| Hotline: 0983.970.780

Miếng thịt trâu mất tích

Thứ Năm 08/08/2013 , 10:30 (GMT+7)

Hôm qua mới kể chuyện con nghé chết, hôm nay lại chuyện con trâu chết, vậy nên Trần Ninh Thuỵ tôi có lời xin lỗi trước. Nếu thấy nhàm, thì bà con hãy phản hồi, để nhà cháu chuyển sang kể chuyện khác.

Hôm qua mới kể chuyện con nghé chết, hôm nay lại chuyện con trâu chết, vậy nên Trần Ninh Thuỵ tôi có lời xin lỗi trước. Nếu thấy nhàm, thì bà con hãy phản hồi, để nhà cháu chuyển sang kể chuyện khác.

>> Con nghé chết
>> Mối tình ''cơm cháy''
>> “Hùng chỉ”

Con trâu chết là con trâu cái nhà ông Phương ở đội sản xuất số 5 thôn Quyết Thắng, hợp tác xã Tứ Cường. Tứ Cường có 2 thôn là Quyết Chiến và Quyết Thắng, 8 đội sản xuất. Quyết Chiến có 4 đội, từ đội 1 đến đội 4. Bốn đội còn lại thuộc về Quyết Thắng. Đội sản xuất số 5 có hơn chục con trâu, thì con nhà ông Phương được giao nuôi to nhất, già nhất. Gần tháng nay nó đã rất yếu, đi cứ xiêu vẹo, ăn uống không được nên bốn chân nó chỉ còn như bốn mảnh ván, bụng hóp lại, giơ ra đủ bộ xương sườn còn xương sống thì gồ hẳn lên, hai mắt lúc nào cũng rỉ nước ướt nhoèn. Nghe cán bộ thú y báo cáo rằng con trâu chết vì già và vì thời tiết quá lạnh, ông chủ nhiệm Hợp tác xã Tứ Cường quyết định không phải chôn, cho cả thôn được mổ thịt chia cho các hộ xã viên.

Ngày hội làng bây giờ cũng không vui bằng việc con trâu chết mà không phải chôn dạo ấy. Cả thôn tưng bừng, tíu ta tíu tít cứ như én mùa xuân. Thịt ơi là thịt. Mấy tháng ròng có nhìn thấy mặt mũi mày đâu. Nay thì dù con trâu chỉ còn xương với da, nhưng chắc chắn mỗi nhà cũng được dăm lạng thịt rồi. 10 lực điền chia làm hai bên, cứ hai người một đòn tre luồn qua bụng, khiêng con trâu chết ra kho. Trẻ con cả thôn không thiếu mặt đứa nào. Rơm rạ được chất lên khắp mình trâu. Lửa nổi tưng bừng. Bốn anh đứng dạng chân, mỗi anh một cái quạt lúa ra sức quạt. Mùi lông trâu cháy, mùi da trâu cháy sao mà thơm thế.


Tem phiếu thời bao cấp (Ảnh: Trần Anh)

Chỉ khoảng 2 tiếng sau, con trâu đã xương ra xương, thịt ra thịt. Trưởng thôn Nguyễn Văn Huy đích thân cầm dao chia thịt, chia lòng, chia xương cho 4 đội. Đội trưởng đội nào nhận thịt của đội ấy rồi mang về chia cho xã viên của đội mình. Bọn trẻ con vòng trong vòng ngoài xem chia, đứa nào đứa nấy nuốt nước dãi ừng ực. Và tất nhiên là không thiếu mặt tôi, hồi ấy mới hơn 10 tuổi.

Đang mải xem, chợt có người bấm vào người mình. Tôi ngoảnh lại, thì ra thằng Huấn con bà Phòng, đội trưởng đội 5, rất thân với tôi. Huấn ghé tai tôi, thì thầm:

- Nhà mày có ai ở nhà không?

- Không.

- Vậy thì về nhà mày đi.

Đến nhà tôi, Huấn lôi từ trong áo ra một miếng thịt:

- Tao ngồi sát cạnh bu tao xem chia thịt. Nhân lúc bu tao sơ ý, tao thó được miếng này. Mày đem niêu ra đây, luộc lên, chúng ta chén.

Tôi vội vàng mang cái niêu đất ra. Nhìn miếng thịt đen xì, to bằng góc bàn tay người lớn, lại có cả mấy sợi lông, tôi bảo Huấn:

- Phải thui cho nó cháy hết lông đi đã chứ.

- Không cần. Chỉ có mấy cái lông thôi. Luộc chín rồi nhổ đi cũng được.

Chừng nửa tiếng sau, chúng tôi vớt miếng thịt ra, lấy dao thớt thái miếng thịt thành mấy miếng nhỏ rồi thi nhau bốc cho vào mồm nhai. Ngon, nhưng mà dai quá. Huấn bảo:

- Cần quái gì. Cứ nuốt vào bụng là nó thành chất bổ hết.

Vừa nhai xong mấy miếng thịt thì nghe tiếng ầm ầm ở nhà bà Phòng, chúng tôi vội phi sang. Rổ thịt bà đội trưởng mang về đã được chia gần xong thành hơn ba chục phần cho hơn ba chục hộ. Phần nào cũng có da, có thịt, có lòng. Hơn ba chục hộ không nhà nào thiếu mặt, ai nấy hau háu chờ nhận phần thịt mang về. Có ông chủ hộ đã cầm sẵn trên tay mớ rau cần. Nhưng việc chia phải tạm ngừng, vì lão Thứ đang trợn mắt, gân cổ bảo bà đội trưởng:

- Rõ ràng là lúc chia “cái ấy”, ông Huy ông ấy đặt nó lên thớt, cầm dao rạch dọc một nhát, rồi lại rạch ngang một nhát, chia nó thành 4 phần bằng nhau. Rạch xong, ông ấy cầm mỗi miếng để vào phần của một đội, vừa chia ông ấy vừa đếm: Một miếng l...; Hai miếng l...; Ba miếng l...; Bốn miếng l...” làm mọi người cười ầm lên. Không đội nào thiếu. Thế thì miếng l... của đội ta đâu? Chả nhà chị giấu đi thì còn ai giấu?

- Tôi thề với bà con là tôi không lấy. Xưa nay tôi sống thế nào thì bà con đã biết. Nhận phần cho đội xong, tôi cùng anh Thành, anh Dụ khiêng về chứ có phải một mình tôi đâu mà bảo tôi giấu. Có thể là ông Huy ông ấy quên đội mình hoặc ông ấy để nhầm vào đội khác nên đội ta thiếu.

Trưởng thôn Nguyễn Văn Huy được mời đến. Nghe thủng chuyện, ông nổi xung:

- Mẹ nhà chúng mày chứ. Ông mà lại thèm đi ăn bớt miếng l... trâu của chúng mày à.

Mỗi người một câu khiến đám chia thịt ầm ầm như vỡ chợ. Nhìn sang Huấn, thấy nó tái mét mặt, tôi chợt hiểu. Giời ơi, thì ra cái miếng thịt mà Huấn thó được, đem đãi tôi, chính là một góc cái l... trâu. Thảo nào mà ăn nó dai thế, lại có mùi hơi khai khai. Và quái đản làm sao, càng nhai miếng thịt lại càng nở to ra. Nhưng lúc nhai, vì thèm quá, nào tôi có để ý.

Nghi án miếng l... trâu bị mất được mọi người gác lại không truy cứu nữa, khi bà Phòng tuyên bố:

- Trăm dâu đổ đầu tằm. Chẳng biết ai lấy nhưng tôi làm mất thì tôi phải chịu. Bây giờ cứ chia nốt đi đã. Rồi khi chia xong, tôi xin bỏ một miếng thịt tương đương với miếng bị mất ra đền, để chia đều cho bà con.

Miếng thịt bà Phòng bỏ của nhà ra đền được đem thái thành hơn ba chục miếng, mỗi miếng chừng nửa đốt ngón tay trẻ con, khiến mọi người đều hể hả. Nhưng cũng từ đấy, bà Phòng được người ta gán cho cái tiếng là “bà đội trưởng mất... l...”.

Huấn kém tôi 1 tuổi. Học hết lớp 10 phổ thông, Huấn vào Đại học Mỏ - Địa chất, trở thành kỹ sư địa chất và hiện giờ đang giữ chức vụ rất lớn ở một tỉnh. Thỉnh thoảng hai thằng vẫn gặp nhau. Bà Phòng đã mất. Lần nào gặp, Huấn cũng nhắc đến mẹ mình, và cứ nhắc đến mẹ là mắt hắn lại đỏ hoe. Lần gặp gần đây nhất, Huấn bảo:

- Thế nào mày cũng phải viết về cái chuyện ấy. Để mọi người biết miếng thịt thời bao cấp, nó ghê gớm đến thế nào.

Tôi nhận lời Huấn, nhưng bây giờ mới có dịp.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm