| Hotline: 0983.970.780

Ăn chặn cả hạt muối của dân nghèo

Thứ Ba 17/11/2009 , 11:02 (GMT+7)

Chuyện ăn chặn tiền chính sách đã bị báo chí phản ánh nhiều lần. Thế nhưng ăn chặn cả tiền trợ cước, trợ giá muối I-ốt của đồng bào dân tộc trong chương trình phòng, chống bướu cổ và đần độn thì cái sự tham lam đó quá tàn nhẫn.

Dân ăn… nhạt

Muối I-ốt, mặt hàng trợ cước trợ giá, khó mà đến được với đồng bào dân tộc

Chuyện ăn chặn tiền chính sách đã bị báo chí phản ánh nhiều lần. Thế nhưng ăn chặn cả tiền trợ cước, trợ giá muối I-ốt của đồng bào dân tộc trong chương trình phòng, chống bướu cổ và đần độn thì cái sự tham lam đó quá tàn nhẫn.

Được trợ giá vẫn mua giá chợ

Xã Xa Lý, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) là một xã vùng cao có thể nói là khó khăn nhất của huyện miền núi này. Đường đi đến địa bàn xã này cũng còn quá nhiều gian nan. Nếu trời tạnh ráo, xe tốt xăng nhiều, thì để đến được trung tâm xã, cũng mất cả buổi sáng.

Tờ mờ sáng, cũng chẳng biết mấy giờ, nhưng chị Hoàng Thị Phạm, xóm Trạm, xã Xa Lý chỉ trông chừng con gà trên rừng cất lên tiếng gáy, ấy là lúc mà chị thức giấc, chuẩn bị tư trang và những vật dụng cần thiết, rồi mẹ con quẩy quả chở nhau xuống Trung tâm Y tế dự phòng huyện khám cái cổ. Hôm nay, theo lịch là ngày bác sỹ khám bệnh này. Chẳng biết từ bao giờ, đứa bé nhà chị bỗng dưng nổi cái hạch to như quả ổi ở phía dưới cằm. Ban đầu chị Phạm cứ nghĩ đó là cái mụn, vài ngày rồi nó sẽ tự tan đi, nhưng ai ngờ, càng ngày nó càng to lên, đến mức là đứa bé con gái chị không nuốt nổi cả thìa cơm. Tá hỏa tam tinh, đi hỏi hàng xóm, chị mới biết nó là biểu hiện của căn bệnh bướu cổ.

Nhà chị Phạm nghèo lắm. Hai vợ chồng, bốn đứa con trú ngụ trong một căn nhà, không, phải gọi là lều mới đúng, tuềnh toàng. Vật dụng đáng giá nhất là chiếc nồi mà khi xây dựng gia đình, bố mẹ chị đã đưa cho mang ra ở riêng gọi là “của hồi môn”. Hai vợ chồng chị kiếm kế sinh nhai bằng mấy thửa ruộng ven rừng, được chăng hay chớ. Ngày nông nhàn, chị cùng chồng lại lên rừng kiếm củi, bán lấy tiền rau cháo nuôi nhau. Nhưng trộm vía, mấy đứa con anh chị đứa nào cũng mạnh khỏe, không ốm đau vặt, chứ không thì chả biết sẽ xoay xỏa thế nào. Đùng một cái, con gái lớn nhà chị, đang học lớp 6, lại bị ra thế này…

Đồng cảnh ngộ với mẹ con nhà chị Phạm, anh Phạm Lỳ Sáng ở xã Tân Hoa cũng phải đạp xe gần 40km đường núi từ tờ mờ sáng để đến được Trung tâm Y tế dự phòng xếp hàng chờ khám. Anh Sáng cũng bị bướu cổ mấy năm nay. Trước đây, anh còn được cấp thuốc miễn phí theo chương trình hỗ trợ của tỉnh, nhưng 2 năm trở lại đây, anh phải xuống tận huyện để khám và mua thuốc, đồng thời mua luôn mấy cân muối I-ốt để gia đình dùng dần.

Những người dân ở đây, đa phần là dân tộc thiểu số, qua các phương tiện thông tin đại chúng và sự tuyên truyền của cán bộ y tế thôn bản, đều hiểu rằng, thức ăn có muối I-ốt sẽ phòng chống được bênh bướu cổ. Và họ tin vào Đảng, tin vào chính quyền vận động dùng “loại thuốc” này. Tuy nhiên, chỉ có một điều không ngờ đến, là số muối họ đáng phải mua với giá rẻ, thì lại thành ra mua đắt. Có những gia đình đông người, cả tháng hết hàng chục nghìn tiền muối, số tiền ở vùng xuôi chẳng đáng là bao. Nhưng với đồng bào dân tộc, nó quý giá, vì được đổi từ hàng chục bó củi kiếm được trên rừng…

Làm một cuộc điều tra theo kiểu xã hội học nhỏ, tôi thấy rằng, trong hơn 40 người dân của huyện Lục Ngạn có mặt để khám chữa bệnh bướu cổ tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện, 100% số người dân đều ngạc nhiên khi biết rằng có chương trình trợ cước, trợ giá muối I-ốt của tỉnh. Từ trước đến nay, tất cả mọi người muốn sử dụng muối I-ốt đều phải ra các đại lý tạp hóa để mua. Và không ai trong số mọi người được mua muối với giá dưới 4 nghìn đồng/kg, trong khi đó, nếu tính tiền trợ cước, trợ giá, muối I-ốt về đến đồng bào dân tộc không được vượt quá 3 nghìn đồng/kg, theo quy định của UBND tỉnh Bắc Giang.

Đúng là có trợ giá muối cho bà con thật, nhưng chính sách không đến được người dân. Và họ phải mua muối với giá chợ, giá trên giời.

Trung tâm Y tế dự phòng huyện Lục Ngạn đông nghẹt người đến khám bướu cổ

Cả huyện… ăn nhạt

Trung tâm Y tế dự phòng huyện Lục Ngạn, sáng thứ 5, hôm nay là ngày Trung tâm tổ chức khám chữa bướu cổ cho đồng bào dân tộc. Mới từ sáng sớm, hàng chục người đã vây quanh phòng khám do bác sỹ Chu Thế Thuyên, phụ trách công tác phòng chống bướu cổ của huyện, tư vấn và điều trị.

Chỉ cho tôi xem bộ bàn ghế và trang thiết bị trong phòng, bác sỹ Thuyên không khỏi buồn rầu: Đấy anh xem, bàn ghế đã mục nát hết cả, thiết bị khám cũng chủ yếu là bằng tay, thì làm sao chất lượng được. Vả lại, thuốc bây giờ không cấp miễn phí như trước nên bà con phải bỏ tiền mua. Đồng bào dân tộc thiểu số làm gì có tiền. Vì vậy, biện pháp phòng tốt nhất là dùng muối I-ốt, mà muối thì, như anh biết đấy, chất lượng chả biết thế nào.

Bác sỹ Thuyên vừa khám cho bệnh nhân là một học sinh tiểu học bị bướu cổ đã 2 năm, vừa phàn nàn với tôi rằng, cả năm nay, chả hiểu tại sao đơn vị cung ứng muối I-ốt theo chương trình trợ cước trợ giá của tỉnh (Cty CP Thương mại Lục Ngạn - PV), lại không phối hợp với cán bộ y tế để kiểm nghiệm chất lượng muối, hàm lượng I-ốt trong muối… mà cứ lờ đi. “Cơ quan chuyên môn như chúng tôi chịu không thể kiểm soát nổi. Nói dại, chẳng may muối không có, hoặc không đủ, hàm lượng I-ốt, về với bà con, chúng tôi cũng không biết và không thể kiểm soát nổi”, bác sỹ Thuyên ấm ức.

Vụ việc ăn chặn tiền trợ cước, trợ giá muối I-ốt được hai doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là Cty CP Chế biến nông sản thực phẩm Bắc Giang và Cty CP Thương mại Lục Ngạn “bắt tay” nhau thực hiện từ cuối năm 2008 với số lượng gần 80 tấn muối “khống”. Tuy bị phát giác cách đây hơn một tháng, nhưng cơ quan chức năng của tỉnh vẫn chưa thực sự có hành động cần thiết để xử lý.  

Huyện Lục Ngạn có hơn 200 nghìn dân, trong đó có đến 8 dân tộc anh em chung sống. Nói vậy để thấy rằng, muối I-ốt có ý nghĩa thiết thực thế nào đối với bà con dân tộc nơi đây. Năm ngoái, huyện này được UBND tỉnh Bắc Giang quyết định trợ cước trợ giá cho gần 700 tấn muối. Nếu làm một phép toán, thì mỗi người dân được hưởng khoảng 3,5kg muối theo giá rẻ. Tuy vậy, chẳng ai được hưởng số này.

Nếu cứ tính bằng phép toán cơ học, mỗi người ăn 10kg muối/năm thì mỗi năm huyện Lục Ngạn sẽ thiếu khoảng 120 tấn muối I-ốt nữa. Như vậy, rõ ràng là cả huyện miền núi này đang cũng nhau chia sẻ chuyện… ăn nhạt. Và họ còn phải “ăn nhạt” hơn nữa khi trong tổng số gần 700 tấn muối được trợ cước trợ giá theo quyết định của UBND tỉnh, có tới 80 tấn không có thực, tức là đã bị một số đơn vị cung ứng lập hóa đơn, chứng từ khống để hợp thức hóa gần 80 tấn muối “ảo” nói trên.

Trong suốt gần 20 năm qua, Lục Ngạn luôn là “điểm nóng” về bệnh bướu cổ, theo con số đã được Trung tâm Y tế dự phòng Lục Ngạn, hàng năm ở đây có đến cả nghìn người bị phát hiện mới mắc bệnh bướu cổ. Với số muối đã bị “ăn” bớt trên, theo tính toán, khẩu phần muối của khoảng trên 10.000 người đã bị “hớt” mất. Khi nghe vụ tiêu cực trên bị phanh phui, bác sỹ Thuyên không khỏi phẫn nộ nói: “Tôi nghiên cứu về bệnh bướu cổ ở Lục Ngạn đã cả mấy chục năm nay và nhận thấy, chỉ có cách tăng cường sử dụng muối I-ốt, thì bệnh bướu cổ ở đây mới chấm dứt. Trung bình, mỗi người chỉ cần ăn 8 - 10kg muối/năm là đủ. Thế mà họ lại đi ăn bớt ngần ấy muối của dân, thì thật không hiểu lương tâm để ở đâu nữa”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm