| Hotline: 0983.970.780

Mưu rượu

Thứ Tư 21/08/2013 , 10:18 (GMT+7)

Sau mấy lần bị bắt trước, mụ Mắn không dùng chai đựng rượu giấu vào gánh phân chuồng hay dưới thúng gio bếp, rưới nước đái lên giả làm phân bắc để mang bán nữa, mà nghĩ ra chiêu khác: Cho rượu vào cái bong bóng trâu, dùng dây chun buộc chặt, độn vào bụng giả làm có chửa.

Không còn một giọt rượu nào. Ông Mậu ra ngẩn vào ngơ. Con mẹ Mắn vẫn bán rượu lậu mới bị bắt năm hôm trước. Sau mấy lần bị bắt trước, mụ không dùng chai đựng rượu giấu vào gánh phân chuồng hay dưới thúng gio bếp, rưới nước đái lên giả làm phân bắc để mang bán nữa, mà nghĩ ra chiêu khác: Cho rượu vào cái bong bóng trâu, dùng dây chun buộc chặt, độn vào bụng giả làm có chửa.

>> Cái áo “ăn bớt”
>> Nồi rượu cưới
>> Cân lòng chai rượu nuốt người... lao đao
>> Chị Dầu chị Mỡ
>> Chồng tôi hộc máu chết rồi!
>> Cái thuốn xe đạp
>> Con lợn đẹn
>> Buổi cày đầu tiên
>> Miếng thịt trâu mất tích
>> Con nghé chết
>> Mối tình ''cơm cháy''
>> “Hùng chỉ”

Bán hết rưọu, mụ lấy nước đổ đầy bong bóng rồi lại độn vào bụng quay về. Nhờ thế mà suốt mấy tháng giời, từ công an đến phòng thuế đều bị mụ qua mặt. Nhưng khôn mà không ngoan. Người có chửa thì bụng to đến đâu, vú mẩy ra đến đấy, mà đi đứng nó ộ ệ, mặt gân chân xương.

Đằng này... thấy bụng mụ to lùm lùm nhưng vú vê lại đét đẹt, mà đi đứng cứ thoăn thoắt, nhà chức trách đâm nghi, họ bố trí hai nữ công an chặn đường, lật áo mụ ra bắt quả tang... Mụ Mắn bị bắt, những tín đồ cuồng nhiệt của thứ nước “môm cày” như lão hết nguồn cung. Bị bắt lên bị bắt xuống năm bảy lần như thế, lần này chắc mụ rũ tù.


Ảnh minh họa

Sực nhớ lần trước về phép, thằng cháu làm ở bệnh viện tận Hà Nội cho một lọ cồn 90 độ. Không biết bà ấy cất đâu. Lục tung đống chai lọ và trăm thứ bà dằn tận góc buồng, cuối cùng mắt ông Mậu sáng lên: Đây rồi. Dốc lọ cồn ra được chừng một phần ba cái bát sứ Hải Dương. Sẵn nước sôi để nguội, ông chế vào chừng gấp đôi lượng cồn nguyên chất nữa, được gần đầy bát.

 Rửa hai củ khoai sống, bốc dúm muối trắng làm đồ nhắm, ông ngồi nhâm nhi. Chà, uống đã đời thật. Nhưng xóc, và sau lúc nuốt ngụm cồn pha nước xuống, thấy đắng nghét trong cổ họng. Buồn ơi là buồn. Thời Tây, thằng Tây cấm dân ta nấu rượu nhưng mà rượu của nó nấu thì bán ê hề. Nhà có việc, cứ mổ một con lợn, nó còn bắt buộc phải mua chục lít rượu nữa ấy chứ.

Thời ta, nhà nước cấm dân nấu rượu nhưng lại không bán rượu cho dân, cấm ngày càng ngặt. Không chỉ cấm nấu rượu bằng gạo mà còn cấm cả dùng ngô, khoai, sắn, đường, mật mía... để nấu rượu nữa. Tội nấu rượu trái phép, nặng nhất phải chịu đến 2 năm tù hoặc bị phạt tới 1.000 đồng và tịch thu toàn bộ tang vật. Một nghìn đồng! Không ai nghe mà không lạnh gáy.

Một người đàn bà sùm sụp cái nón che kín mặt, xăm xăm vào nhà ông. Đến sát chỗ ông ngồi, khi người đàn bà gỡ nón ra, ông Mậu giật nảy mình: Mụ Mắn.

- Nhà chị bị bắt rồi cơ mà?

- Vâng, dưng mà họ mới thả em về hôm qua.

- Thế à? Tôi cứ tưởng chuyến này thì nhà chị rũ tù.

- Lần nào bắt em, các ông ấy cũng tịch thu rượu. Mười lít rượu tịch thu được, các ông ấy rút ra tám lít uống với nhau, chỉ để lại hai lít rồi đổ tám lít nước lã vào cho thành mười lít, bảo đấy là tang vật đem nộp huyện. Bắt em đi tù thì họ lấy gì mà uống?

- Nhà chị đến đây làm gì?

- Em đến nhờ ông.

- Nhờ cái gì?

- Nhờ cái hầm của nhà ông. Hầm bí mật ấy.

Hầm bí mật. Nhà ông Mậu đúng là có cái hầm bí mật thật. Thời còn trong bóng tối, cán bộ huyện, cán bộ tỉnh đã nhiều lần nằm dưới cái hầm ấy, được bố ông che chở, nuôi nấng, chính ông cũng nhiều lần được bố sai mang cơm ra hầm cho cán bộ.

Cái hầm được đào ở góc vườn, ngoài cửa chính còn có đến 3 cửa ngách thoát hiểm, lỗ thông hơi được trổ ở chính giữa bụi tre gai rậm rạp, kín đáo vô cùng. Thế nên từ khi đào, hầm chưa hề bị địch phát hiện. Từ năm 1954 đến nay, cái hầm bỏ không.

Bố ông đã mất, những ông từng nằm hầm giờ đều làm việc trên huyện, trên tỉnh, có dịp, họ vẫn về thắp hương cho bố ông, và dặn đừng lấp cái hầm đi, để làm kỷ niệm...

- Nhà chị mượn cái hầm làm gì?

- Chẳng giấu gì ông. Trước nay em lấy rượu của người ta đem bán, nhưng mà ba chuyến thoát, một chuyến bị bắt thì lời lãi của cả ba chuyến trước cũng đi tong. Thế nên em định chuyển sang nấu rồi đổ cho người khác họ bán.

 Nhưng mà nhà em thì không thể nấu được, vì ở gần ngã ba giữa làng, nhiều người đi lại, kẻ dòm người nom. Nhà ông ở cuối xóm, giáp cánh đồng, gia đình lại có công, chẳng ai nghi ngờ. Cái hầm nhà ông mà dùng để nấu rượu thì không gì tốt hơn. Ông nghĩ thế nào?

- Chết thôi. Nhỡ ra...

- Chẳng nhỡ chẳng nhung gì hết. Ông chỉ cho em nhờ thôi chứ ông có dính dáng gì đâu. Cứ mỗi nồi rượu, em biếu ông một lít.

Chỉ một câu ấy, ông Mậu quỵ hẳn. Vừa khoái vì có rượu uống, vừa thấy yên tâm vì nếu có “làm sao” thì ông “cũng chẳng làm sao”. Ông tự lý luận: Mình chỉ cho con mụ Mắn mượn cái hầm, còn mọi chuyện là như ở mụ, có gì thì mụ làm mụ chịu. Nhưng gật đầu ngay, nó lại nghĩ mình hám chén rượu của nó. Ông bảo:

- Được rồi. Nhà chị cứ về đi, để tôi suy nghĩ đã. Với lại cũng phải hỏi ý kiến bà nó.

Hai hôm sau mụ Mắn lại dò đến. Lần này thì ông Mậu gật, và ông dẫn mụ ra vườn xem hầm. Lúc sau, mụ đưa cho ông hai mươi đồng:

- Cái hầm khí chật. Em gửi chỗ này là tiền công, ông mở rộng hầm ra cho em một ít nữa. Mình ông làm thôi chứ đừng để bà hay các cháu làm. Đợi đêm khuya hẵng làm. Đất đào lên thì cho vào bao rồi đem đổ xuống ao chứ đừng đổ ra vườn kẻo người ta biết.

Sau hai đêm, ông Mậu hoàn thành công việc cho mụ Mắn. Nhìn cái hầm, mụ ưng ý lắm. Hầm khá rộng, có thể để nấu được cơm, ủ men, nấu rượu ngay trong hầm, khói sẽ tuôn theo lỗ thông hơi ở giữa bụi tre gai rậm rạp, ban ngày cũng chả ai biết chứ đừng nói ban đêm. Đêm khuya mà đậy nắm hầm lại rồi mới nổi lửa thì giời không biết, đất không hay...

Sau mấy hôm, cứ nửa đêm về sáng mụ Mắn mới theo lối ngoài đồng chuyển các thứ xuống hầm để nấu cơm, ủ men. Mẻ rượu đầu tiên được mụ nấu đúng vào giờ Tý hôm mười bốn tháng bảy. Chui xuống hầm, nhờ ông Mậu đậy nắp xong, mụ dặn:

- Sáng mai, chừng 6 giờ thì ông gỡ nắp hộ em với.

Đúng hẹn, mụ trồi lên, đưa cho ông ba chai rượu trong vắt, mỗi chai nửa lít:

- Đây là mẻ đầu tiên, em biếu ông hẳn lít rưỡi.

Gần một năm giời, cứ mấy hôm mụ Mắn lại cất một nồi rượu. Ông Mậu không bao giờ thiếu rượu uống. Những ngày đầu ông chỉ đậy nắm hầm giúp mụ. Sau, ông chui cả xuống hầm để giúp mụ việc này việc nọ...

Rồi đến một lúc, người làng thấy bụng mụ Mắn cứ mỗi ngày một lùm lên. Lần này thì mụ chửa thật chứ không phải chửa bằng bong bóng trâu nữa, dù chồng mụ mất đã mấy năm.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.