| Hotline: 0983.970.780

Người phát động trồng "đồi quế nhớ ơn Bác Hồ"

Thứ Hai 10/05/2010 , 09:58 (GMT+7)

Người dân ví ông là cây đại thụ giữa rừng để thế hệ cháu con tựa vào, noi gương ông vươn lên trong cuộc sống. Ông tên là Hoàng Văn An, người dân tộc Tày

Người phát động trồng "đồi quế nhớ ơn Bác Hồ"

Người dân ví ông là cây đại thụ giữa rừng để thế hệ cháu con tựa vào, noi gương ông vươn lên trong cuộc sống. Ông bảo: Đời tôi hai lần được gặp Bác Hồ, tôi nhớ nhất câu nói của Bác: Ngày xưa, đất nước mình dưới ách nô lệ, đồng bào các dân tộc phải sống chui lủi trong rừng. Bây giờ đất nước độc lập rồi, bà con phải sống định canh định cư và bảo vệ rừng thì mới hết đói nghèo…

Ông tên là Hoàng Văn An, người dân tộc Tày thôn I, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Năm nay ông đã 78 tuổi, thuộc lớp người “xưa nay hiếm”. Dẫu vậy, nhưng ông vẫn còn rất khoẻ, nước da đỏ au, làm việc ít người theo kịp. Tôi còn nhớ tháng 10/1999, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Huy Ngọ lên Yên Bái đã vào thăm gia đình ông. Hơn 10 năm rồi nay gặp lại ông, so với ngày ấy ông không khác đi là mấy, trí nhớ của ông vẫn còn rất tốt. Ông kể: Hồi trước trên đất Văn Yên này giặc Pháp chiếm đóng khắp nơi, chúng xây đồn Đại Bục, Đại Phác, đồn Gióm cuộc sống của người dân vô cùng cực khổ, sống chui lủi trong rừng như bầy thú hoang.

Ông Hoàng Văn An (đội mũ nồi) đứng sau Bác và đồng chí Lê Duẩn

Căm thù giặc, ngày ấy cậu bé Hoàng Văn An chỉ mới mười lăm, mười sáu tuổi cậu đi tìm bộ đội Cụ Hồ, mong góp sức mình giải phóng quê hương. Đời ông hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ, lần thứ nhất ngày 25/9/1958, ông là một trong những thanh niên tiêu biểu được mời đi dự mít tinh đón Bác tại sân vận động thị xã. Lần này ông chỉ nhìn thấy Bác từ xa, Bác mặc bộ quần áo màu gụ, đi dép cao su, nước da hồng hào khỏe mạnh, dáng đi nhanh nhẹn, vẫy tay chào đón mọi người. Trước đây ông chưa hình dung ra Bác thế nào, nay được tận mắt nhìn Bác, ông thấy Bác cũng giống như các cụ Ké, gần gũi như người trong thôn bản. Những điều Bác nói ông không nhớ hết, có một đoạn Bác nói đại ý thế này: Nước ta có nhiều dân tộc, các dân tộc đều là anh em một nhà. Tỉnh Yên Bái có nhiều dân tộc thiểu số cuộc sống của đồng bào hiện còn nhiều khó khăn, vì thế các dân tộc phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và xây dựng cuộc sống mới…

Lần thứ hai ông được gặp Bác, năm đó là năm 1962 ông trong đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số về thăm Thủ đô Hà Nội được gặp và chụp ảnh lưu niệm với Bác tại Phủ Chủ tịch. Ông đứng sau Bác và đồng chí Lê Duẩn. Bác căn dặn mọi người: Ngày xưa, đất nước dưới ách nô lệ, đồng bào dân tộc thiểu số phải chịu rất nhiều thiệt thòi, thiếu ăn, mù chữ…Bây giờ đất nước độc lập rồi, bà con phải sống định canh định cư và bảo vệ rừng thì mới hết đói nghèo… Nhớ lời dạy của Bác, khi trở về quê hương ông vận động bà con sống định canh định cư, làm ruộng bậc thang, bảo vệ rừng… Hồi ấy, rừng ở đây bị phá nhiều lắm để làm nương rẫy. Sau vài năm rừng biến thành đồi trọc, ông nghĩ phải trồng cây gì để có thu nhập, chứ cứ phá rừng làm nương chỉ vài năm nữa rừng cũng hết, lấy gì để sống? Câu hỏi ấy khiến nhiều đêm ông không ngủ được, cứ trăn trở với câu hỏi trồng rừng thì trồng cây gì? Mình là bí thư chi bộ mà bó tay thì bà con còn tin mình nữa không? Ông thấy bà con dân tộc Dao trồng quế để làm thuốc, quế lên rất tốt, vậy sao ta không trồng quế để có thu nhập, lại bảo vệ được rừng?

Ông An chăm sóc “cây vàng” trong rừng

Nghĩ thế, ông An quyết định tìm hiểu về cây quế và trồng quế. Nghe ở đâu có quế là ông tìm đến, dù ở Quảng Ninh hay tận Sơn La… rồi mua những giống quế tốt về trồng. Phong trào trồng quế ở Đại Sơn bắt đầu nhen nhúm từ đấy, rồi được huyện Văn Yên đồng ý, cổ vũ. Ông là bí thư chi bộ 2 được huyện giao phụ trách khu vực Mỏ Vàng. Khi ấy chưa thành lập xã Mỏ Vàng, ở đó chủ yếu là bà con người Dao, người Dao có rất nhiều ngày kiêng: Kiêng gió, kiêng bản, kiêng ma... ngày Dần thì không ai được nói tới hổ và không được vào rừng phải ở nhà cúng mới không bị tai nạn.

Ông bảo bà con: Ai cúng cứ cúng, còn bao nhiêu lao động theo tôi lên khe Hóp để trồng quế… Mới đầu mọi người không tin cây quế mang lại nguồn thu lớn, cứ thấy bóng ông là họ lẩn tránh. Bây giờ xã Mỏ Vàng đâu đâu cũng thấy quế, nhiều nhà giàu to từ quế. Ngày Bác mất, thương Bác quá gia đình ông trồng 10 cây quế để tưởng nhớ Bác. Sau này thu hoạch ông bán được gần trăm triệu đồng, tất cả số tiền đó ông mua công trái “xây dựng Tổ quốc”. Khi làm Bí thư xã ông xin phép huyện trồng một đồi quế “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” để khuyến khích người dân tham gia trồng quế.

Đồi quế của gia đình ông ngày một lan rộng, thấy chỗ nào đất trống đồi núi trọc là ông cắm quế vào. Điều không ai ngờ tới, cây quế đã mang lại cho gia đình ông một nguồn thu rất lớn. Còn nhớ lần Bộ trưởng Lê Huy Ngọ tới thăm ông, ông dẫn Bộ trưởng ra xem cây quế cổ thụ hai người ôm mới kín gốc, ông bảo: Cây quế này có người trả tôi 3,7 cây vàng, nhưng tôi không bán mà để lấy hạt làm giống. Vì bây giờ, ở đây mọi người đều trồng quế rồi, không còn phải vận động vất vả như ngày xưa nữa. Để có một cây quế giống tốt, phải chờ đợi mấy chục năm… Mùa trồng quế, bà con khắp nơi trong tỉnh có người tận Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang… cũng tìm đến gia đình ông mua hạt giống về trồng, ông vừa bán vừa cho rồi hướng dẫn cách ngâm ủ, cách trồng, cách bóc vỏ. Xã Đại Sơn đặt chân tới chỗ nào cũng gặp quế, đây là vùng quế lớn nhất huyện Văn Yên với 1.802 ha. Ngót 50 năm, từ những cây quế đầu tiên ông trồng quanh nhà, đến nay gia đình ông có tới hơn 100 ha quế...

Tôi vô cùng ngạc nhiên, tính ra mỗi cây quế trong vườn nhà ông tương đương một cây vàng, cả rừng quế nhà ông có mấy chục ngàn cây là mấy chục ngàn cây vàng. Vàng cất trong rừng, một mỏ vàng xanh lộ thiên trải rộng khắp đất Văn Yên đi cả tháng vẫn không hết. Người dân vùng quế có rất nhiều hộ trở thành tỷ phú, nghe người dân nói chuyện tiền nong ở đây mà tôi chả tin nổi, toàn tiền tỷ cả.

Ngôi biệt thự mọc lên từ trồng quế

Cách đây hai chục năm tôi đã nghe chuyện người dân vùng quế mua xe máy, có bản chưa có đường đi nhưng tiền nhiều quá họ chả biết để tiền làm gì nên nhà nào cũng sắm hai ba cái xe máy dựng trong nhà để…ngắm cho sướng mắt. Hỏi tiền ở đâu mà lắm thế, họ cười bảo: Tiền cất trong rừng ấy. Ông An có 5 người con trai, thì cả 5 người đều đã xây nhà tầng, những ngôi nhà to lớn xây theo kiểu biệt thự mà những người giàu ở thành phố cũng phải mơ ước. Ông bảo: Tất cả đều từ quế, nhà thằng Hoàng Văn Hoan, Hoàng Văn Thi xây xong năm ngoái, còn nhà thằng Hoàng Văn Thu mới hoàn thành đầu năm nay, nghe chúng nói tiền xây khoảng hơn một tỷ gì đấy. Ấy vậy mà nội thất đã có gì đâu, chắc là phải chờ vụ quế này…

Sân nhà nào mùa này cũng ngồn ngộn những quế, quế được chất đầy nhà, quanh hè, mùi quế thơm lừng. Vào mùa bóc quế, quế phơi khắp nơi dọc các con đường, đủ loại xe vào mua quế, từ xe ôm đến những chiếc xe tải 10-15 tấn. Ông An lắc đầu bảo tôi: Tôi có 12 người con tất cả, 5 trai và 7 gái, trừ thằng Hoàng Văn Minh chịu đi học, hiện đang làm phó chủ tịch xã Đại Sơn, còn lại đều ở nhà lên rừng trồng quế, kỳ lạ đứa nào cũng say mê làm kinh tế. Thôi kệ chúng nó, tôi có niềm vui là đứa nào cũng khá giả, nhất là không đứa nào nghiện ngập thế là được rồi anh ạ…

Tôi chợt nhớ câu “Bần cư trung thị vô nhân vấn/ Phú tại sơn lâm hữu khách tầm” (Sống giữa đô thị mà nghèo khó thì cũng chẳng có người hỏi han, giàu có dù sống giữa rừng vẫn có người đến thăm). Cứ nhìn những ngôi nhà của các con ông Hoàng Văn An thì nhiều người cũng muốn vào rừng để ở. (Còn nữa)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất