| Hotline: 0983.970.780

Thâm nhập thánh địa vàng thổ phỉ

Thứ Hai 17/09/2012 , 10:51 (GMT+7)

Từ thời Pháp thuộc, vùng cao huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) đã nổi tiếng là mỏ vàng của cả vùng Đông Bắc. Dân đào vàng tứ xứ tập trung về mảnh đất này đào bới, lập bưởng. PV NNVN đã có cuộc thâm nhập và chứng kiến những câu chuyện vừa kỳ lạ vừa hết sức hãi hùng ở nơi vẫn được gọi là thánh địa khổng lồ của vàng thổ phỉ.

Từ thời Pháp thuộc, vùng cao huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) đã nổi tiếng là mỏ vàng của cả vùng Đông Bắc. Dân đào vàng tứ xứ tập trung về mảnh đất này đào bới, lập bưởng. PV NNVN đã có cuộc thâm nhập và chứng kiến những câu chuyện vừa kỳ lạ vừa hết sức hãi hùng ở nơi vẫn được gọi là thánh địa khổng lồ của vàng thổ phỉ.

"Đặc khu" Kim Hỷ

Tiếng Tày gọi vùng lõi của của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ là các Lũng. Lũng Đẩy, Lũng Vài, Lũng Thúng… những cái tên gợi lên sự xa xôi, cách trở. Còn chúng tôi, xin được gọi vùng đất này là đặc khu, cách gọi để chỉ một thế giới cách biệt, nơi được điều khiển bởi luật rừng.

Mạng người như cỏ rác

Phải mất rất nhiều thời gian và cả tiền bạc, tôi mới thuyết phục được Tuấn (đã đổi tên), một chủ bưởng vàng đã rửa tay gác kiếm ở xã Lương Thượng nhận lời đưa mình thâm nhập những bãi vàng nằm sâu trong vùng lõi của rừng Kim Hỷ.

Dù đã có hàng chục năm làm chủ bưởng vàng ở đây nhưng chính bản thân Tuấn cũng không dám “bảo kê” cho sự an toàn của tôi mà phải “ngụy trang” thành một người gánh hàng thuê rồi trà trộn vào đám người chuyên gánh lương thực, xăng dầu phục vụ bãi vàng thổ phỉ lớn nhất tỉnh Bắc Kạn.

Để lên thủ thủ vàng thổ phỉ này chỉ có hai con đường. Một là theo đường mòn từ xã Lương Thượng lên Lũng Vài, hai là đi từ bản Vin của xã Kim Hỷ lên Tốc Lù, Cốc Thốc. Các bưởng vàng nằm nối tiếp nhau tạo thành hình vòng cung trong vùng lõi rừng Kim Hỷ.

Tuấn bảo rằng, ít nhất cũng phải có hàng trăm chủ bưởng đang hoạt động trong bãi vàng khổng lồ này.

Ba giờ sáng, từng đoàn người tụ tập ở chợ xã Lương Thượng chuẩn bị hàng hóa để gánh bộ vào bãi vàng, Tuấn thức tôi dậy để đi theo. Nếu tính đường chim bay thì từ trung tâm xã lên Lũng Vài chỉ tầm 3km. Nhưng nếu đi bộ thì phải mất tới 3-4 tiếng đồng hồ leo dốc đá. Qua Lũng Vài, thánh địa vàng thổ phỉ hiện ra với hàng trăm bãi vàng bị cày xới nham nhở. Tiếng máy, tiếng người chẳng khác nào hoạt động ở một công trường tấp nập.


Khai thác vàng ở đặc khu Kim Hỷ

Đặc khu Kim Hỷ được chia thành nhiều vùng lãnh địa. Lũng Vài, Lũng Phúng là của dân địa phương, nhưng lên đến Cốc Thốc, Lũng Đẩy là của dân giang hồ tứ chiếng. Trong lãnh địa của dân tứ chiếng này lại được chia thành nhiều bưởng. Bưởng của dân Hải Phòng, bưởng của dân Thái Nguyên, bưởng của dân Bắc Kạn… Mỗi bưởng có từ 10-15 quân do một đại ca đứng ra lãnh đạo, tạo thành thế đối trọng, cân bằng, tránh tình trạng bắt nạt nhau.

Chỉ riêng tên của các đại ca làm chủ bưởng đã đủ để nói lên tất cả. Bưởng Hải Phòng của một đại ca tên là Long "nghiện", bưởng Thái Nguyên của Dũng "chó", bưởng Bắc Kạn của Dũng "bể"…

Dù đã ngụy trang rất kỹ nhưng khi vào đến Cốc Thốc tôi vẫn cứ rợn người mỗi khi bắt gặp ánh nhìn soi mói của các chủ bưởng. Tuấn dặn rằng chỉ cần có một sự nghi ngờ nhỏ thì xem như xong. Nhẹ thì bị đánh bầm dập, nặng thì mất mạng chứ chẳng chơi. Nhiều chủ bưởng còn trang bị súng, kể cả lực lượng công an có muốn vào cũng khó, thành thử luật pháp không xuất hiện ở nơi này. Chỉ có luật rừng các chủ bưởng đề ra rồi tự thỏa thuận với nhau để quản lý các bãi vàng.

Luật đầu tiên mà bất cứ kẻ nào khi đến các bãi vàng thổ phỉ ở đặc khu Kim Hỷ đều phải học, đấy là phải chấp nhận cái chết, nếu không may bỏ mạng thì tự mình phải gánh chịu. Chỉ cách đây có 2 tháng, một thanh niên đào vàng tên Phương ở Bắc Kạn rơi từ miệng hang xuống gần 20m, chết ngay lập tức. Chủ bưởng tên là Rô chỉ thông báo cho người nhà lên nhận xác rồi phủi tay xem như chẳng có chuyện gì. Cùng lắm lão cho người lấy tấm bạt xanh quấn thành hình cái miếu, để vào đấy một lọ hương, thỉnh thoảng cho anh em thắp khấn cầu may, vậy thôi.

Trường hợp như Phương cũng có thể được xem là may mắn. Bởi ở đặc khu Kim Hỷ này, nếu dân đào vàng không có mối quan hệ, không rõ địa chỉ gia đình thì trong trường hợp tai nạn bỏ mạng bị chủ bưởng cho vùi luôn xác là chuyện bình thường. Những trường hợp khác, nếu chỉ bị thương mà không chết, chủ bưởng thẳng tay loại khỏi bưởng của mình mà không cần bất cứ chi phí bồi thường.

Luật thứ hai ở bưởng là “lương” của đám “công nhân” đều được chủ bưởng giữ lại, đến lúc nào hết nhiệm vụ sẽ trả cho về. Nếu chủ bưởng phát hiện đứa nào giữ vàng trong người kiểu gì cũng bị trị tội. Một là đánh và đuổi khỏi bưởng của mình, hai là chặt ngón tay nghiêm trị. Nhưng thông thường, một khi chấp nhận vào làm lính ở đặc khu Kim Hỷ, rất ít người có cơ hội nhận “lương” để trở về như điều luật này quy định.

Tuấn bảo rằng, hầu hết dân bãi vàng đều chết vì ma túy. Không sốc thuốc thì cũng nhiễm HIV. Việc bỏ trốn cũng là điều xa xỉ. Vào đặc khu Kim Hỷ chỉ có 2 con đường với hàng trăm lán trại tai mắt của các chủ bưởng vàng.

“Chỉ ý định thôi đã có người biết chứ đừng nói hành động”, Tuấn nói. Chính vì vậy, đặc khu Kim Hỷ trở thành mồ chôn không biết bao nhiêu mạng người của phường đào vàng tứ xứ.


Hang vàng ở Kim Hỷ

Không... nghiện không nhận

Nhờ sự bảo kê của Tuấn, tôi được giới thiệu vào bưởng của lão Rô ở Cốc Thốc. Gọi là bưởng nhưng chỗ lão Rô chỉ có một cái lán, một bộ nồi chảo nấu cơm, hai con máy Đông Phong D24 để hút nước, một thùng tuyển bằng sắt và cuốc xẻng để đào hang. Dù đang thiếu người khoét hang do một công nhân tên Hùng vừa chết vì nhiễm HIV nhưng lão Rô vẫn rất thận trọng, chưa đồng ý nhận ngay mà yêu cầu Tuấn phải để tôi phải thử việc.

Quân của lão Rô có 9 người. Theo tìm hiểu của tôi thì 7 trong số đó đã nghiện nặng. Hai người còn lại không nghiện thuốc phiện mà chỉ nghiện rượu với thuốc lào. Mỗi ngày làm việc được chia thành 4 ca. Cứ mỗi ca hai người đào hang, khuân đất trong vòng 3 tiếng. Số còn lại chịu trách nhiệm nấu nướng và đi mua thuốc phiện phục vụ bưởng. Bản thân lão Rô, môi thâm sì, người lúc nào cũng lờ đờ vì không đủ thuốc.

+ Cơn lốc tệ nạn từ đặc khu Kim Hỷ theo thời gian cứ lan tỏa ra các xã ở vùng lân cận. Chủ tịch UBND xã Lương Thượng Nguyễn Duy Cầu thống kê: Xã có 446 hộ nhưng chứa khoảng 50 con nghiện. Dân địa phương lên bãi vàng làm cũng nhiều, ngày lễ, ngày tết tổ chức liên hoan, có tiền, rủ nhau làm vài bi cho vui, cho khỏe người, thế là nghiện. Một đôi vợ chồng người Đại Từ (Thái Nguyên) lên bãi vàng Kim Hỷ làm công nhân. Chồng nghiện lây cho vợ, bây giờ cả hai vợ chồng đều nhiễm HIV, đang chờ ngày chết. Tất cả đều từ vàng mà ra cả.

+ Đặc khu Kim Hỷ không chỉ có vàng, ma túy, bài bạc, hàng nóng, chết chóc mà còn có có cả “dịch vụ” gái mại dâm. Nắm bắt được nhu cầu của các chủ bưởng, bà Thái ở Cốc Thốc đón 4 cô hàng dạt từ dưới phố về để kinh doanh. Ngoài chuyện hút chích rồi nhiễm HIV, “dịch vụ” gái mại dâm cũng là nguyên nhân khiến cánh đào vàng ở đặc khu Kim Hỷ chết vì bệnh tật.

Hóa ra cái gọi là thử việc của lão Rô chỉ đơn thuần là kiểm tra xem thử có nghiện hút hay không mà thôi. Nếu nghiện lão sẽ nhận ngay, còn nếu không thì đi bưởng khác “huấn luyện”, đến lúc nào nghiện hẵng vào đây làm việc. Bởi như lời lão, ở đặc khu Kim Hỷ này, chẳng có bưởng nào số người nghiện lại ít hơn người bình thường cả. Thành thử lão phải nhận người nghiện để lúc nào bưởng cần thuốc “tăng cường sức khỏe” thì còn biết chỗ mà đi mua.

Để minh chứng cho cái gọi là “quy chế tuyển người” của mình lão sai ngay thằng Tó, một thanh niên người Mông quê ở Cao Bằng đi mua thuốc. Chỉ một lúc sau đã thấy Tó cầm thuốc từ trên đỉnh núi chạy về. Thì ra ở Cốc Thốc này mua ma túy dễ hơn mua rau, chỉ cần biết địa điểm mà thôi.

Tôi kéo thằng Tó ra một góc để bắt đầu “thử việc”. Tó bảo rằng, muốn mua ma túy thì lên gặp chị Thái, vợ của chủ bưởng người Bắc Kạn tên là Long "bể". Cứ nói là quân ông Rô, đưa một phân vàng sẽ mua được một phân thuốc to bằng đót điếu thuốc lá. Dân ở đặc khu này thường giao dịch bằng vàng với thuốc chứ chẳng mấy khi dùng tiền. Tó còn dặn tôi để ý bà Thái, nhìn cân ly cho kỹ vì bà này hay cân thiếu.

Truyền kinh nghiệm xong Tó hỏi tôi đã nghiện chưa, nếu chưa thì vào thử luôn, nghiện cho nhanh để còn xin ông Rô vào làm việc. “Bưởng nào cũng yêu cầu phải nghiện cả”, Tó nói.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm