| Hotline: 0983.970.780

Phận… mô hình

Thứ Ba 07/02/2012 , 12:10 (GMT+7)

Khai sông lấn biển, nhiều nông dân ở những vùng quê ven biển ước mơ thay đổi cuộc sống cơ cực. Trớ trêu thay, nuôi tôm thành công thì bị thu hồi đất, nuôi ngao đang khá vẫn cứ lo ngay ngáy. Họ than: Việc chúng tôi làm chẳng khác nào “mô hình thí điểm” cho chính quyền khai thác.

Những đầm tôm như thế này ở Kim Sơn đã từng được giao cho dân với thời hạn… 1 năm

Khai sông lấn biển, nhiều nông dân ở những vùng quê ven biển ước mơ thay đổi cuộc sống cơ cực. Trớ trêu thay, nuôi tôm thành công thì bị thu hồi đất, nuôi ngao đang khá vẫn cứ lo ngay ngáy. Họ than: Việc chúng tôi làm chẳng khác nào “mô hình thí điểm” cho chính quyền khai thác.

>> Dưới biển sợ thiên tai, trên bờ sợ “độc chiêu” của xã
>> Chưa “bò”, đã lo “chạy”
>> Bão nợ chồm lên cơn sóng
>> Bi kịch sau những chiến công
>> Ký sự đời biển “bạc”…

Sống nhờ tôm chết cũng vì tôm

Nằm ngoài vành đê biển Bình Minh, vùng bờ bãi chạy dọc các xã Kim Trung, Kim Hải, Cồn Thoi… (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) trước kia hoang sơ lắm. Đó chỉ là chỗ đánh bắt tự nhiên của người dân địa phương. Dù phương tiện còn đơn sơ, chỉ đánh đăng, đánh đó nhưng biển Kim Sơn khá hào phóng nên đời sống người dân có thể coi là tạm đủ. Đến thời điểm đầu những năm 2000, một số hộ dân “nghĩ lớn” ở địa phương mua giống tôm về bắt đầu sự nghiệp nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh. Đất bờ bãi được mang ra đấu thầu dưới hình thức xong vụ nào thanh toán vụ đấy rồi tiếp tục cho đấu thầu lại.

Người đầu tiên quyết chí làm giàu từ nuôi tôm ở dải đất ven biển Kim Sơn này là ông Trần Văn Ân, một lão nông ở thôn 9, xã Cồn Thoi. Năm 2002, sau khi huy động anh em trong gia đình gom được một số tiền kha khá, ông Ân đấu thầu 2 ha đất của huyện ở ngoài đê Bình Minh 2 thuộc xã Kim Trung để nuôi tôm quảng canh. Hết đào đất đắp đê, khoanh đầm xong, ông Ân đi địa phương khác mua tôm giống về nuôi thả. Chẳng ngờ lão nông này thắng lớn ngay ở vụ thả đầu tiên. Chỉ 2 ha tôm mà gia đình ông lãi ròng hàng trăm triệu.

Sau sự kiện ông Ân “bắt biển đẻ tiền”, người dân các xã Kim Trung, Kim Hải, Cồn Thoi kéo ra vùng bãi bồi ven biển rầm rộ lắm. Chính sách đấu thầu đất của huyện chỉ giới hạn một năm nhưng họ sẵn sàng đầu tư cả trăm triệu đồng để phát triển nghề nuôi tôm đang bắt đầu thịnh vượng. Độ 2-3 năm sau đó, nuôi tôm quảng canh trở thành nghề mũi nhọn của cả huyện, đã nuôi là thắng chứ chẳng có thua. Bãi bồi hoang sơ ngày nào giờ đã là vùng nuôi tôm trọng điểm. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, dân đắp đê, trồng rừng, rồi làm đường kéo điện ra tận đầm với hy vọng có thể giàu lên từ nghề nuôi tôm sú quảng canh.

Đùng một cái, năm 2005, UBND huyện Kim Sơn có lệnh dừng đầu tư tất cả diện tích nuôi tôm dọc các bãi bồi ven biển. Những bản hợp đồng đấu thầu có thời hạn một năm phải nhường chỗ cho một dự án nuôi tôm công nghiệp có quy mô cực lớn. Đau nhất, tất cả các hộ đã đầu tư trước đó phải từ bỏ công sức, tiền của, xương máu của mình mà chẳng được bồi thường một cắc nào.

Người được đền bù nhiều nhất cũng chính là ông Ân nhưng chỉ vỏn vẹn có 4 triệu đồng. Bằng đúng số tiền gia đình ông vừa bỏ ra để mua một cái quạt nước. 2 ha tôm cùng bao nhiêu công sức bị thu hồi làm dự án nuôi tôm công nghiệp để lại cho gia đình khoản nợ ngân hàng lên đến 150 triệu đồng.

Tương tự ông Ân, ngay sau khoảng thời gian huy hoàng của nghề nuôi tôm quảng canh vùng ven biển là một vết trượt dài. Vết trượt của nợ nần, của bức xúc kiện cáo, của những đắng cay triền miên… Mất đất, mất công của đầu tư đồng nghĩa với việc những người khai hoang biển Kim Sơn mất luôn sinh kế. Số thì bỏ làng đi làm thuê mang theo món nợ khổng lồ, số ở lại chấp nhận làm thuê cho người khác sống qua ngày.

Buồn hơn nữa, dự án nuôi tôm công nghiệp từng “triệt đường sống” của hàng ngàn hộ dân vùng ven biển chỉ tồn tại đúng hai năm. Sau công cuộc hút đất, bơm cát từ biển vào để nuôi tôm theo mô hình công nghiệp, hàng trăm hộ dân tiếp tục vỡ nợ, tiếp tục bỏ làng vì dự án hoàn toàn phá sản. Đến nỗi ông Nguyễn Quang Vinh, một chủ đầm kiêm buôn xe máy ở xóm 9 than thở: “Dạo nuôi tôm quảng canh thì tôi phất lên nhờ buôn xe máy vì dân họ có tiền. Đến lúc thành tôm công nghiệp thì tôm mất đằng tôm, xe máy chết đằng xe máy vì dân nợ nhiều quá, không có khả năng chi trả”.

Giàu từ ngao, “ngồi trên lửa” cũng vì ngao

Sau khi dự án nuôi tôm công nghiệp thất bại, những người dân bám biển ở Kim Sơn lại lầm lũi ra Cồn Nổi, Bãi Trắng vớt vát con cua, con cá sống qua ngày. Chính từ những cuộc mưu sinh bĩ cực ấy họ tiếp tục tìm ra thế mạnh vùng ven biển là nuôi ngao. Bỏ qua bài học đắng lòng từ việc “hợp đồng năm một” với huyện, người dân tiếp tục xin đấu thầu để nuôi ngao phát triển kinh tế. Đó là thời điểm những năm 2006, 2007. Lại là ông Ân “lãnh ấn tiên phong” cho dù số tiền nợ ngân hàng của gia đình đã tăng lên gấp đôi so với thời điểm bị thu hồi đất phục vụ dự án nuôi tôm công nghiệp.

Khu nuôi ngao vùng Bãi Trắng (hay còn gọi là nhóm 1A) thuộc địa phận xã Cồn Thoi bây giờ có khoảng 1.000 ha diện tích thuộc sự quản lý của gần 800 hộ dân ven biển. Quy mô thì hoành tráng, nhưng dân tiếp tục than thân phận “mô hình thí điểm” bởi khi nghề nuôi ngao vừa phất lên được một tý thì UBND huyện lại hủy hợp đồng từ năm 2009.

Vụ ngao này, ông Ân cùng 7 người khác nuôi thả ngao trên diện tích lên tới 81ha. Họ chia nhau, cứ hai người đầu tư vào một khoanh rộng 20 ha để nuôi trồng. 9 chòi canh, mỗi chòi 20 triệu, 2 chiếc thuyền mỗi chiếc 300 triệu, 1 chiếc thuyền tuần tra bảo vệ bãi ngao cả trăm triệu nữa lần lượt được các chủ đầm này “xuống tay”… Số tiền 8 người này đầu tư vào đầm lên đến 2 tỷ đồng. Nghe mà choáng. Càng choáng hơn nữa khi các chủ đầm bảo rằng, diện tích đất khoanh nuôi của họ có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào. Cũng giống như cái “đận” họ nuôi tôm quảng canh vậy.

“Kim Sơn có tổng diện tích nuôi thủy sản là 3.733 ha, từ vùng đê biển Bình Minh 1 đến đê Bình Minh 3, vùng Cồn Nổi và vùng khai thác thủy sản tự nhiên ngoài đê Bình Minh 3. Trong năm 2011, toàn huyện đạt tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 3.278 ha, trong đó vùng khai thác hải sản tự nhiên đạt 1.000 ha. Tổng sản lượng thủy hải sản của vùng bãi bồi đạt 4.000 tấn, trong đó: tôm sú 500 tấn, tôm rảo 350 tấn, cua biển 350 tấn, ngao 1.500 tấn, cá và các loại hải sản khác đạt 1.000 tấn. Tuy nhiên, với việc nông ngư dân không được làm chủ thực sự những khu đầm của mình, thật khó để huyện có thể duy trì những kết quả trên”, một lãnh đạo huyện nói.

“Dân chúng tôi đang lo lắm. Tưởng rằng sau khi UBND huyện làm cho một vố tôm quảng canh thì bây giờ có thể yên lành mà nuôi ngao. Vậy mà năm 2007 nuôi thì đến năm 2009 huyện không thu “sản” (tiền thuê bãi) nữa. Điều đó có nghĩa là họ chấm dứt hợp đồng, chẳng biết lúc nào bị thu hồi. Nói thật, bây giờ mà thu hồi diện tích nuôi ngao nữa thì dân chúng tôi chết hẳn. Tiền đầu tư hàng tỷ, hàng trăm triệu đều là tiền vay mượn cả. Số nợ này nếu không được tiếp tục làm thì con cháu chúng tôi muôn đời không trả nổi”, ông Ân kêu.

Đúng là lo thật. Theo những hộ dân bám biển ở Kim Sơn, sau khi nghề nuôi ngao phát triển khá mạnh và vững vàng trên địa bàn đã có nhiều doanh nghiệp đánh tiếng thuê đất đầu tư. Năm 2009, thời điểm nuôi ngao thịnh vượng cũng là lúc một doanh nghiệp lập dự án du lịch sinh thái ven biển nên UBND huyện Kim Sơn mới “phát lệnh” dừng đầu tư, chấm dứt hợp đồng với các hộ nuôi ngao.

Nếu bây giờ UBND huyện lại thu hồi đất thì thế nào? Chúng tôi mang câu hỏi ấy gặp các chủ đầm. Tất cả họ đều khảng khái: “Nếu nhà nước thu hồi nhằm mục đích phục vụ an ninh quốc phòng hay làm công ích thì chúng tôi chấp nhận. Còn nếu thu hồi diện tích nuôi ngao lại cho doanh nghiệp nuôi ngao như kiểu tôm ngày trước chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng”. Còn nguyện vọng? “Chúng tôi đảm bảo nếu được thuê đất, ít nhất 10-20 năm thì sẽ mạnh dạn đầu tư và đảm bảo nghề nuôi ngao sẽ phát triển bền vững ở dọc dãi biển này. Con em, lao động địa phương sẽ không còn phải rời làng nữa mà có thể làm giàu trên chính quê hương của mình. Chứ cứ năm một rồi lại chấm dứt hợp đồng thế này thì bố ai dám làm”.

Xem thêm
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Apple xác định Việt Nam là một cứ điểm trên toàn cầu

Đây là lần đầu tiên ông Tim Cook tới Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5/2022 tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành Apple.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hưng Yên đầu tư 170 tỷ đồng xây cầu kết nối giao thương

Cầu Hải Hưng bắc qua sông Chanh, kết nối tỉnh Hưng Yên với tỉnh Hải Dương được dự kiến khởi công thực hiện từ quý II năm nay tới quý IV/2025.