| Hotline: 0983.970.780

Bài 2: Phiêu dạt

Thứ Năm 07/06/2012 , 08:56 (GMT+7)

Ruộng đất không còn, nghề nghiệp không có, tiền bồi thường không đủ xây lại căn nhà trong khu tái định cư... Vậy là bà con bỏ quê phiêu dạt khắp nơi để mưu sinh, kiếm sống.

Ruộng đất không còn, nghề nghiệp không có, tiền bồi thường không đủ xây lại căn nhà trong khu tái định cư... Vậy là bà con bỏ quê phiêu dạt khắp nơi để mưu sinh, kiếm sống.

>> Bài 1: Lất lây trên đất của mình

>> Những nghịch lý đất đai

Căn nhà anh Hùng ở thị trấn Ngã Sáu (Châu Thành, Hậu Giang) nằm chênh vênh cạnh rìa một con rạch. Không chủ, nhà trống huơ trống hoác, vách trống, sàn gãy mục từ lâu. Cả nhà Hùng từ ngày nhận tiền bồi thường giải tỏa thu hồi đất thực hiện dự án KCN Sông Hậu (năm 2006), tưởng đã “đổi đời”. Nhưng nào ngờ, sau cái thời điểm ấy chẳng bao lâu, họ lại lâm vào bước thăng trầm khốn khó, tha phương cầu thực khắp xứ.

Chông chênh phận đời nơi đất khách

Gia đình của anh Hùng trước đây sống bằng vườn cam. Mùa thu hoạch, một công cam cũng cho được vài tạ. Không giàu nhưng gia đình anh Hùng sống được. Dự án quy hoạch KCN Sông Hậu (Hậu Giang) đánh trúng vào nhà và vườn cam của gia đình anh Hùng.

“Nông dân tụi tui có bao giờ cầm một lúc gần trăm triệu đồng đâu. Khi được bồi thường như thế thấy đã lắm. Với lại nghe chính quyền nói khi quy hoạch lên sẽ tạo công ăn việc làm, rồi sẽ có lương hằng tháng. Quá đã!”. Anh Hùng kể lại tâm trạng những ngày đầu khi nhận tiền bồi thường và nói cuộc đời mình tưởng sẽ được quy hoạch lại theo hướng tốt hơn. Nhưng rồi mọi chuyện dần chuyển theo hướng khác. KCN thì mênh mông mà chỉ lèo tèo mọc lên vài nhà máy. Anh Hùng không xin được việc. “Tiền bồi thường tưởng nhiều nhưng khi tính ra, nếu mua đất hoặc đóng tiền cơ sở hạ tầng để có một nền đất trong khu tái định cư và xây lại một căn nhà mới là coi như sạch bách”.

Nhưng rồi cái căn nhà ấy để ở ấy thậm chí cuối cùng cũng không có nốt.


Căn nhà trống hoác của anh Hùng ở thị trấn Ngã Sáu (Châu Thành, Hậu Giang). Sau khi bị thu hồi đất, vợ chồng anh phải dắt díu lên Sài Gòn làm mướn mưu sinh.

Ruộng không còn, cả nhà phải lo mua gạo ăn và bao chi phí khác cho cuộc sống, khối tiền kia cũng nhanh chóng cạn. Cả phần nền tái định cư cũng đành phải bán “lúa non” vì không đủ tiền đóng phí cơ sở hạ tầng. Ngày trước khi còn những cánh đồng vàng của vùng, anh Hùng ngoài việc thu hoạch cam thì có thể chạy đồng gặt lúa, suốt lúa kiếm thêm. Khi quy hoạch bao trùm, cả cái vùng nông nghiệp trù phú cũng không còn để anh Hùng có thể đi mần thuê kiếm sống như trước nữa. “Tụi tui phải bỏ quê hương mà đi thôi. Ở đó sống sao bây giờ”. Rồi anh Hùng dắt díu cả nhà lên Sài Gòn thuê một căn trọ chật hẹp trong con hẻm sâu ở chợ Bình Điền, Bình Chánh. Anh thì kiếm được một chân vác phân thuê, còn vợ và con gái thì xin làm trong xưởng dép.

Khó khăn lắm chúng tôi mới liên lạc và gặp được anh. Anh Hùng nói: “Làm suốt anh ơi, mấy lúc anh gọi điện thoại là đang chạy hùng hục đưa phân lên xe, không tài nào bắt máy được. Lúc có, lúc không, khi bận thì túi bụi lắm. Có khi chẳng ai gọi, nằm chèo queo chẳng kiếm được xu nào”. Căn gác trọ chừng 10 m2 ngổn ngang đế và quai dép. “Của bà xã và con gái mang về làm thêm đó” - anh Hùng nói. Anh kể hai năm nay anh chủ yếu đi vác phân thuê cho khu vực chợ Bình Điền. Ngày khá kiếm cũng được 200.000 đồng, cộng với khoản tiền vợ con làm được, tính ra cũng gần 7 triệu đồng/tháng. “Tiền thuê nhà, điện nước đã là 1 triệu. Ba miệng ăn, một tháng cũng đã 4 triệu hơn. Tính các chi phí khác nữa thì coi như làm bù ăn đắp. Nghĩ đến quê nhà có khi ứa nước mắt. Đời mình khổ đã đành, chỉ thương cho tương lai mờ mịt của đứa con gái…” - anh Hùng nghẹn giọng.

“Tết năm rồi định không về vì tiền cũng cạn. Nhưng quần quật ở thị thành cả năm, không lẽ tết không về đốt cho ông bà một nén nhang. Khốn nỗi, tết xong cả nhà sạch túi. Bí quá, tui tháo mấy tấm tôn bên hông căn nhà bán phế liệu để có tiền bắt xe lên Sài Gòn mần mướn tiếp”.

Thì ra đó chính là lý do khiến căn nhà tồi tàn của anh trống vách!

Dắt díu câu hò xa xứ

23 tuổi. Sáu năm lăn lộn Bình Dương mần mướn, tuổi xuân của chị Đào coi như lùi lụi trong xưởng gỗ.

Từ ngày ruộng nhà chị Đào bị lấy cho KCN Sông Hậu, cuộc sống gia đình chị bị xáo trộn muôn chiều. Tiền đền bù dành để xây lại nhà còn thiếu trước hụt sau nên cả nhà chị phải nháo nhào đi làm mướn. “Năm 2007, cha, anh Hai, em và cả thằng Út đều đã lên Bình Dương mần ở xưởng gỗ rồi. Cực quá lại thiếu trước hụt sau nên bố và anh Hai phải về quê làm ruộng lại. Em với thằng Út tiếp tục bám trụ để mần”.


Không còn đất sản xuất, anh Nguyễn Hoàng Quốc phải tha phương khắp nơi nhưng vẫn không đủ sống, đành về lại quê nhà kiếm cơm trên đất bỏ hoang trong KCN.

Đào kể chị làm việc quần quật từ 6 giờ sáng cho đến 6 giờ chiều. “Không làm tăng ca thế thì không tài nào có dư chút đỉnh phòng khi bệnh đau anh à. Mệt bể hơi. Nhất là hồi còn làm cho một xưởng gỗ của Đài Loan, cứ quần quật từ 6 giờ đến gần 9 giờ đêm mà lương chỉ hơn 2 triệu, không đủ đâu vào đâu. Em không chịu nổi nên đã bỏ xưởng về quê một lần. Nhưng về quê thì biết làm gì để sống? Cha với anh Hai em không mua được ruộng mới vì giá một công ruộng mới gấp mấy lần giá công ruộng đền bù. Anh Hai và cha phải ra cày xới lại đất trống trong KCN để trồng lúa, nuôi vịt kiếm sống qua ngày”.

Thế là vật vờ một thời gian ở quê, chị Đào lại xách giỏ quay lại Bình Dương tiếp tục làm công nhân xưởng gỗ. Lần này đỡ hơn, chị kiếm được một xưởng gỗ khác lương cao hơn chút xíu. Nếu chịu khổ làm tăng ca mỗi ngày 4 tiếng, tính ra một tháng chị cũng kiếm được 4 triệu đồng.

“Thân gái chân yếu tay mềm vậy mà em vẫn trụ nổi trong xưởng gỗ?”. Chị Đào cười buồn: “Rồi cũng quen anh ơi. Em dân làm ruộng mà”. Rồi chị Đào im lặng. Đôi mắt của cô gái 23 tuổi chừng như chực khóc...

“Em cũng chẳng biết phải làm sao để thay đổi tình hình. Giờ không còn ruộng đồng, tụi em chỉ còn biết lên đây kiếm sống. Ở Bình Dương này có nhiều bà con dưới quê lên làm như em lắm. Tụi em học ít nên phải lao động chân tay. Lương thì không cao nhưng giá cả ngoài chợ cứ tăng hằng ngày”. chị Đào lại im lặng.

Chúng tôi phải chuyển chủ đề, hỏi vu vơ chuyện gái trai để câu chuyện may ra vui hơn. Nhưng rồi giọng chị vẫn buồn như chính nỗi lòng của người con gái phải sớm rời quê tha phương kiếm sống. “Nói thật anh chứ em cũng ngại đi chơi với bạn bè nữa. Phần không có nhiều thời gian, cứ xuống ca là muốn ngủ vùi; phần em chẳng dám sắm cho mình bộ đồ mới để đi đây đi đó, chưa nói mỗi lần đi thể nào cũng tốn kém. Giá mà còn mấy công ruộng… ba mùa lúa, hai mùa cam, tuy cực mà vui, tuy không giàu có gì nhưng cảnh nhà cũng thư thả. Thích nhất là được ở nhà với ba má. Chiều quây quần bên mâm cơm đầy rau xanh và cá đồng. Nhớ mấy câu vọng cổ quê nhà da diết anh ơi…”.

Bỏ đồng bằng lên Tây Nguyên làm thuê

Chị Nguyễn Thị Loan (xã Tân Lập 1, Tân Phước, Tiền Giang) cho hay: Nhiều bà con ở đây sau khi giao đất cho chính quyền làm KCN Long Giang đã tìm lên Đắk Lắk để làm rẫy thuê kiếm sống như gia đình ông Hai Đáng, Năm Minh… “Đó là những nông dân rặc ở xứ này, đã gắn bó gần cả đời mình với ruộng khóm. Vậy mà giờ phải đành bỏ xứ để đi làm rẫy thuê. Thiệt là xót xa…”. Chị cho biết chồng chị và một số người trong xã từng tính “bỏ đồng lên núi” nhưng “lên đó rồi rừng sâu nước độc, thôi thì ở lại quê nhà ai thuê gì làm nấy, không thì lần ra đồng kiếm con cá, mớ ốc kiếm sống qua ngày” - giọng chị Loan tiu nghỉu.

Theo Phapluattp

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm