| Hotline: 0983.970.780

Máu rừng ào ào chảy qua Trung Quốc

Thứ Tư 22/12/2010 , 09:17 (GMT+7)

Thời điểm cuối năm, hàng loạt cây cổ thụ dưới giấy tờ cây cảnh ồ ạt xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. NNVN đã tiến hành điều tra và phát hiện nhiều thủ thuật hết sức tinh vi.

Thời điểm cuối năm, hàng loạt cây cổ thụ dưới giấy tờ cây cảnh ồ ạt xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. NNVN đã tiến hành điều tra và phát hiện nhiều thủ thuật hết sức tinh vi.

Cây rừng “đội lốt” cây vườn

Biên giới tỉnh Lạng Sơn là điểm trung chuyển lớn nhất của thực trạng buôn bán cây cảnh cổ thụ sang Trung Quốc. Từ đây “hàng” được tập kết rồi theo đường tiểu ngạch tuồn đi rất ồ ạt.

Thâm nhập cột mốc số 23

Thôn Cò Luồng, xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), một trong những điểm giáp ranh với Trung Quốc là thủ phủ buôn lậu vào loại bậc nhất ở Lạng Sơn. Thời gian qua địa bàn này càng tăng sức nóng khi trở thành điểm trung chuyển của một mặt hàng đang lên cơn sốt chóng mặt là cây cảnh cổ thụ. Đoạn đường từ cửa khẩu Hữu Nghị vào Cò Luồng chỉ dài có tầm 10 km nhưng Th, tay lái xe ôm nhất mực đòi tiền gấp đôi đi những nơi khác vì: “Vào đó đường thì bị cày nát bấn, lại hết sức nguy hiểm vì toàn tập trung đầu gấu”. Hắn cũng đinh ninh rằng, muốn biết cây cổ thụ đi Trung Quốc như thế nào thì nhất định phải vào cột mốc số 23, nơi từ lâu đã trở thành bãi tập kết hàng trước khi theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Quả đúng là con đường liên xã Bảo Lâm đã bị cày nát lởm chởm, liên tục là ổ voi, ổ trâu lầy lội do không tải nổi hàng trăm chiếc container mỗi ngày. Tìm hiểu chúng tôi được biết, đây là đường cấm nên để “có cửa” vào mỗi chủ xe chở cây cảnh cổ thụ phải đóng “lộ phí” một triệu đồng mỗi chuyến cho đoạn đường chỉ dài có hơn chục cây số.

Đúng là bãi đất ở cột mốc số 23 là điểm trung chuyển cây cảnh cổ thụ thật. Khi chúng tôi có mặt ở đây, hai chiếc xe tải loại lớn, một mang BKS 14R 0047 và một là 30M 0786 chở cây cảnh cổ thụ đang nằm chờ trả hàng. Một nhóm làm thuê hì hục bóc bạt để lộ những cây cổ thụ sừng sững nhựa còn rỉ chảy. Một ông lão bán rượu ở quán cóc gần cột mốc này khẳng định hôm nay là ngày ít xe tải chở cây cổ thụ nhất khi mới chỉ có hai chuyến đến nhập hàng. Còn những hôm cao điểm, hàng chục chuyến nối đuôi nhau ùn ùn chạy vào khiến đội quân bóc bạt làm hết công suất vẫn không xuể. Nhiều nhất là gỗ nhội, lộc vừng, và hiện tại đang là cơn sốt cây săng lẻ từ Nghệ An ra. Toàn những cây lớn được “bứng nguyên gốc", chặt tỉa hết cành. Có vẻ như Nghệ An cũng là một trong những tỉnh có nguồn cây cảnh cổ thụ xuất qua Trung Quốc nhiều nhất vì có thời điểm hàng chục chiếc xe biển số 37 ra tận đây nhập hàng. Tiếp đó là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... cho đến tận các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam. Các xe chở cây cảnh cổ thụ trùm bạt phủ kín mít, đến điểm giao hàng mới thuê người tháo bạt ra. Thành thử, ở thôn Cò Luồng thời gian này hình thành đội quân bóc bạt không bao giờ hết việc.

Diện kiến một ông trùm

Để tìm hiểu sâu về thực trạng cây cảnh ồ ạt xuất khẩu sang Trung Quốc tôi vào vai có người nhà ở Nghệ An cần bán cây cổ thụ rồi lang thang ở Lạng Sơn đi… tìm mối. Chỉ dăm câu ba điều tay lái xe ôm Th đã tin tưởng dẫn tôi đến nhà của một ông trùm đầu nậu thu mua với quy mô cỡ lớn vào loại bậc nhất ở Lạng Sơn. Đó là một căn biệt thự nằm ở Phố Suối, khu Nam Quan, thị trấn Đồng Đăng. Ông trùm này có hai tên, một là Lâm Chí S. và một là A S. (người Việt gốc Hoa) với liên hệ ghi trên card là Cây cảnh Đồng Đăng Lạng Sơn Việt Nam. Thấy Th giới thiệu tôi có cây cổ thụ muốn bán, S. khá niềm nở và nhanh chóng khẳng định: “Bao nhiêu anh cũng mua tất, nhưng tiêu chuẩn đầu tiên là phải lớn. Đường kính ít nhất cũng từ 30-70 cm còn chiều cao không được dưới 7m. Nhội, lộc vừng… đều tốt nhưng Nghệ An bây giờ phải là săng lẻ. Cây càng to, càng đẹp thì càng nhiều tiền. Chú cứ chụp ảnh rồi email cho anh. Nếu đẹp anh vào tận nơi hốt hàng luôn. Mọi thủ tục anh đều lo hết”.

Vừa nói S. vừa lôi xấp ảnh hàng trăm tấm mà các bạn hàng gửi về sau đó chỉ tay vào một tấm chụp cây nhội với đường kính lên đến hai người ôm rồi “phán”: “Đây, cây nhội này ở tỉnh Thanh Hóa gửi ra. To, đẹp, mua ngay tại rừng luôn đó. Còn giá cả thì vô cùng. Gặp cây đẹp lên đến tiền tỷ chứ chẳng chơi”.

Theo S., một chuyến xe chở cây cổ thụ từ Nghệ An ra đến Hữu Nghị riêng tiền vận chuyển đã hết khoảng 20 triệu đồng. Thành thử S. móc nối với các đầu mối thu gom hàng ở các tỉnh miền Trung lúc nào đủ thuê một thể. Phần lớn trong số đó dù trên giấy tờ là cây cảnh cổ thụ trồng trong vườn nhưng thực tế là gỗ lấy từ rừng. Các đầu mối của S. sau khi trả hàng xong được S. lo cho một chuyến hàng Tàu từ của khẩu Hữu Nghị chở về tiêu thụ. Toàn bộ cây cảnh cổ thụ đều được S. chăm sóc rồi tuồn sang Trung Quốc bởi: “Bên đó nhu cầu giờ nhiều lắm. Bao nhiêu cũng không đủ”. Không ai biết mỗi ngày S. tuồn sang Trung Quốc bao nhiêu cây cổ thụ nhưng nếu nhìn vào cuộc sống cực kỳ vương giả của ông trùm này thì có thể đoán được con số ấy không hề nhỏ.

Hơn 90% là gỗ tự nhiên?

Liên quan đến vấn đề cây cổ thụ xuất khẩu đi Trung Quốc, ngày 8/12/2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã ký văn bản số 2239/TTg- KTN truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nghiêm cấm các hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, tiêu thụ, xuất khẩu các loại cây cảnh, cây bóng mát thân gỗ có đường kính đủ quy cách gỗ tròn có nguồn gốc khai thác từ rừng tự nhiên trong nước. Tuy nhiên, theo khẳng định của một số kiểm lâm ở tỉnh Bắc Giang, một trong những điểm chốt chặn trên quốc lộ 1A đi cửa khẩu Hữu Nghị thì thực trạng cây cảnh cổ thụ vẫn ngang nhiên “xuất ngoại” sau khi có văn bản của Thủ tướng Chính phủ.

Có điều lạ là tất cả những cây cảnh cổ thụ ấy ào ào đi Trung Quốc nhưng các cơ quan chức năng dù rất bức xúc nhưng lại bó tay. Lý do? Họ bất lực một phần vì chúng đều có giấy tờ xác nhận của địa phương đó là những cây trồng ở... trong vườn. Nhưng như lời của ông Hoàng Quang Trinh, Chi cục trưởng Chi cục kiểm Lâm Lạng Sơn đã khẳng định: “Chúng tôi vô cùng bức xúc. Cây trong vườn lấy đâu ra lắm thế, cây nào cây nấy khủng khiếp, đường kính toàn hơn một mét cả. Còn có những loài cây tự nhiên nhưng vẫn được chứng nhận là trồng. Tôi chưa nghe thấy gia đình nào trồng cây săng lẻ bao giờ. Chắc chắn hơn 90% số cây cảnh trên các chuyến hàng vượt biên này là gỗ từ rừng tự nhiên”.

Cũng theo ông Trinh, lực lượng kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn liên tục kiểm tra các đoàn xe chở cây cảnh cổ thụ vượt biên sang Trung Quốc nhưng không làm được gì. Các tài xế, chủ hàng đều trình giấy tờ của các địa phương từ huyện đến xã đều xác nhận là cây trồng trong vườn hoặc là khai thác từ rừng nghèo kiệt. “Có những trường hợp chúng tôi biết chắc đấy là cây từ rừng tự nhiên, giữ xe rồi gọi điện cho Cục lên giải quyết nhưng rồi đâu vào đó cả. Bức xúc lắm nhưng vẫn phải bất lực”. Ông Trinh chán ngán.

Chung quan điểm với ông Trinh, kiểm lâm các địa phương đóng trên tuyến quốc lộ 1A mà chúng tôi gặp đều khẳng định phần lớn cây cảnh cổ thụ đều có nguồn gốc từ rừng tự nhiên nhưng họ vẫn bất lực trong việc xử lý. “Muốn làm vấn đề này phải tra tận gốc, xem họ có được những cây ấy như thế nào. Nhưng quyền hạn của chúng tôi chỉ được phép hoạt động trên địa bàn của mình. Biết là họ đang “lách luật” nhưng có làm gì được đâu. Một cây cảnh cổ thụ có khi chúng lãi vài trăm triệu là chuyện bình thường. Còn hơn cả buôn ma túy nên cứ ào ào”. Một cán bộ kiểm lâm ở tỉnh Bắc Giang cho biết.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bị đá đè tử vong khi đào dúi rừng

Ông Tẩn Phù Dìn ở xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát, Lào Cai) đã bị đá đè tử vong trong khi đào bới đất để bắt dúi rừng tại khu vực rừng vầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm