| Hotline: 0983.970.780

Lễ nhà giàu, lễ nhà nghèo

Thứ Hai 14/02/2011 , 10:36 (GMT+7)

Người giầu ú hụ lễ vật, người nghèo chỉ lặng lẽ nén hương. Thánh thần "cho" ai nhiều hơn, có lẽ cũng chỉ... thánh thần mới biết...

Người giầu ú hụ lễ vật, người nghèo chỉ lặng lẽ nén hương. Thánh thần "cho" ai nhiều hơn, có lẽ cũng chỉ... thánh thần mới biết. Nhưng, có một điều ai cũng biết đó là việc đi đền, phủ, lễ chùa ngày nay đã bị biến tướng đi rất nhiều. Phóng viên NNVN dạo quanh một số đền, phủ..., chứng kiến lễ của người giầu, lễ của người nghèo mà thấy không ít chuyện xót xa!

Bộ cánh từ Paris và "triết lí" các ngài sòng phẳng lắm!

So với tôi, anh Hoàng thuộc một “đẳng cấp” khác hẳn, mà nói một cách hình ảnh, thì anh ở đỉnh đầu còn tôi ở… gót chân.

Chỉ nhìn những món “cơ bản” cho một cái Tết vừa qua của nhà anh thôi cũng đủ thấy sự cách biệt ấy: hai cân yến sào loại 1; một cân nhà dùng còn một cân chia biếu các nơi (mỗi cân giá 180 triệu đồng), đã hết 360 triệu đồng rồi. Nhà anh 5 người, một bữa yến thả nước gà, mỗi người nửa lạng, riêng món ấy đã hết 45 triệu. Ngoài 2 cân yến, một bộ comple mặc Tết của anh giá 2000 USD nữa là tròn 400 triệu. Rồi một chậu lan đa sắc Trung Quốc 25 triệu đồng, và quần áo của vợ, quần áo của con, rượu ngoại, hoa quả ngoại, thịt bò ngoại…Cộng sơ sơ cũng đã trên nửa tỷ đồng.

Đồ nội duy nhất trong mâm ngũ quả nhà anh là cặp bưởi hồ lô, cũng giá trị bằng cả một cái Tết nhà tôi, vì cặp bưởi ấy giá những 4 triệu đồng. Đến chúc Tết nhà anh, tôi hoa mắt vì mùi phú quý tràn ngập, nhìn đâu cũng thấy chói lọi vàng son. Chỉ vào bức hoành phi có ba chữ Hán “Đức lưu quang” vàng chói mới thửa, anh bảo:

- Ba chữ ấy đúc bằng vàng ròng, hết đúng 3 cây.

Sở dĩ dám “vung tay” cho cái Tết như vậy, vì một năm anh kiếm được gấp cả chục lần số tiền ấy. Chẳng quan chức, chẳng làm Nhà nước, chẳng lập Cty, nhưng tiền cứ ùn ùn vào nhà nhờ tài buôn đất của anh. Một miếng đất vài trăm mét vuông mua đầu năm, giữa năm anh đã có thể lãi cả tỷ bạc. Ngồi ở nội thành nhưng anh có thể “a lô” giao dịch một thương vụ đất cát tận Hải Phòng, Hải Dương hay Quảng Ninh, Vĩnh Phúc… Còn các địa bàn trong Hà Nội thì anh có đất ở hàng chục nơi, mua rồi, hễ ngửi thấy lãi là bán.

Việc giao dịch làm các loại giấy tờ về đất, thì tôi phải công nhận là anh thuộc hàng “siêu”, không nơi nào anh không vào lọt, mà mọi thứ cứ nhẹ tênh tênh. Một thửa đất có trục trặc về giấy tờ hay một thửa đất đang sử dụng vào mục đích này muốn chuyển sang mục đích khác, người ta lo nửa năm, cả năm không xong, chạy đến anh, chỉ nửa tháng là mĩ mãn. Tất nhiên là mỗi vụ lo giấy tờ đó, anh kiếm dăm chục triệu, một trăm triệu là chuyện rất thường. Nhưng anh bảo đó chỉ là số tiền “uống cà phê”.

“Phú quý sinh lễ nghĩa”, vợ chồng anh rất chăm lễ bái. Không đền nào phủ nào có tiếng là linh thiêng hay mới chỉ nghe đồn là linh thiêng mà vợ chồng anh không đến. Đầu năm có lễ đầu năm, cuối năm có lễ cuối năm, nhất là chị Lan vợ anh thì lại càng chăm lễ bái hơn chồng. Tính ra một năm, số thời gian đi du lịch cả trong nước lẫn ngoài nước, đi lễ bái của chị mất đến già 4 tháng. Chồng làm ra tiền, tội gì chẳng đi. Đời người được mấy gang tay, chẳng ăn cũng thiệt, chẳng chơi cũng già. Với lại lễ lạt có bao giờ thiệt. Mình thành tâm cúng kiếng, các ngài thương đến, các ngài chỉ nhón một ngón tay thì mình được bằng năm bằng mười số tiền đã bỏ ra ấy chứ. Các ngài sòng phẳng lắm, chẳng bao giờ các ngài thèm ăn không của trần gian. Chị thường bảo vậy. Năm nay cũng không ngoại lệ. Ba đứa con đã có chương trình vui chơi riêng của chúng, còn anh chị thì sáng mùng 4 nhằm hướng Phủ Giầy trực chỉ.

- Mọi năm, thì mùng sáu trở ra chúng tôi mới đi. Nhưng năm nay, bà Lan nhà tôi bà ấy nóng đi sớm, là để bà ấy còn khoe ba bộ khăn chầu áo ngự.

Anh bảo tôi vậy. Nghe chồng nói, chị Lan đắc ý giở cho tôi xem ba bộ khăn áo: Một bộ màu xanh để chị mặc lúc hầu bóng đức mẫu Thượng Thiên; Một bộ có hoa văn sặc sỡ như hoa văn của người vùng cao, là bộ mà chị sẽ mặc khi hầu bóng đức mẫu Thượng Ngàn; Bộ thứ ba trắng tinh, để mặc khi hầu bóng đức mẫu Thoải (thủy) Phủ.

Đút lót cho người hầu của bà Chúa

- Cả ba bộ này, tôi đặt may ở Paris (Pháp) đấy. Gớm sao mà cái hiệu ấy nó đông khách thế. Chọn vải rồi, đo rồi, mà 4 tháng sau nó mới gửi đồ sang cho. Dạo ấy là tháng 8 âm. Vì nóng theo mấy giá chầu ở đền Bắc Lệ (thuộc xã Thượng Ngàn huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) nên tôi bảo tôi sẵn sàng trả thêm tiền, miễn là may sớm cho tôi, nhưng nó vẫn không nghe.

Một xe đồ lễ đầy ắp đi trước, nào lễ chay, nào lễ mặn, phần nào ra phần ấy, đều được đóng gói, có giấy găm ở ngoài để khỏi lẫn. Lễ chay gồm hương hoa, oản quả, đồ mã…dùng dâng Tam tòa Thánh mẫu. Lễ mặn gồm xôi gà, hương hoa…dùng dâng Tứ phủ Công đồng (Các ông Hoàng, Quan lớn, bà Chúa, các Cô, Cậu…). Phải công nhận là anh chị chu đáo, bởi có rất nhiều phần lễ mà tôi không đủ sức kể hết ra đây. Ngoài các Đấng, các Ngài, thì ngay cả đến những “tên lính hầu” của các Ngài là Ngũ hổ, Thanh xà, Bạch xà cũng có phần. Ngũ hổ (5 con hổ) thì có thịt lợn sống, còn Thanh xà, Bạch xà (đôi rắn, một con xanh một con trắng) được trứng sống và gạo, muối. Chỉ riêng lễ mặn ở ban Sơn trang (cua, ốc,bún, chanh, ớt…) cũng đã mất 15 suất rồi. Nhiều lễ thế, nên sau xe đồ lễ, phải có một xe nữa chở mấy người để giúp anh chị đội lễ vào các cung, các ban, rồi sau khi lễ lại phải thu lễ về. Vợ chồng anh ngự trên chiếc “Lếch xù” đi sau cùng…

Phủ Giầy ngày mùng 4 Tết năm nay trùng với ngày Chủ nhật, nên từ khoảng 8 giờ sáng đã đông nghịt người. Từ ngoài đường đến sân các phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, Khải Thánh đài hay Nguyệt du cung…du khách lóa mắt vì những “cây vàng cây bạc” của các hàng quán cắm thành…rừng và ngồn ngộn các hàng hóa khác. Mùi hương ngào ngạt, khói hương khiến không gian ảo ảo mờ mờ. Trên các bàn thờ, lễ vật của bốn phương đã chất ngất, tiền lẻ rắc la liệt. Ngoài sân, từng dòng người đội lễ, bưng lễ vẫn rồng rắn kéo vào, và trong các bàn sắp lễ, người ta đời như ken nhau. Tiếng khấn khứa xuýt xoa, tiếng nguyệt cầm tưng tửng, tiếng hát văn chầu Thánh Mẫu Liễu ngọt lịm:

Thỉnh mời đệ nhất thiên Tiên

Tặng phong xa giá xa loan ngự về

Phủ Giầy - Vân Cát là quê

Nghĩa Hương, Thiên Bản, họ Lê cải Trần

Hình dung cốt cách thanh tân

Mấy năm định giá hôn nhân xướng tùy

Thiên đình định nhật chí kỳ

Tuổi đôi mươi mốt chầu về Thiên thai…

Không biết trong một lần đến Phủ Giầy này, vợ chồng anh Hoàng chị Lan chi phí hết bao nhiêu. Anh bảo, xong lễ ở Phủ Giầy, anh chị còn đi chùa Bái Đính (Ninh Bình) rồi vòng lên Chùa Hương. Tôi hỏi sao không đến đền Trần (Lộc Vượng, Nam Định), anh bảo:

- Đền Trần thì chỉ cán bộ họ mới đi để cầu thăng quan tiến chức, chứ như tôi, chẳng quan chẳng chức, thì cầu gì? (Còn nữa)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm