| Hotline: 0983.970.780

Người nông dân gửi thư cho Thủ tướng

Thứ Ba 20/05/2008 , 10:43 (GMT+7)

Ông Lê Văn Lam (57 tuổi) - nông dân ấp Tuyết Hồng, Tân Phước, Tân Hồng, Đồng Tháp - có hơn 40 năm gắn bó với nghề nông. Nghề trồng lúa đã nuôi lớn ông và những người con, người cháu của ông.

>> Chính sách cho nông dân - Từ văn bản đến thực tiễn

Ông đã gắn bó với bờ kênh, thửa ruộng, quen với mùi lúa chín mỗi độ tới mùa. Mái tóc đã lốm đốm ngả màu, nhưng ông và những nông dân ở đây có được chỉ là cái vòng luẩn quẩn nghèo khó quanh thửa ruộng, góc vườn.

Ở tuổi xế chiều, ông đã viết một bức thư gửi cho Thủ tướng trình bày những nỗi khó khăn và nguyện vọng của người nông dân trong thời buổi "bão giá” lao đao này.

- Vì sao ông viết thư gửi Thủ tướng "kể khổ"?

- Ông Lê Văn Lam: Nhà tui không đến nỗi nào nhưng những nông dân khác thì khổ lắm. Ở quê tui, hầu hết nông dân đều mắc nợ ngân hàng. Hạt lúa chỉ giúp họ không đói chứ không làm họ hết nghèo. Hết vụ gặt, nông dân chen lấn nhau ở ngân hàng nông nghiệp để trả nợ. Trả xong nợ cũ lại vay mới để đầu tư làm vụ kế tiếp.

Ở đây có đến 95% người dân vay ngân hàng để sản xuất theo kiểu ăn trước trả sau như thế. Trúng mùa, trúng giá một năm thì người dân có thể trả hết nợ nhưng làm lúa bấp bênh lắm, năm được năm mất. Năm rồi lúa bị vàng lùn, lùn xoắn lá thất mùa, một số người bị ngân hàng hóa giá nhà. Muốn khất nợ cũng không được, với lại không dám khất. Mất uy tín, mùa sau ngân hàng không cho vay lấy tiền đâu đầu tư sản xuất? Thế là nhiều gia đình đành bấm bụng đi vay nóng bên ngoài để trả nợ ngân hàng.

Vụ rồi giá lúa tương đối cao nên người dân cũng đỡ khổ. Lâu lắm rồi người dân mới bán được giá lúa cao, nhiều người khá hơn nhưng giá cả tăng cao, giá lúa như vậy nông dân vẫn không còn lời bao nhiêu. Nông dân chỉ biết cắm đầu vào làm mà chưa biết vụ tới giá lúa bao nhiêu, lỗ lãi thế nào. Nhà ai chỉ có dưới năm công ruộng thì khó mà nuôi được hai đứa con ăn học, nếu không làm thêm nghề gì khác. Có lẽ vì thế mà ở đây có rất ít con em học quá bậc phổ thông. Cả trăm thứ chi tiêu đều chờ vào hạt lúa. Vì vậy cái nghèo cứ luẩn quẩn quanh nông dân.

* Ông có thể nói một chút về gia đình mình?

- Tui hiện có sáu người con và tất cả đều sống tại quê bằng nghề nông. Cha mất khi tui mới 3 tuổi, một mình mẹ làm ruộng nuôi mấy anh em tui khôn lớn. Hồi đó, tui học xong lớp 5 trường làng thì nghỉ học ra ruộng mò cua, bắt ốc phụ mẹ.

Lớn lên, tích góp nhiều năm, tui mua được hơn 10 mẫu ruộng. Đại gia đình tui hiện có tổng cộng 17 người con, cháu và đều sống nhờ vào 10 mẫu ruộng này. Vào mùa mưa (vụ hè thu), việc thu hoạch lúa rất khó khăn và lúa thường bị mộng do không phơi được nên tui sắm một cái lò sấy để sấy lúa ở nhà.

Khi đã xong lúa nhà, tui mua lúa tươi của người dân về sấy và bán lại cho thương lái. Công việc đó cải thiện thu nhập cho gia đình. Lúc trước tui cũng đi ghe mua lúa bán lại cho các nhà máy xay xát được hơn 10 năm, nhưng rồi lỗ lã nên mấy năm nay bán ghe, không đi nữa, chỉ làm lúa thôi.

- Nông dân bao đời nay vẫn thế, vẫn luôn vất vả. Phải chăng ông muốn chia sẻ điều gì khác?

- Tụi tui cực quen rồi, có gì mà than, nhưng có những điều bất công làm tui bức xúc lắm. Hiện nay giá gạo xuất khẩu 1.000 USD/tấn thì giá lúa chí ít cũng phải 8.000 đồng/kg, nhưng thực tế chỉ có 5.400 đồng/kg. Phần chênh lệch này đi vào túi ai? Việc Thủ tướng chỉ đạo ngừng xuất khẩu gạo đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhân cơ hội này tung tiền mua lúa vào với giá thấp để sau đó khi có lệnh xuất, họ sẽ xuất với giá cao. Họ làm ruộng, cấy lúa trên lưng người nông dân chúng tôi, nông dân mấy chục năm làm lúa cũng chỉ đủ ăn là mừng, trong khi các doanh nghiệp ngồi mát mà thu tiền tỉ.

- Vậy sao nông dân mình không trữ lúa, chờ giá lên?

- Nông dân không có khả năng để trữ lúa vì phải bán để trả tiền vay ngân hàng, đầu tư cho vụ mới. Lúa đem về nhà chưa ấm chỗ đã bị ngân hàng tới đòi, các chủ cửa hàng vật tư đến nhắc nhở số tiền nợ vụ vừa rồi. Chỉ có các doanh nghiệp mới có tiền để trữ lúa, chờ giá cao. Ngay thời điểm bây giờ, nếu quyết định tiếp tục xuất khẩu gạo thì người dân chắc cũng không được lợi gì. Hiện tại nông dân bị các doanh nghiệp chèn ép quá nhiều.

- Vậy ông muốn gửi gắm điều gì từ lá thư này?

- Tui theo dõi Quốc hội họp, cũng có nhiều ý kiến nói thay cho nông dân tụi tui nhưng không biết có thay đổi gì không. Tui là nông dân, tiếng nói có lẽ sẽ không có trọng lượng mấy nhưng có câu châm ngôn: thà bật một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối, nên tui phải nói. Nói để người ta hiểu được nỗi khổ và sự không công bằng của người nông dân.

Tui đề nghị Chính phủ tùy vào giá trên thị trường mà qui định giá sàn mua lúa cho nông dân. Phần lời nên chia đều theo các tỉ lệ cho nhà xuất khẩu, doanh nghiệp làm hàng, phần còn lại phải mua lúa giá cao cho nông dân. Có như vậy, nông dân mới đỡ phần thiệt thòi, cuộc sống mới được cải thiện bởi họ sống chỉ nhờ vào cây lúa vốn quá bấp bênh.

- Xin cảm ơn ông.

Kính gửi Thủ tướng Chính phủ

Trước những khó khăn mà người nông dân đã và đang gặp phải, tôi xin thay mặt những người nông dân trình bày với Thủ tướng những khó khăn cũng như nguyện vọng của người nông dân, rất mong Thủ tướng và Chính phủ thấu hiểu nỗi khổ của người nông dân. 

Giá cả vật tư nông nghiệp luôn tăng cao, tính từ năm 2007 thì giá phân bón đã tăng đến trên 200%. Chi phí sản xuất tăng là thêm một gánh nặng trên vai người nông dân. Chúng tôi mong Chính phủ quan tâm và có chính sách phát triển sản xuất phân bón trong nước để không phụ thuộc vào nguồn phân bón nước ngoài.

Người nông dân luôn phải lao đao về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khi thì đào ao nuôi cá, lúc thì bỏ ruộng trồng bắp nhưng hầu như không mang lại hiệu quả, cũng vì người nông dân thiếu kiến thức về thị trường cũng như kỹ thuật sản xuất. Nếu được, Chính phủ nên xây dựng một kênh truyền hình dành riêng cho nông dân để phổ biến cho người nông dân các kiến thức về thị trường, kỹ thuật sản xuất, định hướng phát triển và những thông tin cần thiết.

Do hầu hết chi phí sản xuất đều phải vay nợ nên nông dân không thể trữ lúa chờ giá tăng, tâm trạng chúng tôi hiện giờ như đứa trẻ đứng trước mâm cỗ mà không được ăn. Hi vọng Chính phủ có chính sách để doanh nghiệp mua lúa cho nông dân với giá hợp lý nhất. 

Hạt gạo được tạo ra bằng chính mồ hôi, công sức và đôi khi cả nước mắt của những người nông dân nghèo khó như chúng tôi. Hằng ngày chúng tôi luôn phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, dãi nắng dầm mưa để chăm sóc cho cây lúa, nhưng chúng tôi không mong gì hơn, chỉ hi vọng nhận được phần mà mình xứng đáng được nhận. Chỉ mong người tiêu dùng hằng ngày ăn cơm hãy nghĩ đến giá trị của hạt gạo.

Lời cuối cùng tôi xin chúc Thủ tướng dồi dào sức khỏe để làm tròn trọng trách lớn lao của mình.

(Trích thư của ông Lê Văn Lam gửi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 4/5/2008)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm