| Hotline: 0983.970.780

Cây không dành cho người lười

Thứ Năm 19/12/2013 , 10:28 (GMT+7)

Là cây trồng đến muộn, khi các cây công nghiệp chủ lực đã phủ kín khắp Tây Nguyên và Nam Bộ, chỉ sau 5 - 7 năm xuất hiện, cây ca cao đã chen chân được ở các vựa cây công nghiệp ở Tây Nguyên, ĐBSCL... Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy đây không hẳn là cây trồng dễ tính.

Là cây trồng đến muộn, khi các cây công nghiệp chủ lực đã phủ kín khắp Tây Nguyên và Nam Bộ, chỉ sau 5 - 7 năm xuất hiện, cây ca cao đã chen chân được ở các vựa cây công nghiệp ở Tây Nguyên, ĐBSCL... Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy đây không hẳn là cây trồng dễ tính.

Muốn thu nhập cao, phải “nuôi con mọn”

Xã Yan Tao vốn là vùng đất pha cát bạc màu bậc nhất huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk). Vào mùa mưa, nông dân có thể trồng các loại cây lương thực ngắn ngày như bắp (ngô), sắn... Tuy nhiên với mùa khô kéo dài hơn nửa năm, vùng đất này dường như chẳng thể trồng nổi cây gì có thu nhập khiến cái đói nghèo dai dẳng người M’Nông. Sự đổi thay đáng kể cho vùng đất nghèo này có lẽ chỉ khi cây ca cao có mặt.

Bên ngôi nhà gỗ rộng thênh thang núp dưới vườn ca cao gần 1ha, chị Hbim Bkrông, một hộ dân tại Buôn Phốt, xã Yan Tao dẫn tôi ra vườn ca cao trĩu quả. Chị kể: Trước năm 2007, đất ở đây mỗi năm chỉ trồng được một vụ ngô năng suất thấp. Phần lớn thời gian mùa khô không đủ ăn, gia đình phải đi gom phân bò phơi khô, bán cho các chủ vườn cà phê kiếm tiền mua gạo qua ngày. Năm 2007, chủ trương trồng cây ca cao được Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Lắk phổ biến tới nông dân ở xã Yan Tao.


Xưởng sơ chế ca cao tại huyện Eaka (Đắk Lắk)

Theo đó, gia đình chị Hbim được huyện hỗ trợ 100 cây ca cao trồng thử. Sau 3 năm, đến cuối 2009, diện tích ca cao đầu tiên đã cho thu hoạch quả bói được trên 400 kg hạt khô. Chị Hbim đem bán hạt khô cho điểm thu mua của Cty TNHH Cargill Việt Nam được hơn 20 triệu đồng. Ngoài một số tiền dành cho mua lương thực, chị dành phần lớn để đầu tư trồng mới và mua máy bơm, ống dẫn nước tưới cho vườn ca cao.

Đến nay, gia đình chị Hbim đã có tổng cộng gần 1.000 gốc ca cao trên diện tích gần 1 ha. Trong đó 400 gốc đã cho thu hoạch. Năm 2012, trừ đầu tư phân bón, tiền điện bơm tưới, chị thu lãi từ vườn ca cao 56 triệu đồng. Khi vườn ca cao 1.000 gốc trưởng thành, sẽ cho thu hoạch bình quân 2 kg hạt khô/cây/năm.

Dự kiến năng suất hạt khô vườn ca cao của chị sẽ khoảng hơn 2 tấn/năm. Với giá ca cao ổn định trên 50 nghìn đồng/kg hạt khô như hiện nay, trừ chi phí gia đình chị thu lãi ít nhất 70 - 80 triệu đồng/năm. Bây giờ, căn nhà cũ nát trước đây đã được đập bỏ để xây nhà mới.

Nói về kỹ thuật trồng ca cao, chị Hbim chia sẻ: Ca cao là cây trồng chịu hạn rất tốt, tuy nhiên vào mùa khô, muốn có năng suất ca cao đạt yêu cầu từ 2 tấn hạt khô trở lên/ha, bên cạnh phải đầu tư về phân bón đúng quy trình, đòi hỏi phải tưới nước thường xuyên.

Từ năm 2008 đến nay, riêng tại thôn Buôn Phốt đã có khoảng 80 hộ trồng ca cao, tuy nhiên không phải ai cũng thành công. Nhiều hộ trồng ca cao xong bỏ bê không chăm sóc, không tưới nước, không có phân hữu cơ bón gốc giữ ẩm nên chỉ vài năm, ca cao còi cọc không cho thu hoạch.

Khi gặp giai đoạn ca cao xuống giá chỉ còn 40 nghìn đồng/kg hạt khô, cây cà phê lại được giá, họ lại chặt ca cao để trồng cà phê. “Thời gian thu hoạch ca cao rải đều từ 9 - 10 tháng/năm nên trồng giống như nuôi con mọn, nghĩa là ngày nào cũng phải thăm vườn, hái quả chín, cắt chồi, tỉa nhánh, kiểm tra sâu bệnh..., chứ không giống như trồng cà phê chỉ trồng, bón phân hay thu hoạch dồn dập mỗi năm vài ba dịp”, chị Hbim so sánh.

Sợ nhất sâu bệnh

Anh Nguyễn Lê Khánh, thôn Tân Nam, xã Ea Kênh (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắc Lắk) hiện có 0,8 ha ca cao đang giai đoạn trưởng thành, cho năng suất 2,5 tấn hạt khô/năm phân tích: Ca cao có thời gian kiến thiết cơ bản khoảng 3 năm tương đương với cà phê, tuy nhiên suất đầu tư cho mỗi ha trong 3 năm chỉ 25 - 30 triệu đồng, thấp bằng ½ so với cà phê.


Ca cao là cây trồng có giá trị nhưng khá khó tính

Một ưu điểm khác, công thu hoạch ca cao rất tiết kiệm so với cà phê. Theo đó, một lao động có thể thu hái được 1 tấn quả tươi/ngày (so với cà phê phải 12 - 13 người/tấn/ngày). Bên cạnh đó, do đặc thù ca cao thu hoạch rải đều cả năm nên không gây áp lực thuê mướn lao động mỗi dịp vào thời vụ thu hoạch như cà phê.

Những ưu điểm trên khiến mức đầu tư cho ca cao thấp hơn rất nhiều so với cà phê, trong khi tổng giá trị giữa cà phê và ca cao hiện nay thường không chênh lệch nhau là mấy nên lợi nhuận trồng ca cao thường cao hơn cà phê.

Tuy nhiên theo anh Khánh, so với cà phê thì ca cao không phải là cây dễ tính. Đặc biệt ca cao dễ dễ nhiễm các loại nấm bệnh như rệp, đặc biệt là các bệnh nấm gây thối thân, thối quả, phải phun trừ phải 6 - 7 lần/năm (so với cà phê chỉ 1 - 2 lần/năm). Nguy hiểm là hiện nay, nấm gây thối thân, thối quả ca cao chưa có thuốc phòng trừ đặc trị nên tỉ lệ thất thoát quả và chết cây khá cao. Đối với bệnh thối thân, muốn phòng trừ phải khoan chích thuốc vào tận gốc cây khá tỉ mỉ.

“Ca cao không thích nghi tốt với độ ẩm cao nên với đặc thù mùa mưa Tây Nguyên kéo dài, càng dễ gây nấm mốc nên phải phòng trừ thường xuyên. Tỉ lệ chết của vườn ca cao thường từ 3 - 5%/năm nên giảm sản lượng tương đối lớn”, anh Khánh cho biết.

Ca cao trồng từ 3 năm có thể cho thu hoạch quả bói với sản lượng hạt quy khô từ 5 - 8 tạ/ha, khi trưởng thành, có thể cho thu hoạch từ 2 - 2,5 tấn hạt khô/ha. 
Tại Đắk Lắk, hình thức tiêu thụ ca cao chính là nông dân tự sơ chế lên men tại nhà, sau đó bán lại hạt khô cho hệ thống đại lý thu mua của Cty TNHH Cargill Việt Nam. Nông dân cho biết so với tiêu và cà phê, giá ca cao khá ổn định khoảng 45 - 50 nghìn đồng/kg hạt khô, ít trồi sụt. 
Hiện 1 kg ca cao hạt khô tại Đắk Lắk có giá khoảng 53 nghìn đồng, quy ra mỗi năm một gốc thâm canh tốt có thể cho thu hoạch từ 2 - 3 kg hạt khô tương đương từ 110 - 150 nghìn đồng/cây. Mỗi ha cao trồng với mật độ trung bình 1.000 cây/ha, trừ chi phí đầu tư phân bón có thể cho lãi ròng từ 50 - 70 triệu đồng/ha.
 Ngoài hạt khô, phụ phẩm của ca cao như vỏ có thể cho gia súc như trâu bò ăn, hoặc SX phân hữu cơ. Bên cạnh đó, nước ép từ quá trình sơ chế hạt ca cao có thể dùng SX rượu ca cao rất ngon, tăng thu nhập cho nông dân.

+  Theo điều tra của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), trong tổng số hơn 22 nghìn ha ca cao của cả nước (tính đến tháng 11/2013), mới chỉ có khoảng 30% diện tích ca cao trồng đúng kỹ thuật, 30% diện tích gần như không được chăm sóc đầu tư.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân được mùa lớn, giá cao chưa từng thấy, nông dân vui phơi phới

Nông dân Phú Yên đang thu hoạch lúa đông xuân trong niềm vui lớn khi lúa vừa được mùa, giá lại cao chưa từng thấy.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.