| Hotline: 0983.970.780

Xót xa phận người

Thứ Tư 14/12/2011 , 14:33 (GMT+7)

Cao nguyên đá Hà Giang những ngày 0 độ C lạnh buốt đến xương tủy. Nhưng đi sâu tìm hiểu, chúng tôi thấy một "cái lạnh" khác còn tê tái hơn, đó là số phận của nhiều người dân nơi đây.

Ngày ngày các cô gái ở vùng cao Xín Cái vẫn sang Trung Quốc làm thuê

Cao nguyên đá Hà Giang những ngày 0 độ C lạnh buốt đến xương tủy. Nhưng đi sâu tìm hiểu, chúng tôi thấy một "cái lạnh" khác còn tê tái hơn, đó là số phận của nhiều người dân nơi đây.

>> Những ngày 0 độ C trên cao nguyên đá

Bố phấn khởi khi có người mua con

Không còn ở thời điểm rầm rộ, ngang nhiên như vài năm trước, nhưng thực trạng lừa bán, bắt cóc phụ nữ ở những xã vùng cao nguyên đá vẫn còn rất nhức nhối. Trong khi các cơ quan chức năng xem chống buôn người là một cuộc chiến nóng bỏng, là vấn đề then chốt trong nghị quyết của các xã vùng biên thì người dân ở nhiều nơi vẫn xem phụ nữ chẳng qua cũng chỉ như một món hàng.

Chỉ trong vòng một năm, đồn biên phòng Săm Pun ở xã Xín Cái (huyện Mèo Vạc) tiếp nhận trao trả hàng chục trường hợp phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc. Nạn nhân có nhiều loại, nhưng chủ yếu vẫn là những cô gái người Mông sống ở các xã vùng cao trên cao nguyên đá. Săm Pun phiên âm theo tiếng Pháp có nghĩa là vùng đất nhiều sấm sét. Nhưng Săm Pun bây giờ là chốn trở về của những phận người bị biến thành hàng hóa.

Thượng tá Hoàng Minh Đông, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Săm Pun không thể nhớ mình đã tiếp nhận bao nhiêu trường hợp bị lừa bán rồi họ may mắn được trở về nhưng nguyên nhân thì ông nắm rõ. “Cuộc sống bà con nghèo quá. Nghèo nên họ phải đi làm thuê bên Trung Quốc, nghèo nên họ sẵn sàng bán cả người thân của mình có khi với giá chẳng ai tưởng tượng nổi”.

Những câu chuyện, những số phận, những bi kịch khiến khuôn mặt vị cán bộ đồn biên phòng này sạm đi rất nhiều so với tuổi. Cứ sau mỗi chuyên án ông lại ghi tên nạn nhân vào nhật ký của mình. Cuốn nhật ký ấy đã dày, dày lắm, vậy mà nó chỉ đủ để ghi lại một phần rất nhỏ so với vô vàn số phận phụ nữ bị biến thành hàng hóa trên cao nguyên đá.

Hôm tôi chúng tôi đến đồn Săm Pun, một cô gái may mắn được phía Trung Quốc giải cứu và đẩy qua biên giới tự tìm đường về. Đây trường hợp thứ 11 bị đẩy qua biên giới phải tự tìm đường về trong năm nay.

Nạn nhân là Vừ Thị Dính, quê ở xã Niêm Tòng chỉ mới 14 tuổi. Độ tuổi mà những cô gái Mông dù đã biết yêu, dù đã sẵn sàng làm vợ, sinh con rồi nhưng vẫn còn hồn nhiên lắm. Hồn nhiên đến mức kể về thảm kịch của mình mà thỉnh thoảng cô vẫn cười đùa như vừa đi du lịch về vậy. Dính không nói được tiếng Kinh nhưng khi có người phiên dịch hỏi han thì cô chẳng giấu giếm hay e ngại điều gì.

Nhà Dính nghèo lắm. Cái nghèo chung của người Mông sống trên cao nguyên đá Niêm Tòng. Cái nghèo khiến ông bố Dính tỏ ra phấn khởi khi biết được tin có người mua con gái mình, dù chẳng biết họ mua để đem đi đâu, làm gì. Cái nghèo đẩy Dính đi tìm hi vọng về một cuộc sống ở cái nơi mà sau này cô mới biết là địa ngục.

Chuyện Dính bị lừa bán cũng dễ dàng như bắp ngô, mớ rau mà người Mông ở Niêm Tòng vẫn thường trao đổi với nhau trong những lần có chợ phiên ở huyện vậy. Tháng 4 vừa rồi Dính cùng bà dì cuốc bộ nửa ngày xuống chợ huyện Mèo Vạc để mua hàng. Ở đó họ gặp hai người đàn ông rủ vào uống nước rồi hỏi mua Dính với giá 35.000 nhân dân tệ. Dính và bà dì chẳng thể biết được từng ấy tệ là bao nhiêu tiền mình, nhưng khi người ta tính hộ được 1,2 triệu đồng thì cả hai dì cháu thấy…mừng quá. Mừng cũng phải, bởi nó gần bằng với số tiền gia đình vay ngân hàng để mua bò phát triển kinh tế.

Sau khi ngả giá xong xuôi, dì của Dính cầm số tiền ấy về cho gia đình trả nợ. Gia đình cũng làm bữa cơm, nhưng không phải “ăn mừng” cho con gái đi lấy chồng mà là mừng vì trả được số tiền mà họ vẫn nghĩ sẽ không bao giờ trả nổi. Thậm chí, khi rượu ngô đã ngấm vào người, bà dì cũng năn nỉ hai người đàn ông lạ kia nếu thấy được thì hãy mua mình nốt.

Sáng hôm sau hai dì cháu gói gém vài bộ quần áo lên đường sang Trung Quốc để “đi lấy chồng”. Chồng của Dính là một người đàn ông nghe đâu tầm 49- 50 tuổi gì đấy cô cũng không rõ, chỉ biết kém 2 tuổi nữa là bằng tuổi bố mình. Cũng còn may, Dính làm vợ xứ người đúng vào dịp người ta thường xuyên kiểm tra hộ tịch hộ khẩu. Chồng Dính giấu mãi không được, cuối cùng định bán Dính cho một người đàn ông ế vợ khác thì cô bị bắt rồi đẩy qua biên giới, phải tự tìm đường về.

Dính được giải cứu, nhưng với cái nghèo của gia đình ở xã Niêm Tòng, với hoàn cảnh gia đình đông con nhưng thiếu ăn thiếu mặc, với cái suy nghĩ làm vợ ai cũng được không biết liệu cô có bị đem bán lần nữa hay không. Khi bộ đội biên phòng lập biên bản, đọc cho nghe rồi bảo ký, Dính lắc đầu. Ngay cả tên mình cô cũng không biết viết. Cô loay hoay điểm chỉ rồi hồ hởi leo xe về nhà như thể vừa đi chơi xa về vậy.

Giá người phụ nữ bằng tạ ngô

Nếu quy ra tiền Việt Nam đồng thì 5 mẹ con Hạ Thị Súa, người Mông ở xóm Sủa Nhè Lử, xã Xín Cái chỉ có giá hơn 5 triệu một chút. Rất may cuộc buôn bán bất thành nên bây giờ mẹ con cô còn có dịp ở lại đây chuẩn bị đón tết của người Mông. 

Đói nghèo đẩy nhiều cô gái vùng cao phải sang Trung Quốc làm thuê

Sinh năm 1986 nhưng Hạ Thị Súa đã có tới 5 đứa con. Chồng Súa không may qua đời sớm. Biết gia cảnh Súa khó khăn nên Thò Mí Pó (SN 1965), anh họ chồng đến nhà rủ đi lấy chồng Trung Quốc. Gia cảnh quá nghèo nên khi ông anh họ đến rủ lấy chồng Trung Quốc sẽ có tiền thì Súa gật đầu mà không cần phải suy nghĩ thêm gì cả. Cũng may, khi Súa kêu người bán hết nhà cửa, nương rẫy để đi lấy chồng Trung Quốc thì lực lượng biên phòng phát hiện và bắt giữ Pó kịp thời.

Cũng như Dính, khi nhắc lại chuyện này tôi thấy Súa chẳng có vẻ gì sợ hãi. Vẫn biết người Mông vô tư nhưng chứng kiến cảnh một bà mẹ với 5 đứa con suýt bị bán với giá có hơn 5 triệu đồng mà vẫn xem đó là chuyện bình thường thì cán bộ Đông chỉ còn biết lắc đầu. Sau lần đi lấy chồng Trung Quốc hụt ấy nhà Súa càng nghèo hơn. Cuộc sống 5 mẹ con chẳng đủ ăn nên lắm lúc bộ đội biên phòng phải "cứu trợ” đề phòng Súa nản chí lại bán mình thì khổ.

"Buồn nhất là các cô gái bị bán sang làm vợ bên Trung Quốc có khi bị bán đi bán lại như một món hàng thực thụ. Người này “dùng” chán rồi bán cho người khác là chuyện bình thường. Đàn ông Trung Quốc muốn lấy vợ phải có kinh tế, vùng cao nguyên đá lại nghèo nên vô tình trở thành “thị trường” cho họ chọn. Thậm chí nhiều cô bán làm vợ xong rồi lại bị bán vào nhà chứa, công an Trung Quốc truy quét trao trả về thì họ đã thân tàn ma dại rồi”, thượng tá Đông buồn bã.

Vậy đấy, đói nghèo đẩy những cô gái trên cao nguyên đá trở thành hàng hóa. Nhưng vì sao thực trạng ấy không có dấu hiệu thuyên giảm. Không chỉ Xín Cái và bên Thượng Phùng, Sơn Vĩ, Niêm Tòng (huyện Mèo Vạc), Phố Cáo, Phố Là (huyện Đồng Văn) mà các xã khác ở cao nguyên đá thỉnh thoảng lại có một vài cô gái bị đẩy từ bên kia biên giới trở về. Đầu năm đến nay, đồn Săm Pun đón tổng cộng 115 người bị đẩy về từ bên kia biên giới Trung Quốc vậy mà vẫn cứ có người đi.

Cũng như Xín Cái, xã Phố Cáo (Đồng Văn) toàn đá là đá. 600 ha đất có thể sản xuất, hơn 66% số hộ nghèo nên mới có chuyện năm ngoái Giàng Thị Cho (27 tuổi) ở bản Hầu Chúa Ván bị Hoàng Thị Hoan lừa bán sang Trung Quốc với giá chỉ 15kg hạt đậu. Cho chưa về, các cơ quan chức năng đang họp bàn, tổ chức diễn tập, tuyên truyền thì Giàng Thị Dính (29 tuổi) ở bản Kho Chư lại bị bán tiếp.

 Vẫn biết nạn bắt cóc, buôn bán phụ nữ nhan nhản ở vùng cao nhưng người Mông ở Phố Cáo không thể đề phòng. Từ bản Kho Chư đi sang nơi có điện của Trung Quốc gần hơn ra trung tâm xã nên họ phải sang bên đấy để xát ngô. Sau khi Dính bị bắt cóc, UBND Đồng Văn triển khai ngay phương án cấp cho bản Kho Chư một máy xát ngô để giảm tỷ lệ phụ nữ bị…đem bán.

Dẫn tôi lên bản Kho Chư, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phố Cáo Trần Trung Sơn đúc kết: 100% dân bản đều hộ nghèo, cứu đói, nên giá phụ nữ như Dính đôi khi rẻ chỉ bằng tạ ngô thôi. Dính rẻ thật, rẻ đến mức chồng cô là Vàng Nhà Súa vẫn nói cười rổn rảng dù chẳng biết số phận vợ mình bây giờ ra sao.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tử vong vì bị bạn nhậu đâm nhầm

Trong quá trình xô xát với người ở bàn bên cạnh, người đàn ông 51 tuổi vô tình đâm tử vong bạn nhậu của mình tại phố Cự Lộc, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm