| Hotline: 0983.970.780

Có một nghề buôn đất… ăn

Thứ Ba 25/12/2012 , 09:51 (GMT+7)

Bà Biện bảo ăn đất giống như ăn miếng gan lợn, ngon, thơm, bùi, béo, đưa lên miệng nhấm nháp, nó không sạn chút nào mà sồn sột như khoai lang lại the the, mát mát.

Đã từng nghe kể về tục ăn đất ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc) như một chuyện dị thường nhưng tôi không ngờ có một thời cả làng, cả xã dựng lò chế biến, có một thời từng đoàn người lũ lượt xe bò hay quang gồng, quanh gánh tiu tíu đi buôn đất ăn.

>> Thợ cối làng Chung

Thủa đó nào có đâu xa, cách nay chừng hai ba mươi năm cũ. Chợ Trục, chợ Then, chợ Miễu, chợ Vàng, chợ Việt Trì, rồi chợ huyện đâu đâu cũng có bán ngói (tiếng địa phương chỉ loại đất đã qua chế biến để ăn). Chợ quê lèo tèo lợp lá cọ hay mái bổi chẳng mấy hàng quán nhưng hàng ngói thì không thể thiếu. Hàng ngói ngồi sát hàng rau, mỗi bà bày ra vài rổ đất kê trên hai viên gạch. Đồi Bò Vàng thuộc xã Xuân Hòa khi ấy (giờ đổi thành thôn Thống Nhất thuộc thị trấn Lập Thạch) là trung tâm đầu não của nghề sản xuất cũng như buôn đất ăn với nhiều truyền thống nhiều đời kế tục.

Anh Khổng Văn Lai, cháu nội bà Khổng Thị Nồi, nhớ lại thủa mình tầm 12 - 13 tuổi đã phải đi đào đất, cạo đất để cho bà đem hun. Mấy viên đá kê làm bếp, cái phên tre đan mắt cáo thưa bắc ngang xếp ngói lên trên, dưới chất rơm, lá sim, lá ổi, lá mua mà đốt. Lá dùng để hun ngói không tươi quá cũng không khô quá, phải là loại lá ưởi đang khô dở. Gà gáy sớm hai bà cháu đẩy xe bò từ nhà ra chợ huyện xa hàng chục cây số.


Bà Biện tái hiện lại cảnh bán đất ăn

Chiếc xe bò bánh đặc, thập thõm lăn trên con đường gồ ghề sống trâu. Trên xe chất ba bốn bao tải đất ăn cộng thêm vài cái rổ xảo ước chừng nặng khoảng một tạ. Xe có bốn cọc gỗ để gác mấy tàu lá cọ chống mưa nhưng trời mưa to là phải cởi cả áo mưa ra mà che thêm cho đất. Người ướt thì được nhưng kị nhất là đất ướt sẽ mất mùi, có vị chua, cầm chắc ế. Bà Nồi kéo xe bằng cả hai tay, vai lại quàng thêm sợi dây chạc mới có đủ lực tì khi lên dốc. Lắm buổi từ gà gáy lần thứ nhất bà đã kẽo kẹt xe ngói sang tận chợ Vồ ở Việt Trì (Phú Thọ) với quãng đường dài ngót 20 km.

Ông Khổng Văn Loa, con cụ Nồi, nhớ lại thời bố mình nghiện ngói đến mức mỗi ngày ăn tới dăm lạng. Ngói hun xong đút vào ống nứa, cất gác bếp để giữ mùi thơm, đi đâu xa ông thủ vài miếng vào túi mang theo, thèm lúc nào ăn lúc đấy. Nghiện đất cũng tốn kém như mọi thứ nghiện khác. Dăm lạng ngói giá bằng 10 xu, mỗi ngày bố ông Loa ăn đất tốn bằng ăn một đấu sắn. Sau này các nhà khoa học đem ngói ấy đi phân tích mới hay đó là đất cao lanh, chứa nhiều khoáng chất, can xi cần cho phụ nữ chửa đẻ nhưng dân Thống Nhất giản dị hơn bảo đất đó có nhiều chất mát, chất khỏe. Ngói gây cơn thèm nhất là đối với những người… khát máu kiểu nghiện tiết canh như các bà chửa hay người thèm chất thơm như các ông hút thuốc lào.

Ăn ngói khi no cũng được, khi đói cũng chẳng sao càng không có chuyện ngộ độc thực phẩm, đau bụng, đau bão. Sinh thời bố ông Loa thường bảo với các con rằng: “Tao cứ có vài viên ngói, bát nước chè tươi, điếu thuốc lào là vỡ đất trồng sắn cả buổi không biết mệt”.

Ký ức của ông Loa về những ngày xưa cũ có buổi hội xuân trai làng thách nhau đi qua cây tre, một đầu cố định, một đầu đung đưa trên sợi dây chạc. Trống thúc ầm ầm, tim đập thình thịch, đám đông vòng trong, vòng ngoài hò reo. Người vượt qua cây tre đung đưa rung bần bật ấy sẽ được thò tay… bóp vú một thiếu nữ rất xinh đứng ở phía đầu cầu và hơn hết sẽ được thưởng 10 xu tiền để vào chợ mà ăn một bữa ngói thật thỏa thuê cơn thèm khát.

Nhiều quả đồi nơi khác có đất ngói nhưng chỉ là ngói dắt tức lẫn nhiều tạp chất còn đồi Bò Vàng nung núc ngói nạc, vừa béo vừa bột lại không sạn, không bứ, chát. Đào hố sâu 5 - 6 m mới chạm đến tầng ngói, người khai thác đục từng cái bậc khoét sâu vào thành đất để vịn tay mà xuống. Miệng hố bé, dưới phình to. Thời bom rơi, đạn xối, hố ngói trở thành chỗ trú ẩn cho người.


Hố đào đất trên đồi Bò Vàng

Lắm bận mải khai thác đào sâu quá, hố trở thành một cái bẫy nguy hiểm như trường hợp cụ Thu người làng bị đất rơi xuống lưng hút chết. Đồi Bò Vàng xưa chi chít hàng trăm hố ngói sâu hun hút, thỉnh thoảng trâu bò hợp tác lăn xuống gẫy chân, què cẳng cả làng lại được liên hoan. Sau HTX bắt gia đình ông Loa phải lấp hết các hố ngói nhưng không sao lấp nổi cơn thèm đất của cả vùng nên nghề vẫn còn. Cụ Sao, cụ Lượt, cụ Thu, cụ Nồi mỗi buổi chợ phiên kéo hàng tạ ngói nên phải phân chia địa bàn để tránh nhiều người đi cùng một chợ là ế. Các chợ bán theo phiên, riêng chợ Trục ngày nào cũng có ngói. Người mua phần đa là những bà ốm ghén, lại có cánh đàn ông muốn bỏ thuốc lào cũng mua ngói ăn cho đỡ… nhớ khói. Kẻ mua, người bán đều nhẵn mặt nhau. Cứ nhón một vốc bỏ vào lá chuối là 2 hào, 2 nhón là 4 hào, chỉ “bán quạ” chứ không đếm. Đến chiều bà cháu lại kéo xe về. Buổi đắt hàng, bà vui mua cho vài xu kẹo dồi rồi bảo thằng cháu ngồi lên xe để kéo. Cu cậu cười trắng cả hai bên mép. Bận ế bà đem ngói đổi lấy những cái bánh sắn nhào mật cứng quào làm từ sắn meo, sắn mốc, nhai sạn đến gãy cả răng. Bà còn mua lá găng trên rừng về ăn độn với củ chuối, rau muống già băm nhỏ.

Bà Biện bảo ăn đất giống như ăn miếng gan lợn, ngon, thơm, bùi, béo, tôi nhón một miếng nhỏ từ tay bà, đưa lên miệng nhấm nháp, nó không sạn chút nào mà sồn sột như khoai lang lại the the, mát mát.

Thời bà Khổng Thị Biện bán đất ăn chiếc xe bò gia truyền đã hỏng hẳn nên phải gánh. Bà kể có lắm người không có tiền nhưng chót nghiện ngói liền giở trò ăn cắp. Miệng tiu tíu hỏi thăm nhưng lơ đễnh một chút là bỏ tọt dúm ngói vào túi rồi lỉnh mất. Cuối mỗi buổi chợ có những người tha thẩn đi nhặt những ngói vụn nhỏ như cái móng tay lọt qua khe rổ các bà hàng rơi xuống đất.


Chị Khuyên đã chuyển nghề bán đất sang bán hoa quả

Đời nghề làm đất ăn khổ nhất những ngày mưa. Hố ướt, ngói ướt, làm sao có bát gạo, bát sắn cho đàn con chín đứa của bà khỏi cảnh chạy sấp chạy ngửa hò reo: “Bầm về! Bầm về. Bầm chẳng mua kẹo cho chúng em à?”. Cuối thập niên 70 là thời kỳ thịnh vượng nhất của nghề buôn đất ăn, chợ quê nơi nơi bày ngói bán. Lúc chị Nguyễn Thị Khuyên về làm dâu trong nhà bà Biện năm 1989 đã không còn cảnh gánh ngói đi bán mà đèo bằng xe đạp. Cái yên xe chằng 2 bao tải, 1 cái rổ xảo chị cứ thế đạp đi đến tận năm 1996 khi đẻ đứa út mới thôi nghề. Chị là người bán ngói cuối cùng của đất Lập Thạch. Chị Khuyên bảo tôi rằng giờ vẫn có người tìm mua ngói nhưng họ ăn ngói không phải vì nghiện mà như ăn một thời quá khứ.

Gò đất tổ tiên truyền lại cho dòng họ Khổng vẫn còn mà giờ nghề cổ gần như tuyệt diệt. Ông Khổng Văn Loa đau đáu nhớ dịp mẹ mình, bà Nồi mất. Lúc đó bà đã ốm lắm rồi, một buổi bà gọi con cháu lại bảo cho bát nước lã, vài viên ngói ăn. Bà đi hôm 25 Tết, cái xe bò ngói chưa kịp bán vẫn để hoang nơi góc nhà.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm