| Hotline: 0983.970.780

Những người "uống nhầm mật gấu"

Thứ Ba 02/10/2012 , 09:55 (GMT+7)

Họ là những người có suy nghĩ bạo dạn. Những cách làm không giống ai. Tận cùng của sự liều lĩnh ấy là sự am hiểu tự nhiên, là sự biến hóa khôn lường của kỹ thuật…

Họ là những người có suy nghĩ bạo dạn. Những cách làm không giống ai. Tận cùng của sự liều lĩnh ấy là sự am hiểu tự nhiên, là sự biến hóa khôn lường của kỹ thuật…

Rươi liên phòng, cáy bốn mùa

Heo may về, các cô hàng vắt vẻo hai đầu thúng nhóng nhánh một thứ sền sệt những con vật mềm mềm, xanh đỏ, con rươi. Tiếng rao thao thiết phố phường. Tiếng rao khiến cho người người kéo đến mua thứ trân quý của trời đất vì nước rươi mỗi năm vỏn vẹn 2 tháng.

1. Xưa Lê Quý Đôn từng viết về con rươi như sau: “Nó sinh ở ruộng gần biển, cảm khí đất mà sinh ra. Khi nào có rươi tất có mưa, kỳ hạn không sai. Hàng năm cứ đến tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm thì rươi lên nhiều, theo nước thuỷ triều lềnh bềnh trên mặt nước. Nhân dân địa phương làm sẵn dậm, đêm ra xúc không biết bao nhiêu mà kể… Ăn rươi đem đun nước, làm “lông” rồi nấu canh với măng tre. Khi có nhiều thì muối đi để làm mắm đều ngon cả”. Giờ đã có những nông dân ở Tứ Kỳ (Hải Dương) hô biến thứ có hạn kỳ ngắn ngủi ấy thành rươi liên phòng, cáy tứ mùa…

Ở Việt Nam rươi chủ yếu sống ở vùng nước lợ từ Thanh Hoá đến Quảng Ninh, nhất là “vành đai rươi” nức tiếng ở các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, Tứ Kỳ thuộc Hải Dương. Sinh vật có hình dáng dài nhẳng, mềm nhũn với hai hàng chân nhỏ khi lên khỏi mặt đất thì tự đứt đuôi, lớn phổng như con tằm chín. Rươi có thể lên liên tiếp trong 2-3 ngày nhưng tập trung nhất vào ngày đầu. Khi vớt mà thấy có đuôi tức "rươi cậu" dấu hiệu cho con nước đó đã cạn loài sinh vật lắm chân này.

Nước rươi đầu vào khoảng ngày 20 tháng 9, nước thứ vào ngày mồng 5 tháng 10. Người ta bắt rươi bằng xăm. Xăm giống như cái đáy của vạn chài, có phần hứng bằng vải mau để con rươi không lọt qua nhưng phải thoát nước nhanh kẻo bị bục. Độ lớn của xăm tính bằng độ rộng của “tai”, xăm nhỏ chồng bốn, chồng năm, xăm lớn chồng mười, chồng mười hai. Tùy địa hình to hay nhỏ mà có thứ xăm thích hợp. Một thời chưa xa, đến mùa rươi có người đóng xăm thu cả chục thúng khẳm. Một thời chưa xa, đến mùa rươi nhà nhà gọi vịt nhốt ngan bởi sảy cái chúng ham ăn rươi đến quên mất đường về, đến lú mề chết vì bội thực. Cùng với sự tàn phá môi trường, những mùa rươi bội thu chỉ còn trong ký ức.


Rươi - một đặc sản

2. Giờ về đất rươi, quê cáy Tứ Kỳ, Hải Dương tôi nghe tin sốt dẻo có những nông dân đã biến con rươi, con cáy thành thứ đặc sản tứ thời. Ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã Tứ Xuyên lúc nhận thầu gần 20 mẫu đất bãi lầy ven sông Thái Bình cũng nhận luôn danh hiệu “người điên”. Bờ sông, bãi sú hoang vu, một cái thuyền nhỏ, một căn chòi 2m2 dựng sát bãi tha ma, đêm hôm lọ mọ trong ánh đèn dầu, trong lập lòe lân tinh chấp chới, vợ chồng ông vào ra như những chiếc bóng. Tay đào hàng vạn mét khối bùn đất vượt lên thành bờ, thân dầm suốt ngày dưới nước đến bở da, loét thịt. Vốn vay, vốn chịu cả tỉ đồng, năm đầu tiên ông bà nhìn thấy nước rươi nổi lên trong bãi nhà ngỡ tưởng mười mươi chắc ăn nào ngờ bờ vỡ, rươi thoát ra sông. Tiếng lộp bộp của đàn cá tranh rươi lẫn tiếng dấm dứt khóc ròng của vợ chồng ông Tuấn.

Lại tiếp tục vượt đất, sửa bờ hy vọng. Năm thứ hai ông bà thu 1 tạ, năm thứ 3 thu đôi tạ, năm ngoái đã trên 1 tấn. Đó là chưa kể tiền bán cáy mỗi năm trên 100 triệu đủ nuôi ông bà còn tiền bán rươi để dự trữ.

Ông Tuấn cười bảo với tôi rằng, giờ mình cũng chỉ thuộc loại dễ thở tí chút chứ còn phải đầu tư nhiều. “Giữ được môi trường là có lộc nước, chúng tôi cứ đầu tư dần dần, lấy chủ công là rươi, lấy cáy làm phụ trợ. Xưa tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm mới có rươi nhưng giờ hầu như tháng nào cũng có, chỉ ít hay nhiều mà thôi. Hễ tối hôm nào nhìn thấy sao trên trời chi chít không đếm được chúng tôi lại tháo nước vào cho rươi bật lên”, ông Tuấn nói.

Rươi Tứ Xuyên nổi tiếng là to và ngon nhất xứ Đông bởi càng xa vùng nước lợ độ mật (bột) trong con rươi càng nhiều, mùi vị khi chế biến càng kích thích con tì, con vị.

Sang vùng An Thanh (Tứ Kỳ), tôi nghe ông Phạm Văn Thiệp, Phó chủ tịch xã, báo cáo diện tích rươi cáy quê mình đã lên tới 70ha tăng 30ha so với 2 năm trước. Một số chủ thầu nuôi cá bấp bênh ở đây giờ cũng cho hút bùn, lấp ao làm bãi chỉ năm đầu tiên đã có thu. Giá cáy hiện từ 60-100.000đ/kg, rươi 350-500.000đ/kg mà không khi nào sợ ế nên Hội đồng nhân dân xã mới đây đã thông qua quy hoạch vùng nuôi trồng rộng 50ha, bài bản từ người quản lý điều hành đến mương máng cấp thoát nước.

An Thanh có bộ ba nổi tiếng gồm mấy anh em Vũ Xuân Hời, Vũ Huy Du và Nguyễn Trung Thắng dám đứng ra đấu thầu 40 mẫu bãi. Năm đầu họ chỉ đạt 1 tạ rươi đến năm ngoái đã đạt trên 2 tấn với mức thu 3 tháng liên tục (ba con nước), những tháng còn lại của năm túc tắc cũng cho thu từ vài yến đến một hai tạ.

Anh Hời thổ lộ: “Năm nay nước khá, rươi nhiều, vụ chiêm chúng tôi đã vớt được trên 2 tạ, chuẩn bị chính vụ chắn chắn sẽ thu gấp cả chục lần thế nữa”.

Vùng nuôi rươi người ta cấy một giống lúa bản địa mà không phun bất kỳ chai thuốc sâu, vãi bất kỳ một cân phân hóa học. Trồng lúa nhưng không lấy thu hoạch làm mục đích bởi năng suất chỉ 70-80kg/sào mà cái chính là để cho đất đai xốp rồi quãy phân gà xuống kích hoạt màu mỡ làm chỗ trú ẩn cho rươi. Bãi nuôi có mực nước thấp, con nước lên rồi xuống mặt phải khô. Rươi cũng như người khi chín tháng mười ngày là lên đẻ. Chủ bãi không cho nước vào để hãm lấy chậm hoặc chưa đến ngày vẫn tháo nước để thu rươi sớm. Độ điều chỉnh di động trong khoảng dăm bảy ngày là đẹp bởi càng ép rươi “tảo hôn” sẽ càng hại sản lượng.

Kinh nghiệm của anh Hời là: “Mật độ thưa, đất cao sẽ có rươi to còn đất trũng thấp chỉ thu toàn rươi bé. Nghề này tiếng là nuôi mà không phải nuôi bởi chẳng ai biết cho chúng loại thức ăn gì nhưng để làm màu cho rươi thì con người chủ động được. Cứ mặc cỏ rậm um tùm ở bãi sẽ có rươi màu xanh còn làm sạch cỏ sẽ có nhiều rươi đỏ, đẹp bán được giá”.

Thu hoạch lên rươi được rưới qua một lượt nước đá rồi đóng vào thùng xốp để trong ngăn mát tủ lạnh. Ngày nào người ta cũng phải làm động tác sa rươi tức rửa sạch nhớt rưới lại nước đá thì có thể để được trong vòng nửa tháng.

 
Anh Hời kiểm tra độ lớn của cáy

3. Năm nay lũ không về, cáy kém. Ở bãi nhà anh Hời mỗi ngày chỉ thu được trên 10kg chẳng bù cho năm ngoái mỗi ngày lấy 20-30kg còn là chuyện nhỏ. Qua rồi cái thời cầm cần câu từng con cáy mà giờ đây dân Tứ Kỳ sáng tạo ra dụng cụ thu hoạch bằng rọ tương tự như rọ tôm với mồi nhử là mắm tôm trộn với cám gạo. Cáy chỉ có đường vào mà không có lối ra, chỉ con to vào còn con nhỏ vẫn lọt. Các chủ bãi thu cáy từ tháng 4 đến tháng 7 là dùng máy lồng diệt vãn để còn thu rươi bởi cáy rất khoái khẩu món động vật sinh ra dưới lòng đất này. Vẫn một giống cáy đấy nếu nuôi ở bãi có nhiều cây, lắm bụi rậm chuyển sang đỏ gọng (cáy mật) giá bán thấp hơn còn bãi trống sẽ có màu cáy xanh.

Tiên phong trong nghề nuôi cáy ở An Thanh công đầu phải kể đến ông Phạm Đình Phát ở thôn An Định hơn chục năm về trước. Ông Phát gần như chuyên canh cáy, thu hoạch quanh năm còn ở bãi An Lao người ta nuôi cáy để cáy nuôi rươi nên toàn phải diệt khi chớm heo may, se lạnh.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.