| Hotline: 0983.970.780

Những tập tục ghê rợn: Tục rạch thân ở châu Phi

Thứ Hai 20/02/2012 , 09:25 (GMT+7)

Đối với các bộ lạc thổ dân ở Nigieria, việc rạch thân để tạo ra các vết sẹo là một nghi thức khá phổ biến và có mặt từ rất lâu đời. Tùy từng bộ lạc, việc rạch thân sẽ diễn ra theo nhiều cách khác nhau, cùng với quan niệm về giá trị của những vết sẹo cũng khác nhau.

Tục rạch thân ở châu Phi

Trong căn phòng tối tăm, nữ thầy cúng dùng dao rạch hai đường dài ngay sát dưới mắt của đứa trẻ. Vết cắt ứa ra những dòng máu đỏ trong tiếng khóc ngằn ngặt vang lên khắp phòng.

Sau đó, vị thầy cúng lấy một con ốc sên chà lên má của đứa bé để chất dịch sên tiết ra sẽ bám lên bề mặt vết thương, rồi bôi tro lên đó để cầm máu và tạo nên những vết sẹo sâu và rõ. Để kết thúc nghi thức rạch mặt, một con gà sống được đưa qua đầu đứa bé nhiều lần.

“Nhớt của ốc sên sẽ giúp làm dịu vết thương, giống như lửa gặp nước vậy, và con gà sẽ giúp đẩy lùi bệnh tật ra khỏi cơ thể đứa trẻ. Con gà này sẽ được mang đi cúng tế hai ngày sau đó”, thầy cúng Ifaponle Ogunjinmi giải thích.

Nghi lễ diễn ra chỉ vài phút, nhưng những vết sẹo và nỗi đau mà nó mang lại sẽ ám ảnh cả cuộc đời. “Vết rạch đó là dấu hiệu nhận dạng của bộ tộc và mỗi gia đình. Mỗi người trong gia đình đều phải có nó”, Ifaponle nói.

Đoạn phóng sự của hãng tin CNN thu hút hàng triệu người xem trên các trang mạng xã hội. Thậm chí, nhiều trang còn cảnh báo: Không dành cho người yếu tim! 

Tập tục ghê rợn này vẫn còn tồn tại đến ngày nay

Rạch thân để tránh kiếp nô lệ

Đối với các bộ lạc thổ dân ở Nigieria, việc rạch thân để tạo ra các vết sẹo là một nghi thức khá phổ biến và có mặt từ rất lâu đời. Tùy từng bộ lạc, việc rạch thân sẽ diễn ra theo nhiều cách khác nhau, cùng với quan niệm về giá trị của những vết sẹo cũng khác nhau.

Tương truyền, những thổ dân Nigieria lo sợ một ngày nào đó các vị vua châu Phi sẽ xâm chiếm mảnh đất trù phú mà họ đang sinh sống và chinh phục các bộ lạc của họ. Do đó, họ thường tạo ra các vết sẹo trên mặt và cơ thể như một hình thức đánh dấu chủ quyền.

Họ tin rằng, nếu một ngày nào đó mà bị xâm lược, nhờ vết sẹo này, họ sẽ không bị bắt làm nô lệ và sẽ nhận ra nhau, vì mỗi gia đình sẽ có một kí hiệu riêng trên đó. Mặt khác, những người dân nơi đây cho rằng, việc rạch thân cũng giống như một loại nghệ thuật. Những vết sẹo khắp mặt và cơ thể tựa như những đường “trang trí” mà nhờ chúng, trông họ sẽ đẹp hơn và mạnh mẽ hơn.

Hủ tục rùng rợn

Để tạo ra những vết sẹo lồi trên cơ thể, những thổ dân Nigieria thường làm theo hai cách. Cách thứ nhất, một số người thường tạo sẹo bằng cách dùng lưỡi câu cá thật nhọn, móc lên da, kéo căng rồi dùng lưỡi dao để rạch lên bề mặt và tạo các đường nét trên đó.

Một số khác thì lại dùng lưỡi dao nhọn để “chạm trổ” cho dễ. Với lưỡi dao đó, họ có thể thoải mái “sáng tạo” những đường nét trên cơ thể theo ý muốn. Vết cắt nặng hay nhẹ tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi gia đình. Vài người chỉ có những đường rạch rất nhẹ. Trong khi nhiều người khác có những vết rạch sâu với sẹo dài khoảng một ngón tay. Vết sẹo có thể mang nhiều hình thù với ý nghĩa khác nhau.

Phổ biến nhất là những đường sọc thẳng hay hoa văn trên bề mặt da để phân biệt theo dòng tộc và khu vực. Ngoài ra, còn có những vết sẹo mang hình con rắn, thằn lằn hay bọ cạp. Tất cả các vết sẹo đều mang ý nghĩa tâm linh.

Sau khi đã có những vết cắt trên da, họ bôi lên đó một số thứ khiến vết thương lâu lành và sưng tấy để tạo sẹo lồi. Thậm chí để cho vết sẹo lồi rõ hơn, thổ dân ở đây còn đổ lên đó bột thuốc súng, bột than hay xát tro để tô màu cho chúng và tạo những dấu hiệu đặc biệt trên da.

Với những người đàn ông, việc có càng nhiều sẹo càng chứng tỏ sự mạnh mẽ của mình. Nhưng với phụ nữ thì lại khác. Họ không tạo sẹo lồi một cách vô tội vạ, mà chỉ tạo những vết sẹo trong các dịp quan trọng.

Chúng biểu thị các giai đoạn sống khác nhau, những bước ngoặt lớn của người phụ nữ như bắt đầu tuổi dậy thì, kết hôn, sinh con đẻ cái hay khi người chồng của mình qua đời. Còn đối với trẻ con, chúng được dạy rằng những vết sẹo được tạo ra trên khuôn mặt từ lúc mới sinh luôn là niềm tự hào vì là thành viên của bộ tộc.

Cùng với việc nhận dạng gia đình và bộ tộc, những thổ dân nơi đây khẳng định việc tạo sẹo lồi ở một số chỗ “tế nhị” cũng là biện pháp tăng độ hấp dẫn với người khác giới. Bên cạnh đó, một số người có niềm tin rằng, đây là một trong những cách phân biệt giữa con người với động vật. Bởi động vật không có khả năng tự rạch thân mình để làm sẹo, đồng thời cũng không có ý thức dòng tộc và gia đình như con người.

Nhiều tổ chức nhân quyền lên án việc tạo những vết sẹo ở trẻ em như vậy là một sự lạm dụng, bởi việc rạch mặt trẻ em có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng hay thiệt mạng do sức đề kháng của trẻ em còn rất yếu. Thế nhưng, một số tỉnh vẫn còn thực hiện nghi lễ này.

Bên cạnh đó, người thổ dân Nigeria còn sử dụng việc rạch thân như một phương pháp phòng và chữa bệnh. Theo như thầy cúng Ifaponle Ogunjinmi giải thích, sau mỗi nghi lễ rạch mặt cho một đứa trẻ, một con gà sẽ được đưa qua đầu đứa trẻ nhiều lần để xua đuổi bệnh tật ra khỏi cơ thể còn non nớt và nhỏ bé.

Khi những đứa trẻ bị các bệnh như co giật, viêm phổi, đau dạ dày, sỏi thận, chúng cũng thường được điều trị bằng cách rạch một đường trên da. Nếu nặng và phải mổ thì các vết mổ sẽ được thực hiện ở gần các khớp xương, ngực, bụng, thắt lưng. Sau đó, các vết mổ sẽ không được khâu lại, thay vào đó, họ rắc thuốc lên bề mặt để chúng hòa cùng dòng máu và tạo nên những vết sẹo.

Phong tục rạch mặt của các bộ tộc ở Nigieria đã có từ lâu đời và vẫn được lưu truyền cho tới tận ngày nay, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Chính phủ Nigera đã quyết định đưa phong tục này trở thành trái pháp luật, sau khi có rất nhiều ý kiến phản đối và cho rằng đây thực sự là một hủ tục, một sự hành xác với đầy suy nghĩ mê tín.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.