| Hotline: 0983.970.780

Tàn lụi di tích thương cảng đầu tiên

Thứ Ba 27/07/2010 , 14:00 (GMT+7)

Đã lâu rồi, dân sở tại được nghe về dự án khôi phục bến thuyền cổ đi kèm một kế hoạch du lịch rất hoành tráng. Họ háo hức chờ nhưng chờ mãi, chờ mãi, mà cái kế hoạch đó vẫn chẳng mọc mũi, sủi tăm...

Hoang vắng đường vào thương cảng
Đã lâu rồi, dân sở tại được nghe về dự án khôi phục bến thuyền cổ đi kèm một kế hoạch du lịch rất hoành tráng. Họ háo hức chờ nhưng chờ mãi, chờ mãi, tựa như cô gái ngóng người yêu bên giếng Hệu mà cái kế hoạch đầy mong đợi đó vẫn chẳng mọc mũi, sủi tăm...

>> Vân Đồn ký sự: Cuộc chiến sá sùng

Thương cảng đầu tiên của Đại Việt

Từ điển Bách khoa toàn thư mở ghi: “…Năm 1149, vua Lý Anh Tông của nhà Lý chính thức lập trang Vân Ðồn (Quảng Ninh ngày nay - NV), đồng thời Vân Đồn thành thương cảng đầu tiên của Đại Việt, trong giao thương với các nước trong khu vực Đông Á và thế giới như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia... Thương cảng Vân Đồn thịnh vượng suốt 3 triều đại là: Lý - Trần - Hậu Lê rồi suy thoái và bị lãng quên vào thời nhà Mạc. Di tích thương cảng Vân Đồn lại vừa chứa đựng dấu ấn của nhà Trần về chiến công chống ngoại xâm lại vừa có dấu ấn về giao thương, buôn bán. Trận Vân Đồn năm 1288 trên dòng sông Mang (Quan Lạn) gắn liền với tên tuổi của danh tướng Trần Khánh Dư. Dưới sự chỉ huy của ông, quân dân nhà Trần đã đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của trận Bạch Đằng năm 1288”.

Từ đại dương vào, bến đầu tiên của thương cảng Vân Đồn là Cái Làng nằm sát dưới chân núi Man thuộc đảo Quan Lạn. Đối diện với bến Cái Làng là bến Cống Cái nằm dưới chân núi Vân. Rồi một hệ thống bến Con Quy ven đảo Ngọc Vừng, các bến thuyền nằm giữa hai đảo Cống Đông, Cống Tây… Sử sách còn ghi rõ, hàng hoá trao đổi ở cảng Vân Đồn thời đó gồm các sản vật tự nhiên quý hiếm của nước Nam như hương liệu, ngà voi, sừng tê giác, ngọc trai, vàng, bạc, đồng, diêm tiêu…Thời Lý, đồ sứ men ngọc với kỹ thuật chế tác cao, không kém đồ sứ men xanh “Long Tuyền” của Trung Quốc hồi đó. Đồ sứ thời Lý dáng thanh nhã, hoa văn trang trí khéo léo, đẹp mắt, thường là hoa văn đắp nổi cả trong và ngoài mặt thành đồ vật nên rất có giá khi được trao đổi với thuyền nhân nước ngoài. Theo một nhà sử học Nhật Bản từng nghiên cứu về Vân Đồn thì đồ sứ triều Lý được nhiều nước ưa chuộng và xuất hiện tận xứ Đông Ấn. Mặt hàng nổi danh khác của Vân Đồn, nơi hàng ngày những con tàu chở nặng thứ cát thuỷ tinh cao cấp có một không hai của xứ Việt đến những nhà máy sản xuất thuỷ tinh trong và ngoài nước.

Bức tranh cổ vẽ thương cảng Vân Đồn hồi còn sầm uất

Trung tâm bến chính của Vân Đồn là Cái Làng với đầy đủ dạng di tích, bến cổ, mộ táng, đình chùa, đền miếu, nhà ở, kho tàng… Tới tận bây giờ, khi dân đảo khai hoang ở núi Man vẫn thấy lộ ra nhiều dấu vết nền nhà xưa, có chỗ đến 30-40 cái xung quanh xếp bằng những hòn đá tảng, dân địa phương tục gọi là hòn Cồn. Khắp nơi hầu như không mấy gia đình không đào được những chum được tiền cổ, đồ sành, sứ, gốm, vũ khí cổ. Từ ngoài vụng trở vào trên khoảng 500m có một lớp mảnh sành sứ gốm từ mép nước triều cường tràn ra bãi rộng hàng chục mét, có hàng triệu mảnh vỡ. Các nhà khoa học phỏng đoán đây là trung tâm lên hàng và xuống hàng, các mảnh vỡ kia được vứt đi trong những lần khuân vác. Cái Làng còn giữ được một giếng cổ tên gọi giếng Tiên, tục gọi giếng Hệu, chuyên phục vụ cho các lái buôn nội địa và ngoại quốc đến tiếp tế nước ngọt.

Chỉ còn hoang phế

Các đoàn khảo cổ của giáo sư Trần Quốc Vượng, Đỗ Văn Ninh cùng nhiều đoàn khảo cổ nước ngoài đã đến nghiên cứu, khai quật ở đây. Ở 2 điểm khai quật tại trung tâm cảng cổ Cái Làng, một điểm 32m2 ở độ sâu 1m, một điểm 20m2 vào cuối tháng 8/2003. Điểm đầu tiên đã phát lộ kè cảng cổ xếp bằng những hòn đá tảng, bề mặt rộng của kè cảng đo được 0,75m theo hướng Nam - Bắc, có lẽ kè cảng xưa dài tới 500 - 700m. Ở điểm khai quật thứ hai, tại đáy tầng văn hoá sâu 1m phát lộ một hệ thống thoát nước bằng đá, xếp rất khéo léo. TS Phạm Như Hồ nhận định đây là hệ thống thoát nước của một kho chứa hàng cổ. Ngoài những hiện vật đời Lý, Trần, Lê và Nguyễn các nhà khảo cổ còn phát hiện được một số hiện vật thời Bắc thuộc đủ để nói lên bề sâu văn hoá của thương cảng Vân Đồn. Bản đồ An Bang, An Nam quốc trung đồ hay một bức tranh cổ vẽ vào khoảng giữa thế kỷ 15 đã mô tả rất chính xác bến thuyền Cái Làng hồi ấy. Trên bến là dãy núi Man có 3 ngọn, tấp nập thuyền bè, cái đậu, cái kéo buồm, cái chèo tay ngược xuôi nhộn nhịp. Xa xa là hệ thống đồn bốt bố phòng canh trấn xung quanh khá dày đặc… Chính vì những ý nghĩa lớn lao, di tích thương cảng cổ Vân Đồn đã được xếp hạng di tích quốc gia.

Sau tất cả những vàng son của quá khứ, giờ đây, đến Quan Lạn người ta có thể thấy sức bật mạnh mẽ của xã đảo, nhất là về du lịch. Hằng hà vi - la, biệt thự, khách sạn mọc lên như nấm với du khách đủ màu da, đủ sắc tộc từ khắp nơi trên thế giới kéo về viễn du. Thế nhưng, di tích thương cảng Vân Đồn thì không một tua du lịch nào quan tâm. Người ta đã lãng quên nó từ lâu.

Muốn ra được đó, từ trung tâm xã, tôi lội bộ lúc trời tờ mờ sáng, men theo bãi triều, băng qua cả vài cây số rừng sú vẹt, rồi xắn quần tranh thủ vượt sông Mang lúc còn cạn nước. Sang bờ bên kia của núi Vân, cảnh tượng hoang sơ, không một bóng nhà, một dấu tích con đường, khiến tôi chẳng biết hỏi ai ngoài túm áo một vài người săn ngao, săn ngán trên bãi. Lại một chặng đường cả cây số đi bộ, luồn lách trong những lối mòn giữa ngút ngàn cây dây leo, bụi rậm. Cuối cùng tôi cũng thấy một nóc nhà dân. Bất ngờ trước vị khách không mời đang đứng sững trong sân nhà mình, anh Nguyễn Mạnh Hùng, chủ của ngôi nhà, đang làm trại thả bò, trồng rừng ở đây rất nhiệt tình chỉ dẫn. Gia đình anh sống ở khu phế tích đã mấy đời nên quá hiểu nó. Anh từng rất nhiều lần đào được những chum đựng đồng xu cổ, bát, đĩa, lọ gốm, lọ men đời Lý, đời Trần… và đều tặng cho các đoàn khảo cổ. Lục trong nhà một hồi, anh lôi ra 3 cái vò cổ, có những hoa văn rất lạ cho tôi xem và bảo, giờ chỉ còn có bấy nhiêu. Dẫn tôi đi một lượt những dược đền (nền móng đền), dược nhà ở (nền móng nhà ở), một ngôi miếu bé tẹo, đã bị toác hết cả mái trong đó còn bức tượng Lý Anh Tông cổ rồi anh dừng chân ở giếng Hệu.

Cái giếng này ngoài mạch nước quanh năm trong leo lẻo, cả làng ăn không hết còn chứa bao huyền tích về rùa vàng linh thiêng đến mức người con gái nào tắm nước giếng đều mặt hoa, da phấn, tóc dài đen như gỗ mun, đẹp tựa tiên sa. Về chuyện đôi trai gái yêu nhau thề non, hẹn biển. Chàng trai ra trận để lại người con gái khắc khoải chờ mong nơi quê nhà. Ngày nào nhớ người yêu, cô cũng ra giếng khóc. Khóc đến mức mù loà đôi mắt. Khóc đến độ những giọt nước mắt nhung nhớ hoá thành ngọc ròng ròng chảy xuống giếng. Giếng tiên có câu truyền khẩu rằng:

Khi đi tóc mới ngang vai

Khi về tắm nước tóc dài ngang lưng

Cái giếng cổ, cội đa già, dược đình cũ là một thế chân kiềng văn hoá, tâm linh: cây đa, giếng nước, sân đình của Cái Làng xưa. Tiếc thay tất cả dấu tích giờ chỉ còn thế. Dân Cái Làng đã di dời sang trung tâm xã, chỉ còn mỗi 4 hộ ở lại bám trụ làm trang trại. Cả một thương cảng xưa sầm uất giờ chẳng có nổi một văn bia, một nhà trưng bày hiện vật khắc ghi quá khứ. Đã lâu rồi, dân sở tại được nghe về dự án khôi phục bến thuyền cổ đi kèm một kế hoạch du lịch rất hoành tráng. Họ háo hức chờ nhưng chờ mãi, chờ mãi, tựa như cô gái ngóng người yêu bên giếng Hệu mà cái kế hoạch đầy mong đợi đó vẫn chẳng mọc mũi, sủi tăm.

Khu di tích cấp quốc gia, thương cảng đầu tiên của Đại Việt vẫn chỉ là hoang phế với những con nước triều ngày đêm lên xuống, với những “vị khách” thường xuyên là con cua, con cáy, với ngút ngàn sú bần xanh thẳm tự thủa hồng hoang. (còn nữa)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm