| Hotline: 0983.970.780

Những phép tính khốn khó

Thứ Ba 28/05/2013 , 10:35 (GMT+7)

Đã từ lâu, nhiều nơi làm ruộng không có lãi. Nhưng ngay cả khi được đầu tư trở thành vùng thuần nông, lấy nông nghiệp, chăn nuôi làm thế mạnh mà nông dân vẫn không thể bám quê để sống thì lo quá.

Đã từ lâu, nhiều nơi làm ruộng không có lãi. Nhưng ngay cả khi được đầu tư trở thành vùng thuần nông, lấy nông nghiệp, chăn nuôi làm thế mạnh mà nông dân vẫn không thể bám quê để sống thì lo quá.

>> Bi kịch không được nghèo
>> Chuyện học ở làng và cuộc xâm lăng của sư tử đá
>> Bẫy thu nhập đủ no
>> Những đứa trẻ mẫu giáo... già
>> Vỡ làng...
>> Mối lo làng quê

Không lãi nổi 15 ngàn/sào ruộng

Vùng chiêm trũng huyện Bình Lục được tỉnh Hà Nam chọn đầu tư thế mạnh làm nông nghiệp, đặc biệt là làm ruộng và chăn nuôi. Vậy mà nông dân ở đây lại bảo: Những gia đình bám quê để làm ruộng, để chăn nuôi thì nhất định là những nhà khó khăn nhất.


Nông dân vùng chiêm trũng

Hai vợ chồng Trần Trọng Hải và Trần Thị Cúc ở thôn 9 (xã An Ninh) đều là những nông dân trẻ. Họ chỉ mới ngoài 30. Cũng giống như phần lớn người làm nông vùng chiêm trũng, họ có sức khỏe, chịu khó lam lũ, làm ruộng, chăn nuôi, làm nghề phụ đều giỏi cả. Vậy mà họ không nuôi nổi hai đứa con mình. Một đứa lớp 7, đứa lớp 4. Đói ăn thì không đến nỗi, nhưng nếu không vay mượn thì cả hai đứa đều phải nghỉ học.

Bốn người trong gia đình được 3 sào ruộng. Đó là suất hai vợ chồng được chia từ trước lúc lấy nhau. Một năm 2 vụ, hết làm ruộng thì chồng đi xây, vợ chăn nuôi thêm con gà, con lợn. Hễ rảnh tay thì nhặt bông, thêu thùa, mò của, bắt ốc. Thế thì nuôi không nổi con là cớ làm sao?

Tôi hạch toán cho chú nhé. Chị Cúc miệng nói tay lấy giấy bút rồi gạch đầu dòng từng khoản thu chi của gia đình. Khoản thu chỉ vài ba gạch, còn khoản chi kín cả trang giấy, qua mặt thứ hai còn phải bấm thêm cả đốt ngón tay.

Theo như cách chia của chị Cúc, khoản thu chính của gia đình thì vẫn là ruộng. Để làm được một sào ruộng theo thời giá như vụ này thì mất 150 ngàn tiền làm đất, 200 ngàn công cấy, 50 ngàn công vò, 150 ngàn công thu, 195 ngàn tiền vật tư, 50 ngàn tiền thuốc BVTV, 35 ngàn tiền dịch vụ trả hợp tác xã. 

Tổng cộng vừa tròn một triệu đồng. Nếu được mùa thì xấp xỉ 2 tạ, giá lúa năm vừa rồi là 5,5 ngàn/kg. Thu về triệu mốt nhưng chi một triệu. Tính ra, một sào ruộng gia đình chị Cúc lãi được 100 ngàn. 3 sào, chia cho 4 người trong 6 tháng, mỗi người chưa được 15 ngàn đồng.

Một khoản thu chính nữa là chăn nuôi. Hai lứa vừa rồi chị Cúc nuôi 17 con lợn, kết quả chị bảo: “Giá cám vốn là nỗi lo lớn nhất, cao ngút trời, lại liên tục tăng trong khi giá lợn hơi có thời điểm xuống 33 ngàn đồng một cân nên tính toán lại 17 con lỗ đúng 17 triệu đồng. Thế là trắng tay, nợ nần, không chăn nuôi gì được nữa”.

Làm ruộng, chăn nuôi, hai nghề chính đều đi vào ngõ cụt nên cuộc sống của 4 con người buộc phải trông chờ vào những ngày công của anh Hải. Làm thợ xây nhưng chỉ là thợ phụ nên ngoài cơm ăn, mỗi ngày anh được trả 100 ngàn đồng. Tháng nào ngày nắng, đi đều, khỏe mạnh thì được tầm 20 công, còn như tháng vừa rồi chỉ được có 16. Cứ cho là thu nhập 2 triệu đồng mỗi tháng, trừ đi xăng xe đi lại thì cũng chỉ đủ trang trải được một vài khoản chi phí lặt vặt trong ngày với thêm tiền học thêm cho hai đứa trẻ.

“Quê bây giờ cũng học tràn lan. Đứa học lớp 7 tuần học thêm 5 buổi, đứa lớp 4 cũng tuần 4 buổi. Mỗi buổi 4 - 5 ngàn. Vị chi một tháng mất trăm ngàn tiền học thêm”, chị Cúc phân trần. Những khoản nhỏ như học thêm thì hai vợ chồng lo được. Còn học phí, mỗi năm hai đứa gần 4 triệu đồng thì năm nào cũng phải đi vay.


Hai vợ chồng, một đứa con nhưng cuộc sống gia đình anh Thuận rất khó khăn

An Ninh có 1.800 hộ thì cũng chừng ấy người là xã viên của HTX dịch vụ nông nghiệp. Tức nhà nào cũng làm ruộng cả. Bà Lục khoe rằng xã bà làm ruộng thuộc tốp đầu của tỉnh. Nhưng rồi gần như ngay lập tức bà đổi giọng mà nói thẳng: Nhiều thật, mạnh thật, nhưng giá đầu vào thì quá cao, giá đầu ra lại quá rẻ nên nếu trừ chi phí đầu tư thì không đủ nuôi một đứa trẻ đi học mẫu giáo chú à. Còn chăn nuôi là thứ không dành cho người nghèo. Nghèo thì không có vốn, lỗ một hai lứa là quẹp luôn, không gượng dậy nổi nữa rồi.

“Ăn giỗ cũng phải đi vay tiền bỏ phong bì chứ nhiều lúc trong nhà hết nhẵn. Còn như không may mà ốm đau phải đi viện thì có khi chạy khắp thôn cũng chẳng xoay đủ vài triệu đồng”, bà Hà Thị Lục, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Ninh nói về nghề sự bi đát của nhà nông quê mình.

Hơi nghịch lý, có ai làm lãnh đạo của HTX dịch vụ nông nghiệp lại đi "nói xấu" nghề ruộng, nghề chăn nuôi của quê mình đến thế bao giờ. Nhưng thực tế thậm chí còn bi đát hơn. Những gia đình “toàn vẹn” như Hải - Cúc còn khổ cực như thế, huống hồ những nhà có người ốm đau, mất sức lao động thì mức sống của họ thế nào?

Bế tắc, luẩn quẩn

Trưởng thôn 9 Trần Trọng Tháp vốn là người vui tính nhưng nói đến đời sống quê mình giọng ông cứ lo âu, buồn bã. Ông bảo rằng, nông dân vùng chiêm trũng là nơi bi đát đến mức thế này: Làm ruộng thế, chăn nuôi thế, nghề phụ lại không có nên nếu hỏi tôi là dân sống bằng gì thì khó quá. Cứ như thể họ đang bị bỏ rơi vậy.

174 hộ dân của thôn 9 rặt làm nông, chăn nuôi cả. Nhưng chỉ còn những người yếu sức lao động là bám trụ với hai nghề này, còn lại đều phải đi làm công. Một sự ổn định rất buồn tẻ. Vài năm trước thôn 9 đã thế này, bây giờ thế, và tương lai dường như cũng thế. Chẳng lẽ không có cách nào thoát nghèo hay sao? Có. Nhiều là đằng khác nhưng cách nào cũng bế tắc.

Thực ra nếu bám ruộng, chăn nuôi vẫn phát triển được nhưng cần phải có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, giảm chi phí đầu vào thì may ra. Mà chuyện vay vốn cũng buồn như chuyện làm ruộng vậy. Vốn thì có nhiều nguồn, nguồn các Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… Nhưng mỗi nguồn được có hơn chục triệu đồng, nghịch ở chỗ vay nguồn này thì không được vay nguồn khác nữa nên chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Chính sách hỗ trợ nông dân cũng nhiều nhưng những cái thiết thực nhất, cần nhất thì lại thiếu. Như dân thôn 9 này, họ sợ giá cám, giá phân bón, giá thuốc BVTV còn hơn lo cơm ăn nước uống. Cứ 15 ngày lại thấy báo giá cám lên. Mặc dù mỗi lần lên cứ nhè nhẹ 2 trăm đồng một cân nhưng lên liên tục như thế chả chết người dân à.

Nhà trưởng thôn Tháp năm ngoái nuôi 7 con lợn sề, năm nay chỉ dám nuôi có 2 vì không đủ tiền đầu tư. Lại chuyện thuốc BVTV, mặc dù đã có dịch vụ cung ứng của HTX nhưng thuốc giả cứ bán tràn lan. Giá rẻ nên dân mua về dùng theo quảng cáo, hướng dẫn trên bao bì. Thuốc phun hôm trước, hôm sau ruộng cháy rực như thể bị người ta tưới xăng mà đốt. Một sào ruộng phải đầu tư 20 kg lân, 3 cân đạm, 5 cân kali với giá 13,5 ngàn/kg. Tiền triệu cả, biết chết đấy, nhưng vẫn phải mua, phải làm, có cách nào khác đâu.

“Giá mà dân tôi có thêm nghề phụ thì còn đỡ. Đằng này có cái dự án thành lập chợ ở trung tâm xã mãi mà không xong. Báo cáo thu nhập của xã được 2,1 triệu đồng/người/tháng. Tôi không biết họ lấy đâu ra lắm tiền thế. Ruộng, chăn nuôi thì không phải rồi. Chắc là tính khoản đi làm xa, nhưng khoản ấy, nhiều nông dân đi cả năm trời mà tay trắng về làng”, trưởng thôn 9 Trần Trọng Tháp.

Mà nông thôn bây giờ chi tiêu, đóng góp khiếp lắm nhé. Trưởng thôn Tháp liệt kê: Nhà tôi có ngày nhận 6 cái giấy mời đám. Đám giỗ, đám cưới, đám nhà mới, đám cải mả… Theo giá sàn bây giờ mỗi giấy mất 100 ngàn tiền bỏ phong bì, 6 đám 6 trăm ngàn đồng. Anh bảo lấy đâu ra nếu không phải đi vay, đi mượn. Mà mượn ai? Lại khó nữa. Nhà nào cũng như nhau cả thôi. Lo được cái ăn, không đói, chứ đụng đến tiền là toát mồ hôi.

Đấy. Chỉ riêng đám đình đã khổ, còn con cái học hành, ốm đau thì khỏi nói rồi.

Một đôi vợ chồng nông dân trẻ khác cạnh nhà chị Cúc là Trần Trọng Thuận và Trương Thị Thủy. Nhà có 2,5 sào ruộng cộng với nghề nhặt bông thuê, nghề đi phụ hồ nhưng khoản tiền 1,9 triệu đồng đóng cho đứa con học lớp 6 từ đầu năm đến giờ chưa trả được. Đầu tắt mặt tối mà căn nhà cũng không dựng nổi. Dạo nhà xập xệ quá, đòn tay rớt trúng anh chồng phải đi viện. Sau, Nhà nước có chương trình xóa nhà không an toàn nên gia đình mới có nơi ở. Thuận bảo, từ lúc lấy nhau đến giờ, chưa khi nào trong gia đình tích cóp nổi số tiền khoảng chục triệu đồng. Mới hơn 30 mà trông Thuận già sọm đi vì vất vả. Tôi thử nhờ anh đại diện người dân thôn 9, thử đề xuất kiến nghị xem có cách nào để bám quê mà vẫn đủ sống không. Thuận lắc đầu.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.