| Hotline: 0983.970.780

Công dân thị xã cũng chạy ăn từng bữa

Thứ Năm 18/03/2010 , 14:30 (GMT+7)

Cứ ngỡ chỉ có đồng bào dân tộc miền núi là đói thấu ruột, nào ngờ, ở TX Chí Linh (Hải Dương) - một tỉnh công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp phát triển mạnh ở ĐBSH, nhiều hộ dân vẫn đong ăn từng bữa…

Cứ ngỡ chỉ có đồng bào dân tộc miền núi là đói thấu ruột, nào ngờ, ở TX Chí Linh (Hải Dương) - một tỉnh công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp phát triển mạnh ở ĐBSH, nhiều hộ dân vẫn đong ăn từng bữa… 

>> Đói thấu mùa giáp hạt
>> Lời khẩn cầu từ Pắc Cạm
>> Leo 20 km đường núi lấy một can nước

Trăm thứ đổ đầu hạt thóc

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết "nâng" huyện Chí Linh (Hải Dương) thành TX Chí Linh. Và dự định vào tháng tới, TX này sẽ long trọng tổ chức lễ công bố. Quả là một sự phát triển! Những ngày này về TX Chí Linh, tiếp xúc với một số cán bộ cấp TX, phường thì họ vui lắm, nhưng với xã, thôn ở những xã khó khăn thì họ lại tỏ ra lo lắng. Hỏi sao, một cán bộ xã Hưng Đạo bảo: “Nghèo khó thế này, đói thế này, lên TX thì mọi dịch vụ sẽ tăng lên, trong khi, dân thì chỉ có mỗi hạt thóc, chỉ trông vào hạt thóc, hạt thóc thì sao nuôi nổi dân thị thành chứ”?

Nghe câu chuyện ấy, tôi tìm đến Phòng NN-PTNT TX Chí Linh, Trưởng phòng Nguyễn Văn Điểu liền liệt kê cho tôi một loạt xã sản xuất nông nghiệp khó khăn, có nhiều hộ nghèo và ở thời điểm này, miếng cơm manh áo với họ rất "căng" như: Hoàng Hoa Thám, Hưng Đạo, Văn Đức, Lê Lợi, Kênh Giang, Bắc An… 

Mớ cá, tép bà Phương tát mương bắt về là bữa "cơm thịt" đầu tiên trong tuần

Tiếp tôi tại trụ sở UBND xã nằm trên một quả đồi cao, Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo Phạm Khắc Toàn chỉ tay về bốn hướng: “Chú thấy những cánh đồng lúa của Hưng đạo có đẹp không? 425 ha lúa cho cho có 5.317 nhân khẩu, trung bình mỗi hộ có trên 2 sào ruộng. Tổng sản lượng đạt gần 2.400 tấn thóc, nhà nào ít cũng có 1 tấn thóc/năm. Nếu tính lượng lương thực đó chia cho mỗi khẩu thì dân không thiếu ăn. Nhưng ở xã này, không làm cái gì ra tiền cả, tất tần tật phải trông vào hạt thóc, thu thóc về là bán để trả nợ, chi tiêu, đầu tư tái sản xuất, dù người dân đã vay tối đa 20 tỉ đồng của ngân hàng rồi… nên thiếu ăn. Còn thiếu như thế nào, đói như thế nào, tí tôi cử cán bộ đi cùng chú vào dân thì sẽ thấu”.

Dù là xã miền núi nhưng có quả núi, quả đồi nào là dân ở hết, chật như trong thành phố nên chẳng còn đất dành cho chăn nuôi, cho trồng cây ăn quả, hay lâm nghiệp. Trong khi đó dưới đồng, dù rộng tới 425ha, nhưng vào mùa mưa là nước ngập 3-4m, tàu lớn vào được, biến các thôn, các quả đồi thành những hòn đảo nổi.

“Cũng có nhiều hộ quyết tâm đổi đời lắm, vay mượn đầu tư chăn nuôi trên những con đê, nhưng mà bấp bênh vô cùng, được thì ít, mất với hoà thì nhiều, và mỗi lần như thế nó triệt tiêu tinh thần làm giàu của những hộ dân khác. Cũng phải thôi chú ạ, chúng tôi ngẫm mãi rồi, dân khá khá lên một chút, vay mượn đầu tư, dính một quả lỗ như thế là "gục" hẳn, chả biết bao giờ mới chả hết nợ được. Ngay cả với hạt thóc, đơn giản thế thôi mà làm ra nó, hầu hết các hộ dân ở đây phải đi vay mượn. Từ thuốc BVTV, phân bón, đến công cầy, công đập…

Một số chủ hàng sáo, cửa hàng phân bón, thuốc BVTV, hàng tạp hoá ở xã Hưng Đạo khẳng định với phóng viên, có đến 80% số người mua là mua chịu, trong đó 60% chịu đến mùa gặt mới trả, trả xong lại chịu. Người dân họ chấp nhận mua chịu với giá cao, nên những người bán mới sống được.

Không vay trả tiền ngay thì lại kí nợ với giá cao hơn giá người ta mua bằng tiền mặt. Lúc gặt về, thóc vừa khô xong thì họ đã đến thu rồi, nên giá lúa rẻ, dân thiệt thòi, lại hết thóc, lại đong ăn chịu, lại đầu tư tái sản xuất chịu. Vì sao hạt thóc phải thế, vì nó gánh cả cuộc sống của người dân mà. Cái vòng luẩn quẩn ấy mà nông dân Hưng Đạo còn chưa thoát được thì sao nói tăng thu nhập được, phải không chú?", Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Vũ Trí Soạn giãi bầy.

80% số hộ cả tuần mới có "bữa tươi"

Thôn Phượng Sơn có 181 hộ, nhưng trưởng thôn Vũ Duy Lương khẳng định, vào thời điểm này, những người có tiền mua thịt thường xuyên chỉ có 6-7 ông cán bộ về hưu, đương chức, và một vài hộ khá có người đi nước ngoài, còn lại 80% là đói tiền, không có tiền tiêu, nếu nhà báo không tin đi theo tôi khắp cái làng này vay 500 ngàn không bao giờ vay nổi. Đói ở đây không như trước là đứt bữa, nhưng để có miếng ăn, dân buộc phải nợ, nợ từ tiền đong gạo, tiền mua rau, tiền mua thịt… Các khoản nợ ấy cứ tích dần, tính dần, lãi mẹ đẻ lãi con, nên dẫn đến 90% các hộ dân phải cắm bìa đỏ để vay ngân hàng, chưa kể nợ ở những chỗ các đoàn thể tín chấp cho vay, vay ngoài… 

Thùng đựng thóc của vợ chồng ông Phương rỗng tuếch

Trưởng thôn Vũ Duy Lương dẫn tôi đi quang làng, cho tôi tự chọn nhà dân để hỏi. Đến ngôi nhà có tiếng danh hài Xuân Hinh và những tiếng cười khằng khặc, ông Vũ Trí Hội, chủ nhân ngôi nhà mái ngói, tường một, với 8 nhân khẩu chung sống, giải thích: Dân mình nghèo nhưng phải yêu đời mà sống các chú ạ.

Mặc dù có 2 đứa con vào trong Nam làm thuê, nhưng Tết vừa rồi, chúng biếu gia đình được có mấy trăm ngàn. Ông Hội bảo, chúng nó đi làm, nuôi miệng nó không xong, nó cho mình ít nào được ít ấy, cũng là tốt rồi. Còn những người ở nhà, cấy 1,5 mẫu ruộng, thu 3 tấn thóc/năm đấy nhưng mà cứ đến chập này, từ tháng 2 đến tháng 5 là đong ăn từng bữa. Tôi hỏi: Bác có đồng nào trong nhà không cho tôi xem? Ông Hội móc từ trong túi quần ra 2.000đồng nhàu nhĩ cho tôi xem: "Mấy ngày nay tôi vẫn chỉ có đồng tiền này, nhưng còn khá đây, vì tôi còn có tiền trợ cấp chất độc màu da cam, chứ nhiều hộ dân ở đây chẳng có nổi 2.000 đồng đâu chú ạ". Thế hàng ngày bác tiêu bằng gì? “Gạo thì mình đong chịu, hết gạo lại ra bà hàng sáo lấy, kí nợ vào đấy đến mùa gặt họ vào lấy thóc trừ tiền gạo. Thịt cũng mua chịu, kí nợ vào đấy đến mùa thì hàng thịt vào lấy thóc… trừ nợ. Lỡ có ốm, ma chay, cưới hỏi thì vay, không vay được thì… nợ, đến mùa trừ thóc… cứ thế thôi chú ạ", ông Hội lại cười cái khà.

“Nếu nhà nước không đầu tư xây dựng đê để người dân ở đây cấy được 2 vụ lúa cộng một vụ màu/năm ở vùng này thì dân còn đói. Không thể thoát ra được với chỉ một hạt thóc đâu. Chỉ cần các chủ nợ không cho chịu nữa thôi là dân đã lăn ra rồi” -  ông Vũ Duy Lương, trưởng thôn Phượng Sơn.

Đến ngôi nhà vách đất, lợp ngói, nền đất của ông Chu Xuân Phương, trong nhà không có bàn ghế, chỉ có 2 cái gường chân sắt, trong buồng chỉ có những dụng cụ làm ruộng và một sợi dây thừng vắt ngang buồng để treo quần áo, không ti vi, không đài, không bóng đèn tuýp, không chăn ga gối đệp, thế mà ông Phương vẫn khẳng định giờ này nhà tôi còn đầy gạo.

Bà vợ ông Phương đang nhặt mấy con tép ngoài sân vừa đi bắt ngoài đồng về nói vọng vào: “Chú tìm cho tôi 1 tạ thóc trong một nhà ở cái làng này, tôi trả cho chú 10kg tép”. Tôi đi tìm thùng gạo, nhưng chỉ thấy một cái vại đã vỡ được hàn bới xi măng nằm ở góc nhà, trong vại chỉ có một ít… vỏ thóc. Lúc này, ông Phương mới nói thật, gạo đong ăn từng bữa, bữa tối nay vừa đong được nhờ đổi một ít tép nhà tôi bắt ở ngoài đồng để trong cái giá ở trên gường được phủ một cái áo làm đồng. Trưởng thôn Lương rỉ tai tôi: Nông dân mình đây vẫn còn tính sĩ diện, nghèo lắm, đói lắm mà vẫn nói là không.

Đến lúc này ông Phương mới mở lòng: Chả phải chỉ mình nhà tôi không có nhiều gạo trong nhà lúc này, cả xóm, cả xã, cả vùng này cũng thế. Gạo thì dân còn đong chịu được, hàng sáo họ cho chịu, mùa đến họ lấy thóc, còn thịt cá thì chịu nhiều quá họ không cho, nên ở đây hầu hết là tuần mới có một bữa cơm thịt lèo bèo mỡ. Trưởng thôn Lương cắt ngang: “Phải đến 80% số hộ ở đây tuần mới ăn được bữa cơm thịt. Tôi ở sát dân tôi chả lạ gì. Danh sách nợ của hàng thịt cứ dài dằng dặc” (Còn nữa)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tán thành chủ trương thành lập thành phố Đông Triều

QUẢNG NINH Tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua 14 nghị quyết quan trọng, trong đó tán thành chủ trương thành lập thành phố Đông Triều.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm