| Hotline: 0983.970.780

Nghề bắt “heo vàng”

Thứ Tư 25/11/2009 , 10:32 (GMT+7)

Không cần lên các mỏ vàng hẻo lánh, ngụp lặn cả ngày để sàng đãi tìm vàng, họ chỉ cần gom những hạt bụi vàng do thợ gia công thải ra, sau đó về chắc lọc lại. Đó là nghề săn "heo vàng” tồn tại hàng chục năm nay ở TP Huế - nơi rất phát triển về nghề gia công đồ trang sức từ vàng.

Không tốn công sức lên các mỏ vàng ở vùng hẻo lánh, không ngụp lặn cả ngày dưới nước để sàng đãi tìm vàng. Nhưng phải vào dọn dẹp rác, tàn thuốc, lau chùi nhà sạch bóng, nạo vét bùn ở hầm chứa nước thải nhà tắm… tại các cơ sở gia công kim hoàn để gom những hạt bụi vàng do thợ gia công thải ra. Sau đó đưa về chắt lọc lại thành vàng. Đó là nghề săn "heo vàng” tồn tại hàng chục năm nay ở TP Huế - nơi rất phát triển về nghề gia công đồ trang sức từ vàng. Nhiều người phải đánh đổi sức khỏe, thậm chí cả tính mạng vì nghề này.

Đi bắt “heo vàng”

Dùng xô múc nước bắt “heo vàng” từ hầm nước thải nhà tắm

Nghề bắt “heo vàng” tại TP Huế hiện người làm chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhiều người bỏ nghề vì thiền độ lọc lõi nên lỗ vốn, giải nghệ. Việc bắt “heo vàng” cũng không đến nỗi vất vả, chỉ cần chăm chỉ, cẩn thận thu dọn tất cả những gì rác rưởi của người thợ kim hoàn thải ra, đặc biệt là gom cho hết lớp bùn nước đọng lâu ngày ở nhà tắm tại các cơ sở gia công vàng, bạc. Giới trong nghề gọi những thứ đó là “con heo”.

 

Sau nhiều lần năn nỉ, cuối cùng thầy Nguyễn Thành Quang (SN 1977), quê gốc ở tỉnh Phú Yên, chủ một cở sở gia công vàng, bạc nổi tiếng trên đường Đặng Tất, TP Huế - một thợ săn “heo vàng” có tiếng ở TP này mới cho tôi theo học việc. Trời vừa hửng sáng, thầy Quang đã ném cho tôi bộ quần áo lấm lem bùn đất, sặc mùi mồ hôi và bảo: “Mặc vào đi. Làm nghề này không sạch sẻ gì đâu”. Tay lỉnh kỉnh xô chậu, giẻ lau, chổi, xẻng, bay xúc… thầy Quang, tôi và một đồ đệ tên Hiền bắt đầu một ngày đi bắt “heo vàng”.

Kỹ nghệ bắt “heo vàng”

Ba thầy trò chúng tôi ghé tiệm vàng H.M. nằm trên đường Đặng Thái Thân, khu phòng làm việc của thợ kim hoàn của cơ sở này rộng hơn 10m2, nhưng chỉ có 3 thợ làm. Bà chủ M. nói như giải thích: “Vàng bữa này lên giá cao quá, ít người bán lắm, ít việc nên mấy đứa thợ xin nghỉ”. Thầy Quang tỏ vẽ không vui: “Cứ đà này kéo dài thì chẳng có “con heo” lớn đâu. Lỗ chắc”. Thằng Hiền ghé tai tôi, nói khẻ: Thợ nhiều, vàng bạc làm nhiều thì bụi vàng, bạc nó cũng nhiều, “heo” lớn. “Con heo” này thầy Quang mua đứt 3 triệu đồng/một tháng. Tùy “heo” to hay nhỏ, thầy Quang tới “bắt” lúc nào cũng được. Còn tiệm vàng phải có trách nhiệm gom tất cả mọi thứ thải ra từ thợ kim hoàn, kể cả nước tắm để thầy Quang tới bắt.

Đồ nghề được lấy ra. Thầy Quang cầm cây cọ, quét sạch bàn người thợ, vun bụi vàng vào một chỗ. Đang cầm chiếc chổi lông gà phụ giúp bắt “heo”, tôi bỗng giật mình khi thầy Quang la toáng lên: “Tôi đã mua “con heo” này rồi, các anh vứt như thế tôi lỗ mất à”. Chuyện là có một người thợ sau khi cầm thuốc hút, thuốc còn lại mẩu tàn thì ném ra ngoài cửa. Đó là mẩu thuốc dính bụi vàng nên thầy Quang phải chạy ra lượm bỏ vào chậu nước.

Lần lượt từng chiếc bàn được quét sạch không chừa một ngóc ngách, kể cả ghế ngồi của thợ. Cái giẻ khô sau khi lau chùi bàn được bỏ vào chậu nước. Ở trong chậu đầy mẩu thuốc, giấy bạc, dưới đáy đóng một lớp bùn, có cả kim loại, nước đen sì. Thằng Hiến có kinh nghiệm bắt “heo” nên thầy Quang giao bắt “con heo” trong máy đánh bóng vàng. Chiếc máy này được thiết kế có chỗ thu bụi vàng, nó mở toang các bộ phận, cẩn thận cầm lấy cái hộp đựng “con heo” và dùng giẻ khô lau kỹ. Lau xong, nó bỏ giẻ vào chậu nước lúc nãy.

Ba thầy trò chúng tôi, mỗi người một cái chổi, chia nhau từ 3 phía và bắt đầu quét gom rác lại một đống. Đây là công đoạn bắt “heo vàng” dưới nền nhà. Bụi đất, đồ nghề vứt bừa bãi, nhiều ngóc ngách… khiến việc quét rất khó khăn. Thầy Quang bảo phải quét thật kỹ, nên chúng tôi phải quét không biết bao nhiêu lần. Quét xong, ba thầy trò lại dùng giẻ ướt và lau chùi sàn nhà. Sàn nhà được chùi láng bóng, không còn một hạt bụi để bắt “heo vàng”. Sau gần 30 phút, rác, túi nilông ướt, tàn thuốc, đất đá… được chúng tôi dọn sạch và bỏ vào chậu nước.

Súc cống bắt “heo vàng”

Mồ hôi toát ra khắp người. Tưởng đã xong việc, tôi vội rửa tay, thu gom đồ nghề, thằng Hiền cười: “Thợ đi tắm xong mình còn bắt “heo” tiếp, cất làm gì cho tốn công lấy ra”. Những người thợ lần lượt thay nhau vào tắm rửa. Chờ họ tắm xong, thầy Quang, thằng Hiền tay xách xô, cầm xẻng, cái bay… đi vòng ra đằng sau nhà tắm. Ở đó có một cái hầm chứa nước, diện tích gần 1m2, sâu hơn 0,5m, dẫn nước từ nhà tắm ra. Hầm được thiết kế theo kiểu bề tràn, nước dẫn từ nhà tắm ra cứ chảy tràn ra ngoài, những thứ như vàng, sắt, bạc, rác… mắc lại dưới đáy hầm.

Mùi hôi nồng nặc, ruồi muỗi bay vù vù. Phải cố gắng lắm tôi mới làm quen với môi trường ở đây. Thế mà thầy Quang và Hiền tỏ vẻ bình thường. “Thế này ăn thua gì, chỗ khác kinh khủng hơn nữa. Thường những chỗ này “con heo” mới to, làm mới có lãi”, thầy Quang nói. Hai thầy trò bắt tay vào việc. Đầu tiên họ dùng ca tát hết nước ở trong hồ, chỉ còn chừa lại ít nước ở mặt đáy. Lớp bùn đen sì, có nhiều nilông, tàn thuốc. Họ dùng xẻng đào lớp bùn đó bỏ vào chậu. Tới lớp cuối cùng không thế đào bằng xẻng, hai thầy trò dùng bay nạo vét từng miếng một. Hiền bất cẩn đụng bay vào tường khiến bùn dính trên bay rớt xuống đất, nó nhanh tay lượm không chừa một miếng bùn bỏ vào chậu. “Vàng cả đó. Một mỉếng bùn biết đâu có nhiều vàng trong đó”, Hiền phân bua.

Tới đoạn bắt “heo” trong ống cống, hai thầy trò phải dùng xẻng cạy cả ống cống dẫn nước từ nhà tắm ra hầm lên để vét hết bùn. Mùi hôi kinh khủng, từng mảng bùn, bọt nước, bọt xà phòng… kẹt cứng cống nước. Thầy Quang và Hiên như không ngửi thấy mùi hôi, họ làm việc rất cẩn thận, gom hết nước trong cống, nạo vét bùn bỏ vào chậu.

Thầy Quang đang gom “heo vàng” vào chậu
Cuối cùng “con heo” từ hầm nước thải cũng được thầy Quang và Hiền bắt gọn. Thầy Quang ước lượng: “Con “heo” này cũng khá đó, nhiều thì được 3 chỉ vàng, ít cũng hai chỉ”. Sau đó được trộn lẫn vào “con heo” lúc nãy chúng tôi bắt ở sàn nhà và bàn làm việc của thợ kim hoàn. Chờ cho nước lắng, thầy Quang gạt bỏ phần nước ở trên, lấy lại tất cả những tàn thuốc, giấy bạc, giẻ lau và lớp bùn đóng dưới đáy mang về nhà.

Buồn vui săn “heo vàng”

Thầy Quang lại dẫn chúng tôi đi tới hai tiệm vàng nữa để hỏi giá mua. Tới một tiệm vàng trên đường Huỳnh Thúc Kháng, ông chủ tiệm xởi lởi: “Lâu lắm rồi chú không tới bắt, chắc bữa ni “heo” lớn lắm rồi”. Nhìn qua đội ngũ thợ làm vàng, thầy Quang trả giá ngay: “Bắt “con heo” này khoảng 5 triệu, chú thấy được con bắt luôn”. Sau một hồi ngẫm nghĩ, chủ tiệm gật đầu, OK. Thế là ba thầy trò lại mở đồ nghề, lau lau, chùi chùi, hì hục nạo vét hầm nước thải… Sau hai giờ mới bắt trọn “con heo” của tiệm vàng này. Tiếp đó là bắt “heo” tiệm vàng H.Q. trên đường Phan Bội Châu, với giá hai triệu đồng.

Trời xế chiều, ba thầy trò chúng tôi mới kết thúc một ngày đi bắt “heo vàng”. Nhìn thấy “con heo”, thầy Quang bảo rằng cũng chừng được một cây vàng sau khi “hầm heo”. “Cái nghề này cần phải có con mắt biết xem “heo”. Nhìn thoáng qua là biết “heo” lớn hay “heo” nhỏ, nhiều người bể vốn vì nhận định sai”, thầy Quang cho biết.

Vì chui vào những ngõ ngách bẩn thỉu, người hôi thối dính đầy bụi và nước cống nên nhiều chuyện vui, buồn liên quan đến nghề săn “heo vàng”. Năm thầy Quang mới 28 tuổi, có một mối tình với một người con gái xứ Huế rất đẹp, nhưng vì ngày nào cũng đi dọn rác, lau bụi, hút nước cống nên người hôi thối. Người yêu chịu không nổi và không thông cảm với nghề của thầy nên hai người chia tay.

Giới thợ săn “heo vàng” xứ Huế giờ thường hay kể về tay “phù thuỷ” luyện vàng tên Xem - quê ở Bình Dương - bởi vụ “bắt heo” nổi tiếng cách đây 3 năm trước. Lần đó, có một người dân không may đánh rơi một dây chuyền vàng hơn 5 chỉ dưới ống cống thoát nước mà không tài nào tìm được. Nghe tin, lão “phù thủy” này tìm tới và ngỏ ý mua lại 5 chỉ vàng này với giá hơn 1 triệu đồng. Biết khó tìm lại số vàng này, người chủ vàng đã đồng ý bán. Thế là một đoạn cống dài gần 20m được cạy lên, bùn đất được mang về phòng “hầm heo”. Hơn hai ngày “hầm”, cuối cùng lão “phù thuỷ” này lấy lại gần 4 chỉ vàng.

Xem thêm
Ban Bí thư yêu cầu thực hiện mục tiêu gỡ 'thẻ vàng' IUU trong năm 2024

Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng.

Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng để đảm bảo ATTP và phát triển thị trường

Chiều 11/4, Bộ NN-PTNT tổ chức Phiên họp lần thứ 1 của Ban Chỉ đạo chất lượng, an toàn thực phẩm và phát triển thị trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Công bố giải marathon 'Hành trình về Làng Sen 2024'

Giải marathon Hành trình về Làng Sen 2024 do Sở VH&TT Nghệ An, Báo VietNamNet và Win VietNam đồng tổ chức tại Nghệ An vào ngày 9/6, dự kiến quy tụ khoảng 3.000 VĐV tranh tài.