| Hotline: 0983.970.780

Cuộc chiến lục bình

Thứ Ba 07/06/2011 , 10:22 (GMT+7)

Dăm năm trở lại đây, cứ từ Tết Nguyên đán đến tháng 9 hàng năm, lục bình lại nở đầy, phủ kín sông Vàm Cỏ Đông cũng như các sông nhánh, các kênh rạch...

Dăm năm trở lại đây, cứ từ Tết Nguyên đán đến tháng 9 hàng năm, lục bình lại nở đầy, phủ kín sông Vàm Cỏ Đông cũng như các sông nhánh, các kênh rạch kết nối với dòng sông này, gây khó khăn lớn cho các phương tiện giao thông đường thủy và đời sống của người dân Tây Ninh dọc 2 bờ con sông này.

 

KHỐN KHỔ VỚI LỤC BÌNH

Xế trưa một ngày cuối tháng 5, khi dừng chân trên cầu Bến Sỏi, bắc ngang qua thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông, thuộc địa phận xã Thành Long (huyện Châu Thành, Tây Ninh), chúng tôi thấy lục bình đã phủ gần kín mặt sông.

Chỉ còn một một “lối” nước hẹp, đủ cho một số ghe thuyền đang hối hả từ thượng nguồn xuôi về phía hạ nguồn. Anh Phùng Phương Quý, hội viên Hội VH-NT Tây Ninh và cũng là một cộng tác viên lâu năm của NNVN khẳng định, vài tiếng nữa thôi, lục bình sẽ phủ kín mặt sông, chẳng còn lối nào cho ghe thuyền đi đâu.

Sát thủ vô tình

Rời cầu Bến Sỏi, chúng tôi rẽ vào một con đường đất đỏ cặp gần sát bờ sông Vàm Cỏ Đông rồi ghé vô nhà ông Đặng Văn Đảnh (Tư Đảnh), một lão nông mà gia đình đã có mấy đời sinh sống ở đây. Nhà ông Tư Đảnh nằm sát sông Vàm Cỏ Đông. Nhìn về phía bờ sông bên kia, nơi một chiếc ghe nhỏ đang tận dụng một “lối” mặt nước còn chưa bị lục bình phủ kín để xuôi về hạ lưu, ông bảo: “Lúc này, nước đang đứng nên vẫn còn lối hẹp để đi. Lát nữa, nước từ thượng nguồn đổ về, lục bình sẽ bịt kín mặt sông”.

Nói rồi, ông Tư Đảnh kể: “Ngày xưa, sông Vàm Cỏ Đông đã có lục bình nhưng không nhiều. Nhà tôi ở bên sông này đã mấy chục năm nay, từ 5-6 năm trở về trước, chưa bao giờ phải chứng kiến cảnh lục bình phủ kín dòng sông. Còn 5- 6 năm nay, do nước sông bị ô nhiễm bởi các nhà máy nên lục bình mới nở rộ quá mức như thế. Tôi để ý liên tục rồi. Cứ tháng 10, tháng 11, lục bình bắt đầu sinh sôi nảy nở, hình thành từng mảng trên sông. Tới Tết Nguyên đán năm sau, lục bình bắt đầu nhiều tới mức phủ kín mặt sông và kéo dài cho tới tháng 8. Đến tháng 9, ở đầu nguồn sông, mưa nhiều, nước sông hầu như chỉ chảy một chiều, từ thượng nguồn xuống hạ nguồn, nên lục bình bị đẩy dần ra biển. Nhưng đến tháng 10, tháng 11, nó lại bắt đầu phục hồi … Và cứ liên tục như thế từ năm này qua năm khác”.

Đúng như lời anh Quý và ông Tư Đảnh, khoảng 2 giờ chiều hôm đó, lục bình đã phủ kín mặt sông Vàm Cỏ Đông, kín tới mức không còn hở ra một chỗ mặt nước nào, dù chỉ bé bằng miệng thúng. 

Bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, đoạn chảy qua xã Long Thành Nam (huyện Hòa Thành), chúng tôi gặp chị Lê Thị Tư đứng ngao ngán nhìn đám lục bình đang làm chủ mặt sông. Chị Tư là người ấp Long Bình, xã Long Thành Nam, đã gắn bó với dòng sông này mấy chục năm nay. Chị Tư than: “Ngày trước, nhà tôi sinh sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông. Nhưng giờ lục bình phủ khắp nơi, đi ghe ra sông đã khó, tung lưới xuống nước lại càng khó. Nên đành phải bỏ. Giờ phải đi làm mướn kiếm sống qua ngày”.

Bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, đoạn chảy qua xã Phước Chỉ (Trảng Bàng), tôi được ông Năm Sang, nông dân ở ấp Phước Đông, kể lại một chuyện buồn. Năm ngoái trên đoạn sông này, cô giáo Đặng Thị Ái, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Hội, khi bơi ghe từ bờ bên này sang trường ở bờ bên kia, đã bị vướng lục bình dày đặc, không thể bơi được. Cô Ái đành phải cúi xuống gỡ lục bình để có lối đi thì không may bị trượt ngã xuống sông chết đuối.

Nghe xong câu chuyện thương tâm đó, tôi lại nhìn xuống hàng vạn, hàng triệu cánh lục bình đang san sát bên nhau trên khắp mặt sông. Từng cánh lục bình mỏng manh là thế  nhưng khi chúng kết bè, kết khối với nhau ken kín mặt sông, ai ngờ lại có thể trở thành một “sát thủ vô tình”.

Tôi gọi điện cho ông Tư Đảnh nói về chuyện buồn đó, ở đầu dây bên kia, nghe giọng ông buồn buồn: “Hôm rồi, ở bên Ninh Điền, có một ghe lúa chở nặng quá. Khi bị lục bình vây ép tứ phía, ghe lúa này đã bị chìm, khiến 2 người chết đuối. Còn chuyện ghe thuyền bị chìm trên sông Vàm Cỏ Đông bởi lục bình vây hãm thì xảy ra như cơm bữa”.

Loay hoay xử lý

Trước vấn nạn lục bình, người dân cũng như chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng ở tỉnh Tây Ninh, đã không ít lần tìm cách để dẹp lục bình trên sông Vàm Cỏ. Đầu tiên, người ta huy động các chiến sỹ bộ đội của Sư đoàn 5 đi vớt lục bình trên sông. Nhưng bàn ngày vớt xong thì chỉ sau 1 đêm, lục bình lại dầy đặc trên sông như cũ.

 Thấy dùng sức người chỉ như “đá ném ao bèo”, các cơ quan chức năng của tỉnh xoay sang phương án đề nghị nhà máy phân bón của Cty Bình Điền cho ghe đi vớt lục bình về sản xuất phân vi sinh theo kiểu “nhất cử lưỡng tiện”. Tuy nhiên, lượng lục bình vớt kiểu này chẳng được là bao, mà chi phí sản xuất phân vi sinh bằng cách đi vớt lục bình lại khá cao, vì thế giải pháp này cũng nhanh chóng phá sản.

Quãng đầu năm 2010, một chiếc máy cắt ép rong được tỉnh mua về với giá trên tỷ đồng. Cỗ máy này cắt rong thì tốt nhưng khi đụng vô đám lục bình lại tỏ ra đuối sức, hụt hơi, dù tiêu tốn không ít xăng dầu, nên cuối cùng đành phải đắp chiếu. Nhưng phương án trị lục bình bằng cơ khí vẫn tiếp tục được các cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh quan tâm tới. Biết được điều đó, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tới tấp gửi các dự án dọn dẹp lục bình tới các cơ quan chức năng. Nhìn chung, dự án nào gửi lên cũng hoành tráng, nhất là… kinh phí nhưng doanh nghiệp nào cũng chưa nói rõ được hướng ra để giải quyết lục bình sau khi vớt lên.

Mới đây, tỉnh Tây Ninh đã thay đổi “chiến thuật” bằng cách ra quyết định tổ chức đấu thầu công khai cho việc xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, với chiều dài 101 km (từ xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên đến xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng), tổng kinh phí hỗ trợ 6 tỷ đồng. Đã có chừng 3-4 doanh nghiệp nộp hồ sơ, đồng thời chuẩn bị sẵn phương tiện, máy móc để trình diễn công nghệ vớt lục bình cho lãnh đạo và đại diện các Sở, ngành xem và đánh giá hiệu quả.

Chẳng biết sau đợt đấu thầu tới đây, Tây Ninh có “chọn mặt gửi vàng” được một doanh nghiệp nào đó để lại chính thức bắt tay vào “cuộc chiến” với lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông? Hay là người dân bên 2 bờ Vàm Cỏ Đông lại phải tiếp tục ngao ngán nhìn lục bình phủ kín mặt sông, và chờ…

Xem thêm
Bà Nguyễn Huyền Anh làm Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh

QUẢNG NINH Ngày 16/4, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trữ nước sông Hà Thanh, cấp nguồn vùng Nam Phù Mỹ

Với 164 hồ chứa và 31 đập chính trên sông, hệ thống thủy lợi của Bình Định đã khá hoàn chỉnh, nhưng vẫn còn những ‘lỗ hổng’ mà tỉnh này đang nỗ lực lấp đầy…