| Hotline: 0983.970.780

Có đầu ra, mới mở lớp

Thứ Năm 06/09/2012 , 14:22 (GMT+7)

Để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người học nghề, có nghề là có việc, trước khi mở lớp, các trung tâm nghề đi khảo sát DN cần lao động nghề gì, sau đó mới mở lớp...

Dựa vào thế mạnh phát triển công-nông nghiệp, tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho lao động nông thôn. Sau khóa học, nhiều người có công văn việc làm ổn định, nhưng một số nghề đào tạo xong thì "chữ thầy lại trả cho thầy".

>> Cần nghề này, học nghề khác
>> Nghề cần thì không người học

Nghề cần thì đào tạo

Ông Hoàng Nguyên Hưng, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH Hưng Yên cho biết: “Để đảm bảo học viên có nghề có việc chúng tôi xác định đào tạo nghề gì, học cái gì, đầu ra như thế nào, từ đó mới mở lớp. Hưng Yên có nhiều khu công nghiệp thu hút lao động, trong khi lao động tại địa phương thiếu tay nghề. Xác định nhu cầu, chúng tôi tập trung đào tạo các nghề mà khu công nghiệp cần, do đó học viên đều được tuyển dụng”.

Để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người học nghề, có nghề là có việc, trước khi mở lớp, các trung tâm nghề đi khảo sát DN cần lao động nghề gì, sau đó mới mở lớp. “Trong quá trình đào tạo phải làm biên bản cam kết. Học viên phải đáp ứng được yêu cầu của DN; nếu bỏ dở lớp học phải bồi thường kinh phí. Bằng cách làm này thì học viên học tốt và đáp ứng yêu cầu DN, cũng vì thế mà đa số học viên đều có việc làm”, ông Hưng chia sẻ.

Cũng cách làm trên, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi là một điển hình. Trong 2 năm qua xã mở 5 lớp dạy nghề chạm bạc cho 280 học viên, 3 lớp nghề mây tre đan cho 160 người. Trước khi mở lớp, xã xác định nên dạy nghề chạm bạc bởi đây là nghề truyền thống của địa phương, hiện nhu cầu lao động về nghề này rất nhiều.

Ông Nguyễn Văn Úy, Phó chủ tịch UBND xã Phù Ủng cho biết: “Nhiều học viên sau khi được đào tạo nghề, người thì mở cơ sở, người thì làm thuê cho DN gần nhà, rời quê đi làm ăn xa..., bình quân thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên số lao động làm nghề chạm bạc mỗi năm mất vài tháng “ngồi chơi xơi nước”, bởi DN không có đơn đặt hàng.

Còn nghề mây tre đan, khi mở lớp chúng tôi làm bản cam kết giữa người học và Cty. Nhưng sau học nghề có đến 30% học viên không được nhận vào làm, bởi họ đã lớn tuổi, đi lại khó khăn không đáp ứng yêu cầu".  

Không giữ nổi nghề

Xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi có làng Mão Cầu, một trong những làng nghề nón đặc trưng ở đồng bằng Bắc bộ. Năm 2011, thực hiện đề án 1956, Hội Nông dân huyện Ân Thi đã tổ chức một lớp dạy nghề nón nhằm phát triển nghề và tạo công ăn việc làm cho lao động. Học viên phấn khởi tham gia khoá học, sau khi thành thục nghề thì bắt tay vào làm. Thế nhưng bà con làm ra sản phẩm không tiêu thụ được, hàng luôn ế ẩm nên chẳng mặn mà, hầu hết đều chuyển sang làm nghề khác. 

Bà Nguyễn Thị Loan, thôn Niên Xá, một người tham gia khoá học cho biết: “Học xong có nghề nhưng rồi về... cũng để đó. Nón thường bán chạy nhất vào những tháng hè. Khi hàng bán chạy, thương lái đến đặt hàng và thu mua tại chỗ, rồi chuyển đi các tỉnh  nhưng vào các mùa khác thì không ai mua nữa. Gần đây thì vào mùa hè người mua cũng ít dần, sản phẩm làm ra nhưng không tiêu thụ được nên chúng tôi bỏ nghề”.

Tâm sự không khác bà Loan, bà Phạm Thị Hằng bày tỏ: “Làm nón là một nghề phụ nhưng cho nguồn thu nhập khá, giúp gia đình có nguồn chi tiêu. Trước đây thợ giỏi khâu được 3 cái/ngày, giá từ 25.000-35.000 đ/cái, riêng nón khâu hoa văn tỉ mỉ thì giá bán hiện nay là 80.000 đ/cái. Trừ chi phí nguyên vật liệu (lá, nứa, cước và một số phụ kiện) từ 5.000-7.000 đồng/cái, người làm nón lãi khoảng 20.000 đồng, tức là thu được 60.000 đ/ngày. Nhưng giờ đây, sản phẩm làm ra khó bán, thợ giỏi khâu nhanh cũng khó bán hàng nên thu nhập chỉ 20.000-30.000 đ/ngày, quá thấp so với mức chi tiêu”.

"Trung ương cần thông báo kinh phí về sớm để địa phương chủ động phương án đào tạo. Kinh phí đào tạo nghề theo đề án 1956 cho địa phương rất thấp, vì "đói vốn" nên chất lượng dạy nghề chưa cao. Chính phủ nên phân bố rõ ràng nguồn kinh phí dạy nghề, chẳng hạn nghề nông nghiệp thì phân vốn thẳng về cho ngành NN-PTNT, nghề liên quan đến nội vụ thì phân cho ngành Nội vụ, chứ cứ giao Bộ LĐ-TB&XH thì Bộ này "ôm" sao nổi?", ông Hoàng Nguyên Hưng.

Trường Trung học Kinh tế-kỹ thuật Tô Hiệu (Hưng Yên), một trong những cơ sở đào tạo nghề nông nghiệp như chăn nuôi gia súc, gia cầm, thu ý, trồng cây lương thực, cây ăn quả… mấy năm qua đã cho “ra lò” hàng ngàn "kỹ sư chân đất". Bình quân mỗi năm trường đào tạo từ 1.000-1.500 học viên.

Ông Đỗ Trọng Hoàn, GĐ Trường Trung học Kinh tế-kỹ thuật Tô Hiệu cho biết, dạy nghề cho nông dân là việc cần làm, tuy nhiên chúng ta phải định hướng cho họ học nghề gì để tránh tình trạng có nghề nhưng không có việc. Người dân đang thiếu định hướng, họ không biết học nghề gì, nên phải rõ nhu cầu về việc làm để đào tạo. Chẳng hạn như ở Hưng Yên người dân có đất trồng nhãn nhưng thiếu kỹ thuật chăm sóc. Vì vậy phải đào tạo để bà con SX đạt năng suất cao hơn.

"Có một thực tế, tại các lớp học thì một số học viên thay nhau đến lớp, họ đến không phải vì về học nghề mà đến nhận tiền trợ cấp 30.000-50.000 đ/ngày. Nhiều trường hợp buổi sáng chồng đi học, buổi chiều vợ đi thay. Nhiều người có nghề nhưng vẫn thất nghiệp không mặn mà với nghề mình được học.

Đào tạo nghề không đúng, không trúng thì rất lãng phí tiền của. Phải xác định đúng đối tượng cần học nghề gì thì đào tạo nghề đó. Nhiều học viên học nghề xong nhưng không có vốn để SX nên "chữ thầy lại trả cho thầy", ông Hoàn nói.

Xem thêm
Tôm hùm bông chết tại Vạn Ninh, Cục Thủy sản đề nghị tăng cường quản lý

Cục Thủy sản đề nghị Cục Thú y hỗ trợ, hướng dẫn địa phương tìm tác nhân để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng tôm hùm chết ở Khánh Hòa.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.