| Hotline: 0983.970.780

Cách Thái Bình xây dựng NTM

Thứ Ba 05/07/2011 , 13:54 (GMT+7)

Là tỉnh nghèo nhưng Thái Bình lại có những bước đi bài bản, sáng tạo trong công cuộc xây dựng NTM.

Là tỉnh nghèo nhưng Thái Bình lại có những bước đi bài bản, sáng tạo trong công cuộc xây dựng NTM. Thái Bình đã có hẳn một nghị quyết về xây dựng NTM. Sau hai năm triển khai xây dựng NTM trên hầu khắp địa bàn toàn tỉnh, bộ mặt quê lúa đã thực sự đổi thay.

TUYÊN TRUYỀN ĐỘC ĐÁO

Thái Bình xác định, để xây dựng thành công mô hình NTM, trước hết phải chú trọng công tác tuyên truyền. Chỉ khi nào phần lớn cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa, mục đích, chủ trương của chương trình xây dựng NTM thì việc triển khai mới thật sự “xuôi chèo mát mái”.

NTM từ điệu chèo

Chúng tôi về xã NTM Thanh Tân, huyện Kiến Xương thấy vô cùng ấn tượng trước những điệu chèo say đắm lòng người phát ra từ loa truyền thanh của xã. Bất ngờ hơn, khi lời chèo có ca từ hoàn toàn mới mẻ, tuyên truyền chủ trương xây dựng NTM tại Thanh Tân.

Thấy chúng tôi mải mê nghe hát, ông Trần Văn An - một người dân ở đây tự hào khoe, bài chèo phát trên loa phóng thanh do một người làm ở Nhà văn hóa tỉnh Thái Bình sáng tác tặng xã Thanh Tân để phục vụ xây dựng NTM. Ngày xã nhà xây dựng NTM, bản thân ông An mỗi buổi sáng nghe loa đài tuyên truyền cũng dần hiểu được ví trí, vai trò, trách nhiệm của bản thân và gia đình.

Ông An cho hay, từ ngày Thanh Tân xây dựng NTM, mỗi sáng thức dậy ông đều chăm chỉ gấp chăn màn, dọn dẹp nhà cửa, vườn tược sạch sẽ, quy củ ngăn nắp hơn. Nhờ qua thông tin tuyên truyền, ông An hiểu được rằng, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa cũng là xây dựng NTM.

Theo sự giới thiệu của người dân xã Thanh Tân, chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Hồng Vân - Giám đốc Nhà Văn hóa tỉnh Thái Bình, người vừa "cho ra lò" hai bài chèo viết về mô hình xây dựng NTM. Sinh ra và lớn lên tại quê hương của những điệu chèo nên bà Vân hiểu trong dòng máu người dân Thái Bình đều có sẵn niềm đam mê loại hình nghệ thuật độc đáo này. Ngay khi biết tỉnh có chủ trương xây dựng NTM, bà nghĩ thay vì tuyên truyền qua những văn bản báo cáo khô cứng thì tại sao không đưa nó vào chèo, vừa dễ nghe mà hiệu quả tuyên truyền lại cao?

Nghĩ là làm, bà Vân lập tức khoác ba lô về 8 xã điểm xây dựng NTM tại Thái Bình tìm cảm hứng sáng tác. Sau nhiều tuần miệt mài chắt lọc câu chữ, tư liệu bà đã cho ra đời hai bài chèo viết về xây dựng NTM tại tỉnh nhà; một dành cho toàn Thái Bình, một dành riêng cho xã Thanh Tân.

Nghe những bài chèo của người bạn được phát hàng ngày trên Đài Truyền thanh tỉnh, ông Nguyễn Kim Tạo – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Thái Bình cũng ra tay sáng tác một loạt ca khúc ca ngợi quê hương, ca ngợi chủ trương xây dựng NTM. Vốn xuất thân từ một người lính và chẳng trải qua lớp đào tạo âm nhạc nào nhưng ông Tạo hiểu khá vững về nhạc lý. Xuất phát từ việc một số vị cao niên ở xã Thanh Tân gửi thơ về xây dựng NTM nhờ ông Tạo phổ nhạc, rồi qua các điệu chèo của người bạn bên Nhà Văn hóa tỉnh, ông Tạo thấy được ý nghĩa to lớn của chủ trương xây dựng NTM mang lại cho người nông dân, vậy là ông Tạo nổi hứng sáng tác loạt ca khúc về đề tài này.

Gặp chúng tôi, ông Tạo say sưa hát ca khúc “Quê em” mà ông vừa sáng tác, đang chuẩn bị tặng xã NTM Thanh Tân: “Râm ran ấm nước chè, đậm đà nghĩa Thanh Tân, chung tay cùng hiến kế, dựng xây xã thôn làng. Về quê em, tiếng trống chèo í a…”. Vừa hát, ông Tạo vừa phân tích rõ đoạn này, câu kia nói đến tiêu chí nào trong NTM, câu nào là động viên, câu nào là định hướng bà con nhân dân.

Công khai quy hoạch

Phải thừa nhận, công tác tuyên truyền đã góp phần to lớn làm thay đổi nhận thức của người dân Thái Bình trong công cuộc xây dựng NTM. Không chỉ tuyên truyền qua những điệu chèo, những lời thơ câu hát, 8 xã điểm xây dựng NTM tại Thái Bình còn vận dụng mọi lúc, mọi nơi để đưa NTM tới người dân.

Lãnh đạo một số xã tiến hành xây dựng thí điểm mô hình NTM tại Thái Bình cho rằng, việc tuyên truyền cho người dân cần phải có thời gian và quá trình, cũng giống như việc mưa dầm thấm đất vậy, đến một thời điểm nào đó nhất định bà con sẽ hiểu về chủ trương xây dựng NTM và đồng lòng tham gia.

Ông Mai Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Phúc, TP. Thái Bình cho biết, khi được tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng NTM, địa phương luôn đặc biệt chú trọng khâu tuyên truyền. Ngoài việc thông qua hệ thống loa truyền thanh xã, trong tất cả các cuộc họp giao ban, họp triển khai sản xuất hay giới thiệu những mô hình mới, xã Vũ Phúc đều lồng ghép chủ trương xây dựng NTM vào.

Còn có một cách tuyên truyền rất khác biệt tại Thái Bình, đó là tất cả 8 xã điểm xây dựng NTM đều có một bản đồ quy hoạch chi tiết rất lớn đặt trang trọng nơi trung tâm xã. Trên bản đồ quy hoạch ghi rõ các vùng quy hoạch sản xuất, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch cơ sở hạ tầng mà người dân nào khi xem cũng có thể hiểu.

Chánh Văn phòng xã Vũ Phúc vui vẻ bảo, từ khi có bản đồ quy hoạch chi tiết, buổi chiều nào cũng thấy có vài ba tốp người dân đứng lại xem xét, ngó nghiêng, nhiều người trước khi lên đường đi làm ăn xa còn đứng dưới tấm biển quy hoạch chụp ảnh làm kỷ niệm để nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.