tung”.

Cũng theo ông Hải, công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng gần 3 năm nay cũng như không. Hiện hệ thống kênh mương không vận hành, nhiều đoạn đã bị xuống cấp. Theo một cán bộ kỹ thuật Cụm Vực Trống cho biết, cao trình thiết kế đỉnh đập là 40m, mực nước dâng tối đa là 37m, đạt mức chứa tối đa là 13 triệu m3, thế nhưng kể từ khi bàn giao đưa vào sử dụng đến nay dung tích nước chỉ đạt bình quân 3 triệu m3. Tại hệ thống tràn xả lũ, cả hai bên cánh tường bao, phía hạ lưu cả khối bê tông tường chắn như muốn đổ ập xuống bởi các vết nứt nẻ đang chờ chực.

Nước trong hồ chỉ ở cốt thấp nhất

Ông Nguyễn Văn Đại, công nhân Cty lo lắng: “Chỉ cần một trận mưa lớn, nước từ trên nguồn đổ về, nước trong lòng hồ dâng cao, lối thoát duy nhất đổ dồn xuống tràn xả lũ (vì cống đã bị bịt bằng 130 bao tải), nguy cơ vỡ tràn là rất cao. Nếu vỡ tràn, nước lũ sẽ gây thiệt hại lớn đối với dân cư sống trong vùng".

Đến cách chữa trị bằng… tống bao tải

Trở lại vấn đề vì sao hồ không tích nước, mặc dù công trình đã đưa vào sử dụng một thời gian khá dài, biết không có hiệu quả nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng ở huyện Can Lộc vẫn bình chân như vại. Việc Nhà nước đã chi một khoản ngân sách lớn đến gần 30 tỷ đồng nhưng phía chủ đầu tư thiếu trách nhiệm đã để xảy ra lãng phí, thất thoát nguồn nước lớn từ khi đưa vào sử dụng đến nay là điều đáng trách.

Sáng kiến tấp hàng trăm bao tải cây bổi xuống làm tịt miệng cống để ngăn dòng chảy của cống, tời cống lên khắc phục của ông Nguyễn Văn Đại, công nhân Cty TNHH MTV Thủy lợi Can Lộc trước mắt sẽ ngăn được dòng chảy nhưng ẩn chứa nhiều nguy hại bởi đang trong mùa mưa bão, chỉ cần một trận lũ, nước dâng cao, trong khi cống đã bị nhét tịt bằng bao tải, nguy cơ vỡ đập là rất lớn.

Thử làm một phép tính, cống bị hở nên lưu lượng dòng chảy tiêu hao từ 750-1.000m3/s, thế thì từ khi đi vào sử dụng đến nay đã có bao nhiêu triệu triệu m3 nước bị lãng phí? Tình trạng này kéo dài mãi đến giữa tháng 10/2011, khi ông Đại xung phong cắt cây bổi đóng lại thành hàng trăm bao tải tống xuống miệng cống thì nước mới tích lại được đôi chút.

Ông Đại cho biết, chỉ sau vài ba ngày, ống cống được nút lại bằng các bao tải nên mực nước trong lòng hồ đã dâng lên được 5 triệu/13 triệu m3. Ông Đại khẳng định, chỉ cần nửa tháng sau là mực nước trong lòng hồ sẽ dâng đạt trên cốt 30m so với cao trình thiết kế 37m. Cách làm của ông Đại, ngoài mục đích tích trữ nước cũng là để chặn dòng nước ở miệng cống nhằm khắc phục tạm độ hở của cánh cửa van. 

Do nước chảy tư do dẫn đến đường sá, cầu cống bị hư hỏng

Trên thượng nguồn hồ Vực Trống chủ yếu là cây bụi nhỏ, khả năng sinh thủy rất thấp. Vì vậy, việc cống không tích được nước sẽ dẫn đến thiếu nước tưới cho toàn bộ đồng ruộng của các xã trong vùng. Nguy hiểm hơn, hiện nay chỉ cần một trận lũ nhỏ, nước trong lòng hồ dâng cao, cống không xả được vì đã bị bịt lại bằng 230 bao tải cây bổi cộng với tràn xả lũ vượt quá mức cho phép, nguy cơ vỡ đập sẽ là rất lớn. Và lúc đó, một cơn đại hồng thủy sẽ đổ lên đầu hơn 2 vạn dân cư trong vùng.

 Không biết lãnh đạo địa phương và các ngành chức năng ở Hà Tĩnh có lo lắng trăn trở gì không, điều bi hài là khi PV điện thoại trực tiếp cho ông Bùi Huy Tam - Chủ tịch UBND huyện Can Lộc thì được ông Tam trả lời: “Nhà báo có cách gì giúp huyện với?”.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm