| Hotline: 0983.970.780

Giếng thiêng làng cổ

Thứ Năm 31/05/2012 , 08:50 (GMT+7)

Nước giếng trong vắt, không bao giờ cạn kể cả những năm hạn đến nứt tường nhà. Hễ xâm phạm đến giếng thiêng thì gặp chuyện chẳng lành. Đó là chuyện về 11 giếng đá cổ rất thiêng liêng, báu vật làng Bá Hạ (xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Nước giếng trong vắt, không bao giờ cạn kể cả những năm hạn đến nứt tường nhà. Hễ xâm phạm đến giếng thiêng thì gặp chuyện chẳng lành. Đó là chuyện về 11 giếng đá cổ rất thiêng liêng, báu vật làng Bá Hạ (xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc).

>> Rừng lim 800 năm của 12 dòng họ
>> Thần hộ mệnh làng Tiền
>> Cây dã hương và vận làng Dương Phạm

Không bao giờ cạn

Nằm bên Khu công nghiệp Bình Xuyên nhưng làng Bá Hạ vẫn còn giữ vẹn nguyên nét thanh bình của một làng quê Bắc bộ. Thời phong kiến, Bá Hạ có 7 làng tiếp giáp nhau gọi là làng Kẻ Bá. Cụ Đoàn Văn Lãng (80 tuổi), là người cao tuổi nhất làng, tự hào rằng: Bá Hạ nghèo về vật chất nhưng lại là ngôi làng của những báu vật thiêng liêng. Làng có 3 ngôi đình, 4 ngôi chùa và nhiều đền miếu. Nhưng quý nhất là 11 giếng đá cổ có niên đại hơn 600 năm, nằm rải rác trên địa bàn 4 thôn: Thích Trung, Vinh Quang, Thiện Chi và Bá Hương. Giếng đá cổ nhất được đào năm 1490 (Hồng Đức thập nhất niên), tất cả đến nay còn nguyên vẹn.

Nói có sách mách có chứng, cụ Lãng dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng để mục sở thị những giếng đá cổ. Cấu trúc các giếng đá cổ ở làng Bá Hạ đều giống nhau. Giếng hình vuông, mỗi thành rộng 100m. Tang giếng (thành giếng) được ghép bằng 4 phiến đá xanh rộng 1m, cao 1,5m, phần lớn có khắc chữ Hán nét khắc đậm rõ, cỡ chữ đều. Giếng chùa Giao Sam, được coi là giếng cổ nhất khắc dòng chữ Hồng Đức nhị thập nhất niên canh tuất thập nguyệt thập ngũ nhất (tức ngày 15 tháng 10 Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức năm thứ 21).


Cụ Đoàn Văn Lãng giới thiệu về chiếc giếng cổ còn nguyên vẹn ở Giếng chùa Giao Sam

Nét cổ kính, rêu phong còn in hằn bằng những vết lõm do người dân mài dao, kiếm sử dụng từ thời chiến tranh. Lòng giếng đá cổ có đường kính 1,5 m, được ghép từ những viên đá hộc có kích thước 20-30 cm xếp chồng lên nhau từ đáy giếng lên thành. Sau các dãy đá là cát, dưới lớp cát là 2 tấm ván gỗ lim, mỗi tấm dày khoảng 10cm. Đây cũng chính là cách làm giếng thường thấy ở các vùng quê của miền Bắc xưa, nhằm tạo ra một nguồn nước trong và mát. Những tấm gỗ lim dưới đáy giếng có tác dụng khử độc, loại bỏ các côn trùng có hại thông qua mạch nước ngầm phun từ dưới lòng đất lên.

Một điều lạ là dù giếng được đào thô sơ, rất nông nhưng quanh năm nước trong mát và chưa bao giờ bị cạn. Từ đời này qua đời khác, người làng Bá Hạ sử dụng nước giếng cổ thay cho giếng đào vì nước trong xanh, vị nước ngọt hơn.

Những chiếc giếng cổ quý ở chỗ, từ thuở lập làng đến nay, chiếu theo ngọc phả, thì giếng chưa bao giờ cạn, kể cả những năm trời làm hạn hán kinh hoàng nhất. Cụ Lãng kể: Cách đây khoảng 7 năm, cả làng Bá Hạ và xã Bá Hiến lập kỷ lục về hạn hán, nắng nóng kéo dài mấy tháng trời, người không dám ra đường, cây cối cũng phải héo khô vì thiếu nước. Làng Bá Hạ khô quắt, kể cả ao hồ cũng phải cạn trơ cả đáy, duy chỉ có 11 giếng đá cổ nước vẫn cứ tuôn ào ào, mát lạnh, chẳng có dấu hiệu gì của hạn hán cả.


Chữ cổ khắc trên thành giếng

Không chỉ đảm bảo cho đời sống sinh hoạt dân làng, người Bá Hạ còn múc lên “giải khát” cho hoa màu, bơm ra ruộng lúa vẫn chẳng thấy giếng vơi đi chút nào. Lạ kỳ hơn, người dân múc càng nhiều thì nước giếng lại càng trong như nước lọc qua bình vậy.

Những chuyện không thể giải thích

Ông Dương Đình Nghê, Chủ tịch MTTQ xã Bá Hiến, là người sưu tầm nhiều tài liệu nhất về giếng cổ. Theo tài liệu mà ông Nghê có, cộng với ngọc phả làng Bá Hạ thì đây là một vùng đất tứ linh: long - ly - quy - phụng. Tương truyền, vào thời nhà Lê có một ông quan được vua cử đi dẹp giặc phương Bắc. Sau khi đẩy lùi được quân giặc ra khỏi bờ cõi, ông được nhà vua phong chức Đô đốc quận công. Trở về làng, ông thấy người dân quê mình còn quá nghèo khổ mà bản thân chưa làm được một điều gì ý nghĩa để giúp đỡ người dân nên ông đã quyết định mở một cái mương lớn để giúp dân lấy nước phục vụ cho đồng ruộng.

Nghĩ là làm ngay, viên Đô đốc cho quân lính đào mương. Nhưng do làm việc ban đêm nên mương bị lệch sang thế đất của xã Thiện Kế bên cạnh. Đến khi chỉnh lại, vội vàng nên quân lính của ông đã xẻ đúng vào phần đất tương ứng với cổ rồng. Thành thử, mương chưa kịp đào xong, bỗng đâu có một trận đại hỏa bốc lên thiêu rụi nguyên cả một làng bên cạnh. Làng bị cháy có tên là Tiến Nữ, nơi cung tiến cung nữ hầu hạ nhà vua hàng năm. Quá đau đớn vì thảm họa, quan Đô đốc phi ngựa ra sông tự vẫn.

Nhân dân đau xót nên lập đền thờ ông, gọi là đền thờ quan Quận. Sau trận đại hỏa đó một thời gian, người dân trong làng đã tìm thầy phong thủy về xem lại thế đất và tìm cách trấn mạch bằng cách xây dựng 11 ngôi giếng cổ. Vào những năm thập niên 60, Nhà nước có chính sách dập tắt tàn dư của chế độ phong kiến, trong đó giếng cũng được vận động lấp đi để đào giếng mới. Song khi đào một loạt giếng mới thì nguồn nước ngày càng cạn kệt, nước đục ngàu không thể sử dụng được, người dân lại phải khơi lại giếng để lấy nguồn nước sinh hoạt.


Giếng cổ được người dân Bá Hạ gìn giữ như báu vật

Ở Bá Hạ bây giờ giếng đào nhiều, nhưng hàng năm vào mùa hạn thì giếng đào cạn, đục không thể dùng được. Người dân trong làng lại phải ra giếng cổ múc nước về ăn. Gia đình bà Dương Thị Hồng ở thôn Vinh Quang là một ví dụ. Trong nhà bà có một giếng đá cổ, khi có ý định làm nhà mới, vợ chồng quyết định lấp giếng cổ để tăng diện tích và làm giếng mới to hơn, hiện đại hơn. Lạ kỳ thay, cứ mỗi lần lấp giếng là giếng mới đào lên lại không có nước. Ba lần đào lên lấp xuống như thế, gia đình bà phải khơi lại giếng cổ để lấy nước sinh hoạt.

Đấy là chuyện có thực, còn những chuyện ly kỳ khác không ai kiểm chứng được nhưng người dân vẫn cứ tin rằng giếng làng mình thiêng lắm. Như câu chuyện mà chính ông Nguyễn Viết Bồng, một bậc cao niên trong làng, trực tiếp trải qua. Thời còn nhỏ, ông ra giếng câu cá. Do sơ ý nên trượt chân, ngã tủm xuống giếng và ngâm mình dưới đó suốt 2 tiếng đồng hồ. Lạ ở chỗ, khi ngã xuống đầu ông lại gối lên một phiến đá như gối lên gối vải. Một người phụ nữ đi qua nhìn thấy nên chẳng hề hấn gì. Nghĩ là giếng thiêng phù hộ nên gia đình ông Bồng đã dựng miếu thờ tại gần giếng này.

Vài năm trước, em trai ông Bồng phá bỏ miếu thờ giếng cổ. Phá được hai ba hôm sau người em trai gặp mộng liên tục. Một hôm ông đang ngủ cứ thấy có người gọi tên í ới ngoài cổng. Khi ông ra cổng gọi hỏi thì không thấy ai đáp. Có hôm lại nằm mộng nhìn thấy một người đẹp như người mẫu mặc quần áo trắng cứ rủ đi chơi… Gia đình ông phải họp nhau lại rồi khôi phục ngôi miếu. Từ đó không còn gặp ác mộng nữa.

Những câu chuyện như thế cứ truyền nhau trong làng Bá Hạ. Ngay cả cụ Lãng cũng không khẳng định được có hay không. Nhưng qua câu chuyện của vị cao niên này tôi nghĩ là có. Bởi cụ còn hồ hởi kể rằng: Nhiều lần người làng nhìn thấy dưới lòng giếng có hai con vịt vàng bơi. Người Bá Hạ quan niệm ai nhìn thấy được đôi vịt đó thì bệnh tật tiêu tan, cuộc sống ấm no sung túc. Người dân cho biết, không phải ai cũng gặp được, đây là thần thánh cho ai thì người đó mới thấy. (Hết)

Những giếng đá cổ ở Bá Hiến được người dân nơi đây xem như một bảo vật. Dù có nhiều người tìm đến ngỏ lời mua lại các khối đá xanh với giá rất cao nhưng không ai dám bán.

Bản thân chính quyền địa phương cũng thường xuyên vận động người dân ra sức gìn giữ. Vào ngày hội Lệ (hay còn gọi là hội Bách linh) 15/3 âm lịch hàng năm, người ta thường múc nước ở đây về tắm tượng. Đàn bà con gái đến kỳ kinh nguyệt tuyệt nhiên không được bén mảng lại gần giếng, ai bất tuân thì sẽ gặp tai ương.

Mới đây bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc lập đoàn công tác về xã Bá Hiến xin chuyển một chiếc giếng cổ trưng bày tại bảo tàng để giới thiệu cho khách du lịch biết di sản quý báu này. UBND xã Bá Hiến đã làm hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận di tích văn hóa.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mưa lớn, gió xoáy làm 2 người mất tích

2 người mất tích cùng nhiều tài sản, công trình, nhà cửa của người dân huyện Sìn Hồ (Lai Châu) bị thiệt hại do mưa lớn và gió xoáy.