| Hotline: 0983.970.780

Tôm, cá lũ lượt bỏ đi

Thứ Tư 17/04/2013 , 12:13 (GMT+7)

Vài năm trở lại đây, sản vật trên hồ Dầu Tiếng đang dần cạn kiệt, bởi các kiểu đánh bắt “tận diệt” của con người.

Cuối cùng, tôi cũng đã có 3 ngày làm công dân đảo Nhím (hồ Dầu Tiếng, Dương Minh Châu, Tây Ninh). Ở đó, tôi đã được theo xuồng ra hồ xem các kiểu thả lưới, đánh bắt cá, câu cá lăng, và ngỡ ngàng chiêm ngưỡng đàn cò nhạn mới tìm về cư ngụ. Đọng lại trong tôi sau chuyến trải nghiệm này là những trăn trở, băn khoăn…

TÔM, CÁ LŨ LƯỢT BỎ ĐI

Cách đây khoảng 5 năm trở về trước, hồ Dầu Tiếng là một vựa cá, sản lượng hằng năm lên đến hàng ngàn tấn cá các loại, giúp cả ngàn ngư dân sống quanh hồ mưu sinh. Nhưng vài năm trở lại đây, sản vật trên hồ đang dần cạn kiệt, bởi các kiểu đánh bắt “tận diệt” của con người.

HẾT THỜI CÁ TRẨY HỘI

Mặt hồ đang phẳng lặng như một chiếc gương khổng lồ, trong chốc lát bị chiếc xuồng máy xé toang. Tiếng máy cole rú lên, xóa tan sự yên lặng. Anh Hiếu, một công dân trên đảo Nhím, người lái xuồng đưa tôi đi, nói với giọng khôi hài pha lẫn chua chát khiến tôi không khỏi trĩu buồn: “Cơ bản là bà con ta đã diệt xong các loại cá ông bà, cha mẹ, anh chị. Chẳng bao lâu nữa, các loại cá con, cá cháu, chắt… chúng ta cũng sẽ diệt nốt. Lúc ấy, nước hồ sạch lắm, chẳng cần nấu chín cũng có thể uống được!”.

Ngay dọc theo bờ nước, tôi đã thấy nhiều người thả câu, chích điện. Xuồng chạy ra gần giữa hồ, tôi đếm được hơn chục chiếc xuồng máy của ngư dân đánh bắt cá với đủ hình thức, kiểu được nhiều người áp dụng nhất là bủa lưới. “Theo qui định, lưới đánh bắt cá phải có mắt rộng từ 3,5 cm trở lên. Nhưng do cá ngày càng ít nên nhiều người sử dụng cả lưới mắt nhỏ như mành mành (lưới mắt nhỏ màu xanh) để càn quét. Mỗi chiếc ghe máy trang bị cả trăm mét lưới thả thành một vòng tròn và sau đó thu lưới lên bắt cá. Đối với kiểu đánh bắt này, chẳng con nào thoát được”, anh Hiếu nói.


Đặt chà, một cách tận diệt cá nhưng lại không bị cấm

Xuồng ra gần giữa hồ, tôi thấy nước trong xanh như nước biển, anh Hiếu nói tiếp: “Tôi sống trên đảo này mấy chục năm rồi, hồi đó, bơi ra giữa hồ, nước trong hơn, xanh hơn thế này, nhưng đậu xuồng lại một lúc, nhìn xuống nước thấy cá tung tăng bơi như trẩy hội, động nước một cái la cá nhảy cả lên xuồng. Bây giờ, đậu xuồng ở đây, nhìn cả ngày cũng không thấy cá đâu”.

Theo anh Hiếu, ngày xưa, hồ Dầu Tiếng có đủ loại thủy sản ngon nổi tiếng như cá rô biển, cá leo, cá trèn, cá lăng nghệ, cá bông, tôm càng xanh… nhưng hiện nay, tôm càng xanh đã vắng bóng, còn các loại cá đặc sản không còn nhiều. “Ngày xưa, tôi chỉ cần bơi xuồng tay, thả lưới ngay gần bờ hồ chừng vài chục phút thôi, kéo lên là mấy chục ký cá, trong đó có những con cá lăng nặng 4-5 ký là chuyện thường. Bây giờ, đi lưới cả ngày may lắm cũng được chục ký cá tạp”, anh Hiếu nói.

Tấp vào một chiếc xuồng đang đậu thu lưới, tôi nói to: “Anh ơi, có nhiều cá không bán cho vài ký”. Người đàn ông đang ngồi trên xuồng tên Đương, nhà ở xã Phước Minh, ngay ven bờ hồ, chỉ tay xuống lòng xuồng đáp: “Toàn cá nhỏ không hà”. “Anh thả lưới từ lúc nào mà đã thu rồi, được nhiều cá chưa?”, tôi hỏi. “Từ lúc 4 giờ sáng. Giờ trưa rồi, thu lưới về ăn cơm. Được có bấy nhiêu đây”.


Mỗi đống chà thu cả trăm ký cá các loại, lớn nhỏ đều có

Tôi nhìn vào lòng xuồng, thấy chừng vài ký cá các loại, con nào to nhất cũng cỡ 3 ngón tay. “Có cá chạch lấu không anh?”, tôi hỏi tiếp. Anh Minh cúi xuống, lần mò 1 lúc rồi cầm lên 1 con cá chạch to bằng ngón chân cái, đáp: “Được có một con. Chạch lấu bây giờ ít lắm. Gom vài ngày may được 1 ký”.

MUÔN KIỂU TẬN DIỆT

Cách chất chà bằng cách cắm những cành cây tràm xuống nước ở độ sâu 2- 3m, tạo thành “ổ” cho cá trú ngụ, sau một thời gian, dùng lưới quây lại, hốt trọn cả đống chà lên để bắt cũng là cách được nhiều ngư dân áp dụng.

Tấp vào một chiếc ghe vừa gỡ chà, chúng tôi nhìn lòng ghe đầy ắp cá các loại. Đã có gần chục thương lái đến lựa cá thu mua. Trong ghe, ngoài các loại cá tạp như cá linh nước ngọt, lóc, mè, trê… ra, còn có cá đặc sản của hồ Dầu Tiếng là cá trèn và lác đác vài con cá lăng, nhưng tất cả chúng đều nhỏ. Con nào to nhất cũng chỉ chừng 2 lạng.

Người đàn ông tên Tha, chủ những đống chà cho biết: Mỗi đống chà phải có một nhóm 5 – 6 người mới làm được. Trung bình mỗi đống chà thu hơn trăm ký cá các loại. “Tôi có hơn 10 đống chà trong lòng hồ. Mỗi đống phải nộp thuế cho BQL hồ 80 ngàn đồng/vụ (1 năm). Chừng 1 đến vài tháng, tùy tình hình, ra gỡ chà một lần. Một đống chà thu từ 5 đến 7 triệu tiền cá”. Cách bắt cá bằng chà này cũng là một kiểu tận diệt, mặc dù không bị cấm. Bởi vì, lưới để quây chà chỉ có mắt rộng 2,5 cm, cá cỡ bằng 2 ngón tay trở lên đều bị bắt.

Anh Hiếu cho biết, ngoài những cách đánh bắt cá đã phổ biến từ lâu như đặt dớn, chích điện (đều bị cấm) gần đây, có thêm kiểu đánh bắt mới mà dân trong nghề gọi là nhủi lưới. Họ dùng một chiếc xuồng, phía trước mũi có hai thân cây tre dài chừng 3 mét xếp theo hình chữ V, chĩa xuống nước chừng nửa mét. Giữa hai thân cây tre ấy, được giăng ngang một mảnh lưới dày rồi chạy chầm chậm nhủi trên mặt nước. Cách nhủi lưới này, chủ yếu dùng để bắt cá cơm.


Nhủi cá cơm, một trong hàng trăm kiểu đánh bắt tận diệt ở hồ Dầu Tiếng

Tấp vào một chiếc xuồng đang nhủi cá, tôi thấy trên xuồng có 4 thùng xốp đã đầy ắp cá cơm, mỗi thùng ước chừng 10 ký cá. Người nhủi lưới cho biết, nếu không bị lực lượng quản lý nguồn lợi thủy sản lòng hồ bắt và tịch thu phương tiện, trung bình một ngày anh kiếm được dăm chục ký. Cá cơm này chủ yếu được bán cho các điểm nuôi cá, ba ba để làm thức ăn với giá từ 5-8 ngàn đồng/ký.


Cá cơm, sản phẩm từ cách nhủi cá

“Chúng tôi không chỉ tuyên truyền mà còn phối hợp với công an, BQL nguồn lợi thủy sản lòng hồ liên tục đi tuần, kiểm tra trên hồ. Năm 2012, đã phát hiện, xử lý 24 vụ dùng xung điện để bắt cá, tịch thu 24 bình ắc quy, 24 bộ kích điện, cắt bỏ tại chỗ hơn 13.500 m dớn và ngư dân tự cắt bỏ 250 m khác. Nhưng xem ra, vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng tận diệt thủy sản trên hồ”, ông Phan Văn Ngươn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dương Minh Châu.

“Kiểu đánh bắt này bị cấm, sao anh còn làm?”, tôi hỏi. “Cá lòng hồ bây giờ còn ít lắm, mình không có vốn đầu tư lưới, trong khi kiểu đánh bắt này không cần nhiều vốn. Cực chẳng đã thôi chú ơi”, người đàn ông đáp.

Một cách đánh bắt tận diệt khác nhưng lại không bị cấm là ủ cá. Đó là, mỗi khi hồ làm nhiệm vụ tưới tiêu, mực nước rút xuống, rất nhiều loại cá bị kẹt lại trong những đầm, ao nước rải rác quanh hồ. Ngư dân “mua” lại những ao này của Ban quản lý hồ Dầu Tiếng để thu hoạch cá.

Họ “ủ” cá bằng cách trải mảnh lưới dày phủ kín mặt đầm. Sau đó, nhấn cho lưới chìm xuống đáy, như một chiếc vợt khổng lồ. Cá bị lưới đè xuống đáy, ngộp thở nên tìm cách lách theo mép lưới, ngoi lên mặt nước hớp không khí. Vô tình bơi vào bên trong lòng lưới. Đợi cá vào hết bên trong lòng lưới, người giăng “bẫy” chỉ việc nâng vợt lên bắt cá!

Tại khu vực Hốc Cò (thuộc đảo Nhím), chúng tôi gặp và hỏi thăm một nhóm ngư dân vừa đi ủ lưới về, được biết, họ thuê khu vực Hốc Cò này với giá 3 triệu đồng/mùa để ủ cá. Mỗi ngày thu vài chục kg cá các loại”.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.