| Hotline: 0983.970.780

Khát vọng Tây Bắc

Thứ Ba 08/11/2011 , 14:05 (GMT+7)

Ở nơi đây vẫn có không ít nông dân dám nghĩ lớn, ngày đêm tìm cách đánh thức tiềm năng của vùng đất rộng lớn này.

Tây Bắc đẹp và giàu tiềm năng nhưng người dân nơi đây vẫn còn rất nghèo. Tìm hướng đi mới cho cả vùng được người dân ví như việc vác đá leo núi cao. Nhưng, ở nơi đây vẫn có không ít nông dân dám nghĩ lớn, ngày đêm tìm cách đánh thức tiềm năng của vùng đất rộng lớn này.

Lão nông với giấc mơ cà phê chồn

Ông Hiệp mang sản phẩm của mình đi dự hội chợ cà phê

Quê lão ở làng Bình Đà (Thanh Oai, TP Hà Nội) nhưng từ khi làng không làm pháo, lão lò dò lên Sơn La. Từ những ngày đầu mù mờ về chăn nuôi, rồi  trở thành chuyên gia về gà, nhím. Và đến giờ, mọi người gọi lão là Hiệp chồn, bởi lão nuôi chồn với khát vọng làm nên thương hiệu cà phê chồn Sơn La nức tiếng.

5 lấy 1, lãi gấp cả trăm lần

Nhà lão ở ngay mặt đường vào bản Cang, phường Chiềng Sinh, TP Sơn La. Phía dưới nhà sàn lão để đầy ngô. Ngoài hiên nhà phơi nhiều cà phê. Góc nhà để hàng chục buồng chuối, quả nào quả nấy to đẫy đà, vàng ươm. Năm nay đã gần 60 tuổi, mái tóc đã điểm bạc nhưng giọng nói vẫn cứ oang oang: “Cái giống chồn này khôn lắm. Cái gì cũng phải ngon chúng mới chén”. Chưa nói hết câu lão đã vội vàng lấy bộ phin rồi pha cà phê đãi khách: "Các anh cứ uống thử một ly cà phê này xem có khác không. Hảo hạng đấy". 

Vừa nhâm nhi cốc cà phê, ông Hiệp kể về ý tưởng làm cà phê chồn. Một hôm lão vô tình xem trên ti vi nói về cách lấy xạ từ con chồn và cách làm cà phê chồn. Khi ấy lão đang nuôi gà và nhím cũng gặt hái được rất nhiều thành công. Khát vọng của một lão nông luôn mong muốn tìm ra cách làm ăn mới khiến lão khăn gói vào Tây Nguyên mua chồn giống. Nhờ sự giúp đỡ của người thân, lão nhanh chóng mua được 3 đôi chồn, trong đó 3 con đang chửa, trị giá 60 triệu đồng. Trên đường về, lão tặc lưỡi: “Nếu thất bại, mất 2 đôi nhím là cùng. Muỗi!”.

Không giống như những con vật khác, chồn hương là động vật quý hiếm nên lão phải đến Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La làm thủ tục “nhập tịch” cho 3 đôi chồn rồi mới tiến hành nuôi. Bắt chồn về được vài hôm, chúng bị “tào tháo” đuổi khiến lòng lão rối như canh hẹ, chẳng biết chữa trị kiểu gì. Khi cho chồn uống thuốc, lão còn bị chúng cắn vào chân, buốt tới tận tim.

Bà Chặt - vợ lão, chán ngán chẳng hiểu lão mang cái “của nợ” ấy về làm gì. Hàng ngày bà chăm lũ nhím, đàn gà mấy trăm con khiến bà mệt bở hơi tai, giờ lại phải gánh thêm mấy con chồn làm bà muốn mệt đứt hơi. Không những thế, chỉ sau một tháng, 2 con chồn bỗng lăn ra chết.

Những ngày đầu nuôi chồn, cả nhà lão hết sức hoang mang, chẳng biết chăm lũ chồn này thế nào cho phải. Bỡ ngỡ ban đầu cũng dần trôi qua, sau thời gian gần gũi, lão mới phát hiện ra lũ chồn cũng không khó chăm lắm. Chỉ cần đầu tư thời gian quan tâm, chăm sóc đến chúng nhiều hơn sẽ dễ nuôi. Sau 3 tháng lũ chồn cái đã nhảy ổ. Mỗi con đẻ 4 con. Lão lại phải nhanh chóng gọi vào nơi bán chồn hỏi cách chăm sóc. Và một điều lão phải làm ngay là lên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La làm “giấy khai sinh” cho chúng.

 

 

Lũ chồn con sinh ra được 1 tuần, lão phải tách lũ chồn con ra khỏi mẹ và phải nuôi bộ. Thấy lão đi mua sữa trẻ sơ sinh, hàng xóm lại tưởng lão có con nhỏ. Lũ chồn ăn rồi lớn khiến lão rất vui. Chưa biết hiệu quả kinh tế đến đâu chứ lão cũng tự hào về mấy con chồn này lắm.

Mỗi khi đi chợ lão đều cho một con đi cùng. Lão vỗ nhẹ lên yên xe là chúng tự nhảy lên và nhất nhất phải ngồi phía trước mới chịu. Lão cho chồn đi chợ giống như những siêu sao dắt chó cưng đi dạo vậy. Chủ ăn sáng nó cũng đòi ăn. Khi về còn phải “đút lót” thêm cho cu cậu quả chuối mới yên.

Dẫn tôi ra thăm nơi ở của lũ chồn, lão nói rất hãnh diện: "Bọn này ngoan lắm. Chúng còn ở chung được với mấy con chó giữ nhà”. Lão mở cánh cửa, lũ chồn thấy người lạ chạy trốn tứ tung. Mấy con còn treo mình lơ lửng trên trần nhà, với ánh mắt hốt hoảng. Khi nghe lão kêu chừn chựt, chừn chựt… thì lũ chồn có vẻ yên tâm hơn.

 

 

Lão bóc chuối cho chúng ăn ngon lành. Khi đó lão có thể ôm chúng vào lòng như đứa trẻ ôm con mèo cảnh của nhà. Vuốt ve con thú cưng, lão bảo: “Bọn này ăn khôn lắm. Chuối không chín không ăn. Chiều chúng cũng đến mệt nhưng được cái bù lại, lợi nhuận của chúng mang lại không phải là nhỏ".

Khi lão đưa chồn về mấy tháng cũng là lúc bà con bản Cang thu hoạch cà phê. Lão đưa cà phê cho chúng ăn rồi hy vọng thu được sản phẩm từ chúng. Mấy ngày đầu lão chỉ thu được vài lạng cà phê. Lão đi sâu tìm hiểu, lũ chồn này chỉ ăn những quả chín mọng và hái trong ngày. Lão cho ăn theo “yêu cầu” của chúng, hiệu quả khác hẳn. Mỗi con chồn một ngày ăn được 5 - 6 lạng cà phê. Sáng hôm sau chúng cho ra sản phẩm là 1 lạng cà phê chồn.

Mỗi khi nhắc đến đàn chồn, ông Hiệp nói rất hăng say có thể thuyết giảng cả buổi không chán. Lão bảo, mùa sinh sản của chồn vào khoảng tháng 2 âm lịch hàng năm, con chồn đực tiết ra xạ rất thơm. Mùi hương lan toả khắp nhà như có người nấu mướp hương vậy. Nếu mình biết cách chiết xạ chồn hương, hiệu quả kinh tế rất cao. Đấy là việc của tương lai, chứ hiện tại lão đang khai thác sản phẩm duy nhất là cà phê chồn đã mang lại lợi nhuận kếch sù.

Sau khi dẫn chúng tôi đi thăm nơi ở của chồn, lão lôi chúng tôi ra ngoài sân – nơi để mấy cái mẹt cà phê chồn. Từng hạt cà phê xoắn vào nhau rất đều. Vụ cà phê năm ngoái, lão thu được 70kg cà phê chồn, bán được hơn 80 triệu đồng. Theo tính toán của ông Hiệp, cứ 10kg (giá hiện tại là 12.000đ/kg) cà phê tươi sau khi cho chồn ăn, thu được 2kg cà phê chồn, giá bán hiện tại là 1,2 triệu đồng.

Nuôi 1 con chồn, mỗi ngày hết khoảng 5000đ. Như vậy là lãi rất lớn, giá bán gấp 100 lần cà phê bình thường. Hơn nữa loại cà phê này lại không có hàng để bán.

Đưa thương hiệu ra thế giới

Sau khi có sản phẩm cà phê chồn, ông Hiệp mang hàng lên các đại lý lớn ở TP Sơn La rồi cả ở Thủ đô cũng chẳng ai dám mua. Rất may là lão được một người bạn giới thiệu vào TP Hồ Chí Minh bán. Giá bán cao ngất ngưởng khiến lão không tin vào mắt mình nữa, mỗi kg giá 1,2 triệu đồng, tương đương với 1,2 tạ cà phê tươi.

Đầu năm 2011, lão và con gái còn cất công bỏ "học phí" là 2 đôi nhím, đưa cà phê chồn vào tham dự Hội chợ Cà phê tại TP Buôn Mê Thuột. Là người chân ướt chân ráo tham gia hội chợ, lão phải nhờ một Cty rang và chế biến cà phê giúp. Lão dùng cái ếp xôi của người Thái đóng hộp. Để thêm hương vị Tây Bắc, con gái lão mặc thêm bộ áo cóm của người Thái.

Không ngờ gian hàng của lão lại thu hút được rất nhiều khách tham quan. Các thương gia người Úc, Mỹ, Nhật Bản… đều muốn liên kết làm ăn với lão nhưng chỉ tội cơ sở ở quê nhà chưa đâu vào đâu nên lão đành khất dịp khác. Những người thưởng thức cà phê sành điệu cho lão một lời nhận xét chân tình: “Là loại cà phê hảo hạng nhưng người đầu bếp lại xoàng quá”.

Lời nhận xét bóng gió đó nhưng lại hàm chứa nhiều ý nghĩa. Quả thực lão cũng chỉ biết cho con chồn ăn cà phê rồi thu lại. Nguyên liệu cà phê rõ ngon, rõ chuẩn nhưng mỗi tội người rang cà phê kém quá nên làm mất hương liệu của nó.

Sau lần tham gia hội chợ đó đã giúp lão có thêm động lực để nhân giống chồn ở nhà. Từ 6 con chồn ban đầu giờ lão đã có 20 con.  Mấy con chồn cái cũng chuẩn bị đẻ. "Tôi đang có dự định nhân rộng mô hình và đưa sản phẩm này ra thế giới”, lão Hiệp bảo. Hoá ra con gái lão vừa tốt nghiệp chuyên ngành tin học và tạo được một trang web riêng về cà phê chồn. Nhờ đó mà rất nhiều vị khách ở 5 châu liên hệ và gọi điện cho lão nhưng ngặt nỗi lão không biết nói tiếng Anh, lão chỉ a - lô rồi... đặt máy xuống. May mà cô con gái biết nói tiếng Anh nên đã giúp cho bố được rất nhiều.

Những thương gia kia muốn liên kết làm ăn với lão và có nguyện vọng đến thăm cơ sở của lão. Lão vừa mua gạch xây tường bao quanh khu vườn rồi trồng cà phê. Dự định của lão là thả lũ chồn ra khu vườn cà phê này. Khi mùa cà phê chín, chúng tự ăn và sản xuất ra loại cà phê chồn tốt nhất.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.