| Hotline: 0983.970.780

Thực phẩm sạch từ siêu thị đến ruộng dâu

Thứ Ba 20/04/2010 , 10:43 (GMT+7)

Hầu như hoa quả của châu Á không lọt qua hàng rào vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản, chỉ thấy có chuối tiêu của Philipin có mặt trong siêu thị.

Nhà báo Nghiêm Thị Hằng mua thực phẩm rau quả trong siêu thị tại Tokyo

Hầu như hoa quả của châu Á không lọt qua hàng rào vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản, chỉ thấy có chuối tiêu của Philipin có mặt trong siêu thị.

>> Chuyện nên học ở xứ Phù Tang

Siêu thị... siêu sạch

Chúng tôi bắt đầu hành trình trên đất nước Mặt trời mọc bằng việc ghé thăm các nhà hàng, siêu thị dọc đường phố từ ký túc xá sinh viên Quốc tế trở lại ga Sengawa ở ngoại ô Tokyo. Tại Nhà hàng 24 giờ cạnh ga, chúng tôi mua thực phẩm chuẩn bị cho bữa ăn tối. Siêu thị ở đây có đủ các mặt hàng, điện tử, điện máy, đò gia dụng, hàng, góc nông cụ làm vườn, hạt rau hoa giống, rau quả...

Hóa ra ở Nhật Bản không thiếu rau xanh và hoa quả nhưng không nhiều và phong phú về chủng loại như ở Việt Nam. Giá rau tươi tại siêu thị rất đắt so với giá rau ở Việt Nam, nhưng về chất lượng thì không biết đến bao giờ rau tươi Việt Nam mới đạt chất lượng nhập khẩu sang xứ này. Rau chất lượng cao nên giá cũng đắt, một quả dưa chuột nhỏ giá 5 yên (khoảng 10 ngàn đồng), 1 quả cà chua 100g giá 15 yên (bằng 30 ngàn đồng)… Cách bán trong siêu thị cũng rất linh hoạt, bán lẻ từng quả cà chua, từng quả dưa chuột, từng củ khoai tây, một chiếc cải bắp có thể chia làm 3 làm 4, củ cải to cũng chia làm 2 làm 3, giá đỗ chia theo túi 100g, 200g đến nửa 500g, rồi 1kg cân, khác loại đồ khô, vừng, đỗ, tôm khô… có thể bán theo các túi nửa 50g, 100g, 200g… rất tiện cho người mua.

Ngoài rau xanh, trong siêu thị cũng rất nhiều hoa quả tươi nhưng chỉ có táo và quýt xuất xứ từ Nhật còn lại như dứa, cam, bưởi, dâu, nho, dưa hấu, dưa dọc... đều có nguồn gốc từ Mỹ, Mê - hi - cô, Chi - lê, Braxin… Hầu như hoa quả của châu Á không lọt qua hàng rào vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản, chỉ thấy có chuối tiêu của Philipin có mặt trong siêu thị. Hàng thực phẩm đông lạnh không thiếu thứ gì, nhưng nhiều hơn vẫn là cá thu ngừ, cá hồi, là loại cá mà người Nhật ưa thích nhất. Riêng mặt hàng thủy sản thấy có mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam và Thái Lan, còn quầy gạo chỉ thấy xuất xứ từ Nhật Bản.

Chúng tôi tới gian hàng bán đồ ăn nhanh, đó là các loại bánh ngọt, thịt nướng, mỳ sào, cơm rang, cơm nắm… Đặc điểm chung của đồ ăn nhanh là bao bì kiểu dáng rất bắt mắt, thời hạn rõ ràng. Các siêu thị ở Nhật thường giảm giá vào buổi tối, với các thực phẩm ăn liền giới hạn về thời gian. Ví dụ như có siêu thị 7h tối giá đồ ăn sẵn giảm 20%, 8h giảm 30%, 9h giảm 50%, vì vậy càng tối càng có nhiều người đi siêu thị...

Khi mua hàng ở siêu thị Nhật Bản, ngoài bảng giá, hàng nào cũng có xuất xứ, nơi sản xuất và thời hạn sử dụng. Không chứng minh được nguồn gốc sản xuất, không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm không thể lọt qua hàng rào kiểm tra của các nhà quản lý chất lượng.

Du khách Việt Nam vui vẻ ăn dâu tây ở trang trại thuộc tỉnh Tochigi

Ra ruộng ăn dâu tây

Chúng tôi xuất phát từ ga Shinjuku lúc 8h, lên ô tô có hướng dẫn viên người Nhật Bản, ra khỏi Tokyo đến tỉnh Tochigi trong tua du lịch đến trang trại ăn dâu ngay ngoài đồng. Từ Tokyo đến trang trại khoảng 180km chỉ mất 2 tiếng rưỡi, đủ thấy chất lượng giao thông ở xứ Mặt trời mọc tuyệt vời. Thật thú vị khi đến với trang trại ngoại thành, một không gian thoáng đạt đồng quê. Ở trang trại này chỉ chuyên trồng dâu tây nhằm tạo ra khu liên kết cho các tua du lịch đưa du khách từ thành phố về tỉnh Tochigi, rồi từ điểm thăm quan trang trại dâu tây, du khách tiếp tục cuộc hành trình về thành phố Nikko của tỉnh này để khám phá nét độc đáo khu đền chùa ở Nikko nổi tiếng và chiêm ngưỡng những thắng cảnh nơi đây.

Không biết có bao nhiêu lô ruộng, ước chừng không dưới hàng chục ha, những khu vườn có vòm cong, phủ kin nilon, trồng toàn dâu tây. Trang trại này, mỗi ngày có thể đón vài chục chuyến xe với cả ngàn du khách, thỏa mái hái dâu ăn tại vườn. Việc trồng dâu ở khu trang trại này hoàn toàn theo công nghệ cao. Phân bón và nước tưới đều chảy trong hệ thống ống dẫn tưới ngầm trong các luống, bề mặt luống phủ ni lon. Hàng ngày theo giờ nhất định, theo thời tiết khu vực, nhà vườn chỉ huy mở hệ thống cửa ni lon cho ánh sáng và mặt trời vào vườn dâu. Dâu chín tại vườn đảm bảo vệ sinh an toàn, du khách đến thăm vườn có thể thoải mái hái dâu ăn.

Trước khi vào vườn, du khách được phát cho một chiếc cốc giấy, ăn xong quả thì bỏ hạt dâu vào đó. Người nào ăn giỏi cũng chỉ được vài chục quả. Nhưng không khí tìm chọn quả chín, quả to, quả ngon trong vườn dâu thật vui. Trước khi du khách đến, đầu ngày làm việc, những người hái dâu thuê của Cty đã hái những quả to, quả ngon, đạt tiêu chuẩn để đưa vào siêu thị. Khi du khách ăn dâu ra khỏi vườn, những người hái dâu lại đi tua, hái những quả nhỏ, quả xấu còn lại trên luống, về chế mứt, kẹo, rượu dâu.

Bà Yutaka - một nông dân hái dâu thuê trong trang trại cho chúng tôi biết, cả khu trang trại dâu này là của một Cty. Cty này liên kết với Cty du lịch, được trả phần trăm theo các chuyến xe tua đưa du khách đến. Dâu trong trang trại chủ yếu phục vụ cho khách thăm quan ăn và bán các sản phẩm bánh, kẹo, mứt rượu làm từ dâu cho khách thăm quan.

Tất cả quy trình sản xuất dâu từ trong vườn cho du khách ăn đến dâu tươi hái đưa về các siêu thị trong thành phố, đến các sản phẩm dâu được chế biến đều tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm. Bà Ytaka nói: “Tôi làm thuê cho Cty này trên 15 năm, chưa bao giờ thấy dâu tươi cũng như các sản phẩm dâu của Cty chế biến gây ngộ độc thực phẩm cho khách, vì thế đây là địa chỉ tin cậy cho các tua du lịch đưa du khách từ thành phố về vùng nông thôn, tận hưởng không khí thoáng đạt vùng ngoại ô và thưởng thức sản phẩm của đồng quê Nhật Bản”. (Còn nữa)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất