| Hotline: 0983.970.780

Cần nghề này, học nghề khác

Thứ Tư 05/09/2012 , 09:54 (GMT+7)

Mặc dù đã đưa ra nhiều mức lương, thưởng hấp dẫn nhưng các DN nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở ĐBSCL vẫn luôn trong tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.

* Thiếu lao động nuôi trồng thủy sản

Nghề nuôi tôm khó thu hút được lao động
Mặc dù đã đưa ra nhiều mức lương, thưởng hấp dẫn nhưng các DN nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở ĐBSCL vẫn luôn trong tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Nguyên nhân do đặc thù nghề này là phải làm việc toàn thời gian và ở vùng sâu, vùng xa… nên không ít lao động đã bỏ nghề.

>> Nghề cần thì không người học

Khó giữ chân

Tỉnh Kiên Giang hiện có 2.000 ha nuôi tôm công nghiệp, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Kiên Lương và Giang Thành, trong đó có khoảng 1.300 ha đang thả nuôi. Trung bình cứ 1 ha mặt nước nuôi tôm công nghiệp cần 2 công nhân chăm sóc trực tiếp như: Vận hành máy bơm nước, quạt oxy, tạt hóa chất xử lý môi trường và cho tôm ăn. Ngoài ra, còn đội ngũ kỹ sư chuyên giám sát kỹ thuật, xử lý các tình huống bất thường, dịch bệnh… Tuy nhiên, hầu hết các DN ở đây đều đang gặp khó do thiếu lao động.

Ông Nguyễn Danh Hiện, GĐ Cty TNHH Thủy hải sản Minh Phú ở xã Hòa Điền, Kiên Lương cho biết: “Công nhân NTTS được phân thành hai nhóm: Nhóm kỹ thuật yêu cầu phải có trình độ kỹ sư, tối thiểu cũng phải là trung cấp, còn nhóm chăm sóc trực tiếp thì chỉ cần lao động phổ thông là được. Ngoài ra, nghề NTTS còn kèm theo một điều kiện bắt buộc nữa là phải biết bơi. Do nghề này thường xuyên làm việc trên ao hồ, nếu không biết bơi sẽ rất dễ xảy ra tai nạn chết đuối nước”.

Cty Minh Phú là đơn vị có diện tích thả nuôi lớn nên lúc nào cũng cần khoảng 400 công nhân để chăm sóc các ao tôm. Bình thường, mỗi công nhân NTTS sẽ theo dõi, chăm sóc 1 ao tôm với diện tích 5.000 m2. Nếu có kinh nghiệm lâu năm thì 2 người chăm sóc 3 ao. Tuy nhiên, Cty lúc nào cũng trong tình trạng thiếu công nhân.

Theo ông Hiện, mức lương hiện Cty đang trả cho công nhân là lao động phổ thông mới vào thử việc là 2,2 triệu đ/người, bao ăn ở. Sau đó công nhân sẽ được tăng lương dần theo tay nghề. Ngoài ra, Cty còn có chế độ thưởng theo sản phẩm khi thu hoạch là 1,5 triệu đồng/tấn tôm thẻ chân trắng và 1,7 triệu đ/tấn tôm sú. Như vậy, công nhân nào chăm sóc tốt, ao tôm đạt năng suất cao thì sẽ được thưởng nhiều. Mỗi vụ tôm khoảng 3 tháng, nếu tình hình nuôi tốt thì chỉ riêng khoản tiền thưởng thì mỗi công nhân cũng được hơn chục triệu đồng.

"Mức thu nhập như vậy là khá hấp dẫn đối với lao động phổ thông hiện nay nhưng các DN vẫn than khó giữ chân công nhân. Không ít lao động mới vào làm một thời gian đã bỏ nghề. “Nghề nuôi tôm yêu cầu công nhân phải tuân thủ thời gian nghiêm ngặt, đặc biệt là khâu cho tôm ăn, chạy quạt nước…

Thu nhập của nghề này phụ thuộc nhiều vào tiền thưởng nên khi dịch bệnh xảy ra công nhân rất dễ chán nản. Hơn nữa, do thiếu lao động nên các DN thường đưa ra mức lương cao để “hút” lao động của nhau. Thậm chí công nhân vi phạm kỷ luật bị chỗ này đuổi việc thì chỗ khác lại sẵn sàng nhận vào”, ông Hiện nói.

Anh Danh Sun, ở xã Hòa Điền, Kiên Lương cho biết: “Làm công nhân nuôi tôm thu nhập cao nhưng rất cực. Tôm càng lớn thì càng phải theo dõi kỹ, cho ăn ngày mấy cữ, nửa đêm cũng phải thức dậy cho tôm ăn. Nơi nuôi thì ở xa xôi hẻo lánh nên dù có gần nhà cũng không thể bỏ về. Vì vậy, sau gần một năm đi nuôi tôm tui và một số anh em khác đã quyết định bỏ việc về đi làm phụ hồ, thu nhập ít hơn nhưng xong việc là có thể về nhà với vợ con”.

Ít người theo học

ĐBSCL là vùng có thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản thế nhưng nhiều trường ở đây lại rất khó tuyển sinh những ngành này. Bà Trương Thị Trúc Loan, Trưởng phòng Đào tạo, Trường CĐ Nghề Kiên Giang cho biết, mỗi năm trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 800 học viên. Trong khi nhiều lớp như Kế toán DN, Điện công nghiệp, Quản trị mạng máy tính… có quá nhiều thí sinh chen chân vào thì các lớp NTTS nước nặn, nước lợ, Chế biến & bảo quản thủy sản, Chăn nuôi gia súc, gia cầm lại rất ít thí sinh nộp hồ sơ theo học.

"Năm nào cũng vậy, trường phải cử giáo viên về tận các địa phương để tuyển nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu mở lớp. Theo quy định, mỗi lớp tối thiểu phải có 35 học viên nhưng có khi chỉ tuyển được 18-20 học viên theo học cũng đành phải mở lớp để đáp ứng nhu cầu các ngành nghề", bà Loan nói.

Cũng theo bà Loan, các DN NTTS thường than thiếu lao động có tay nghề nhưng chưa thấy đơn vị nào đến đặt vấn đề liên kết đào tạo. Họ thường chờ các trường đào tạo sẵn rồi căn cứ vào kết quả học tập để nhận về. Trong khi đó, đặc thù các ngành nghề về nông nghiệp, NTTS thường ở nông thôn, vùng sâu vùng xa nên không thu hút được lao động, nhất là những học viên vừa ra trường thường thích sống ở các đô thị hơn.

Ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục NTTS Kiên Giang phân tích, sở dĩ nghề NTTS khó thu hút được lao động là do môi trường làm việc ở nơi hẻo lánh, xa nhà, công nhân lại phải làm việc toàn thời gian, thức đêm thức hôm… Công việc đơn điệu, được lập trình sẵn như cái máy, trong khi tuổi trẻ lại thích năng động. Chính vì vậy, không ít lao động sau một thời gian đi làm đành chấp nhận bỏ ngành nghề đã học để đi tiếp thị thuốc thú y, thức ăn thủy sản… Do đó, các DN NTTS rất dễ mất lao động, dẫn đến tình trạng thiếu công nhân trầm trọng.

Xem thêm
Tôm hùm bông chết tại Vạn Ninh, Cục Thủy sản đề nghị tăng cường quản lý

Cục Thủy sản đề nghị Cục Thú y hỗ trợ, hướng dẫn địa phương tìm tác nhân để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng tôm hùm chết ở Khánh Hòa.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.