| Hotline: 0983.970.780

Người tù tri ân từng hạt cát

Thứ Năm 24/10/2013 , 10:56 (GMT+7)

Tuấn "bò sát" là cái tên mà người dân đặt cho Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1977, trú tại thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Năm 2006 ra tù, đến nay Tuấn làm nên cơ nghiệp 6 tỷ đồng bằng việc nuôi bò sát.

Tuấn "bò sát" là cái tên mà người dân đặt cho Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1977, trú tại thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Năm 2006 ra tù, đến nay Tuấn làm nên cơ nghiệp 6 tỷ đồng bằng việc nuôi bò sát.

>> Họ từng tù tội

Về nơi đất chết

Đến giờ, Tuấn không nhớ mình được bao nhiêu lần đứng trên bục vinh quang nhận thành tích từ những việc mình làm. Phần thưởng của Tuấn trên mọi lĩnh vực: Làm ăn giỏi, giúp đỡ người nghèo lập nghiệp… Có được thành quả của ngày hôm nay, Tuấn có một quá khứ đầy chông gai, nào là vào tù, làm ăn không ít lần trắng tay. Thế nhưng bằng nỗ lực và đầu óc kinh doanh, Tuấn làm nên một thương hiệu: Tuấn "bò sát".

Tuấn sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo Tam Hiệp, vùng đất toàn cát trắng bao bọc. Đấy là của ngày trước, còn giờ nơi đây khu công nghiệp Chu Lai mọc lên, hàng trăm nhà máy cao chọc trời hoạt động liên tục. Quê hương Tuấn thực sự đã khởi sắc.

Năm 2002, Tuấn tốt nghiệp ngành Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Với tấm bằng giỏi, Tuấn xin vào ở một Cty bất động sản. Bằng nỗ lực của mình, Tuấn vươn lên giữ chức trưởng phòng kinh doanh, tiền thu nhập mỗi tháng trên 15 triệu đồng. Rồi bỗng một hôm, cơ quan công an phát hiện Cty Tuấn làm ăn gian dối, Tuấn liên quan đến những việc làm này và lĩnh 3 năm tù giam.

Ngày ở trại cải tạo, cán bộ trại giam tin tưởng Tuấn và có những lúc liên quan đến công nghệ thông tin, soạn thảo văn bản, Tuấn được cán bộ mời lên giúp đỡ. Ngoài ra, trong trại giam Tuấn dạy học cho những phạm nhân mù chữ. Phấn đấu làm những việc tốt, Tuấn được đặc xá và ra tù sớm 1 năm.



Trang tại bò sát mỗi năm đem lại 500 triệu đồng

Ngày bước khỏi trại giam, Tuấn còn được một ít tiền trong túi, liền bắt xe ra Bình Thuận học hỏi nuôi nhông cát. Bởi những ngày ở trại giam những lúc giúp cán bộ, Tuấn đã học trên mạng, báo biết về mô hình nuôi nhông cát. Lúc đó, Tuấn nảy sinh ý định sẽ về quê Tam Hiệp biến vùng cát trắng quê mình thành trang trại kỳ nhông. Khi “thủ” được kinh nghiệm, Tuấn tiếp tục về Đồng Tháp, nơi mà thời sinh viên đi tình nguyện, Tuấn biết người dân ở đây nuôi kỳ đà.

Học hỏi bài bản, Tuấn trở về quê hương cũng là lúc nhà Tuấn nằm trong diện giải tỏa xây dựng Khu công nghiệp Chu Lai và được đền bù 30 triệu tiền đất. Ngày đó, ai ở Tam Hiệp cũng mua sắm xe máy, xây dựng nhà cửa. Thế nhưng, Tuấn lại dùng tiền đi mua 7.000 m2 đất khô cằn, cát trắng ở đồi D35 thôn Thái Xuân làm trang trại nuôi bò sát.

Thấy Tuấn làm vậy, người dân địa phương, bạn bè ai cũng tỏ vẻ ái ngại. Vùng đất chết ấy trồng cây gì cũng không sống được, nước không có, chỉ có khùng, điên mới đổ tiền vào đó. Có người còn bảo Tuấn: Dùng tiền làm ngôi nhà, rồi cưới cô vợ, hai vợ chồng xin vào khu công nghiệp, đừng vứt tiền vào vùng đất chết.

Không ngục ngã

Vào năm 2006, Tuấn làm khoảng 1.000 m2 chuồng trại rồi thả hơn 300 con kỳ nhông, 10 cặp kỳ đà. Nuôi được một thời gian thì loài nào cũng lăn đùng ra chết, hơn 20 triệu tiền vốn bỗng chốc ra đi.

Không thể gục ngã, Tuấn vay ngân hàng 40 triệu đồng đầu tư nuôi tiếp. Nhờ đúc rút được kinh nghiệm nên kỳ đà, kỳ nhông sinh trưởng phát triển. Và sau một năm, Tuấn đã xuất ra thị trường hàng ngàn con nhông thịt, giống thu lãi ròng gần cả trăm triệu đồng.

Tiếp tục mở rộng quy mô trang trại lên đến 7.000 m2, Tuấn tự mình mày mò nhân giống kỳ nhông lên hơn 20.000 con bố, mẹ. “Nhông thịt sau 6 tháng tuổi là có thể xuất chuồng với giá 450.000 đồng/kg. Còn nhông giống được bán với giá từ 30.000 - 50.000 đồng/con. Vì thịt kỳ nhông được nhiều người ưa chuộng nên việc thu hồi vốn là rất nhanh”, Tuấn kể.


 Khởi nghiệp từ kỳ đà, kỳ nhông đem lại thành công cho Tuấn

Trò chuyện với chúng tôi, phong cách ăn nói của một trưởng phòng kinh doanh năm xưa không còn nữa. Lời anh nói giống như một nông dân thứ thiệt. Đang nói chuyện, điện thoại Tuấn liên tục đổ chuông bởi người đặt hàng, người mua giống.

Năm 2010, Tuấn lập Cty để bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân. Từ đây, Tuấn đứng ra thu mua các loại vật nuôi này để xuất ra các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Đến nay, mỗi năm Tuấn thu về trên dưới 500 triệu đồng tiền lãi. Thành công từ mô hình này, đầu năm 2012, Tuấn nuôi thêm 300 con rắn mối. Sau gần 1 năm, anh có khoảng 5.000 con rắn mối giống. Nếu xuất ra thị trường, rắn mối thương phẩm có giá không dưới 300.000 đồng/kg.

Ăn nên làm ra, Tuấn lấy tên Cty là Ân Cát để cảm ơn vùng đất quê nhà đã cho Tuấn làm nên cơ nghiệp như ngày hôm nay. Và hàng năm, Tuấn đền đáp ân tình với quê hương bằng những việc tặng tiền, xe đạp và sách vở cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam huyện Núi Thành với số tiền không nhỏ.

Với những thành công nuôi bò sát, trong nhiều năm Tuấn góp sức cùng hội nông dân, Trung tâm dạy nghề tỉnh Quảng Nam đi nhiều nơi dạy nghề nuôi bò sát cho bà con nông dân. Tôi hỏi: Anh không sợ anh bày cho người ta, anh nuôi sẽ không bán được giá cao. Thậm chí nuôi sẽ không bán được? Tuấn phân tích: Nhu cầu thị trường về thịt bò sát rất lớn. Bà con có nuôi bao nhiêu  cũng không thể cung cấp đủ cho thị trường. Bởi giờ món ăn từ bò sát được người ta dùng nhiều, như hiện tại, mỗi ngày tôi cung ứng 100 kg mà cũng chưa đủ.


Tuấn nhận Giải thưởng Lương Đình Của

Có một thực tế, trong thời gian qua có nhiều hộ gia đình nuôi con đặc sản bị tan gia bại sản, đơn cử như nuôi nhím. Khi nghe tôi nhắc đến vậy, Tuấn lý giải: “Đúng, nuôi nhím chết là phải rồi. Chuyện một cặp nhím giống ngày xưa có giá là 15 - 18 triệu đồng, người ta ào ào mua nuôi. Thế nhưng người nuôi không hiểu được giá trị nhím thịt là 300 - 500 ngàn đồng. Đầu vào mua đắt, nhưng đầu ra rất rẻ. Phần nữa nuôi nhím giống chỉ được một thời khi nhu cầu con giống đã đủ thì nhím chuyển qua nhím thương phẩm. Từ vài triệu một kg, trong khi giá nhím thịt có mấy trăm ngàn. Người chăn nuôi họ không tính toán nên dẫn đến thất bại. Nuôi kiểu phong trào, giai đoạn không bền vững được”.

Trong những năm qua, Nguyễn Thanh Tuấn giành được những giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Lương Ðịnh Của; Nông dân sản xuất giỏi; Giải thưởng Trang trại Vàng Việt Nam...

Chia sẻ về thành công nuôi bò sát, Tuấn cho rằng: “Còn như kỳ đà, 1 kg giống với giá 600 ngàn đồng, trong khi giá thương phẩm 450 - 500 ngàn đồng. Nếu kỳ đà giống có rớt giá thì bán giá thương phẩm cũng sẽ không lỗ là mấy. Còn như kỳ nhông, rắn mối, kỳ tôm một cặp mấy chục ngàn, nhưng nuôi sau 3 tháng bán hơn 100 ngàn đồng/kg. Thức ăn lại rẻ nên sẽ không chết được như nhím”.

Là một cử nhân tin học nhưng về làm trang trại, Tuấn nhắn nhủ với những thanh niên trẻ tuổi tốt nghiệp đại học, cầm tấm bằng trên tay nhưng không xin được việc rằng: Học đại học là bước đệm để vào đời, đừng nghĩ làm nông nghiệp không giàu có. Nếu bạn nghĩ vậy là sai lầm. Bởi từ làm nông nghiệp chưa thấy ai chết đói, nếu ai muốn giàu nhanh chóng thì đừng làm nông nghiệp. Bởi làm nông nghiệp theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, lúc đó mới tồn tại được.

Tôi hỏi tiếp: Từ bản anh thân anh có thể thấy, do “sa cơ lỡ vận” mới về làm nông nghiệp, chứ nếu một sinh viên tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định sẽ không về gắn với nông nghiệp. Tuấn nói ngay, đấy là suy nghĩ chưa đúng. Ở quê bây giờ dịch vụ cũng đầy đủ như ở thành phố. Đầu tư làm trang trại nuôi cá, lợn, con đặc sản… có cách làm hay, làm đúng thì lợi nhuận gấp mấy lần đi làm công nhân viên chức Nhà nước, hay làm hợp đồng. Với nông nghiệp quan trọng là đam mê và có những bước đi đúng đắn. Làm nông nghiệp đừng nên theo phong trào, mà hãy có một quá trình lâu dài mới đem lại thành quả cao.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất