| Hotline: 0983.970.780

Mong dịu đi những cơn đói

Thứ Ba 06/04/2010 , 09:43 (GMT+7)

Loạt bài "Đói thấu mùa giáp hạt" (NNVN từ ngày 15 - 25/3) đã gây xúc động đối với độc giả cả nước. Sau loạt bài, Quỹ Thiện Tâm (Cty CP Vincom) thông qua Báo Nông nghiệp Việt Nam gửi tới một số địa phương mà chúng tôi nêu trong loạt bài số tiền 100 triệu đồng để mua gạo cứu đói cho người dân...

Loạt bài "Đói thấu mùa giáp hạt" (NNVN từ ngày 15 - 25/3) đã gây xúc động đối với độc giả cả nước. Sau loạt bài, Quỹ Thiện Tâm (Cty CP Vincom) thông qua Báo Nông nghiệp Việt Nam gửi tới một số địa phương mà chúng tôi nêu trong loạt bài số tiền 100 triệu đồng để mua gạo cứu đói cho người dân. Trong 3 ngày từ 2 - 4/4, đại diện NNVN và Quỹ Thiện Tâm đã chuyển số gạo trên tới người dân hai xã Lũng Pù và Khâu Vai (Mèo Vạc, Hà Giang).

>> Mừng rơn vì được công nhận... nghèo
>> Mong một bữa no
>> Ra Tết là hết gạo
>> Công dân thị xã cũng chạy ăn từng bữa
>> Leo 20 km đường núi lấy một can nước
>> Đói thấu mùa giáp hạt

Gạo xuống xe

Xe vừa ra khỏi Hà Nội, cơn mưa rào đầu mùa bất ngờ đổ ập. Màn mưa trắng xoá giăng trước mặt. Hơi lạnh bắt đầu thấm sâu từng ngóc ngách. Sau nửa ngày quăng quật trên đường đến mệt phờ nhưng khi đến thị xã Hà Giang, không kịp nghỉ ngơi, chị Lan Anh, thành viên nữ duy nhất là đại diện của Quỹ Thiện Tâm giục phải đến Cty Lương thực tỉnh, kiểm tra từng bao gạo trong số 207 bao cứu đói, xem trọng lượng đóng có đủ 30 kg không. Chị còn cẩn thận mở một bao gạo ra, vốc một nắm rồi tãi trên tay, cắn thử vài hạt sau đó nở nụ cười mãn nguyện.

Sáng sớm ngày hôm sau, chúng tôi xuyên những cung đường hiểm trở nhất của miền biên ải với hàng trăm dốc cao, thung thẳm với mây mù lúc nào cũng giăng kín lối để lên cao nguyên đá Mèo Vạc. Dưới xuôi mưa to nhưng Mèo Vạc cơn mưa ngắn ngủi chỉ  chừng 15 phút, lại không trải đều nên những vùng núi đất vẫn khô rang. Bà con dân tộc Mông, Giáy, Dao mong mưa để xuống giống ngô còn hơn mong tiền, mong bạc. 

Đại diện nhà tài trợ cùng Báo NNVN trao quà cho dân Lũng Pù

Xe vừa tới thị trấn, anh Trần Kim Ngọc, vị Phó Chủ tịch trẻ tuổi (sinh năm 1975) của huyện Mèo Vạc cùng anh Đồng, Chánh văn phòng UBND cũng trẻ chẳng kém, nhiệt tình dẫn chúng tôi ngay chiều đó ngược dốc lên Lũng Pù và Khâu Vai. Đây là hai xã đói giáp hạt mà NNVN trước đó đã phản ánh khiến cho độc giả cảm động và Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành điều tra.

Dọc đường đi, tôi thấy chị Lan Anh mua một bọc to sữa hộp và bánh ngọt. Hỏi mới hay biết ý định của chị để tặng cho các trẻ em vùng khó. Tôi bảo, nếu thế có lẽ chị phải mua cả xe tải quà bánh mới chở đủ vì trẻ em vùng này thèm từ cái que kem 100đ ngọt ngắt mùi đường hoá học, thèm chai nước ngọt xanh đỏ tím vàng 1.000đ đầy phẩm mầu mỗi buổi chợ phiên mà hầu như chẳng bao giờ bố mẹ chúng có tiền để mua cả. Chị nghe xong, cứ ngẩn người, lặng lẽ suốt dọc hành trình.

Khi xe dừng bánh tại UBND xã Lũng Pù đã thấy cả Bí thư Nguyễn Minh Thuận lẫn Phó Chủ tịch xã Hoàng Thị Chính nóng ruột, đi đi lại lại ở hành lang, chờ đoàn. Bà con Mông kéo đến kín cả một khoảng sân ủy ban, nhiều người trong số đó đã phải vượt gần chục km đường núi để từ các bản xa như Há Tỏ Sò, Xúa Do… đến từ ban sáng. Họ đi những đôi dép xốp mòn quẹt, thò cả ngón chân, gót chân nứt nẻ. Họ mặc những tấm áo rách toang hoác, miếng vá chằng chịt to bằng bàn tay, màu vải đã bạc phếch. Nhiều chị em còn địu cả con, đứa trẻ cũng áo tuột khoá, đứt cúc, rách rưới không khác bố mẹ chúng.  

Dân không biết chữ chỉ điểm chỉ. Điểm chỉ xong vui vẻ vác gạo về nhà

Chị Vừ Thị Dí ở Sảng Chải A dắt theo đứa con gái nhỏ, chừng dăm sáu tuổi. Ánh mắt nó sáng lên khi đón nhận hộp sữa nhưng sau một hồi loay hoay, cả hai mẹ con vẫn không làm sao biết cách dùng nên tôi phải cắm ống hút cho họ. Đứa bé mút sữa, hút chùn chụt, hút đến khi trong chiếc hộp móp đi, chỉ còn toàn không khí, nó vẫn còn tiếc rẻ chu môi mút. Đây là lần đầu tiên trong đời nó biết thế nào là vị ngon ngọt của sữa.

Nhà chị Dí có 5 người trong đó 3 đứa con nhỏ, 1 con bò và không có xe máy. “Ngô còn ít lắm, số gạo này chúng mày cho, tốt quá, đủ ăn được 15 ngày đấy”, chị hồn nhiên. Những người dân đói khổ, một chữ cũng không biết, một câu tiếng Kinh cũng không nói nổi, nhanh chóng giúp chúng tôi vác bao gạo từ ô tô xuống.

Chứng kiến cảnh đó, chị Lan Anh cứ thầm tiếc rằng ở nhà mấy chị em trong cơ quan đã chuẩn bị được mấy bao tải quần áo, thế mà luýnh quýnh ra sao, lúc đi lại quên khuấy mất. Tôi hỏi một câu tiếng Mông mới học được: “No mọ chi tao?” (ăn gì chưa), phần đa đều lắc đầu. Những hộp sữa, gói bánh nhanh chóng vơi đi trên tay chị Lan Anh.

Qua người “phiên dịch”, anh Ngọc, Phó Chủ tịch huyện thay lời bà con, cảm ơn tấm lòng Quỹ Thiện Tâm và Báo NNVN, đồng thời nói: “Tôi mong bà con tranh thủ có mưa để gieo hạt giống ngô, đảm bảo đời sống. Tôi mong những quan tâm của đồng bào dưới xuôi cho vùng cao không chỉ là khi đói giáp hạt mà còn quan tâm nhiều vấn đề như giáo dục, như y tế…”. Mỗi người dân đã mang sẵn trong người sợi dây thừng. Họ buộc vào bao gạo, tạo quai đeo rồi địu về nhà. Con đường xa, dốc, mưa phùn bay lâm thâm họ cứ lầm lụi đi như những con rùa khổng lồ, chẳng mấy chốc biến vào trong sương mù giăng giăng khắp thung lũng.

Việc xong ở Lũng Pù, chẳng kịp nhấp ngụm nước, cả đoàn xe lại hối hả vòng sang Khâu Vai. Ở đây, vẫn những cảnh người dân lầm lụi đón chờ. Họ vỗ vào những bao gạo, nói cười hỉ hả. Dường như, đó là món quà quá bất ngờ đối với họ. Tôi để ý đến Già Mí Pó ở Khâu Vai khi anh chàng này đang xăng xái vác gạo từ xe tải chuyển xuống dưới sân. Mỗi bước đi của anh, hở da một mảng da thịt lớn bởi quần áo đều rách, có chỗ rách to bằng cả quyển vở học trò. Pó mới ra ở riêng, hai vợ chồng với một đứa con mà ăn cũng còn chẳng đủ, chứ đừng nói đến chuyện quần áo. Đã mấy năm rồi, Pó vẫn chỉ mặc những quần áo vá chằng, vá đụp như vậy kể cả lúc đi nương cũng như khi đi ra ngoài. Nhìn Pó và hàng loạt người khác nhận gạo xong, không biết ký tên mà chỉ điểm chỉ, đỏ loè đỏ loẹt cả mấy trang giấy, tôi ngậm ngùi thay cho dân trí vùng cao.

Cảnh học sinh nội trú ở Khâu Vai

Lên Khâu Vai lần này, đoàn không chỉ cứu trợ cho hộ gia đình mà cả những em học sinh nội trú dân nuôi cấp 1, cấp 2 của xã nữa. Thầy Nguyễn Mạnh Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khâu Vai dẫn chúng tôi đến khu nội trú. Tất cả đều nằm trên những chiếc giường tầng gỗ tạp, chăn màn nhiều cái đã thủng lỗ chỗ. Ai nấy đều không thể không ngậm ngùi khi nghe thầy Cường kể, mỗi học sinh ở đây được nhà nước cấp 140.000đ/ tháng, trừ khoảng 20.000đ cho tiền vệ sinh cá nhân thì chỉ còn 120.000đ để ăn. Vậy là mỗi bữa có 2.000đ. Không hiểu các em có thể ăn gì với 2.000đ/bữa? Những bữa ăn toàn rau, thi thoảng có tí cá mắm, hoạ hoằn mới có hai miếng thịt nhỏ bằng hai ngón tay. Những đứa trẻ đến lớp với cái bụng hầu như chưa một khi no, một khi thoả sức, những cái bụng vẫn reo ùng ục mơ về miếng thịt mỡ cắn ngập răng. 1.950 kg gạo được phát cho hai khu nội trú của hai trường Tiểu học và THCS trong lần cứu trợ này đã là niềm vui chung của hàng trăm em nhỏ. Chúng đứng tò mò, nhảy múa, hát ca bên đống gạo, bởi chúng biết, chỉ tối nay thôi, bát cơm của chúng sẽ đầy hơn, trắng hơn.

Rời khỏi Mèo Vạc khi màn đêm phủ mờ bóng núi, bóng người, tôi chỉ có một ước ao mong sao bà con “chân cứng, đá mềm”, mong cơn mưa đầu mùa đủ dài, đủ thấm cho hạt ngô mọc lặng thầm trong những hốc đá tai mèo miền biên ải.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.