| Hotline: 0983.970.780

Người “khai sinh” hồ Phú Ninh lần hai

Thứ Ba 24/09/2013 , 10:07 (GMT+7)

Ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, một chuyên gia về hồ đập, được mọi người ví là người sinh ra đập Phú Ninh lần thứ hai.

Ông Lê Trí Tập (ảnh), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, một chuyên gia về hồ đập, được mọi người ví là người sinh ra đập Phú Ninh lần thứ hai. Bởi quyết định giữ đập của ông trong cơn lũ lịch sử năm 1999 đã cứu nguy cho hàng chục ngàn người dân, bảo vệ đập an toàn đến tận ngày nay.

>> Những người xây hồ đập miền Trung

QUYẾT ĐỊNH SINH TỬ

Năm 1999, miền Trung oằn mình gánh đại hồng thủy, người dân Quảng Nam điêu đứng trước giặc lũ. Hồ Phú Ninh bị uy hiếp nghiêm trọng. Nếu vỡ đập, hơn 300 triệu m3 nước trong lòng hồ là một quả bom khổng lồ dội xuống đồng bằng. Và chắc chắn hàng chục ngàn hộ dân Quảng Nam bị cuốn ra biển Đông trong chốc lát.

Mối nguy từ đập Phú Ninh khiến cả nước đứng ngồi không yên. “Trong lúc nguy nan ấy, đoàn công tác của Trung ương có ý kiến cho nổ thân đập hồ Phú Ninh để tháo nước.

Vì nếu tiếp tục để hồ chứa nước lỡ có sự cố sẽ trở thành tai họa khủng khiếp. Thế nhưng, phá đập Phú Ninh rồi thì liệu có cứu được dân Quảng Nam trong tình cảnh lũ lụt. Và mùa khô lấy gì để tưới tiêu?”, ông Tập nhớ lại.

Lúc đó, ông Tập vô cùng băn khoăn. Ông không bằng lòng với cách cho phá đập và vắt óc suy nghĩ một phương án tối ưu nhất. Rồi ông đã có một quyết định động trời, thế chấp cả sự nghiệp chính trị của mình.

Một cuộc họp khẩn gồm toàn bộ cán bộ chủ chốt của tỉnh và đoàn công tác của Trung ương được tổ chức. Tất cả đều có chung khẳng định: Nửa đêm nước sẽ vượt ngưỡng. Công trình đại thuỷ nông hồ Phú Ninh sẽ bị xoá sổ. TP Tam Kỳ và các huyện vùng hạ lưu có nguy cơ bị cuốn phăng ra biển.

Đã đến giờ “G”. Ông Tập đứng lên đưa ra quyết định không cho phá đập và xin chịu mọi trách nhiệm về mình nếu đập vỡ. Ông Tập kể lại: “Khi đó có rất nhiều phương án được đưa ra. Nhưng nếu vỡ đập trong đêm thì hậu quả sẽ khôn lường. Khu vực Tam Kỳ sẽ có thêm một con sông nữa sau khi vỡ đập.

Đất sẽ mất, hạ tầng chìm trong nước, nhà cửa bị cuốn trôi và người dân hết đường chạy. Trước tình hình đó, tôi xin đắp đập cao thêm 30 cm để kéo dài tới sáng. Nếu cầm cự được tới sáng thì người dân còn biết đường mà sơ tán. Lúc này mà đập vẫn vỡ thì đó là ý trời”.

Ông Tập xin mọi người trong đoàn của Trung ương phải xem xét đề xuất của mình. Ông kể: “Lúc đó tôi bảo, nếu có chết thì tôi muốn chết với dân chứ tôi không đi đâu hết. Hãy nghe ý kiến của tôi, tôi xin chịu mọi trách nhiệm về mình và yêu cầu không phá đập lúc này”.

Thấy vị Chủ tịch tỉnh kiên quyết đến cùng để cố bảo vệ đập Phú Ninh bằng mọi cách, một số người trong đoàn công tác đã gật đầu. Tối đến, đoàn nhất trí cho ông dùng tới phương án nâng đập thêm 30 cm.

“Không có nhân lực làm sao các ông có thể nâng đập lên 30 cm chỉ trong một đêm?”, chúng tôi hỏi. Ông Tập cho hay: “Một số người trong đoàn đã hỏi câu hỏi như anh. Họ hỏi làm sao tôi có thể nâng đập lên thêm 30 cm vì đó là điều không tưởng.

Nhưng họ không biết, khi lũ về tôi đã điều động 500 chiến sĩ của một Trung đoàn đang đi dã ngoại lên thẳng hồ Phú Ninh. Tôi cũng đã huy động sẵn cả máy xúc, 2.000 bao tải đất cát. Khi trình bày đến đây thì mọi người trong đoàn đã yên tâm”.

CHIẾN THẮNG ĐẠI HỒNG THỦY

Khi chính thức tuyên bố nâng cao đập lên cao trình mới, ông đã “bắn” phát súng đầu tiên mở đầu trận chiến với thiên nhiên để giữ đập được an toàn. Đó là trận đánh giữa trí tuệ, sức người, lòng dũng cảm với thiên nhiên hung dữ.

Đúng như tính toán, chỉ trong một thời gian rất ngắn, hồ Phú Ninh được nâng cao thêm 30 cm. Lực lượng bộ đội của ông đã phát huy vai trò thiên sứ của mình. Với quyết định sinh tử nâng đập lên 30 cm thì ông cũng đã giữ lại trong lòng hồ Phú Ninh thêm 17 triệu m3 nước dùng vào mùa hạn hán.

Nhưng ông Tập thừa nhận, để giữ được đập Phú Ninh an toàn trong đại hồng thủy năm 1999, ngoài sự tính toán, dám chịu trách nhiệm của mình, một phần ông còn được ông trời trợ giúp. Bởi lúc ông Tập ngồi bấm ngón tay tính toán từng ml nước thì nước đầu nguồn vẫn cuồn cuộn chảy về.

“Tôi tính toán lượng mưa lúc đó nếu nâng đập và cố gắng cầm cự thì ít nhất đến 2 giờ sáng hôm sau đập mới vỡ. Lúc đó trời đã sáng, dân tình có thể nhìn thấy nhau mà sơ tán, chạy nạn còn hơn là phá đập trong đêm.

 Lúc tôi chỉ nghĩ về sinh mạng của hàng chục ngàn người dân. Mà cái chết thì anh nào chết cũng giống nhau. Dân thường chết cũng giống lãnh đạo. Tính mạng của dân là tối thượng”, ông Tập nói.

Càng về sáng, lượng nước đầu nguồn chảy về hồ giảm, mưa nhỏ dần. 6 giờ sáng hôm sau, lúc mọi người trong đoàn công tác của Trung ương và nhiều anh em còn ngủ vì mệt lừ với lũ, ông Tập đã đứng trên thành đập Phú Ninh trả lời phỏng vấn VTV1. Ông dõng dạc khẳng định: “Đập Phú Ninh đã an toàn. Người dân đã được cứu”.


Hồ Phú Ninh cung cấp nước cho người dân xứ Quảng

Kể từ hôm đó, mỗi ngày ông nhận hàng trăm lá thư tâm sự về quyết định mang sinh mạng chính trị của mình ra thế chấp ngày ấy. Có người nói ông dũng cảm, dám nhận trách nhiệm. Vì trong bối cảnh nguy nan đó, dù lãnh đạo ở cấp nào thì người ta cũng không dám chịu trách nhiệm cá nhân mà thường vin vào trách nhiệm tập thể.

Ông Tập tâm sự, thế hệ lãnh đạo đi xây hồ Phú Ninh giờ đã già, đa phần đãng trí, chẳng nhớ gì nhiều. Một số người thì đã trở thành người thiên cổ. “Thời đó, ông phụ trách việc gì trên công trường đại thủy nông Phú Ninh?” tôi hỏi. “Lúc đó, tôi làm PGĐ Khảo sát thiết kế Thủy lợi, Thủy điện Quảng Nam - Đà Nẵng, phụ trách toàn bộ kỹ thuật của hồ Phú Ninh”, ông trả lời.

Ông Tập  tiếp tục kể: "Thực chất thì thiết kế hồ Phú Ninh có từ thời Pháp vào những 1930 - 1933. Nhưng người Pháp thiết kế hồ quy mô nhỏ. Sau giải phóng, mình có được tài liệu nên đem nghiên cứu.

Trung ương yêu cầu đo lại, kiểm tra và bổ sung thiết kế nội suy để kéo dài đập ra so với thiết kế ban đầu. Chuyển vị trí đập chính lên cách chỗ thiết kế của Pháp 300 m. Bởi trong thiết kế của Pháp đập chính nằm ngay khu vực đới đứt gãy.

Theo ông Tập, hồ Phú Ninh bây giờ có chức năng tổng hợp chứ không đơn thuần là tưới tiêu cho đồng ruộng như ngày xưa. Vì nó không chỉ là cung cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt mà còn là công trình phòng chống lũ, điều tiết nước mùa hạn, cải thiện khí hậu...

Nhưng người “khai sinh” hồ Phú Ninh lần hai cũng không khỏi lo lắng: “Vấn đề cốt lõi là làm sao để hồ không bị ô nhiễm, nước trong lành, rừng cây không bị phá…, để nó không phụ công lao của hàng vạn người đã đổ công sức, xương máu xây lên”. Còn về sự an toàn của đập, ông khẳng định: “Dù nhắm mắt xuôi tay tôi vẫn rất yên tâm về đập Phú Ninh”.

Sau trận lũ 1999, Trung ương đã cho phép tỉnh Quảng Nam đầu tư, gia cố thêm thân đập. Công trình đại thủy nông hồ Phú Ninh còn được mở thêm một cửa tràn 800m3/giây, nâng mức tràn lên 1,5 lần (trước lũ 1999 đập Phú Ninh chỉ xả có 1.400m3/giây) nên lại càng yên tâm.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm