| Hotline: 0983.970.780

Tình xuyên biên giới

Thứ Ba 28/06/2011 , 14:34 (GMT+7)

Huyện A Lưới (Huế) có 12 xã giáp biên với nước bạn Lào. Sự cách biệt của suối ngàn đồi nương, ranh giới cột mốc không thể ngăn được những cuộc tình xuyên biên giới.

Huyện A Lưới (Huế) có 12 xã giáp biên với nước bạn Lào. Sự cách biệt của suối ngàn đồi nương, ranh giới cột mốc không thể ngăn được những cuộc tình xuyên biên giới. Câu chuyện về bản có ½ dân số lấy vợ, chồng người Lào đã níu chân chúng tôi khi lên với A Lưới.

>> Chuyện tình rẻo cao

Vượt dốc A Cứp tìm vợ

Từ trung tâm xã Nhâm, huyện A Lưới đến thôn A Bã phải đi mất gần một giờ đồng hồ bởi con đường nóng như chảo rang tung bụi mù mịt. Qua khỏi con đường liên thôn trắc trở, thôn A Bã hiện ra dưới dòng A Sáp với những nóc nhà mái tôn khá khang trang. A Bã là thôn có nhiều người Việt lấy vợ hoặc chồng Lào nhất của huyện A Lưới.

Khi biết ý định khách đến nhà chơi, anh Hồ Văn Bình (thường gọi là Ku Ban, SN 1975, thôn A Ling, huyện Ka Lưm, tỉnh Sê Kông, Lào) tất tả bảo đứa con gái lớn chạy đi mua chai rượu rồi ra sau hiên nhà gọi vợ mình về để “ngồi nói chuyện cho vui”. Hỏi về chuyện tình giữa hai người, chị Lê Thị Ngột, vợ anh Bình, cứ lấy tay che miệng cười tủm tỉm. Chị bảo: “Xấu lắm, không kể mô”.

Gia đình anh Hồ Văn Bình

Khi men rượu đã ngà ngà, anh Bình bắt đầu kể lại “chiến tích” 5 năm chinh phục người con gái Pa Cô của mình. Anh nhớ lại: “Năm 1993, bố mẹ mình đến Việt Nam để buôn bán, cũng chính thời gian đó mình được theo bố mẹ lần đầu tiên đặt chân đến A Lưới. Mình quen Ngột trong một lần tình cờ chở hàng cho bố mẹ Ngột ở xã Hồng Quảng. Đến đêm, mình cùng nhiều trai bản đến nhà rủ Ngột đi sim (một nét văn hóa của người vùng cao) tới khuya mới về nhà".

“Khi qua đây để chinh phục chị Ngột, anh không sợ trai bản “hằm hè” sao?”- tôi hỏi. Anh Bình bảo: “Mình nhớ lần trở lại Hồng Quảng để tìm Ngột, sáng đó mình thức dậy thật sớm, chuẩn bị áo quần tươm tất, tay xách một chai rượu ngon để qua chiêu đãi trai bản. Cái “duyên số” nó không cho mình lấy vợ gần nhà thì phải đi xa thôi, mà ai ngờ đi xa lại có được vợ đẹp”, nói xong anh tợp ngụm rượu, cười hồn nhiên.

Để qua được với thôn A Bã, xã Nhâm tìm vợ, anh Bình phải mất hai ngày vượt qua hai dòng A Sáp và Aling, rồi đồi A Cứp với những dốc dựng đứng, những vách núi đã chôn vùi dấu chân người. Anh Bình nhớ lại đêm đi sim cuối cùng để lấy chị Ngột làm vợ. Giữa đồi nương lồng lộng gió mát, trăng trên non cũng như muốn tự tình, trong men say chuếnh choáng sau cuộc rượu tàn canh với đám trai bản, anh Bình say sưa với điệu Xà Nớt.

Anh nắm lấy tay chị Ngột, ướm thử: “Từ thuở núi rừng còn hoang vu chưa có bóng người/Tôi chưa gặp được em/Bây giờ gặp được em rồi/Tôi thấy yêu em và muốn cưới em về làm vợ/Sau này sướng khổ có nhau…”. Chị Ngột e thẹn đáp lời: “Tôi đã mười năm không gặp anh/Bây giờ tôi gặp anh đây/Tôi ưng cái bụng nên muốn cùng anh xây dựng gia đình”.

Hôm sau anh Bình liền trở lại bản A Ling, thông báo với gia đình, chuẩn bị lễ vật sang nhà gái để làm lễ Chõo văn (lễ bỏ của) theo tập tục của người Pa Cô. Theo lời anh Bình, đối với người Lào, văn hóa, tập tục của người Pa Cô cũng có những nét tương đồng. Nụ cười hạnh phúc trên môi, anh Bình kể tiếp: “Trong đêm làm lễ Chõo văn, cả hai đại gia đình đều ngây ngất trong men rượu nếp. Trên căn nhà sàn, bố của Ngột tay cầm con gà trống; bên nhà trai mình, đại diện là già làng mặc “áo nỉ” (áo nhiều màu sắc sặc sỡ) cùng nhau nhảy điệu “cha chập, cha pãi”. Trước khi về nhà chồng, mẹ của Ngột cho rất nhiều vải thổ cẩm để làm quà cưới”.

Trong đêm làm lễ Chõo văn, lễ vật nhà trai dâng phải có bạc trắng, một cây dao và mả não. Đứng giữa sàn nhà, sau khi vắt nắm xôi ăn nên nghĩa vợ chồng, anh Bình đưa cây dao với cán dao về phía chị Ngột cùng với lễ vật, ngụ ý rằng nếu anh phụ tình thì hãy dùng mũi dao hướng về phía mình mà kết liễu cuộc đời…

Năm 1998, họ trở lại sống ở thôn A Bã, sau bao năm chung sống họ có với nhau được 4 người con. Trong căn nhà sàn ấm cúng bên dòng A Sáp, cuộc sống vẫn lặng lẽ trôi đi trong niềm hạnh phúc ngày thêm bền chặt.

Mấy núi cũng leo, mấy sông cũng lội...

Đến thôn A Bã, xã Nhâm, không khó để bắt gặp hình ảnh cô gái Lào với sắc phục truyền thống vai mang a chói, gùi con trước bụng ngược dốc lên rẫy. Hỏi về trường hợp những chàng trai Pa Cô, Vân Kiều lấy vợ Lào sang định cư tại A Bã, anh Kê Hồng Lan, công an viên phụ trách khu vực cho biết: “Nhiều lắm anh à. Họ kéo nhau cả anh chị em qua bản lấy người mình rồi ở lại đây phát nương làm rẫy hoặc buôn bán. Chỉ cần anh ra đầu bản đã có mấy gia đình rồi”.

Theo hướng tay chỉ anh Lan, tôi đến nhà chị Hồ Thị Mễ (SN 1991), quê chị Mễ ở thôn A Ling, huyện Ka Lưm, tỉnh Sê Kông, Lào. Trong một lần Mễ theo bố mẹ sang A Bã để ra thị trấn A Lưới bán măng rừng nên quen anh Nguyễn Văn Trao là chồng chị bây giờ. Trong phút giây ngắn ngủi của cuộc gặp gỡ, Mễ chỉ kịp để lại dòng địa chỉ với hy vọng một ngày nào đó, anh Trao có thể qua A Ling chơi, thăm nhà chị.  

Gia đình chị Hồ Thị Mễ và anh Nguyễn Văn Trao (thôn A Bã, xã Nhâm)

Nhớ lại ngày anh Trao qua bản A Liêng tìm chị rồi nên duyên vợ chồng, chị kể: “Mình để lại địa chỉ cho anh Trao nhưng hy vọng cũng mong manh lắm. Từ A Bã qua A Ling mất hơn 2 ngày đi đường, mình nghĩ chắc là khó gặp lại vì đường sá xa xôi. Khi anh Trao qua bản, mình cảm động lắm. Anh Trao phải uống rượu với trai bản mình suốt đêm hôm đó rồi cùng mình ra suối đi sim, tận sáng mai mới băng rừng về nhà”. Sau lần gặp lại trên đất xứ Triệu Voi, anh Trao đã quen đường và nhiều lần qua A Liêng để đi sim cùng Mễ. Có những lúc bận công việc, Mễ một thân mình lại băng rừng lội suối, vượt dốc A Cứp đến với người mình thương.

“Một mình thân gái dặm trường Mễ không sợ sao?”, tôi hỏi. Mễ bảo: “Sợ lắm chứ nhưng mình thương nhớ lắm nên phải đi thôi. Vả lại ở A Bã còn có nhiều bạn bè của mình qua đây lấy chồng nữa nên mình vững tin mà đi”. Ngày làm lễ cưới cô gái Lào với chồng Việt, cả bản A Ling như ngày hội, trai gái no say bên ché rượu cần với điệu múa phòn truyền thống của người Lào. Sau hai năm tìm hiểu với những đêm trường đi sim giữa đại ngàn xa ngái, anh Trao đã chinh phục được cô gái Lào. Điều hạnh phúc là sau khi cưới nhau, Mễ đưa luôn cả bố mẹ qua “định cư” ở Việt Nam, hai gia đình sống rất hòa thuận.

Theo Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thì công dân các xã khu vực biên giới khi kết hôn chỉ cần đến đăng ký kết hôn tại UBND xã (nơi có hộ khẩu thường trú). Sau đó, hồ sơ, thủ tục đăng ký kết hôn được xã gửi lên Sở Tư pháp chứng thực thì cuộc hôn nhân đó được xem là hợp pháp.

Điều chúng tôi ghi nhận từ những chàng trai, cô gái lấy vợ, chồng người Lào sang làm ăn sinh sống tại thôn A Bã là họ không hề biết đến giấy hôn thú hay bất cứ một thủ tục nào liên quan từ chính quyền. Chuyện “tình xuyên biên giới” của những đôi trái gái không đăng ký kết hôn được anh Hồ Văn Xiếp, Phó trưởng Công an xã Nhâm, cho biết, hiện tại ở xã Nhâm có 39 hộ dân, trong đó có 21 hộ lấy chồng Lào, còn lại là lấy vợ Lào hoặc kết hôn giữa những người Lào với nhau sang định cư tại đây.

Tuy nhiên, tính đến nay, trong số 39 hộ thì số hộ đến Ủy ban xã đăng lý kết hôn chỉ mới đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân chủ yếu là do bà con nhận thức còn hạn chế. Họ cứ nghĩ rằng, trai gái tìm hiểu nhau, làm lễ cưới xong, về ở với nhau là thành vợ thành chồng. Và cũng chính từ sự nhận thức đơn giản mà vấn đề quản lý các cặp vợ, chồng cưới người nước ngoài trên địa bàn rất khó khăn.

Ông Hồ Viên Pưa, Chủ tịch UBND xã Nhâm cho biết, không riêng gì địa phương mà trên địa bàn huyện A Lưới có hàng trăm trường hợp lấy chồng hoặc vợ là người nước ngoài. Các trường hợp đó tập trung chủ yếu ở các xã sát biên giới như Hồng Bắc, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Vân…, rất ít các trường hợp trên đến ủy ban xã làm giấy đăng ký kết hôn. Thực tế cho thấy, hậu quả của những mối tình xuyên biên giới ở A Lưới không phải là không có. Nhiều cặp đôi yêu nhau chỉ vài tháng, sau khi cưới hỏi là bỏ nhau, mà nỗi đau, sự mất mát thường là người phụ nữ.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất