| Hotline: 0983.970.780

Mất mùa vì chuột

Thứ Ba 27/08/2013 , 10:13 (GMT+7)

HTX Hoành Vinh, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) có gần 200 ha lúa HT và gần nửa diện tích được hợp đồng làm CĐML đã bị chuột tàn phá nặng nề.

Đứng trên con đê rộng, nhìn xuống cánh đồng lúa xuộm úa, ông Võ Doãn Dực, Chủ nhiệm HTX Hoành Vinh, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đượm buồn: Hơn 13 năm làm trưởng thôn và hiện là Chủ nhiệm HTX, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh chuột phá hại khủng khiếp như năm nay.

Theo ông Dực, HTX có gần 200 ha lúa HT và gần nửa diện tích được hợp đồng làm cánh đồng mẫu lớn cho DN đã bị chuột tàn phá nặng nề, trong đó 130 ha mất trắng, diện tích còn lại bị ảnh hưởng từ 15 - 20%...

Thức đêm diệt chuột

Trời sẩm tối, khi tiếng loa truyền thanh thôn Hoành Vinh phát tín hiệu, kêu gọi người dân ra đồng đặt bẫy, làm rọ, cắm lại hàng rào ni long, rải thêm thuốc diệt chuột...

Bước vào đầu vụ, xác định chuột sẽ có nguy cơ phát triển, Ban quản lý HTX Hoành Vinh đã tích cực vận động bà con bằng mọi cách diệt trừ. Ông Võ Quang Ngùng, Phó thôn kiêm Phó Chủ nhiệm HTX Hoành Vinh cho hay: “HTX trích tiền mua thuốc diệt chuột, bả sinh học, ni long làm tường chắn… hết gần 150 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải chi thêm hơn 5 tạ thóc làm mồi trộn thuốc nhử chuột”.

Để cho chắc ăn, HTX vận động bà con quây ni long từng đám ruộng chứ không quây rộng thành từng thửa lớn. “Quây như vậy nhằm hạn chế chuột thâm nhập và cũng dễ kiểm soát an toàn”, ông Ngùng cho hay.

Hầu như ngày, đêm nào, lãnh đạo HTX cũng đều có mặt ngoài ruộng cùng bà con xã viên để tìm cách hạn chế chuột phá. Nhưng dù làm đủ mọi cách, kiên trì đủ mọi kiểu thì cứ sau mỗi đêm, diện tích lúa bị phá hại đến vài ha.


Mất trắng vì chuột phá

Cánh đồng của HTX Hoành Vinh rộng 350 ha được quy hoạch thành từng thửa rộng qua các tuyến đê ngang dọc. Chuột tràn vào từ nhiều phía. Dọc hai bên thân đê, đường chuột di chuyển cứ đan xen nhau. Chuột đi nhiều quá làm cỏ chết rụi, tạo nên những lối đi chạy dài đến nhức mắt. Trên thân đê, cứ cách khoảng vài bước chân là dấu chuột đào hang đẩy đất ra còn mới, vàng thẫm.

Ông Ngùng chỉ tay vào một hàng chuột: "Nếu đào thì hỏng thân đê. Không đào thì mỗi hang này cũng đến hơn chục con chuột mẹ con. Rồi chúng sinh sôi nảy nở nhanh hơn lũ tràn”.

Làm hết cách diệt chuột mà khó giữ được lúa, ông Dực lên xã xin phép huy động trai tráng ra đồng dùng ắc quy điện để đánh chuột. Sau mỗi đêm, đến chừng 5 giờ sáng là cán bộ HTX có mặt tại ruộng để thu mua đuôi chuột với giá 2.000 đồng/cái. Sau 1 tuần, hơn 6.000 đuôi chuột được mua và đưa chôn kín.

Mất hơn… 800 tấn thóc

Ông Dực than thở: “Ban đêm, trên tuyến đê bao của dự án Thượng Mỹ Trung, chuột chạy tràn qua từng đàn nhìn mà khiếp. Các loại sâu bệnh, chúng tôi diệt được. Lũ sớm chúng tôi cũng chẳng ngại. Nhưng với nạn chuột như năm nay thì chúng tôi bị kiệt sức rồi”.

Đi ra đồng với chúng tôi, nông dân Võ Doãn Hiền bước như bị hụt chân. Ruộng của nhà ông lúa tốt bời bời. Vào giai đoạn lúa sắp cúi bông ông đã mừng khấp khởi. Ngày nào ông cũng ra cắm lại hàng rào ni long và cứ 3 ngày lại rải thuốc, bả sinh học. Vậy mà, chỉ sau 10 ngày, cả đám ruộng đã bị chuột phá sạch.


Hang chuột đào vào thân đê

Ông Hiền kể: “Tôi thấy rồi, chuột nó đi theo từng đàn, đứng như xếp hàng trên đê và nhảy vọt lên cao để vượt qua hàng rào ni long vào ruộng. Dù rào ni long có chắc đến mấy thì sau cả hàng chục, hàng trăm lượt nhảy của chuột cũng bị hư hại và rạp xuống. Vậy là như mở được cửa, chuột tràn vào. Tính ra, trên đồng này, gia đình tôi cũng mất gần 20 triệu đồng chi phí đầu tư”.

Ông Hiền và ông Ngùng lội ào xuống một đám ruộng. Hai ông quơ tay cầm lên mấy túm bông lúa khô trắng. Chuột trèo lên thân cây và cứ nhè vào cổ bông mà cắn. Bụi lúa nào cũng bị cắn hết sạch. Nhổ lên mấy bụi, ông Ngùng đưa lên cho chúng tôi xem kỹ, không bông nào còn sót hạt.

Khi kết thúc vụ ĐX, do giá lúa xuống thấp, giá vật tư phân bón cao nên nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng nông dân bỏ ruộng. HTX Hoành Vinh chủ động gieo cấy với diện tích gần 200 ha. HTX đã ký hợp đồng với TCty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An làm CĐML với diện tích 80 ha và hàng chục ha mô hình của các đơn vị khác.

 Thời tiết thuận lơị và được bà con chăm sóc kỹ nên lúa cứ tốt bời bời, hứa hẹn mùa vàng bội thu. Để tháo gỡ khó khăn cho nông dân, HTX chủ động đứng ra nợ các khoản dịch vụ, giống, phân bón…hơn 1,5 tỷ đồng.

Nhiều hộ nông dân như Nguyễn Văn Hiền, Nguyễn Chí Tình, Võ Khắc Quang… đầu tư SX trên diện tích 1 - 3 ha. Thấy lúa đẹp cứ khấp khởi mừng thầm có thu nhập lớn. Vậy mà, chỉ sau vài đêm, chuột phá nát đồng, nông dân mất sạch và đang phải nợ nần.

Trên cánh đồng rộng lớn chỉ thấy xơ xác. Còn khoảng hơn 50 ha lúa sát khu dân cư chưa bị chuột phá hại, đang giai đoạn chín rộ rực vàng dưới nắng. Cúi xuống ôm mấy bụi lúa sát đê với bông dài, trĩu hạt, ông Dực nói như tiếc: “Theo đánh giá thì những thửa ruộng chưa bị chuột phá như thế này, năng suất lúa đạt trên 65 tạ/ha. Đây là những giống lúa năng suất, chất lượng cao nên sức tiêu thụ rất lớn”.

Nhìn những vạt lúa trĩu bông, ông Dực nhẩm tính: “Nếu chỉ tính năng suất 65 tạ/ha và diện tích lúa bị mất trắng 130 ha thì thôn Hoành Vinh coi như mất đứt hơn 800 tấn thóc. Số nợ đầu vụ cũng phải trả chứ. Nhưng mất trắng rồi thì cũng khó. Chúng tôi hy vọng vào sự sẻ chia của các đơn vị để gắng sức làm tốt vụ tới”.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã An Ninh: Trước thiệt hại của bà con vì dịch chuột, mong các cơ quan ban ngành xem xét hỗ trợ. Có thể khoanh nợ cho bà con trong thời gian tới. Đó cũng là động lực để động viên họ tự mình đứng lên vượt qua khó khăn để an tâm bám đồng, bám ruộng.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.