| Hotline: 0983.970.780

Thóc giống, cửa nhà hóa thành rượu

Thứ Năm 11/04/2013 , 14:36 (GMT+7)

Vùng cao uống rượu vốn dĩ có tiếng rồi, rượu là văn hóa, là đặc sản, nhưng ở nhiều bản làng, quá đói nghèo cũng vì say sưa, uống rượu suốt ngày. Ngược sông Đà, đến ngã ba sông Nậm Na là thủ phủ của người Mảng, tộc người từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, tộc người uống rượu cực giỏi và cùng cực của đói nghèo.

Vùng cao uống rượu vốn dĩ có tiếng rồi, rượu là văn hóa, là đặc sản, nhưng ở nhiều bản làng, quá đói nghèo cũng vì say sưa, uống rượu suốt ngày. Ngược sông Đà, đến ngã ba sông Nậm Na là thủ phủ của người Mảng, tộc người từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, tộc người uống rượu cực giỏi và cùng cực của đói nghèo.

>> Nơi sinh con trai sẽ khổ
>> Học trò chan cơm nước lã
>> Rớt nước mắt ở Lao Xả Phình

Bán lúa, ngô giống lấy tiền uống rượu

Xã Trung Chải chỉ mới được tách ra từ xã Nậm Ban chừng một tháng nay. Người ta ví von rằng, nếu Lai Châu là tỉnh nghèo nhất nước, Sìn Hồ là huyện nghèo nhất tỉnh thì đích thị chẳng thể có nơi nào nghèo khổ hơn Trung Chải. Từ ngày 1/4/2013, Trung Chải thuộc huyện mới Nậm Nhùn. Chính quyền các cấp hi vọng, với chính sách đầu tư mới, Trung Chải sẽ bớt đi đói nghèo. Ước vọng ấy, có thể sẽ thành công, nhưng chắc chắn là rất lâu, rất khó, bởi đối với nhiều địa phương vùng cao như Trung Chải, không phải cứ hỗ trợ là người dân sẽ khá.

Thiên nhiên khắc nghiệt, đất đai sản xuất hạn chế, nhưng nếu ở một ngày với người Mảng nơi đây thì sẽ thấy, đói nghèo không chỉ đơn thuần do ông trời. Trung Chải có 345 hộ, 127 hộ người Mảng, 112 hộ người Mông. Mùa giáp hạt mỗi năm đói từ 3-5 tháng. Bí thư Đảng ủy xã Trung Chải, bà Lý Thị Chướng là người Mảng thành đạt nhất trong cộng đồng dân tộc mình. Bà cũng tự thừa nhận, mình là người chẳng học hành gì. Bù lại, bà thẳng thắn và thật thà: “Gạo, tiền, tấm lợp, con giống, vật nuôi đều được hỗ trợ, nhưng dân vẫn cứ đói nghèo vì rượu chè, vì lười lao động”.


Uống rượu cả ngày

Đại úy Trần Giang Nam, Bộ đội biên phòng đồn Pa Tần được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Chải dẫn tôi vào một bản người Mảng ở Nậm Nó. Bản có 31 hộ, đa số đều đói nghèo, nhưng nếu nói về uống rượu, thật khó để tìm được một vùng đất uống khỏe, uống nhiều, uống lâu như Nậm Nó.

Lúc chúng tôi vào, nhà bà Lý Thị Bình đang dở cuộc rượu. Hai người đàn bà, bốn người đàn ông. Cuộc rượu bắt đầu từ tầm trưa, đến tận chiều tối nhưng xem chừng vẫn còn rất rôm rả. Trên bàn, ba quả trứng gà, một đĩa muối trắng. Người Mảng uống rượu không tốn mồi, không cần lý do, cứ có rượu là rủ nhau uống. Ví như cuộc rượu ở nhà bà Bình, nếu được nghe hoàn cảnh của từng thành viên trong mâm thì có lẽ phải dành cho họ lời khen tặng. Gia cảnh mỗi người là một bi kịch hết sức xót lòng, ấy vậy mà họ uống rượu, cười đùa như một cuộc vui vào ngày lễ, ngày tết vậy.

Bà Bình thì chồng đi tù, nhà còn ba mẹ con, mỗi năm thiếu ăn từ lúc thu hoạch được vài ngày cho đến lúc nhận được gạo cứu đói. Còn hoàn cảnh người em trai bà, Lý A Vinh thì đúng là thê thảm quá. Vợ và ba đứa con lần lượt chết vì bệnh tật, không nhà không cửa, không ruộng nương, thân làm người đàn ông sức dài vai rộng mà phải về tá túc ở nhà chị gái. Những nỗi đau ấy cứ tưởng đã là cùng cực, nhưng không, Lý A Vinh vẫn uống rượu, kể về nó rất vui vẻ.

Còn nữa, bà Tạo Me Ván, chồng chết sớm, hai con trai, một đứa thì bị nước lũ cuốn trôi, một đứa bị sập hầm trong lúc làm vàng ở ngoài sông Nậm Na. Bà Ván không nhớ tuổi mình, chỉ biết là già rồi, không thể đi nương được nữa. Nhưng bà uống rượu rất khỏe, ngày ngày, cứ thấy nhà nào trong bản uống rượu là bà lân la đến ngồi cùng. Uống say thì về túp lều cỏ giữa bản nằm ngủ, tỉnh lại đi tìm rượu uống tiếp. Cũng may, ở Nậm Nó dân bản uống nhiều và hào phóng đến nỗi hoàn cảnh bi đát như bà Ván cũng chẳng lúc nào thiếu bữa.

Đáng vui nhất có lẽ là hai người đàn ông làm nghề đi mua ngô giống, thóc giống của dân bản. Biết người Mảng ở Nậm Nó được trợ cấp nhiều ngô, nhiều thóc để sản xuất, người ở địa phương khác đến gạ gẫm họ bán rẻ cho mình. Khi thì tiền mặt, khi thì đổi rượu, cứ mỗi đợt phát thóc giống, ngô giống gì đấy thì y như rằng dân bản Nậm Nó say sưa suốt ngày. Chứng kiến những cảnh ấy, đại úy Nam buộc phải yêu cầu mấy tay mua giống của bà con về nhà trưởng bản Lý A Tảo làm việc. Sau khi bàn bạc, cả anh Nam lẫn trưởng bản Tảo đều yêu cầu gọi những người bán giống đến trả tiền cho cánh lái buôn và nhận lại giống để sản xuất.


Thóc giống cũng mang đi đổi rượu

Khổ nỗi, chẳng gọi được ai, vì bán giống vừa xong thì chủ nhà đã đi mua rượu về liên hoan, uống cho say bí tỉ, không người nào dậy nổi. Đành phải chờ thôi, chờ mãi đến tối thì Lò A Đòi, một trong 3 gia đình trong bản bán ngô, thóc giống mới tỉnh rượu. Rất thản nhiên, Đòi bảo là do thèm rượu quá nên bán, mỗi bao giống 30 ngàn đồng. Tiền bạc bán giống cũng đã mua rượu uống rồi, lấy đâu ra mà trả lại cho lái buôn được nữa. “Khổ lắm. Chính sách nhà nước cố gắng hỗ trợ bà con thoát nghèo, nhưng có hỗ trợ đến mấy cũng bó tay nếu nhận thức người dân không được cải thiện”, đại úy Nam phàn nàn.

Bán cả mái tôn hỗ trợ làm nhà 167

Ở bản Nậm Nó có rất nhiều căn nhà của các gia đình không thể nào gọi là nhà được. Rách nát và xiêu vẹo. Đại úy Nam bảo rằng, chủ nhân của những căn nhà rách nát ấy đã từng nằm trong danh sách được hỗ trợ để xây nhà theo chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở 167 của Chính phủ. Họ không có nhà là bởi, cứ hỗ trợ được thứ gì thì đem đi đổi rượu hết.

Nằm giữa bản Nậm Nó là túp lều của đôi vợ chồng Sìn A Cớm và Lò Me Đao. Sở dĩ tôi gọi là lều vì nơi trú ngụ của gia đình Cớm được căng bằng bạt xanh, trong nhà không hề có nổi một vật dụng gì có thể đáng giá lên đến tiền trăm. Ngoài chiếc kiềng bếp và chỗ gia đình nằm ngủ ra, nhà cửa cứ trống huơ trống hoác như chòi canh rẫy.


Túp lều của vợ chồng Cớm

Trung Chải là một xã cực kỳ khó khăn, thuộc huyện mới Nậm Nhùn. Chưa có trụ sở làm việc, chưa có trạm y tế, đất sản xuất, nước sinh hoạt hiếm hoi. Với dân tộc Mảng, họ từng đứng bên bờ vực tuyệt chủng vì tỉ lệ sinh tử chênh nhau. Bây giờ, dù đã cố gắng rất nhiều, được sự hỗ trợ rất nhiều, nhưng cũng chỉ kéo được tỉ lệ sinh tử ngang bằng, không phát triển. Hôn nhân cận huyết, rượu chè, bệnh tật vẫn bủa vây họ trong vòng luẩn quẩn đói nghèo, lạc hậu.

Vợ chồng Cớm đều là những người khỏe mạnh, chỉ mới có một đứa con nhỏ nhưng họ lại được xếp vào hạng nghèo nhất xã. Cả đại úy Nam lẫn Bí thư Đảng ủy xã Lý Thị Chướng đều kết luận: Tất cả cũng từ rượu mà ra. Cả Cớm lẫn Đao đều nói tiếng Kinh bập bẹ, không biết tuổi, không nhớ được nhà mình làm bao nhiêu nương rẫy cả. Chỉ có chuyện uống rượu thì cả hai vợ chồng đều thuộc hàng cao thủ.

Lúc tôi vào, nói đến chuyện rượu chè, cả hai quay sang cãi nhau bằng tiếng Mảng. Bí thư Chướng dịch lại rằng, họ đang cãi nhau xem thử ai uống giỏi hơn. Cũng rất khó để mà so bì, vì Cớm và Đao có thể uống rượu suốt ngày, thậm chí là ngày này sang ngày khác. Cứ có tí tiền là vợ chồng mua rượu về uống, uống say thì ôm nhau ngủ. Không lên nương, không đi làm thuê làm mướn gì cho mệt xác cả. Dường như họ lấy nhau cũng vì hợp chuyện uống rượu và uống rượu là công việc chính trong một ngày. Năm ngoái, khi được hỗ trợ tấm tôn để làm nhà 167, vợ chồng Cớm vội vàng phân công nhau vác tấm tôn đi đổi rượu. Không mời ai cả, họ tự đổi, tự mua rượu về, chỉ có hai vợ chồng uống với nhau.


Cứ có tiền là đi mua rượu

Thực ra gia đình Cớm cũng đã từng có nhà, dù căn nhà ấy không khá hơn túp lều hiện tại là bao. Chỉ cách đây mấy hôm, có một dự án nào đấy về xây lớp học, không có đất xây trường nên họ đặt vấn đề “giải tỏa” nhà của Cớm. “Giá đền bù” là một triệu đồng. Nếu vợ chồng đồng ý thì dời túp lêu đi chỗ khác vào nhận tiền đền bù luôn. Phấn khởi quá, căng xong túp lều, với một triệu đồng có được, Cớm và Đao chia nhau mỗi người 5 trăm nghìn đồng đi mua rượu uống. Chỉ mới mấy ngày mà họ uống gần hết chừng ấy tiền mua rượu.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm