| Hotline: 0983.970.780

Thăm nhà giàu và nghèo nhất làng

Thứ Ba 17/09/2013 , 10:43 (GMT+7)

Ông Nguyễn Trọng Điểm, 68 tuổi, thuộc diện hộ khá giả ở khu 9 xã Kim Đức (Việt Trì, Phú Thọ). Tất tật tổng tài sản của ông hiện có khoảng 160 triệu đồng và không vay nợ đồng nào. Trong suốt hơn 40 năm lao động nặng nhọc, làm việc đến già, trung bình mỗi năm ông tích lũy được 4 triệu.

Ông Nguyễn Trọng Điểm, 68 tuổi, thuộc diện hộ khá giả ở khu 9 xã Kim Đức (Việt Trì, Phú Thọ). Hãy xem ông có những gì? Lương Chủ nhiệm HTX 1,2 triệu/tháng, 100 con gà cả to lẫn nhỏ, một bò một bê, một xe máy cỡ 20 triệu đồng, một sổ tiết kiệm và các khoản cho vay 100 triệu, tất tật tổng tài sản của ông hiện có khoảng 160 triệu đồng và không vay nợ đồng nào.

>> Nông dân đang có gì?

Vậy là người giàu có ở làng như ông Điểm, trong suốt hơn 40 năm lao động nặng nhọc, làm việc đến già vẫn không chịu ngơi tay chân, trung bình mỗi năm tích lũy được 4 triệu.

Hiện, cả năm người con của ông bà Điểm đều gia thất đuề huề, cuộc sống như ông tự nhận là dễ chịu vì thu nhập khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng, trừ ăn tiêu họ bỏ ống tiết kiệm được 500.000đ.

Bà Điểm bấm đốt ngón tay tính cho tôi: “Thức ăn mỗi ngày 20.000đ khi thì ba lạng thịt ba chỉ, dăm ba bìa đậu phụ lúc con cá nửa cân, bận hai ba lạng tằm sắn, vị chi tháng hết 600.000đ. Điện mỗi tháng 100.000đ, củi mỗi tháng 200.000đ, phân gio, vật tư nông nghiệp hết 200.000đ, đình đám dăm bận hết 500.000đ”.

Tài sản của người nông dân Việt Nam nhỏ bé và mong manh như cây đèn dầu không có chụp, chỉ cần một “cơn gió” kiểu như thiên tai, bệnh trọng hay những cú sốc thị trường là khó gượng dậy nổi. 


Cái xe máy và con bò của một hộ giàu

Ông Nguyễn Xuân Hùng, 61 tuổi, ở khu 9 có 5 người con, ba sào ruộng, được trưởng khu Nguyễn Đức Hách giới thiệu là hộ trung bình. Nhà ông trâu bò không, lợn gà không, xe máy cũng không nốt. Hằng ngày ông ở nhà trông hai đứa cháu nội, thu nhập của cả gia đình giờ trông cậy vào người vợ Đỗ Thị Hồng Duyên với nghề đồng nát, mỗi tháng đi được mươi buổi, mỗi buổi lãi trung bình 50.000đ. Nếu cộng cả tiền bòn mớ rau trong vườn đem bán hay những làm thuê lặt vặt ngoài làng tổng cộng gia đình họ có cỡ 1,4 triệu đồng.

Ba đứa con liên tiếp cưới vợ, mỗi đám để lại khoản lỗ cho bố mẹ 6-7 triệu đồng chưa kể đận bà đi đồng nát tan nạn gãy chân vào viện thuốc thang mất 13 triệu đồng… Nợ nần lung tung cả nên cách đây mấy năm ông Hùng phải xắn cả đất vườn ra với 5 m chiều dài, 31 m chiều sâu đem bán được 32 triệu để trả nợ.

Năm bà bị tai nạn, nhà ông được xếp loại hộ nghèo nhưng năm sau đã ra khỏi danh sách. Giờ cả nhà có một thứ duy nhất trị giá tiền triệu là cái tủ lạnh do ông lĩnh chế độ hồi đi bộ đội còn tiền mặt trong nhà chỉ có trên 100.000đ là vốn của bà Duyên đi đồng nát, nếu rủi ốm đau sẽ hết cả cơ hội làm ăn.


Cái tủ lạnh của một hộ trung bình

Hỏi về cuộc sống hiện tại, bà Duyên bảo: “Chúng tôi không kêu ca, không phàn nàn gì”. Tôi biết đó là thái độ cam chịu vốn có của người nông dân Việt, ít khi dám kêu ca chuyện khổ với người xa lạ.

Khu 9 có 202 hộ thì 19 hộ nghèo. Chuẩn nghèo của Việt Nam đã thấp chưa bằng một nửa so với chuẩn nghèo thế giới (60 USD/người/tháng tương đương khoảng 1,3 triệu đồng trong khi chuẩn nghèo ở nông thôn Việt Nam hiện nay chỉ 400.000đ/người/tháng, ở thành thị 500.000đ/người/tháng) mà lắm khi bình xét lại mắc thêm chứng bệnh hình thức nữa nên chẳng biết đâu là hư, là thực.

Thế giới có khái niệm nghèo đa chiều tức không chỉ dựa trên tiêu chí thu nhập bình quân mà còn các tiêu chí khác như giáo dục, y tế, an sinh xã hội, nhà ở, dịch vụ cơ bản… Nếu chiểu theo khái niệm này, nghèo đa chiều ở nông thôn Việt Nam đông gấp bội con số đang công bố.

Bà Cao Thị Hợi là người nghèo điển hình của vùng trung du Kim Đức. Năm nay bà 86 tuổi, đang sống cùng người con Đào Thị Liên bị đục thủy tinh thể từ nhỏ. Tiền hỗ trợ tuổi già của bà cộng tiền hỗ trợ tàn tật của người con gái tổng cộng được 360.000đ mỗi tháng. Bà Hợi có 12 thước ruộng nhưng tuổi cao sức yếu đành phải nhờ con cháu làm hộ, chúng cho tí thóc nào là may tí ấy. Nhà bà có 3 con gà mái, 1 con gà trống, 5 con gà giò, 1 con chó chửa, 1 cái ti vi cũ (chiếc tivi do người ta thương tình cho). Rộng rãi mà tính tổng tài sản của mẹ con bà không quá 2 triệu đồng.

Bà lão bảo: “Mẹ con tôi có thế nào ăn như thế, không muốn nợ mà có muốn nợ cũng không được vì ngân hàng chỉ cho hộ nghèo vay tiền kèm theo điều kiện phải có lao động còn mẹ con tôi quá tuổi rồi họ không dám cho vay. Tôi chỉ vay nợ có hai lần để mổ mắt cho con năm 1994 và 1997. Dù được mổ miễn phí nhưng vẫn phải bồi dưỡng rồi ăn uống đi đường cũng mất đến 2 triệu đồng. Số tiền ấy chúng tôi trả nợ mấy năm mới xong”.

Giờ tất cả hi vọng của hai mẹ con bà Hợi là con chó mực đang chửa. Nó mà đẻ được ba bốn con, sau mấy tháng nuôi mang ra chợ mẹ con bà cũng có một khoản tiền mấy trăm ngàn làm chỗ dựa lúc đau ốm.

Một gia đình nghèo tiêu biểu khác, chị Nguyễn Thị Thực ở khu 1 (Kim Đức). Ngoài làm ruộng, thỉnh thoảng chị Thực vẫn đi đội cát, đội sỏi cho những ông chủ đổ bê tông trong vùng. Đội cả tấn cát đá trên đầu mỗi ngày như thế chị được người ta trả công 160.000đ nhưng tháng cũng chỉ tranh thủ được sáu bảy buổi bởi còn ba đứa con gái nhỏ, bởi 11 thước ruộng, bởi ông chồng đột nhiên mắc chứng tâm thần sau một lần sốt nặng.

Đã dăm bảy năm nay, đông cũng như hè, ngày cũng như đêm, trừ những lúc ăn, lúc ngủ anh mới chịu vào nhà còn không cứ bì bõm tắm rửa suốt ngày ở giếng. Anh bị ám ảnh về chuyện ở bẩn.

Lúc tôi đến, ngôi nhà nền đất, tường xây gạch ba banh, mái lợp lá cọ của chị Thực không có đài, không có ti vi, không có nồi cơm điện đến cái tủ cũng không có nốt, quần áo cứ giăng vắt suồi suồi lên mấy cái sào dựng quanh nhà. Vật giá trị nhất của chị Thực là chiếc xe đạp nát mà nếu có rao bán cũng bị mấy bà sắt vụn ỏng eo dè bỉu, trả giá chưa nổi một trăm ngàn đồng.


Gia sản của một hộ nghèo

Nói đúng ra, chị Thực cũng có một cặp bò mới mua với giá 25 triệu nhưng toàn bộ tiền đó là do vay vốn từ ngân hàng chính sách. Tổng cộng nợ của chị hiện lên đến 31 triệu đồng (ngân hàng 30 triệu, vay ngoài 1 triệu) nên chi ly mà tính ngót hai chục năm lao động chân tay, bán tất cả các thứ đang sở hữu đi chị vẫn ôm một khoản nợ 6 triệu.

Tiền không có, họ hàng đều neo túng như nhau, giấc mơ được đưa chồng đi giám định tâm thần để chạy chữa hay được chút ít trợ cấp hằng tháng cũng không thành. Giấc mơ được xóa nhà tạm theo chương trình của Nhà nước cũng không biết bao giờ thực hiện nổi bởi họ đang sống tầm gửi trên đất đồi cọ của bố mẹ chứ không phải là đã có đất thổ cư.

Chị Nguyễn Thị Tám, chủ một cửa hàng tạp hóa ở khu 1 chép miệng thở dài bảo tôi: “Dân nợ từ gói bột canh 2.000đ, miếng vá xe đạp 4.000đ đến xô bã bia, bao cám chăn lợn. Trung bình họ nợ từ 6 tháng đến 1 năm mới trả. Tôi bán hàng đã sáu năm nay, gần đây nợ nần nhiều quá, đến trên 200 triệu đồng rồi chú ạ! Không khéo mấy đứa con của tôi đành phải bỏ học dở chừng vì thiếu tiền chu cấp mất”.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.