| Hotline: 0983.970.780

Đối lập trên cùng vùng đất

Thứ Hai 14/06/2010 , 14:30 (GMT+7)

Cùng trên một mảnh đất, điều kiện sản xuất như nhau nhưng lại có người giàu kẻ nghèo. Vì sao như vậy? Câu chuyện ở xã Chiềng Hắc (huyện Mộc Châu, Sơn La) sẽ lý giải phần nào câu hỏi đó.

Với dân bản Ta Niết, có đất là có tất cả
Cùng trên một mảnh đất, điều kiện sản xuất như nhau nhưng lại có người giàu kẻ nghèo. Vì sao như vậy? Câu chuyện ở xã Chiềng Hắc (huyện Mộc Châu, Sơn La) sẽ lý giải phần nào câu hỏi đó. 

>> Chán học nông nghiệp
>> Bán cả... ''cần câu''
>> Khoa học kỹ thuật ư? Kệ!
>> Đất bỏ hoang vẫn phải đi... mua rau
>> Nông dân - Khi nào chuyên nghiệp?

Từ chuyện hai ông trưởng bản         

Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Hắc Phạm Văn Hợi chia địa phương mình thành hai phần rõ ràng: Bản Ta Niết và phần còn lại. Phần Ta Niết ông nói mãi không biết chán và liên tục dành những lời khen ngợi, tự hào, nhưng phần còn lại ông chỉ biết thở dài. “Đối lập quá chú à. Cũng từ nhận thức người dân mà ra cả. Cùng một điều kiện như thế nhưng nơi thì giàu nứt đất đổ vách, nơi lại chạy ăn. Thế thì chắc chắn là do họ lười hơn rồi”.

Cùng điều kiện tự nhiên nhưng hai bản Ta Niết và Cò Lìu ở xã Chiềng Hắc mang hai bộ mặt hoàn toàn khác. Khác biệt dễ nhận ra nhất từ đến từ nhà hai ông trưởng bản. Một ông bằng khen treo đầy nhà, suốt ngày đi kiểm tra, chuẩn bị cho bà con vay vốn còn một ông dành phần lớn thời gian trong ngày… xem phim chưởng. Đường vào bản Ta Niết toàn bê tông, nhà cao tầng mọc san sát không thua kém là bao so với phố xá. Phải đợi gần 3 tiếng đồng hồ, trưởng bản Nguyễn Văn Sơn mới giải quyết dứt điểm chuyện vay vốn ngân hàng cho bà con trong bản trồng rừng và các biện pháp mở rộng thêm diện tích đất sản xuất. Câu đầu tiên khi nói về tình hình SXNN ở bản, ông Sơn thẳng thắn: “Sống nhờ ngô”. Trong câu chuyện của ông, cây ngô đối với dân bản chính là “đầu cơ nghiệp”. Bởi chính nhờ ngô mà Ta Niết mang những con số thống kê đáng mơ ước đối với các làng quê. Cả bản có 224 hộ thì 70% trong số đó là khá và giàu. Còn nếu xét theo tiêu chí mới thì chỉ còn 0,2% hộ nghèo. Bí thư Chi bộ Ta Niết Dương Văn Phan còn cho thêm rằng: “Nếu chạy theo thành tích thì con số ấy phải lý tưởng hơn nhiều”.

Trong bản báo cáo sản lượng ngô của xã chỉ từ 4-5 tấn/ha thì riêng Ta Niết không năm nào dưới 7-8 tấn/ha. Từ mấy năm nay, tổng sản lượng 5-6 nghìn tấn mỗi năm của bản là chuyện đã quá bình thường. Những con số đủ để lý giải vì sao ông Sơn có thể mạnh miệng rằng “nói về sản xuất Tà Niết chẳng thua kém bất cứ nơi nào trong huyện Mộc Châu”. Càng ngỡ ngàng hơn khi biết rằng diện tích đất thâm canh canh tác của bản chỉ vỏn vẹn tầm 5ha. Vậy làm cách nào dân Ta Niết có thể giàu đến như thế? Trả lời thắc mắc của tôi, ông Sơn xòe đôi bàn tay rồi bảo: “Bằng sức cả chú à. Ít đất thì đi thuê. Nếu mình chịu khó đất chẳng bao giờ phụ lòng”.

Với suy nghĩ “có đất là có tất cả”, 1/3 hộ dân ở Ta Niết làm hết đất nhà mình rồi đi thuê đất những bản lân cận. Chỗ nào xa, đất khó, người khác không làm thì họ làm. Diện tích đất đi thuê dần dần lớn hơn cả chục lần số đất mà dân bản có. Hết trồng ngô lại trồng rau màu, cây ăn quả. Ông Sơn có thể liệt kê hàng chục triệu phú ngô ở Ta Niết như Nguyễn Văn Doanh, Nguyễn Văn Thiện…Thu nhập hàng tỷ đồng từ ngô nhưng hầu hết trong số họ đều đi lên từ hai bàn tay trắng.

Trưởng thôn Cò Lìu Vì Văn Thu cho thuê một nửa đất sản xuất, vừa có tiền vừa đỡ phải làm

Nếu phải mất gần một buổi để gặp ông Sơn thì việc tìm trưởng bản Cò Lìu Vi Văn Thu dễ dàng hơn nhiều bởi khi đến nhà ông đang cùng gia đình ngồi… xem phim chưởng. Trước đó, biết nhà báo tìm, ông Sơn mời đầy đủ cán bộ thôn ra trao đổi còn ông Thu mân mê mãi chiếc máy ghi âm mà không biết đó là thứ gì. Còn chụp ảnh, ông thẳng thắn thừa nhận đây là lần thứ hai thứ ba gì không nhớ.

Hôm nay, trưởng bản Thu cũng lên nương nhưng mặt trời vừa lưng chừng núi đã về vì thấy… không có mưa. Đã hơn một tuần rồi, ngày nào ông cũng lên nương và chỉ mỗi việc là cầu mưa cho ngô có thể mọc. Nhưng tình hình có vẻ không ổn khi nắng nóng kéo dài nên cứ thấy mặt trời là ông về: “Có lẽ vụ này phải gieo lại. Không có nước ngô không mọc được nên muốn làm cỏ cũng chịu”. Trưởng bản đã bó tay thì những hộ khác chẳng trông mong gì. Đang mùa vụ nhưng bản Cò Lìu vẫn tấp nập bởi không có việc làm. Cạnh nhà ông Thu là nhà của vợ chồng Vì Văn Háy và Lò Thị On. Không làm được cỏ ngô, 6 khẩu nhà anh Háy cũng chẳng biết làm gì nên đành ngồi chơi. Nhìn ra khu vườn rộng mênh mông chỉ toàn cỏ dại mọc um tùm, hỏi sao gia đình không trồng rau mà phải đi mua dùng. Háy vô tư rằng: “Cần gì trồng, trên bản Ta Niết người ta bán đầy ra đấy”. Còn cây ăn quả trong vườn, ông Háy khoe năm nào được mùa cũng đủ cho bọn trẻ ăn xả láng. Việc bán chác xem ra không cần thiết.

Tâm lý từ trưởng bản đến người dân như thế chẳng trách số hộ nghèo ở Cò Lìu còn chiếm hơn 52%. Dường như họ thà chấp nhận chạy ăn còn hơn phải vất vả. 

Nhà giàu làm thuê, kẻ khó an nhàn

Bộ mặt hai bản Ta Niết và Cò Lìu một trời một vực như thế, vậy mà ngày ngày dân bản giàu vẫn lân la sang bản nghèo thuê đất để làm thêm.

Đang là vụ mùa nhưng nhà Vì Văn Hán chẳng biết làm gì

Nếu căn cứ theo bản đồ thì diện tích đất SXNN của Cò Lìu nhiều hơn Ta Niết 60 lần. Nhưng nếu tính diện tích ngô thu hoạch lại trái ngược hoàn toàn. Bản Cò Lìu có hơn 300 ha đất SXNN, hiện tại một nửa số đó đem cho dân bản Ta Niết thuê làm. Hình thức cho thuê cũng rất đơn giản, chỉ cần đưa tiền mặt, thỏa thuận miệng là xong. Dân bản Cò Lìu ôm cục tiền tiêu xài còn dân bản Ta Niết mượn đất trồng ngô.

Nhà trưởng bản Thu có tận 8 người nhưng mỗi năm chỉ gieo chừng 80kg giống. Biết là chừng đó không thấm vào đâu so với sinh hoạt hằng ngày nhưng thay vì động viên vợ con phấn đấu mở rộng diện tích thì trưởng bản Cò Lìu lại “sáng tạo” bằng cách cắt bớt một nửa diện tích đất cho người khác thuê lấy tiền trang trải cuộc sống. Giải thích việc làm của mình ông Thu hạch toán rằng, nếu cho thuê đất thì mỗi năm không làm gì cũng có 8 triệu bỏ túi. Còn nai lưng ra đầu tư theo kiểu nhờ trời như thế, lỡ mất mùa thì không biết lấy đâu ra tiền trả các khoản đầu tư như giống, phân bón… Ông còn tự hào kiểu “nhờ cách làm này nên đời sống dân bản khá lên nhiều, không ai… chết đói cả”.

Cũng vì cho thuê đất kiếm tiền nhàn hơn bỏ công ra làm nên dân bản Cò Lìu, Toong Hán chi tiêu thoáng hẳn. “Nhiều bản làng trong xã dân chẳng cần quan tâm đến chuyện tích cóp hay hạch toán chi tiêu ra sao. Thu hoạch xong vụ ngô là kéo nhau ra quán “đập phá”. Họ tiêu tiền giống như vừa trúng xổ số vậy. Cho dù mỗi lần như thế đôi khi đi đứt mấy tạ ngô”, Phó chủ tịch xã Phạm Văn Hợi buồn bã.

Trưởng thôn còn đem đất cho thuê thì chắc là phải có lợi rồi. Với suy nghĩ đó hầu hết các hộ ở Cò Lìu đều trích ra một ít đất đem cho thuê lấy tiền. Vừa đỡ phải làm vừa có tiền ngay để tiêu.

Nhưng có một điều dường như ông Thu và dân bản không hề biết. Đó là mảnh đất ông cho thuê với giá 8 triệu đồng ấy, dân bản Ta Niết lên làm thu hoạch mỗi năm không dưới 40 tấn ngô. Có lẽ ông chỉ biết là số tiền thuê đất một vụ đủ cho ông mua chiếc xe máy Tàu chạy cho oai và số diện tích đất cho thuê bớt đi thì vợ con đỡ phải làm dù gia đình vẫn phải chạy ăn vào mùa giáp hạt.

Trong khi đó ở Tà Niết, Bí thư Phan cũng là một triệu phú ngô ở bản. Nhà ông Phan chỉ có 1ha đất sản xuất. Loáng vài ngày là làm xong phần đất nhà mình, cả nhà kéo nhau sang tận bản Toong Hán, Cò Lìu thuê thêm 6ha trồng ngô. Bình quân mỗi năm ông phải trả chừng 20 triệu tiền thuê đất. Nhưng bù lại gia đình thu về cả trăm triệu đồng/vụ. “Mình ít đất nên muốn đời sống khá hơn thì phải bỏ sức ra mà làm thôi. Mấy bản khác điều kiện kinh tế khó khăn chẳng qua là vì họ lười hơn thôi”.

Đem câu chuyện của ông Phan trình bày với nhiều hộ dân ở Cò Lìu họ đều chậc lưỡi: “Làm thế thì giàu nhưng mà mệt lắm”. Phó chủ tịch Phạm Văn Hợi kể thêm chuyện: “Mấy bận xã có hội thảo đầu bờ, dân bản Ta Niết háo hức mong cán bộ nông nghiệp về hướng dẫn bà con cách áp dụng giống mới, tiến bộ KHKT vào nông nghiệp nhằm tăng năng suất. Bản Cò Lìu cũng háo hức vì hội thảo thường có tiền. Khi đã nhận xong tiền họ cũng quên luôn hội thảo bàn về vấn đề gì”. (Còn nữa)

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.