| Hotline: 0983.970.780

Bảo Tháp với nghi án Lê Văn Thịnh

Thứ Ba 16/04/2013 , 09:57 (GMT+7)

Thái sư Lê Văn Thịnh “hóa hổ” giết vua là một trong các vụ án bí ẩn trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Thái sư Lê Văn Thịnh “hóa hổ” giết vua là một trong các vụ án bí ẩn trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Nhưng người dân thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu (Gia Bình - Bắc Ninh), quê hương Thái sư Lê Văn Thịnh chưa bao giờ đồng tình với ghi chép của lịch sử.

>> Huyền bí khu lăng mộ Thủy tổ nước Việt

BÍ ẨN TƯỢNG RỒNG CẮN THÂN

Qua sách "Đại Việt sử ký toàn thư", vụ án Thái sư Lê Văn Thịnh “hóa hổ giết vua”, được thuật lại như sau: “Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào. Vua lấy giáo ném, chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: “Việc nguy rồi!”. 

Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Trước đấy, Lê Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện nghịch”.

Chúng tôi tìm về quê hương của Thái sư Lê Văn Thịnh ở thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình để biết người dân ở nơi đây nghĩ gì về vụ án năm xưa. Vừa bước vào sân ngôi đền thờ vị Trạng nguyên khai khoa nằm dưới chân dãy núi Thiên Thai soi mình bên dòng Đuống, chúng tôi được ông cụ Nguyễn Văn Đam, thủ từ đền ra đón tiếp niềm nở. Ông cụ tâm sự, nếu được nhà báo nói hộ nỗi hàm oan của Thái sư cho đông đảo người dân biết thì dân làng Bảo Tháp cảm kích vô cùng.


Người dân Bảo Tháp rất vui mừng mỗi khi có phóng viên đến tìm hiểu về nỗi hàm oan của Thái sư Lê Văn Thịnh

Chính sử chép Thái sư Lê Văn Thịnh là người có tội, nhưng dân làng Bảo Tháp có cách lí giải hoàn toàn khác. Theo các cụ cao niên trong làng, Thái sư Lê Văn Thịnh do đỗ dạt cao, tài năng học thuật uyên bác nên được triều đình tấn nhiệm cử sang Trung Quốc học tập.

Khi về nước, người thầy Trung Hoa tặng ông chiếc áo kỳ lạ để phòng thân vì lo ông gặp họa. Mỗi khi mặc chiếc áo đó, trông ông dữ tợn như hổ, không ai dám bắt nạt. Chính vì chiếc áo kỳ lạ, lại có nhiều kẻ nịnh thần trong triều ghen ghét, nên Thái sư Lê Văn Thịnh mới bị chúng bịa ra câu chuyện hóa hổ toan giết vua vu oan cho ông.

Sau khi tham quan và thắp hương Thái sư Lê Văn Thịnh, ông Đam dẫn tôi ra xem một bức tượng rồng đá kỳ lạ có một không hai. Tôi được nhìn thấy rất nhiều rồng thời Lý, thời Lê, thời Trần của nước ta nhưng quả thực bức tượng rồng tại Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh có sự khác biệt. Đó là một bức tượng nửa rồng, nửa rắn với dáng nằm quằn quại, miệng cắn thân, chân xé mình. Đặc biệt, tai rồng có một bên thông, một bên bịt kín.

Cụ Đam cho biết, bức tượng được phát hiện năm 1993, trong quá trình tu sửa đường vào chùa Bảo Tháp, khi cụ rồng được đưa lên mặt đất, nhiều người trợn tròn mắt kinh ngạc. Bức tượng nặng hơn 1 tấn, cao khoảng 0,9 m, dài rộng mỗi chiều 1 m, có tư thế rất kỳ dị. Từ bức tượng toát lên nỗi oan khuất ngút trời, sự đau đớn, vò xé, căm hận. Uy lực toát ra từ bức tượng mạnh đến nỗi, tất cả những người dân có mặt đều quỳ xuống lạy.

Ngay khi tìm được bức tượng, nhiều người đã đặt câu hỏi, ai là tác giả của bức tượng, bức tượng được tạc vào thời nào? Đây là tuyệt tác mô tả sự giằng xé nội tâm do chính Lê Văn Thịnh tạo nên hay học trò của ông là vua Lý Nhân Tông tạc tặng thầy mình để bày tỏ sự ân hận vì đã nghe lời xiểm nịnh, hại trung thần.


Tượng thờ Thái sư Lê Văn Thịnh tại làng Bảo Tháp

Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn thì bức tượng này được tạc vào thời Hậu Lê khi công trạng của Lê Văn Thịnh đã được ghi nhận và vụ nghi án hồ Dâm Đàm (hồ Tây, Hà Nội) đã phần nào được soi xét.

BÁO ĐỘNG NẠN TRỘM CỔ VẬT

Thủa xưa, Thái sư Lê Văn Thịnh đã phải chịu biết bao nỗi hàm oan, tiếng xấu kéo dài gần 1.000 năm. Đến khi nỗi oan khuất đó dần được làm sáng tỏ, nơi thờ vị thái sư được công nhận Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia và được đầu tư tu bổ, tôn tạo cũng là lúc cụm đền, đình thờ Thái sư Lê Văn Thịnh tại xã Đông Cứu đứng trước sự an nguy mới đến từ những tên trộm cổ vật. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Dương, Trưởng BQL Di tích đình đền Yên Việt, xã Đông Cứu cho biết, vừa qua kẻ gian đã bẻ khóa vào lấy trộm toàn bộ 11 đạo sắc phong trong đình. Rất may, chúng còn để lại bản thần phả chữ Hán sao lại từ bản thần phả có niên đại Hồng Phúc nguyên niên (1572). Trong 11 đạo sắc phong của các triều vua Lê - Nguyễn của đền Yên Việt bị đánh cắp, sắc phong cổ nhất có niên đại Cảnh Hưng nguyên niên (1740); sắc phong mới nhất là từ thời vua Khải Định (1924). 

Đình Yên Việt là đình thứ hai trong “thập đình” chỉ sau đình Cả là đình đền Bảo Tháp, được tổ chức lễ hội vào các năm có hàng chi Thân, Tý, Thìn. “Thập đình” là lễ hội chung của 10 làng Bảo Tháp, Yên Việt, Hương Vinh, Đông Cao, Hiệp Sơn, Tri Nhị, Địch Trung, Vân Xá, Huề Đông, Cứu Sơn, tôn Lê Văn Thịnh làm Thành hoàng làng.

Đình được xây dựng thời Lê Trung Hưng với quy mô lớn, chạm khắc tinh xảo. Đến triều vua Tự Đức, niên đại năm thứ hai (1849), đình được trùng tu. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình bị phá hủy hai gian hậu cung. Năm 1992, dân làng phục dựng lại ba gian hậu cung này.

Ông Nguyễn Đình Xum, thủ từ khu di tích đình Yên Việt ngậm ngùi cho chúng tôi biết thêm, không chỉ lấy mất 11 đạo sắc phong, mấy ngày sau, những tên trộm lại một lần nữa mò vào đình trộm mất mâm đồng và be rượu men lam thời Nguyễn. 


Bức tượng rồng cắn thân kỳ lạ ở Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu (Gia Bình - Bắc Ninh)

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Sĩ Bàng, thủ từ đình Cứu Sơn vì được biết đình này cũng đã bị trộm ghé qua và “nẫng” đi mất một số đồ vật quý giá. Theo ông Bàng, rạng sáng một ngày tháng 5/2012, kẻ gian đã lấy đi ba bình hương đồng thời Nguyễn, một bình hương sứ, 2 nậm rượu sứ, 2 chóe đựng nước cúng.

Vấn nạn trộm cổ vật tại các cụm đình, đền di tích liên quan đến Thái sư Lê Văn Thịnh khiến người dân xã Đông Cứu vô cùng phẫn nộ, bà con nhiều lần yêu cầu cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra tìm ra thủ phạm để trả lại cổ vật cũng như sự tôn nghiêm cho khu di tích, song vẫn chưa thấy có kết quả.

Cuối thế kỷ 20, trong tác phẩm “Bài ca giữ nước” kịch gia Tào Mạt vẫn kể câu chuyện Thái sư Lê Văn Thịnh “hóa hổ giết vua”. Vở kịch nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc, nhưng nó là nỗi buồn với người làng Bảo Tháp và 14 ngôi làng quanh vùng thờ Thái sư Lê Văn Thịnh như Thành Hoàng Làng.

Người dân ở đây không bao giờ tin người con ưu tú, tài năng uyên bác, đức độ tuyệt vời, dưới một người trên vạn người như Thái sư Lê Văn Thịnh lại có ý định giết vua. Mặt khác, thời đó triều đình nhà Lý rất hùng mạnh với các tướng tài như Lý Thường Kiệt, Thái sư Lê Văn Thịnh làm phản liệu có được yên thân?

Vậy là dân Bảo Tháp đã cùng các làng thảo đơn gửi lên Sở Văn hóa - Thông tin Hà Bắc (cũ) để kiện, rồi Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) đã phải yêu cầu ngừng biểu diễn vở kịch này.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.