| Hotline: 0983.970.780

Kỳ bí tục xăm cằm

Thứ Ba 26/04/2011 , 10:21 (GMT+7)

Để được dòng họ, dân làng chính thức công nhận, coi trọng thì khi đến tuổi trưởng thành tất cả thanh niên nam nữ người Mảng đều phải trải qua nghi lễ xăm cằm.

Để được dòng họ, dân làng chính thức công nhận, coi trọng thì khi đến tuổi trưởng thành tất cả thanh niên nam nữ người Mảng đều phải trải qua nghi lễ xăm cằm.

>> Người Mảng nơi cuối trời Tây Bắc

Truyền thuyết tục xăm cằm

Người Mảng sùng bái trời. Họ cho rằng, những vị thần Mon Ten, Mon Ong cao siêu ngự ở trên trời tạo ra mặt đất, loài người, vật nuôi, cây cối... Trong thế giới vũ trụ, người Mảng quan niệm có bốn tầng. Tầng trên nhất là trời, nơi các vị thần linh tối cao ngự trị. Tầng thứ hai là mặt đất, thế giới của người và muôn vật sinh sống. Tầng dưới nước có con thuồng luồng trú ngụ thường lên quấy phá cuộc sống dân làng và tầng thứ tư, nơi sâu thẳm trong lòng đất, thế giới của ma quỷ ngự trị. Nghi lễ xăm cằm của người Mảng bắt nguồn từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh này.

Anh Trần Văn Hoàng, cán bộ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu, người dành rất nhiều thời gian công sức nghiên cứu tục xăm cằm của người Mảng, kể chuyện: Ngày xưa, ở bản nọ có đôi vợ chồng trẻ sống với nhau rất hòa thuận và hạnh phúc. Nhưng khi chị vợ sinh được đứa con trai đầu lòng bỗng quay sang lười biếng. Đã vậy chị ta còn tham ăn, ngoa ngoắt… Nếu chồng có nhắc nhở chị ta “bật lại” lập tức bằng việc nằm lăn ra nhà ăn vạ, khóc lóc ầm ĩ.

 Một hôm, chị vợ thèm ăn cá nên mới bảo chồng đi bắt. Cực chẳng đã, anh chồng xách giỏ ra khỏi nhà khi trời đã nhá nhem tối. Lặn ngụp hết vực trên vũng dưới, đắp hết đoạn suối này đến đoạn suối khác người chồng vẫn chỉ bắt được vài con cá bé. Chị vợ nhìn thấy thế liền lu loa, hết lời mắng chửi chồng. Buồn bã, anh chồng lững thững ra suối ôm mặt khóc lóc cầu xin trời đất cho người vợ thay đổi tính để vợ chồng sống hạnh phúc như trước đây.

Bỗng một vị thần xuất hiện. Người chồng bèn đem hết sự tình, kể đầu đuôi mọi chuyện cho vị thần nghe. Nghe xong chuyện, hiểu rõ ngọn ngành vị thần bảo người chồng về nhà lấy lá xanh cắm hai đầu cầu thang rồi lấy kim khâu bớt mồm vợ lại thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Về nhà người chồng làm đúng như lời thần dặn. Chị vợ biết được câu chuyện thì khiếp sợ quá nên đành im thin thít và khóc lóc nước chảy thành dòng.

 Vốn thương vợ nên anh chồng không đành lòng cầm kim để khâu. Bỗng anh nghĩ ra một cách để đánh lừa vị thần bằng việc lấy kim châm thành từng lỗ xung quanh miệng vợ sau đó giã lá cây chàm bôi lên làm những vết chỉ đen. Sau hôm đó, chị vợ đã thay đổi hẳn tính nết, biết kính yêu cha mẹ, thương yêu nhường nhịn chồng con, luôn vui vẻ cười nói với mọi người và chăm chỉ làm ăn khiến bản làng vui lây.

Từ đó trở đi, những nhà có con cái lớn đều tổ chức xăm cằm với mong ước con cái họ chăm ngoan, hiền dịu, vui vẻ. Nhiều người còn xăm cả hình các con rồng hoặc những hoa văn đẹp xung quanh miệng để cô gái, chàng trai trông được đẹp hơn. Lâu dần việc làm đó trở thành tục lệ xăm miệng của người Mảng, đồng thời đây cũng là một hình thức trang điểm tạo nên vẻ độc đáo, nét khác biệt của người Mảng với bất kỳ một dân tộc nào.

Cũng theo anh Trần Văn Hoàng, người Mảng hay xuống sông bắt cá và họ rất sợ con thuồng luồng dưới nước. Họ quan niệm khi xăm những hình kỳ quái đó lên cằm sẽ không bị con thuồng luồng tấn công.

Nghi lễ đớn đau

Chúng tôi có mặt tại xã Bum Nưa, huyện Mường Tè đúng thời điểm Sở VH-TT-DL tỉnh Lai Châu tổ chức phục dựng lễ xăm cằm của người Mảng xưa. Do xã hội hiện đại cộng với sự giao thoa văn hóa, lối sống giữa dân tộc Mảng với các dân tộc khác vùng Tây Bắc nên nghi lễ xăm cằm cũng dần bị mai một theo thời gian. Hiện nay, chỉ còn những người phụ nữ Mảng vẫn giữ được vết tích xăm cằm trên khuôn mặt. Là một nghi lễ linh thiêng nhất của người Mảng trước đây nên các bước tiến hành xăm cằm được chuẩn bị rất công phu và tỉ mỉ.

Đầu tiên, dòng họ gia đình có người trưởng thành tiến hành họp quyết định xem có xăm cằm cho cô gái, chàng trai hay không. Sau đó bố mẹ của những người thanh niên trưởng thành ấy sang nhà thầy cúng xin ngày tốt để thực hiện xăm cằm. Gia đình có người xăm cằm phải chuẩn bị bộ lễ vật đầy đủ gồm: hai con sóc, một con gà, hai bát gạo, hai quả trứng, một chai rượu, hai cây nến, ba thẻ hương, ba cái chén và một ống sáp ong... rồi cùng toàn bộ anh em họ hàng sang nhà thầy cúng. Trước khi thực hiện xăm cằm, thầy cúng sẽ làm lễ thông báo với thần linh chứng giám...

Dù đã biết trước nhưng khi chứng kiến nghi lễ xăm cằm cho một thiếu nữ người Mảng ở bản Nậm Xẻ, xã Bum Nưa, chúng tôi vẫn thấy rùng mình trước hành động “phẫu thuật thẩm mỹ” không cần thuốc tê. Cô gái xăm cằm bị người thầy cúng dùng 8 chiếc kim nhỏ cắm ở đầy một cây xăm có nhựa chàm chậm rãi châm từng nhát một chi chit vào xung quanh miệng cô gái những hình thù kỳ dị. Dù đau đớn xé da xé thịt nhưng cô gái vẫn phải cắn răng chịu đựng không thể làm gì vì chân tay, đầu tóc của cô bị người nhà giữ chặt.

+ "Đối với người Mảng, thực hiện nghi lễ xăm cằm là một việc làm trọng đại nhất trong cuộc đời không chỉ đối với người được xăm mà còn đối với cả gia đình, dòng họ. Nó không những giúp đứa trẻ trưởng thành hơn trong suy nghĩ, trách nhiệm hơn trong hành động mà còn thể hiện tinh thần tự hào của bậc làm cha làm mẹ đối với các thành viên trong gia đình.

Hai cột hình xăm trên cằm người Mảng thể hiện cho thế giới quan và thần linh. Các hình xăm xung quanh miệng có ý nhắc nhở người Mảng phải chăm chỉ, thật thà luôn vui tươi và biết thương yêu mọi người. Đặc biệt khi chết, những hình xăm đó giúp hồn người chết đi qua được cổng trời và tìm được dòng họ của mình trên thiên đàng", thầy cúng Pàn Văn Đao ở xã Bum Nưa cho hay

+ Trong công trình nghiên cứu tục xăm cằm của người Mảng, ông Trần Văn Long - Giám đốc Sở VH-TT-DL Lai Châu cho rằng: Nghi lễ xăm cằm của người Mảng là phong tục độc đáo bậc nhất vùng Tây Bắc. Dù ngày nay dân tộc Mảng còn ít người  xăm cằm nhưng nó vẫn được thực hiện với thi thể người chết  trước khi họ được đem chôn. Việc phục dựng nghi lễ xăm cằm góp phần quan trọng vào việc lưu giữ lại nét văn hóa độc đáo và bản sắc của người Mảng ở Lai Châu nước ta.

Kết thúc nghi lễ xăm cằm, thầy cúng thông báo với dòng họ cô gái và trời đất một bài khấn bằng tiếng Mảng thông báo cô gái được xăm cằm chính thức trưởng thành được dân làng, dòng họ công nhận. Đến lúc này tôi mới có dịp nhìn kỹ các hình xăm trên khuôn mặt cô gái, đó là những đường nét thẳng, ngang kéo từ giữa gò má qua mép, xuống tới xương quai hàm. Khoảng cách giữa mũi và môi trên cùng môi dưới và cằm cũng có những đường ngang cắt với các đường sổ bên má. Toàn bộ hình xăm quanh miệng là những đường kẻ không mang tính nghệ thuật, tuy nhiên hai bên gò má lại có hình hai ngôi sao.

Dù bị mai một nhưng ngày nay còn khá nhiều phụ nữ Mảng còn lưu lại những vết xăm khi xưa. Chúng tôi đến xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ hỏi còn ai có hình xăm trên mặt không thì được Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Chăn Nưa Sìn A Doi liệt kê một loạt danh sách như: Chị Chơn, chị Nuội, chị Lênh, chị Xuôi... Sau đó ông Doi dẫn chúng tôi về nhà. Thì ra vợ ông Doi là bà Sọn cũng có hình xăm trên mặt. Những vết xăm trên mặt bà Sọn nay đã mờ song vẫn còn nhìn rõ hình xăm màu đen xung quanh miệng.

Nhớ lại ngày xăm mặt, bà Sọn nhăn nhó: “Khi tôi lên 18 tuổi các cụ già trong bản dùng 8 chiếc gai rừng xăm mặt cho. Họ chọc vào má, vào môi, vào cằm đau đến tận xương tủy. Lỗ chọc càng sâu, càng rộng thì vết xăm càng rõ và bền. Chọc lỗ xong, người ta sẽ phết thuốc nhiều lần cho thuốc ngấm vào thịt. Thuốc xăm được lấy từ lá cây chàm có màu nâu đen tít trong rừng sâu mới có”.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.