| Hotline: 0983.970.780

Khát vọng canh tân và bi kịch

Thứ Hai 13/09/2010 , 09:47 (GMT+7)

Trong lịch sử Việt Nam, có nhiều trí thức nhiệt tâm với đất nước và họ đã dầy công soạn thảo những đề án cải cách, canh tân đất nước rất có giá trị,...

Trong lịch sử Việt Nam, có nhiều trí thức nhiệt tâm với đất nước và họ đã dầy công soạn thảo những đề án cải cách, canh tân đất nước rất có giá trị, với mong muốn được nhà cầm quyền đem ra thực hành, để đưa đất nước ra khỏi vòng hiểm nguy. Nhưng khát vọng ấy ra sao?

Người phụ nữ với "Kê minh thập sách"

Tượng bà Bích Châu
Kê minh nghĩa là gà gáy sáng. Ngày xưa, những vị minh quân hết lòng cần chính, thường thiết triều từ lúc gà gáy sáng để xem xét việc dân việc nước. Theo nghĩa ấy, thì “Kê minh thập sách” nghĩa là mười kế sách dâng vua vào buổi chầu sớm.

Tác giả của “Kê minh thập sách” là bà Bích Châu, cung phi của vua Trần Duệ Tông (1372-1377). Bích Châu họ Nguyễn, là con một viên quan triều Trần, thông tuệ từ bé, lớn lên được tuyển vào cung.

Theo “Hải khẩu linh từ” (Đền thiêng cửa bể), một truyện trong tập truyện “Tục truyền kỳ” của Đoàn Thị Điểm, thì nhân tiết trung thu, giữa một đoàn cung tần mỹ nữ, tức cảnh sinh tình, vua Trần nẩy một vế đối rằng: “Thu thiên họa các quải ngân đăng, nguyệt trung đan quế” (nghĩa là: trời thu, gác tía treo đèn bạc, quế đỏ trong trăng).

Ngâm xong, nhà vua hỏi các cung tần ai có thể đối lại? Trong lúc mọi người còn lúng túng thì Bích Châu đã đọc ngay vế đối của mình: “Xuân sắc đài trang khai bảo kính, thủy để phù dung” (nghĩa là: giữa sắc xuân, đến đài trang mở gương báu, thấy đáy nước có hoa phù dung). Nghe xong, vua nức nở khen ngợi, tặng bà đôi khuyên tai vàng nạm rồng ngọc, ban cho bà hiệu là Phù Dung, và từ đó yêu thương bà hơn tất cả mọi cung tần khác…

Được vua yêu thương, nhưng khác với những cung phi khác, chỉ biết yên phận nơi cung cấm, dùng nhan sắc và tài khéo léo làm vừa lòng quân vương, Bích Châu là người rất nặng lòng với số phận của đất nước. Sau nhiều đêm trăn trở, bà đã hoàn thành bản “Kê minh thập sách”, với nguyện vọng thiết tha được nhà vua xem xét, thực thi, cải cách nhiều lĩnh vực của đất nước, khiến cho “nước được thịnh trị, dân được yên”.

Mười kế sách của bà có nội dung: Một là, năng giữ cỗi gốc của nước, trừ hà bạo để lòng người yên vui; Hai là, giữ nếp cũ, bỏ phiền nhiễu thì kỷ cương không rối; Ba là nén chặt kẻ quyền thần để ngăn ngừa chính sự mục nát; Bốn là thải những kẻ nhũng lạm để trừ tệ đục khoét của dân; Năm là, xin cổ động nho phong, khiến cho lửa bó đuốc cùng với ánh mặt trời cùng soi sáng; Sáu là, mở đường cho người nói thẳng, để cửa thành cùng với đường can gián mở toang; Bẩy là kén quân nên chú trọng dũng lực hơn là cao lớn; Tám là, chọn tướng nên cầu người thao lược mà không căn cứ vào thế gia; Chín là, khí giới quý hồ bền sắc, không chuộng hình thức; Mười là, trận pháp cốt cho chỉnh tề, cần chi điệu múa”. Vua xem, vỗ án khen rằng “Không ngờ một người phụ nữ mà lại thông tuệ đến thế”.

Ngày nay, đọc lại “Kê minh thập sách”, chúng ta không khỏi khâm phục. Trước hết ở sự cô đọng, súc tích của nó. Không phải là người đã dầy công suy nghĩ, trăn trở, khó lòng viết được một văn bản tầm cỡ như vậy. Mỗi câu như một chân lý được đúc kết, khó lòng phản bác. Hai kế sách đầu tiên nhắm đến chủ trương cai trị của triều đình. Vì đối tượng tiếp nhận kiến nghị ở đây là nhà vua, chủ thể của nền chính trị đương thời, nên tác giả không thể nói thẳng rằng sự cai trị đương thời là một sự cai trị “hà bạo” (hà khắc, bạo ngược), mà phải dùng cách nói rất khéo. Trước hết bà xác định rằng hiện tại lòng dân chưa được “yên vui”, mà dân chưa được yên vui là do “hà bạo”.

Đền thờ bà Bích Châu

Vì thế, muốn dân yên vui thì phải trừ hà bạo. Tóm lại, sự cai trị đương thời là sự cai trị hà bạo, do cỗi gốc của quốc gia không được chăm lo, mà cỗi gốc của một quốc gia chính là nhân dân, có dân mới có nước, theo đuổi hà chính sẽ đẩy nhân dân đối lập với triều đình, loạn từ đó mà ra. Đức Khổng Tử từng chỉ cho học trò thấy chuyện người dân một vùng nọ thà lên núi cao sống với hổ báo, dẫu hổ báo đã ăn thịt không ít người, còn hơn là sống với một chính quyền hà bạo, vì “hổ báo có ăn thịt thì vẫn còn người sống sót, chứ chính quyền mà hà bạo thì không ai sống nổi”…

…Kế sách thứ sáu “mở đường cho người nói thẳng, để cửa thành cùng với đường can gián mở toang” là một kế sách rất quan trọng. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, thì chính là tạo điều kiện, là khuyến khích để người dân được phản biện những chính sách, việc làm của triều đình (can gián chính là một hình thức phản biện). Có biết nghe những ý kiến trái với mình, tức là biết chấp nhận phản biện, thì mới tiếp cận được chân lý. Thời nào cũng vậy, những vị vua biết nghe lời can gián (tức biết chấp nhận phản biện) bao giờ cũng là những minh quân, và đất nước thời các vị cai trị bao giờ cũng thịnh vượng, phát triển. Sách lược “mở đường cho người nói thẳng…”, theo chúng tôi, chính là sự đột phá của tinh thần dân chủ, dẫu đó mới chỉ là một thứ dân chủ sơ khai, vì người dân dưới chế độ phong kiến chỉ mới là thần dân chứ chưa có quyền công dân…

Bốn kế sách cuối nói về việc cải tổ quân đội. Triều Trần, sau 3 lần chiến thắng quân Nguyên - Mông, quân đội dần dần suy yếu, không bảo vệ nổi sự toàn vẹn của đất nước, sự bình yên của nhân dân nữa. Bằng chứng là ngay triều vua trước của Trần Duệ Tông là vua Trần Nghệ Tông, quân Chiêm Thành đã nhiều lần xâm lược Đại Việt, có lần đã chiếm cứ kinh thành Thăng Long, đốt phá tơi bời. Vì vậy, việc cải tổ quân đội trở nên cấp bách. Bích Châu đã nhìn rõ nguyên nhân suy yếu của đạo quân từng ba lần làm nên võ công tuyệt thế này. Đó là tướng không biết thao lược, chỉ nhờ vào gia thế hoặc là người thân với vua mà được cầm quân. Những tướng soái lớn nhất lúc đó như Hồ Quý Ly, Nguyễn Đa Phương, Đỗ Tử Bình… đều chạy dài khi đối mặt với quân Chiêm, thì Hồ Quý Ly là phò mã, Đỗ Tử Bình, Nguyễn Đa Phương là bè cánh của Quý Ly.

Tướng đã vậy, còn quân thì triều đình chỉ chọn người cao lớn chứ không chú ý đến dũng lực. Một đội quân cao lớn nhưng vô dũng, vô lực thì khác gì đội phỗng đất. Binh khí chỉ cốt hoa hòe hoa sói chứ không sắc, không bền. Trận pháp rất hình thức, chỉ múa may là đẹp. Một đội quân như vậy, được chỉ huy bởi những viên tướng như vậy, thì chạy dài trước giặc là lẽ tất nhiên. Nhìn rõ nguyên nhân, nên sách lược cảI cách do Bích Châu đề xướng cũng rất ngắn gọn: Chọn những người thao lược làm tướng, chọn những người dũng lực làm quân, chọn binh khí cho bền, cho sắc…ngắn gọn, nhưng vô cùng thiết thực. Tướng giỏi, quân hùng, khí giới bền sắc…thì đánh đâu chả thắng. (Còn nữa)

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.