| Hotline: 0983.970.780

Ngưng trệ vì đất ế

Thứ Sáu 17/08/2012 , 08:55 (GMT+7)

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, nhiều địa phương có chủ trương đấu giá quyền sử dụng đất để có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng NTM.

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, nhiều địa phương có chủ trương đấu giá quyền sử dụng đất để có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng NTM. Tuy nhiên, hiện nay bất động sản "đóng băng" đã khiến việc xây dựng NTM ở một số nơi bị ngưng trệ.

>> Nỗi lo tiêu chí “chọi” nhau
>> Một số bất cập trong xây dựng NTM

Nhiều công trình phải "đắp chiếu"

Tháng 3/2011, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây được UBND TP Hà Nội phê duyệt đề án xây dựng xã điểm NTM của thị xã. Đề án xây dựng với nguồn kinh phí 264 tỷ đồng. Tính đến 6/2012, tổng nguồn vốn thực hiện là 13,6 tỷ đồng, trong đó vốn của thành phố 9,4 tỷ đồng, thị xã hơn 3,6 tỷ đồng và vốn khác 500 triệu đồng. Trong khi đó, nguồn vốn xã, vốn lồng ghép các Chương trình Mục tiêu quốc gia, dân đóng góp, xã hội hoá, doanh nghiệp... chưa có đồng nào.

Ông Nguyễn Long Giang, Chủ tịch UBND, Phó ban Thường trực BCĐ Chương trình xây dựng NTM xã Sơn Đông, cho biết: Trong tổng nguồn vốn xây dựng NTM xã Sơn Đông là 264 tỷ thì có 51 tỷ là ngân sách xã. Để có nguồn vốn này, xã trông chờ vào việc đấu giá quyền sử dụng đất. Theo chủ trương của UBND TP Hà Nội, Sơn Đông được bán 17ha đất (trong đó 10ha đất nông nghiệp và 7ha đất xen kẹt) để xây dựng hạ tầng trong quá trình xây dựng NTM. Dự kiến, số tiền đấu giá 17ha đất thu về 106 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Sơn Đông chưa bán được diện tích đất nào.

Theo kế hoạch đề ra, đến cuối năm 2012, xã Sơn Đông hoàn thành các tiêu chí NTM nhưng thực tế cho thấy, đây là "nhiệm vụ bất khả thi". Theo ông Giang, hiện một số công trình trên địa bàn xã đành phải "đắp chiếu" do đất chưa bán được. Trong khi nguồn vốn của thị xã thì hạn hẹp, chỉ có nguồn vốn của thành phố xây dựng được một hạng mục, nay cũng đã hết.


Tuyến đường nội đồng xã Sơn Đông dang dở vì không có vốn

Dẫn chúng tôi ra con đường nội đồng dự định xây dựng trong năm nay để kết hợp dồn điền đổi thửa, ông Giang bày tỏ: Theo kế hoạch, xã tiến hành xây dựng 6 tuyến đường nội đồng chính, hiện đã giải toả, chỉnh trang lại nhưng nay phải ngưng lại. Để tháo gỡ, xã tiến hành rút từ 6 tuyến xuống 3 tuyến nhưng nay cũng không thể xây dựng được. Chưa dừng lại đó, 27km kênh mương nội đồng đã có kế hoạch thực hiện nhưng nay xã chưa dám "đụng" đến vì không vốn.

Ông Giang tâm sự: Nếu bán được đất thì xã có nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, hiện nay bất động sản "đóng băng", đất không có ai mua hoặc có mua thì giá rất rẻ mạt. Số diện tích đất xen kẹt được xã mời chào nhưng cũng không ai đoái hoài.

Chưa dừng lại đó, ông Giang dẫn chúng tôi đến trường Tiểu học xã Sơn Đông. Trường được xây dựng với nguồn vốn của thị xã Sơn Tây nhưng đến nay phải bỏ dở. Ông Giang cho biết: Trong năm 2012, theo dự kiến thị xã Sơn Tây sẽ thu 167 tỷ tiền đấu giá quyền sử dụng đất, số tiền này được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có trường Tiểu học Sơn Đông, thế nhưng đến nay thị xã mới thu được 2 tỷ nên đành ngậm ngùi nhìn ngôi trường xây dựng dở dang.


Trường Tiểu học Sơn Đông đang phải "đắp chiếu"

Đâu đâu cũng kêu

Năm 2011, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) được chọn làm xã điểm xây dựng NTM. Đề án xây dựng NTM xã Võng Xuyên có kinh phí là 221 tỷ, trong đó ngân sách TP Hà Nội 22,7 tỷ; huyện 38,1 tỷ; xã là 42,3 tỷ; dân góp 21,2 tỷ; lồng ghép Chương trình Mục tiêu quốc gia là 67,6 tỷ; doanh nghiệp 31 tỷ.

Trong năm 2012, tổng số vốn được phê duyệt xây dựng NTM ở Võng Xuyên là 175,3 tỷ thì đến nay mới chỉ có vốn của thành phố 13,4 tỷ và vốn đóng góp của dân là 6,7 tỷ, còn lại huyện, xã, vốn lồng ghép, vốn doanh nghiệp và xã hội hoá chưa có một đồng nào.

Ông Đoàn Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND xã, Thành viên Thường trực BCĐ Chương trình xây dựng NTM xã Võng Xuyên, cho biết: Theo đề án thì nguồn vốn xã là 42,3 tỷ đồng, số vốn này được lấy từ việc đấu giá đất. Sau khi rà soát thì trên địa bàn xã có 131 lô đất thuộc 3ha đất xen kẹt. Ngoài ra, xã quy hoạch 5ha đất nông nghiệp đấu giá tập trung. Tuy nhiên, giai đoạn này đất không thể bán được nên xã không có vốn để đầu tư xây dựng. Hiện nay, các hạng mục đều trông chờ nguồn vốn của thành phố, vốn lồng ghép và do dân đóng góp.

Giống với Hà Nội, các xã xây dựng NTM ở Hải Dương cũng được đấu giá quyền sử dụng đất để lấy vốn xây dựng NTM. Theo đó, các xã sẽ được nhận 60% số tiền từ việc đấu giá đất để đầu tư xây dựng NTM. Như ở xã Đồng Gia, huyện Kim Thành, vào tháng 5/2011, phê duyệt bán 36 lô đất nông nghiệp, ước tính thu về khoảng 20 tỷ đồng.


Chợ xã Đồng Gia (huyện Kim Thành, Hải Dương) sắp hoàn thành nhưng còn nợ doanh nghiệp

Kế hoạch bán đất được triển khai cộng với nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện nên xã Đồng Gia bắt tay xây dựng chợ, trường học mầm non, trường trung học cơ sở, nhà thể thao đa năng với số tiền 25 tỷ đồng. Khi chưa bán được đất, xã đã mời các doanh nghiệp vào thi công các hạng mục cơ sở hạ tầng. Thế nhưng, đến tháng 9/2011, xã Đồng Gia tổ chức đấu giá đất thì không có ai tham gia.

Ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch UBND, Phó BCĐ Chương trình xây dựng NTM xã Đồng Gia, cho biết: Trông chờ vào đất nhưng giai đoạn bất động sản trầm lắng nên người mua không mặn mà. Trong khoản 25 tỷ xây dựng cơ sở hạ tầng thì nay xã mới thanh toán từ vốn hỗ trợ của tỉnh và huyện là 6 tỷ, hiện xã nợ 19 tỷ. Tiền chưa có trả nhưng xã đã thỏa thuận với các Cty, doanh nghiệp nên các công trình vẫn tiếp tục xây dựng. Trước mắt, trong số 36 lô đất thì xã đành dành 19 lô bán với giá rẻ; từ 800 triệu/lô xuống còn 400 triệu.


Khu vực 36 lô đất xã Đồng Gia (huyện Kim Thành, Hải Dương) không ai mua

Còn với xã Đồng Lạc (huyện Nam Sách, Hải Dương), để thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã cần 107 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách xã 63,4 tỷ, số tiền này được thu từ đấu giá quyền sử dụng đất. Trong năm 2010, xã cho đấu giá 1ha đất ao, ngòi thì đã bán được 0,5ha, thu về 40 tỷ. Xã đem số tiền này xây dựng cơ sở hạ tầng, nay đã hết nhưng đường nội đồng, thuỷ lợi... vẫn còn dang dở.

Ông Mạc Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng BCĐ Chương trình NTM xã Đồng Lạc, cho biết: Hiện tại, xã còn 15km hệ thống giao thông đường nội đồng, cần vốn hơn 17 tỷ để đầu tư; ngoài ra, xã cần nâng cấp hành lang đường giao thông xã, thôn hết khoảng 2 tỷ, trong khi nguồn vốn của tỉnh, huyện lại hạn hẹp nên còn gặp rất nhiều khó khăn.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.