| Hotline: 0983.970.780

Vì chúng ta chung giọt máu đào

Thứ Ba 09/08/2011 , 11:14 (GMT+7)

Tục kết chạ (kết tình anh em) quy định trai gái hai làng không được lấy nhau, nhưng ở mảnh đất này nếu lời nguyền ấy có được hóa giải thì chuyện thành đôi cũng là điều chưa ai nghĩ đến.

Tục kết chạ (kết tình anh em) quy định trai gái hai làng không được lấy nhau, nhưng ở  mảnh đất này nếu lời nguyền ấy có được hóa giải thì chuyện thành đôi cũng là điều chưa ai nghĩ đến. 

>> Ân nghĩa làng quê

Làng anh làng em   

Lang thang ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) tôi được nghe người ta nói nhiều về một lễ rước kỳ lạ. Lễ rước của một nơi gọi là “làng anh” Xuân Biều và một nơi gọi là “làng em” Cẩm Hoàng. Xã Xuân Cẩm nằm bên bờ sông Cầu là “chủ nhân” của hai ngôi làng kỳ lạ ấy. 

Điều kỳ lạ đầu tiên mà tôi nghe là cả hai làng này đều có một ngôi đình giống hệt nhau và cứ 5 năm một lần họ thực hiện lễ rước “người anh em ruột thịt”. Lễ rước to nhỏ tùy vào từng giai đoạn nhưng chưa một năm nào bỏ cả. Đó là nghi lễ thiêng liêng nhất trong tiềm thức người dân hai làng cho dù nếu ai có hỏi họ chẳng thể biết sợi dây máu mủ ấy có khi đã từ ngàn đời nay rồi.

Nói ngàn đời cũng phải bởi ngay cả người già nhất ở Xuân Biều là cụ Ngô Đình Kế (90 tuổi) thì cũng chỉ được nghe bậc cha ông kể lại tích làng mà chẳng thể biết được tình nghĩa ấy xuất xứ tự thuở nào. 

Cụ Ngô Đình Kế kể truyền thống anh em với làng Cẩm Hoàng

Lúc sinh thời, cha cụ Kế đã từng truyền lại cho con cháu một câu chuyện để lý giải tình anh em giữa hai làng Xuân Biều và Cẩm Hoàng. Câu chuyện ấy kể rằng: Ngày xưa có một đôi vợ chồng nhà nọ sinh được 2 hai người con trai. Chẳng biết vì lý do gì mà khi hai người con ấy lớn lên họ buộc phải tách mỗi người đi tìm một vùng đất khác nhau để lập nghiệp. Người anh đi dọc bờ hữu sông Cầu đến đất Xuân Biều thì cắm rựa lập làng, còn người em vượt sông sang bờ bên kia khởi nghiệp dựng làng Cẩm Hoàng bây giờ.

Lúc chia tay họ đã trao nhau tín vật và lập ra một lời thề ước rằng những đời sau, dù có xa xôi đến mấy, có trải qua bao nhiêu đời đi nữa thì họ vẫn là anh em ruột thịt và con cháu nhất định không được lấy nhau. Lời thề ước có dòng sông Cầu chứng giám, thuở lập làng đến khi đông đúc họ vẫn qua lại giúp đỡ nhau mỗi khi gặp hoạn nạn hay đến uống với nhau chén rượu lúc có chuyện vui. Nhưng thuở hồng hoang đến tận bây giờ, không biết bao thế hệ đã qua nhưng dân hai làng vẫn xem nhau như anh em ruột thịt và lời thề ước trai gái hai làng chẳng lấy nhau vẫn vẹn tròn qua những tháng năm.  

"Từ bao đời nay người hai làng luôn xem là anh em rồi. Trai gái có thương nhau đến mấy thì chỉ dừng lại ở thứ tình cảm anh em trong một nhà mà thôi. Năm nay tôi đã 90 tuổi, đầu bạc răng long rồi nhưng chưa có một đôi trai gái nào giữa hai làng cưới nhau hết”, cụ Kế bộc bạch. 

Cha ông để lại, hậu thế giữ gìn, lời cụ Kế quả chẳng sai. Đẩu Văn Thành, một  thanh niên làng Cẩm Hoàng, gia cố thêm lời cụ Kế ở “làng anh” mình bằng cái phẩy tay dứt khoát: “Từ khi còn nhỏ dân làng đã được dạy dỗ người làng ấy là anh em của mình rồi. Lớn hơn một tý, thanh niên làng này làng kia có chơi với nhau thân thiết đến mấy, hiểu nhau đến mấy thì cũng chỉ là thứ tình cảm gia đình mà thôi. Mà giả sử có nảy sinh tình yêu thì cũng sớm đứt gánh đoạn trường vì chẳng ai muốn vì mình mà hai làng mất đi một truyền thống tốt đẹp cả. Dựng vợ, gả chồng thì sang làng khác mà tìm hiểu, thiếu gì”.

Thành cũng kể  thêm, có không ít trường hợp trai gái hai làng đi làm ăn xa gặp nhau cảm thấy ưng bụng nhưng khi biết mình đều là người “làng anh em” nên mỗi người đều tự  hiểu phải làm gì. Trong tiềm thức từ người già nhất đến bọn trẻ ở Xuân Biều và Cẩm Hoàng chưa bao giờ dám nghĩ nếu trai gái hai làng lấy nhau sẽ như thế nào. 

Chuyện ba làng 

Chuyện lạ thứ hai mà tôi nghe ở “làng anh em” cũng ly kỳ chẳng kém. Nhiều người bảo rằng truyền thống hai ngôi làng ấy tốt đẹp đến mức khiến dân nhiều ngôi làng khác phải ganh tị. Hóa ra trong mối lương duyên ngàn đời của họ có sự “chen ngang” của “kẻ thứ ba”.

Các cụ cao niên ở Cẩm Hoàng và Xuân Biều phân tích rằng trong quá trình hình thành xã Xuân Cẩm ngày nay, hai làng anh em từ chỗ chỉ cách nhau một con sông bỗng dưng một ngày bị chia cắt bởi kẻ thứ ba là một ngôi làng khác: làng Cẩm Xuyên. Đó là một ngôi làng do những người dân lênh đênh kiếp vạn đò sông Cầu chán đời sông nước lên bờ cắm dùi sinh con đẻ cái lập nên.

Bến sông Cầu chia đôi làng anh em Xuân Biều và Cẩm Hoàng

Thuở đầu, sự xuất hiện của “kẻ thứ ba” này khiến hai ngôi làng anh em bực mình lắm. Bực vì bị chia cắt, họ biến sự bực dọc ấy bằng những động thái cho làng Cẩm Xuyên…ra rìa. Chẳng hạn có những mùa cấy, mùa gặt hay đi làm thủy lợi mà Xuân Biều làm xong trước muốn góp công giúp làng em nhưng vì phải đi qua làng Cẩm Xuyên nên thường kiếm cớ gây gổ. Lâu dần hai làng xẩy ra xích mích lúc nào không hay. Thấy làng anh của mình ghét cái làng vạn đò kia nên dân Cẩm Hoàng cũng hùa vào ghét nốt.

Cụ Kế kể rằng có một năm mưa lũ về, khúc đê sông Cầu đoạn đi qua Cẩm Hoàng và Cẩm Xuyên đều sạt lở, thấy nguy kịch dân Xuân Biều kéo nhau sang đông lắm nhưng họ chỉ giúp Cẩm Hoàng làm xong rồi kéo nhau về, mâu thuẫn từ đó càng thêm sâu sắc.

Những câu chuyện như thế vô hình trung trở thành “bức tường” ngăn cách mỗi khi Xuân Biều và Cẩm Hoàng có việc muốn đi lại với nhau. Mà việc để hai ngôi làng anh em này đi lại thì nhiều lắm. Cụ Kế liệt kê hàng trăm nguyên do gặp gỡ và chốt lại chắc nịch rằng: “Bao đời nay giữa hai làng anh em có truyền thống giúp đỡ nhau trong công việc. Mỗi khi nghe làng Cẩm Hoàng gặp khó khăn chính bản thân tôi cùng anh em trong làng đến giúp đỡ. Đến khi Xuân Biều gặp khó thì dân bên ấy lại kéo sang, nhưng nếu làng Cẩm Xuyên có gặp hoạn nạn thì người làng Cẩm Hoàng, Xuân Biều chỉ ra tay giúp đỡ khi có…lời cầu viện”.

"Đã hơn 20 năm tôi làm cán bộ xã nhưng ở hai làng Xuân Biều, Cẩm Hoàng chưa có một đôi trái gái nào kết hôn. Và cũng chưa có một lần nào thanh niên hai làng này xích mích hay đánh nhau, họ quý nhau và giúp đỡ nhau nhiều lắm. Người trong hai làng rất thân tình, xem nhau như ruột thịt. Chuyện kết hôn xã không cấm đoán gì mà tự ý thức của trai gái hai làng. Giờ có thêm làng Cẩm Xuyên nữa, họ sống với nhau hòa thuận lắm", ông Ngô Khắc Tình, Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm.

Liệu có phải vì những chuyện này vô tình cô  lập Cẩm Xuyên với hai ngôi làng anh em hay không chẳng ai khẳng định nhưng cụ Kế giải thích sự thờ ơ có phần cục bộ ấy xuất phát từ một lời thề khác. Hóa ra chuyện hai anh em lập làng thuở hồng hoang còn có thêm một lời thề ước là phải tuyệt đối chung thủy với nhau, muốn kết giao với ngôi làng thứ ba phải được sự đồng thuận của cả hai bên. Lời thế ấy khiến dân hai làng anh em mãi xem làng vạn chài Cẩm Xuyên là “người ngoài” nếu không có những lần rước lễ.

Theo lệ, cứ 5 năm một lần vào ngày 3- 6/9 Xuân Biều và Cẩm Hoàng lại tổ chức thực hiện nghi lễ rước anh em. Từ ngày có làng Cẩm Xuyên nghi lễ ấy đột nhiên khó khăn vì làng này muốn rước làng kia phải “mượn đường” làng vạn chài. Là người anh nên làng Xuân Biều tổ chức lễ rước trước còn Cẩm Hoàng tổ chức sau. Trước lễ, 5 người cao tuổi làng Xuân Biều phải xuôi bằng thuyền đi qua làng Cẩm Xuyên trong sự lo âu. Những lần như thế, sợ có điều không hay nên làng Cẩm Hoàng cử ra 20 người ngược sông Cầu nghênh đón làng anh nhưng thực chất là để đề phòng dân Cẩm Xuyên sinh sự. 

Cụ Đẩu Văn Minh (94 tuổi) ở làng Cẩm Hoàng thời trai trẻ từng tham gia vào đội rước và chứng kiến những lần bị dân Cẩm Xuyên chặn đánh. Oán thù thêm chồng chất khiến ba làng luôn căng thẳng những lúc có việc đối mặt nhau. Đến một lần, trước lúc rước lễ, các cụ cao niên 2 làng anh em quyết định thưa chuyện với làng Cẩm Xuyên. Đó là dịp đầu tiên 3 làng ngồi lại với nhau. Sau lần gặp gỡ ấy, cả 3 làng sống hòa thuận với nhau và xem nhau như anh em ruột thịt, thường xuyên giúp đỡ nhau trong sản xuất.   

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm