| Hotline: 0983.970.780

HTX sống lại, DN ào ào đầu tư

Thứ Năm 22/12/2011 , 09:34 (GMT+7)

Chỉ tập trung thành cánh đồng lớn mới giúp SXNN tiến lên quy mô hiện đại

Những mảnh ruộng mẫu lớn cho phép mọi loại máy móc sản xuất có thể chạy hết ga hết số. Những con đường từ 6-10 mét chạy cách nhau từ 120-150 mét trên các cánh đồng trở nên hết sức lý tưởng cho những DN thu mua nông sản tận ruộng bán tận ngọn. Hệ thống thủy nông đồng bộ đảm bảo 90% sản xuất được mùa… Tất cả những cái đó đã hiện hữu ở Sóc Sơn (Hà Nội).

>> Bắt đầu từ cái dân quan tâm nhất
>> Hãy để nông dân là chủ thể thực sự

Dựng HTX sống lại

Với chính quyền và nhiều người dân nông thôn ở nhiều nơi, HTX nông nghiệp đã hết vai trò từ chục năm nay, nó đã thực sự “chết” khi mà nền kinh tế thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, ATVSTP, sản phẩm đồng đều và có số lượng lớn, trong khi những mảnh ruộng bé bằng lòng bàn tay lại không chuyển thành những cánh đồng mẫu lớn, tư tưởng chán ruộng ngày một xuất hiện nhiều.

Trong những năm qua, mặc dù Chính phủ chỉ đạo quyết liệt về việc đổi mới mô hình hoạt động của các HTX, nhưng không cứu vãn được tình hình. Các HTX nông nghiệp cứ nối đuôi nhau “ra đi”, những HTX ở lại thì vật vờ và trở thành những kẻ quá khờ khạo trong cơ chế thị trường biến động từng giờ, từng ngày. Ở Sóc Sơn cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng bây giờ, khi Sóc Sơn bắt tay vào xây dựng NTM bằng việc quy hoạch và tổ chức lại sản xuất đáp ứng theo nhu cầu của người tiêu dùng, phù hợp hơn với nền kinh tế thì các HTX sống lại.

"HTX ở Hồng Kỳ đã giải tán từ năm 2003, nay những vùng sản xuất chuyên canh hình thành, nếu không có HTX thì sẽ không có đầu mối nào đứng ra cung ứng vật tư cho dân, kết nối giữa người nông dân với thị trường, chính quyền xã thông không thể đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ cho dân được, chỉ có HTX mới làm được điều đó thôi. Người dân hiểu rõ điều đó và họ kiến nghị chúng tôi phải làm sống lại các HTX ngay lập tức. Trong tháng 12 này, HTX Hồng Kỳ sẽ ra đời", Bí thư Đảng ủy xã Hồng Kỳ Đỗ Thế Thọ khẳng định.

Theo chủ trương của huyện Sóc Sơn, việc quy hoạch lại đất đai chính là quy hoạch lại sản xuất. Tất cả những vùng đất trũng đều được chuyển thành vùng nuôi trồng thủy sản, các vùng đất cao bạc màu sẽ được chuyển thành những vùng chăn nuôi, những vùng đất cấy lúa năng suất cao sẽ được cấy các loại lúa hàng hóa chất lượng cao. Người dân có đất không có nhu cầu sử dụng thì khuyến khích chuyển nhượng cho người khác để hình thành nên những trang trại lớn, hiện đại. Tất cả nhắm tới thị trường tiêu thụ là nội thành Hà Nội chỉ cách đó chừng 30 km.

 Ông Đỗ Thế Thọ khẳng định, thị trường Hà Nội quá lớn, quá tiềm năng, hàng nông sản từ các địa phương như Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc đang chiếm lĩnh thị trường này, trong khi chúng tôi chỉ cách trung tâm Hà Nội 30 km lại không thể cung ứng được. Không phải người dân không biết điều đó, nhưng đất đai manh mún đã không cho họ một cơ hội nào. Cơ hội bây giờ mới đến với họ. Chắc chắn rằng trong 1-2 năm nữa, người dân Sóc Sơn sẽ làm được cái việc người dân huyện Đông Anh, Mê Linh đang làm.

Bên cạnh sự sống lại của các HTX nông nghiệp, là sự hình thành các HTX chuyên ngành như chăn nuôi lợn, sản xuất lúa hàng hóa, các tổ chức làm dịch vụ của tư nhân cung ứng vật tư cũng như tiêu thụ sản phẩm cho người dân. “Đa số nông dân Sóc Sơn trước đây đều làm đất bằng trâu, hoặc máy cày đùn tay. Bây giờ thì họ không thể dùng trâu để cày mấy mẫu ruộng được. Rồi việc thu hoạch, chăm sóc họ không thể làm bằng tay hết được. Anh cứ nhìn vào gần 1.000 người đang có mặt trên cánh đồng An Lạc hôm nay xem, có đến 70% là phụ nữ và người già thì sẽ thấy rõ điều đó. Vì thế tôi đã dự định mua máy cày có sức ngựa lớn, máy gặt, máy gieo hạt và có khả năng cả ô tô để chở phân bón, nông sản ngay trong tháng 12 này để phục vụ nhu cầu của dân. Đây là một cơ hội đầu tư không thể tốt hơn được", một người dân xã Trung Giã nói về dự định của mình.

DN “xin” được đầu tư

Khi triển khai Chương trình xây dựng NTM, Hà Nội đã có hẳn một chính sách khuyến khích DN đầu tư vào các xã NTM. Đại diện một DN cho hay, trước đây Hà Nội cũng hô hào, có chính sách hỗ trợ khi DN đầu tư vào các vùng nông thôn, đặc biệt là các vùng còn khó khăn như huyện Sóc Sơn, nhưng sản xuất trong tình trạng đất đai manh mún, người dân vẫn giữ tư tưởng bảo thủ, sản xuất không mặn mà nên hầu hết các nhà đầu tư vào đều không thành công. Thành phố còn hỗ trợ, DN còn làm, hết hỗ trợ là DN “lướt”, chứ sao chịu được.

Bây giờ thì khác, việc quy hoạch lại đất đai để hình thành nên những cách đồng mẫu lớn, nước nôi chủ động được, giao thông tiện lợi, tư duy của người dân đã thay đổi là phải sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa thì kể cả thành phố không có chính sách hỗ trợ, các DN chắc chắn cũng sẽ đầu tư vào.

Ông Ngô Đại Ngọc, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho biết, khi Sóc Sơn bắt đầu triển khai hình thành những cách đồng mẫu lớn, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã về đây chứng kiến tận mắt cơ sở hạ tầng của đồng ruộng, nhìn tận mắt việc người dân trao đổi bàn bạc với nhau để tích tụ đất đai… họ đã xin vào đầu tư ngay. Đến thời điểm này, các DN đang thảo luận với người dân.

Điển hình như XN giống cây trồng Hà Nội đầu tư sản xuất lúa hàng hóa bán cho các siêu thị tại Hà Nội ở các xã Hồng Kỳ, Tân Hưng, Minh Trí. Cty CP Bình Minh đã thuê đất của dân ở xã Thanh Xuân để tổ chức sản xuất rau an toàn và hoa công nghệ cao. TCty Thương mại Hà Nội đặt hàng tiêu thụ tất cả sản phẩm nông sản cho nông dân… Ngoài ra còn có các DN tư nhân đang bàn thảo với dân đầu tư chăn nuôi lợn, gia cầm, trồng nấm, hoa….

Theo chủ trương, tất cả các HTX đã "chết" sẽ được dựng dậy. Tất cả nông dân sản xuất theo ngành hàng sẽ thành lập lên các HTX chuyên ngành hoặc hội sản xuất chuyên ngành. Với những gì đang diễn ra tại Sóc Sơn, sự sôi động của một nền nông nghiệp thị trường ở vùng đất nghèo khó này sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Phương thức DN vào đầu tư là hết sức đa dạng. Với cây lúa, DN sẽ cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và phân bón sau đó thu mua theo giá thị trường. Với rau màu thì DN ký hợp đồng thu mua với giá thỏa thuận đảm bảo cho người dân có lãi. Lại có DN thuê hàng chục héc - ta đất của dân trong vòng 5 đến 15 năm hoặc dân lấy đất góp vốn sau đó làm thuê cho DN. Nghĩa là người nông dân sẽ có hai khoản thu nhập là tiền làm thuê và tiền cho thuê đất.

Trong khi đó, một số người đấu thầu đất vùng trũng của xã theo nhiệm kỳ HĐND 5 năm một để chăn nuôi thủy sản, gia súc gia cầm bấp bênh đang có xu hướng liên kết lại với nhau để thuê lại đất của dân hoặc quỹ đất dôi ra đang được địa phương quản lý đầu tư dài hạn, bài bản. Một ông chủ trang trại xã Việt Long khẳng định: “Thay vì trước đây mình phải làm việc với 100 hộ mới có thể thuê được 1 ha đất và chỉ cần 2 hộ không đồng ý thôi là mình đã không làm được thì nay chỉ cần làm việc với 10 hộ. Vì thế việc thuê lại nhiều đất của dân để sản xuất đã hết sức dễ dàng. Tôi cho rằng đây là thời điểm chín muồi cho những người dám nghĩ, dám tích tụ đất đai làm ăn lớn".

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm