| Hotline: 0983.970.780

PGS-TS Trần Đình Thiên: "Không ai làm KCN theo kiểu xây chuồng bò"

Thứ Sáu 09/03/2012 , 09:26 (GMT+7)

PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng việc xây dựng các KCN rồi để hoang sẽ để lại những hệ lụy khôn lường.

PGS-TS Trần Đình Thiên
Về vấn đề NNVN nêu trong loạt bài "Chỉ có gió và cỏ", PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng việc xây dựng các KCN rồi để hoang sẽ để lại những hệ lụy khôn lường.

>> Những chiêu trò xí phần: Trên có kế sách, dưới có... đối sách
>> Những chiêu trò xí phần: Có ưu đãi tội gì không xí
>> Xã “đầu binh cuối cán”, dân tự cứu mình
>> Ý kiến chuyên gia
>> Cuộc chiến vì niêu cơm
>> Tan giấc mơ công nhân
>> Chủ đầu tư ''nổ'', dân khốn khổ
Khu công nghiệp mang lại nỗi buồn
Bi kịch hai đầu

Thưa ông, câu chuyện quy hoạch, xây dựng các KCN đang là đề tài nóng cho các cuộc tranh luận. Với tư cách chuyên gia kinh tế, ông đánh thế vấn đề này thế nào?

Tổng thể, chuyện quy hoạch KCN, cách làm của chúng ta đang mang tính phong trào cao quá. Các địa phương cứ đua nhau làm, không theo một quy hoạch thống nhất nào cả. Tất nhiên cũng thu được nhiều vốn, cũng có nhiều DN tạo ra được một số việc làm… nhưng so với kỳ vọng cũng như nguồn lực bỏ ra thì hiệu quả thu được chưa cao, thậm chí trong nhiều trường hợp còn rất thấp. Chính cách làm ấy dẫn đến những hệ lụy.

Thứ nhất, một khi đã ồ ạt lập các KCN, thì đương nhiên các địa phương phải tạo ra một cuộc đua để “lấp đầy”, mà đã đua nhau thì chất lượng sẽ giảm. Ông chỉ cốt lấp đầy để báo cáo thành tích rằng “địa phương của em xong rồi”, chứ còn chất lượng bên trong như thế nào thì ông chẳng cần quan tâm. Việc nhận các dự án có chất lượng vào đầu tư bị xem nhẹ nên chất lượng công nghệ, dự án hiện nay ở KCN của chúng ta đang còn rất thấp.

Hệ lụy này rất nghiêm trọng, bởi nên nhớ rằng khi một dự án có công nghệ thấp thì chúng ta phải nuôi nó 30-40 năm vì không ai làm một KCN, một nhà máy mà 5-10 năm lại đập bỏ giống như kiểu xây chuồng bò được. Chung sống chừng ấy năm với một công nghệ thấp sẽ làm đất nước đứng lại, thậm chí là tụt hậu, chứ đừng nói là tiến lên.

Thứ hai là vấn đề về đất đai. Khi các địa phương triển khai làm KCN, tôi thấy rằng dường như họ không tính đến chuyện hạ tầng, điều cốt yếu để thu hút nhà đầu tư mà để cho nhà đầu tư lựa chọn. Còn các nhà đầu tư thì bao giờ cũng chiếm đất ngon nhất, chọn nơi thuận tiện nhất, gần đô thị nhất, gần sông, gần cảng nhất…

Như vậy, vô hình trung, các địa phương đang tự đẩy mình vào thế khó khi đối chọi với nhau để làm cái gọi là “khát vọng đầu tư”, thưa ông?

Câu chuyện làm KCN có thể coi là “bi kịch hai đầu”. Việc các KCN không lấp đầy, nông dân là người đầu tiên gánh hậu quả: mất đất, không việc làm. Đáng lý ra chúng ta phải làm công nghiệp theo cách Nhà nước chủ động quy hoạch dựa trên tổng thể lợi ích quốc gia, cho công nghiệp vào những chỗ hoang vắng, những chỗ làm nông nghiệp không thuận lợi… rồi xây dựng hạ tầng để thu hút nhà đầu tư. Đằng này cứ để nhà đầu tư tự chọn thì đương nhiên tính tối đa lợi ích, tính cục bộ bao giờ cũng đặt lên hàng đầu chứ không phải lợi ích tổng thể.

Chúng ta đang sử dụng từ “cụm công nghiệp (CCN)”, thế nhưng CCN của chúng ta đang ở tầm cấp xã, cấp huyện. Trên thế giới, khái niệm CCN là sự hỗ trợ, liên kết với nhau thành một chuỗi khép kín, tối ưu hóa… ở trong CCN ấy. Nó giải quyết được rất nhiều vấn đề, không cần kho bãi, không cần vận tải bởi tất cả đều thuộc nội khu trao đổi với nhau. Còn CCN của chúng ta giống như bách hóa tổng hợp của những xí nghiệp công nghệ thấp. Lò vôi, lò gạch, lò ngói, lò rèn có hết ở trong đấy. Nó không thành chuỗi được vì công nhân trình độ thấp, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm…

Một mặt nữa là thể chế. Để thu hút đầu tư tốt thì thể chế phải tốt. Thể chế KCN của chúng ta đang còn thấp, luật lệ không nghiêm, yếu tố làng xã ở đầy trong đó.

Như vậy, rõ ràng việc các địa phương thi nhau thu hút đầu tư, trong khi số lượng các DN có hạn, dẫn tới việc “đại hạ giá” về cơ chế, chính sách ưu đãi, thưa ông?

Cuộc đua lấp đầy ở các KCN rất phức tạp. Đất đai ông nào cũng nhiều nên phải hạ giá để mời DN vào theo kiểu “mày cứ vào đây đi, tao cho hết”. Thế thì chết rồi còn gì! Nước mình đã nghèo, lại còn dùng chiêu ưu đãi nữa thì chẳng khác gì đang tự bán rẻ mình đi. Trong khi đó, các nhà đầu tư lớn, đầu tư dài hạn thì ưu đãi không phải là yếu tố quan trọng nhất. Cái người ta cần là môi trường minh bạch, thể chế rõ ràng để còn làm ăn lâu dài thì mình lại chẳng chú trọng. Cứ cái món “ưu đãi” mà giã thôi thì chết là phải. Chúng ta sử dụng thể chế làng thì chỉ khuân được những DN kém vào thôi. Chứ còn những DN “đẳng cấp” họ không vào vì thể chế không tương xứng.

Cục bộ + nhiệm kỳ = cực kỳ nguy hiểm

Nhiều nhà kinh tế cho rằng, nếu chúng ta cứ làm KCN kiểu này thì chắc sẽ không hiệu quả bằng trồng lúa. Ông nghĩ sao?

Phải nói đúng ra là KCN bỏ hoang không bằng trồng lúa, bởi họ có làm gì đâu. Đây là lãng phí tuyệt đối, hệ quả của việc quy hoạch sai lầm. Phải có quy hoạch chung, phải có sự lựa chọn. Nhưng nhiều khi chúng ta chọn sai bởi vì chọn xong rồi giao cho chủ đầu tư muốn làm gì thì làm. Cái đấy là cái tệ hại nhất.

Phải đặt ra câu hỏi là Việt Nam định thành một nước công nghiệp như thế nào? Tôi thì thấy rằng, công nghiệp của chúng ta chả có vị thế gì, cái gì cũng có nhưng chẳng cái gì ra cái gì bởi thiếu tầm nhìn. Tiền của quốc gia công thổ, đất của nông dân cứ đem ra lập KCN thì không được. Nó phải đặt trong một tầm nhìn, đặt trong quy hoạch tổng thể định hướng: Công nghiệp Việt Nam sẽ như thế nào? Cứ tưởng mình lắm núi đá mà làm xi măng thì không ổn.

Rõ ràng, việc không có quy hoạch trong phát triển các KCN thành lỗi hệ thống. Theo ông, có lợi ích nhóm ở đây không?

Chắc chắn là có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, kiểu “tôi phải lo cho địa phương tôi đã”. Trong địa phương, ông nào làm dự án thì khuân KCN về kiếm ít. Phần trăm, phần treo có cả. Ngay cả khi không có lợi ích dự án thì cũng có lợi ích ngân sách.

Nhà nước chọn cách làm công nghiệp tập trung là đúng, nhưng tôi nói, một tỉnh chỉ tập trung một vài khu thôi, còn bây giờ tỉnh nào cũng bày ra rồi lại phải chạy theo để lấp đầy. Phải bỏ cái tư tưởng “đua nhau lấp đầy” để tập trung cho một hai cái thuận lợi, phù hợp nhất thôi. Chúng ta đang cấp đất bừa bãi quá. Đất đai ngày càng quý. Làm gì cũng phải giữ được đất, nên phải tính lại quy hoạch KCN. Đi kèm với đó là phải xây dựng hệ thống khuyến khích, có thưởng có phạt.  Đất đai nông nghiệp hàng nghìn năm đem đổ đất đổ cát lên rồi bỏ hoang, bây giờ làm thế nào? Phải xử lý trách nhiệm thôi. Cả một hệ thống sai thì phải sửa thôi, nguồn lực của ông chưa đủ thì phải chặn lại đã, đừng làm thêm gì nữa.

Khái niệm lợi ích nhóm cần phải hiểu rộng ra nữa. Nếu ông đặt lợi ích nhóm lên hàng đầu thì buộc phải quên lợi ích tổng thể và dài hạn. Tôi nhấn mạnh từ dài hạn bởi nó gắn với tư duy nhiệm kỳ. Cục bộ mà cộng với nhiệm kỳ thì cực kỳ nguy hiểm. Không gian thành một cục, thời gian thành một đoạn còn tổng thể dài hạn, chiến lược thì không ai nghĩ đến. Họ có lỗi không? Có. Nhưng đầu tiên phải xét những người đã thiết kế ra một cơ chế như thế. Những cơ chế chính sách ban đầu đẻ ra động cơ nhóm, đẻ ra tư duy ngắn hạn như vậy. Cho nên nếu muốn sửa thì phải sửa cả hệ thống.

Làm sai dễ hơn sửa sai rất nhiều

Thưa ông, trước việc các địa phương ồ ạt quy hoạch KCN rồi bỏ hoang, Chính phủ mới đây đã ra Chỉ thị yêu cầu không cấp phép thành lập KCN, CNN mới. Ông đánh giá động thái này thế nào?

Chỉ thị cho dừng lại thì đúng rồi, nhưng giá mà sớm thì tốt hơn rất nhiều. Nhưng khó ở chỗ, dừng lại chưa hẳn đã giải quyết được chuyện không tăng thêm lãng phí đất đai nữa. Trong kinh tế học có một khái niệm gọi là “điều chỉnh cơ cấu” thì chỉ thị này chính là để điều chỉnh. Nhà nước muốn dừng lại vì nguồn lực có hạn nhưng điều chỉnh cũng rất tốn tiền. Ví dụ ở một tỉnh có 10 KCN, bây giờ Nhà nước chỉ giúp 3 khu thôi, thế thì 7 khu còn lại thế nào? Như KCN Biên Hòa ở Đồng Nai chẳng hạn. Công nghệ thấp, lương công nhân thấp, ô nhiễm, nằm chình ình giữa thành phố nhưng thời hạn thuê còn mấy chục năm nữa nên khó. Đó là tầm nhìn khi bắt tay làm công nghiệp. Ngay từ đâu ông phải quy hoach xa trung tâm đi chứ. Làm công nghiệp mà mới 10-20 năm đã phải chuyển đi thì chết.

Sai thì phải sửa, nhưng sửa thế nào lại phải bàn vì làm sai dễ hơn sửa sai rất nhiều. Khi làm, bàn mãi mới ra được chính sách vẫn còn sai nữa là sửa. Mình là nước đi sau, cái gì các nước đi trước cũng nghĩ ra hết cả rồi. Chỉ có điều khi mình làm lại quên ngẩng mặt lên nhìn các nước đi trước. Nhìn sơ sơ tưởng ổn, chưa học hết bài vở đã cắm cúi làm. Vì vậy khi làm xong thì các nước khác đã chạy đi đâu xa lắm rồi. 

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm